Đi xa hơn một thái độ trong khi cầu nguyện, bài Tin Mừng hôm nay đề cập đến những thái độ sống của chúng ta trước Nhan Thiên Chúa và cho thấy đâu là yếu tố làm cho chúng ta được nên công chính thật sự.
Tin Mừng Chúa Nhật XXX Thường Niên – Năm C
Lc 18,9-14
9 Đức Giêsu kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác: 10 “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pharisêu, còn người kia làm nghề thu thuế. 11 Người Pharisêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. 12 Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con. 13 Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi. 14 Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”
Suy niệm
Thoạt kỳ thủy, những lời của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay không nhắm trước hết đến một giáo huấn về việc cầu nguyện. Việc khắc họa hình ảnh hai con người lên đền thờ cầu nguyện trong câu chuyện chỉ là một cách thức giúp chúng ta dễ dàng hình dung về họ trong một khung cảnh tốt nhất để nói về Thiên Chúa, về tình yêu của Thiên Chúa dành cho những con người bị gạt ra bên lề, và đồng thời để phê bình những thái độ tôn giáo sai lạc.
Sau đó, Thánh Luca đã đưa vào câu chuyện một cách nhìn mang tính luân lý khi ông tập chú vào thái độ luân lý của hai nhân vật, và câu chuyện biến thành một trình thuật về hai tấm gương về thái độ của con người ta khi cầu nguyện.
Mở đầu trình thuật, Thánh Luca khẳng định rằng Đức Giêsu kể câu chuyện này “cho một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác” (c.9).
Sau đó, tác giả trình bày hai nhân vật điển hình hoàn toàn trái ngược nhau. Người Pharisêu là người trung thành với Luật, là gương mẫu của những kẻ “đạo đức”. Người thu thuế, trái lại, là một con người bị coi là có tội, cộng tác với quân xâm lược và là điển hình của những “kẻ tội lỗi”. Hai người này đều lên đền thờ cầu nguyện. Bối cảnh cầu nguyện được sử dụng để làm lộ rõ hai thái độ tôn giáo điển hình trước Nhan Thiên Chúa.
“Người Pharisêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con” (cc.11-12). Người Pharisêu bắt đầu cầu nguyện bằng một lời tạ ơn. Nhưng đọc kỹ, ta thấy đây không phải là một lời tạ ơn đích thật, mà là một lời tự tán dương mình trong một thái độ tự mãn đáng ngại. Anh ta tỏ ra hài lòng một cách thái quá về chính mình và tưởng rằng Thiên Chúa cũng phải hài lòng về anh vì những việc tốt lành anh đã thực hiện. Rồi anh ta so sánh mình với người khác và cao ngạo coi mình “không như bao kẻ khác”. Sau đó, anh ta trình bày những điều tốt lành mà anh ta đã thực hiện được. Tất cả những công việc anh ta kể ra đều là thật. Đúng thực là anh ta ăn chay mỗi tuần hai lần, vượt quá mức độ Luật đòi hỏi. Đúng thật là anh đóng thuế đền thờ 1/10 thu nhập. Điều đáng phàn nàn là phía sau lời tạ ơn của anh chàng Pharisêu này là một thái độ rất sai lạc. Anh ta không tạ ơn vì Thiên Chúa đã giúp anh tránh được những điều xấu và thì hành được những điều tốt. Anh tự phụ cho rằng những việc tốt lành anh đã làm là do sức riêng anh, là kết quả của những nỗ lực riêng của chính anh, và rằng Thiên Chúa phải chuẩn nhận giá trị của những nỗ lực riêng đó của anh. So sánh với người khác, anh tự hào về chính mình và khinh thường họ.
“Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (c.13). Sẽ là không cần thiết việc xác định nơi chỗ người thu thuế này cầu nguyện trong đền thờ. Chỉ biết rằng anh đứng đàng xa trong tư thế một kẻ có tội. Hai hành động cho thấy rõ ý thức của anh về tình trạng tội lỗi của mình. Trước hết, anh không dám ngước mắt lên trời. Đây là thái độ thông thường, nhưng không nhất thiết phải có, của những người tội lỗi khi cầu nguyện. Vì hối hận? Vì sợ hãi? Hay vì cả hai điều đó? Hành động thứ hai là việc anh đấm ngực, vừa như là dấu hiệu tỏ lòng sám hối, vừa như là dấu hiệu đau đớn trong lòng.
Trong lời cầu nguyện của mình, anh thu thuế không kể lể bất cứ điều gì. Không kể lể công phúc. Không kể lể chi tiết những tội đã phạm. Anh chỉ van nài lòng thương xót của Thiên Chúa và tế nhận mình là kẻ có tội. Lời cầu nguyện của anh gợi cho chúng ta nhớ đến Tv 51,3, trong đó, anh chân thành phó mình cho lòng lân tuất của Thiên Chúa và không nhắc đến bất cứ căn cứ nào để kể mình là xứng đáng được hưởng ơn tha thứ.
Sau khi mô tả thái độ của người Pharisêu và của người thu thuế, Chúa Giêsu tuyên bố: “Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không” (c.14a). Lời tuyên bố của Đức Giêsu ở đây được mở đầu bằng một công thức long trọng “Tôi nói cho các ông biết”. Người thu thuế, kẻ tự nhận là người tội lỗi, lại được công bố là vừa lòng Thiên Chúa và được nên công chính mà chẳng phải làm bất cứ việc đền tội gì. Nhưng trái lại, chính Thiên Chúa lại từ chối ơn cứu độ cánh chung cho kẻ đã cố gắng hết mình với tất cả những phương thế anh ta có trong tay để tránh những điều xấu và tuân thủ những đòi hỏi của Luật.
Thoạt kỳ thủy, có lẽ Đức Giêsu kể dụ ngôn này cho những người Pharisêu, là những kẻ phê bình Ngài vì Ngài thường xuyên lui tới với những con người tội lỗi và những kẻ thu thuế, lại còn công bố Tin Mừng cho họ. Vì thế, điểm nhấn của câu chuyện là khắc họa hình ảnh Thiên Chúa là Cha yêu thương những kẻ tội lỗi và luôn đi bước trước trong tình yêu cứu độ, chứ không ngồi chờ con người đi bước trước trong tương quan với Ngài.
Người Pharisêu trong dụ ngôn đã cột chặt lời tạ ơn Thiên Chúa vào với sự khinh bỉ tha nhân. Anh ta bị Đức Giêsu kết án nặng lời là vì anh ta đã không hành xử theo tư tưởng của Thiên Chúa, là Đấng yêu mến những con người tội lỗi. Anh ta đã không hề để cho lòng lân tuất xót thương của Thiên Chúa được rạng tỏ trong cuộc sống và con người của anh ta, đến nỗi anh ta trở nên thiếu sót và khắc nghiệt, ngạo mạn trong tương quan với tha nhân. Và đó là điều đáng trách.
Nhưng có lẽ điều mà Đức Giêsu kết án trực tiếp và mạnh mẽ hơn nơi người Pharisêu trong dụ ngôn, là thái độ sai lầm của họ đối với Thiên Chúa. Đây là điều liên quan đến một trong những khía cạnh chính yếu trong chọn lựa của những người Pharisêu.
Khác hẳn lời cầu nguyện của người thu thuế, lời cầu nguyện của người Pharisêu trong dụ ngôn được đặc trưng bởi hai yếu tố: (1) sự thống lĩnh của yếu tố “tôi” xét như là chủ thể của mọi hành động và (2) sự thiếu vắng lời xin ơn tha thứ. Người Pharisêu chỉ nghĩ đến chính mình, coi mình là trung tâm, ngay cả trong việc anh ta dâng lời tạ ơn Thiên Chúa. Anh ta chẳng hề xin ơn tha thứ vì anh ta không nghĩ rằng mình có tội; anh ta không cảm thấy mình nợ nần gì Thiên Chúa. Anh ta, như thế, là nạn nhân của chính sự sốt sắng đạo đức của mình, một sự sốt sắng đạo đức đã đẩy anh ta đến chỗ đánh mất khả năng nhận ra mình là tội nhân và đánh mất khả năng hướng cuộc đời mình về Thiên Chúa đích thật.
Người Pharisêu đã không nói dối trong lời cầu nguyện, nhưng trong cách đánh giá của anh ta về chính mình và về hành động của mình, anh ta phạm phải ba điều sai lầm lớn, thậm chí là ba điều trí trá đáng phàn nàn. Trước hết, anh ta đã coi những điều tốt lành mà mình làm được là những điều xuất phát từ chính anh, chứ không phải là những ơn huệ của Thiên Chúa. Anh ta lấy mình làm trung tâm và tự tại nơi mình. Thứ hai, anh ta quá tự cao tự đại, tự cho mình thuộc hàng cao quý trong phương diện tâm linh và coi thường những người khác. Cuối cùng, anh tưởng rằng mình đã hoàn thành mọi ý muốn của Thiên Chúa và hoàn toàn có thể hài lòng về chính mình. Anh tưởng rằng Thiên Chúa bị bắt buộc phải hài lòng về anh, bởi anh đã sống quá chuẩn, không chê trách vào đâu được.
Chúng ta cũng có thể phạm phải những điều sai lạc đáng sợ ấy, ví dụ khi chúng ta nghĩ rằng chúng ta chẳng có tội lỗi gì, rằng mọi chuyện trong cuộc sống chúng ta đều đâu vào đấy, rằng chúng ta chẳng có lỗi gì để phải vào tòa giải tội, rằng chắc hẳn Thiên Chúa và anh chị em phải hài lòng về chúng ta, rằng chúng ta chẳng làm phiền gì ai, rằng chúng ta chẳng bao giờ vi phạm điều răn nào… Nhưng thánh ý của Thiên Chúa thì không chỉ là chúng ta không làm điều xấu, mà còn là chúng ta phải liên tục thực hiện những điều tốt lành và tích cực. Không tham lam, bất chính, ngoại tình… đã là đáng khen lắm rồi, nhưng còn phải yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và yêu tha nhân như chính bản thân mình. Ai có thể thực hiện trọn vẹn được lệnh truyền đó của Thiên Chúa?
Điểm xuất phát của người Pharisêu thật tốt lành, nhưng chính những điều tốt mà anh ta thực hiện được lại đã đẩy anh ta đến chỗ tự tại nơi mình trước Nhan Thiên Chúa, ngạo mạn trong cái nhìn về tha nhân và mù quáng không nhận ra những lời mời gọi tích cực trong lệnh truyền và thánh ý của Thiên Chúa.
Trái lại, điểm xuất phát của người thu thuế trong dụ ngôn là một điểm tiêu cực. Anh ta thật sự là một kẻ tội lỗi. Anh ta không thể biện minh cho hành động tội lỗi mà anh ta đã phạm. Và trong lời cầu nguyện cũng như trong thái độ của mình, anh đã diễn tả một cách đánh giá đúng đắn về con người và hành động của mình. Là con người tội lỗi, anh ý thức sâu sắc về tình trạng tội lỗi của chính mình và mong mỏi, tìm kiếm sự hòa giải với chính Thiên Chúa. Anh hoàn toàn phó mình cho Thiên Chúa, tuyên xưng rằng mình hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa và van xin Người thương xót thứ tha. Anh đã đặt mình vào trong một thái độ và cách hành xử đúng đắn, một cách hành xử tôn vinh Thiên Chúa vì cho phép Thiên Chúa có thể ban tặng chính mình Ngài cho anh một cách hoàn toàn nhưng không.
Chính vì thế, anh được trở nên công chính.
Tóm lại, đi xa hơn một thái độ trong khi cầu nguyện, bài Tin Mừng hôm nay đề cập đến những thái độ sống của chúng ta trước Nhan Thiên Chúa và cho thấy đâu là yếu tố làm cho chúng ta được nên công chính thật sự.
“Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (c.14).
Lm. Giuse Nguyễn Thể Hiện, DCCT