Một trong những thách thức mà cuộc bầu cử Donald Trump đặt ra cho Công giáo (không chỉ ở Hoa Kỳ) là Công giáo sẽ đáp ứng như thế nào với cuộc nổi dậy của chủ nghĩa dân túy. Liệu Công giáo Rôma sẽ bảo vệ tầm nhìn về thế giới của mình, vốn đề cao tính phổ quát và hướng toàn cầu?
Theo Massimo Faggioli, giáo sư thần học và tôn giáo học của Đại học Villanova, đây là một thách thức đặc biệt đối với giới được gọi là trí thức Công giáo – các nhà thần học, nhà văn, giáo sư và các nhà xuất bản, cũng như các giáo sĩ, các tu sĩ và các giám mục.
Theo nghĩa này, người ta càng thấy rõ hơn các vết gãy trong cách người Công giáo Mỹ chấp nhận (hoặc không) tầm nhìn của Đức Thánh Cha Phanxicô dựa trên tính chất toàn cầu của đạo Công giáo.
Đức Phanxicô bảo vệ một thế giới quan Công giáo kiên trì với tầm nhìn phổ quát, đúng nghĩa của hạn từ “công”.
Đây không chỉ là quan điểm cá nhân của Đức Thánh Cha về vai trò Công giáo trong các vấn đề thế giới. Nó thực sự là một phần không thể thiếu của thế giới quan Công giáo, phát triển đặc biệt trong thời hiện đại, với sự từ chối các hình thức khác nhau của chủ nghĩa dân tộc Công Giáo – chẳng hạn như Gallicanism ở Pháp và xa hơn nữa, Febronianism ở Đức và Josephinism ở Áo.
Sự từ chối của Giáo hội Công giáo đối với chủ nghĩa dân tộc đã đặc biệt rõ ràng trong thế kỷ vừa qua. Massimo Faggioli cho rằng có sự tương đồng thú vị giữa thời điểm hiện tại trong nền chính trị của thế giới chúng ta với cách thức Giáo hội đã từng sử dụng để phản ứng và đáp trả những hậu quả của tình trạng hỗn loạn về xã hội và ý thức hệ.
Massimo Faggioli kể rằng trong những năm 1920, ví dụ, Đức Piô XI đã cố gắng phản ứng chống lại sự gia tăng chủ nghĩa dân tộc bằng cách thúc đẩy lòng tôn kính đối với “vương quyền phổ quát của Chúa Kitô” – một trong những việc sùng kính mà Đức Giáo hoàng Phanxicô đang giải thích lại từ điểm nhìn của người nghèo. Trong Tông thư mới nhất của mình – “Misericordia et misera”, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã quyết định thành lập “Ngày Thế giới của người nghèo”, được cử hành vào Chúa nhật trước ngày Đại Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ. Đây là nỗ lực đem lại một ý nghĩa hiện đại và mới mẻ cho một lễ đã được tạo ra vào năm 1925 trong hoàn cảnh gia tăng chủ nghĩa dân tộc.
Năm 1945, sau Thế chiến II và sự thất bại của chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản, các dự án dân chủ Kitô giáo ở châu Âu là một nỗ lực phục hồi trật tự xã hội. Nó cũng đã được lấy cảm hứng từ học thuyết xã hội của Giáo hội.
Trong những năm 1960, tầm nhìn về chính trị của Công đồng Vatican II đã bác bỏ sự phân cực về ý thức hệ của Chiến tranh Lạnh, ca ngợi các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc và UNESCO và chấp nhận (nếu không nói là hoàn toàn chấp nhận) nền dân chủ lập hiến. Ngay cả trước khi chủ nghĩa cộng sản kết thúc, Đức Gioan Phaolô II đã hình dung về một trật tự thế giới mới, nơi các tôn giáo – và Giáo hội Công giáo nói riêng – được kêu gọi đóng vai trò chính cho một trật tự quốc tế mới. Cuộc họp liên tôn thế giới đầu tiên do Vatican tài trợ đã diễn ra tại Assisi vào năm 1986, ba năm trước khi Bức tường Berlin sụp đổ.
Bây giờ chúng ta đang ở một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử.
Bước ngoặt này được đánh dấu bằng cuộc bầu cử Trump, cuộc trưng cầu Brexit, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc ở châu Âu, một niềm đam mê với những con người mạnh bạo trong chính trị và, nói chung, hứa hẹn rằng các quyền xã hội và chính trị (bao gồm quyền tự do tôn giáo) sẽ được bảo vệ.
Đây là những “dấu chỉ thời đại” cho Giáo Hội Công Giáo, và không chỉ ở Hoa Kỳ. Và những dấu chỉ này đòi hỏi sự phân định thần học nghiêm túc.
Vai trò của Giáo Hội cũng đang trở thành quan trọng trong hai quốc gia trọng điểm ở châu Âu, nơi các cuộc bầu cử sắp tới sẽ có ảnh hưởng đến việc định hình tương lai của châu lục này. Tại Pháp, cuộc bầu cử sơ bộ gần đây đã làm nổi bật trên chính trường hai ứng cử viên Công giáo theo lập trường trung hữu – François Fillon và Alain Juppé – những người đại diện cho những sự nhạy cảm khác nhau đối với các vấn đề đa văn hóa và quan điểm của các giám mục người Pháp về cuộc tổng tuyển cử vào mùa xuân tới.
Tại Đức một cuộc tranh luận dữ dội đang được triển khai xung quanh mối quan hệ giữa Giáo hội Công giáo và đảng dân tộc chủ nghĩa kiểu mới và chống đa văn hóa AfD (Alternative für Deutschland, có nghĩa là, Chọn lựa khác cho Đức). Cuộc tranh luận gần đây được chú ý đặc biệt với cuộc trao đổi gay cấn giữa Daniel Deckers của Frankfurter Allgemeine Zeitung, và Andreas Püttmann của Katholisch.de, tiếng nói của Hội đồng Giám mục Công giáo Đức.
Dù lý do đã thúc đẩy người Công giáo bỏ phiếu cho Trump tại Hoa Kỳ, Brexit ở Vương quốc Anh, AfD ở Đức và Liên đoàn miền Bắc của Ý là gì đi nữa, thì ảnh hưởng của chương trình nghị sự dân tộc chủ nghĩa kiểu mới vẫn về căn bản chống lại truyền thống Công giáo.
Điều quan trọng không phải là bảo vệ một sự toàn cầu hóa tư bản chủ nghĩa, mà là đề nghị được một sự toàn cầu hóa khác.
Tuy nhiên, không phải tất cả các giám mục đều có cùng một tầm nhìn như Đức Giáo Hoàng Phanxicô và đều đồng ý với quan điểm của ngài về nền kinh tế hiện đại. Điều này đặc biệt rõ ở Hoa Kỳ, nơi các giám mục chia rẽ nhau khá trầm trọng.
Các nhà lãnh đạo Công giáo Hoa Kỳ đã bất hòa về nhận thức giữa một bên là các hệ thống gắn liền hiện trạng của chủ nghĩa tư bản mà họ gắn bó sâu sắc, và bên kia là vận hành trong một hệ thống đưa họ đến chỗ thi hành giáo huấn xã hội của Đức Giáo hoàng. Và thật đáng buồn: chúng ta có thể thấy rõ ràng rằng nhiều vị trong các giám mục Mỹ dường như gần gũi với quan điểm của Donald Trump hơn quan điểm của Đức Giáo hoàng.
Nhưng phần còn lại của các tầng lớp Công giáo cũng có trách nhiệm chống chương trình dân tộc chủ nghĩa kiểu mới này.
Theo Massimo Faggioli, cách tốt nhất cho nền thần học Công giáo đóng góp vào việc xác định lại toàn cầu hóa là gìn giữ căn tính công giáo của mình trong ý thức phổ quát.
Công giáo là mô hình phổ biến nhất và bắt rễ sâu nhất của toàn cầu hóa và đa văn hóa trong thế giới ngày nay. Giáo hội Công giáo, vì tính phổ quát của nó, là tổ chức duy nhất sẵn sàng cho việc thể hiện một hình thức khác của toàn cầu hóa. Và điều đó đòi hỏi một trách nhiệm đặc biệt của các giám mục và các nhà thần học, vì công việc của họ có thể có những hệ quả chính trị toàn cầu.
Minh Tâm