“Các giá trị được thể hiện trong Hiến chương của Liên hợp quốc, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến việc tôn trọng nhân quyền cơ bản cũng như nhân phẩm và giá trị của con người, phải là trọng tâm các phản ứng của chúng ta đối với tình cảnh của những người tị nạn và những người di cư”, Đức Cha Jurkovic bắt đầu tuyên bố của mình trước Cao ủy LHQ về Người tị nạn, đươc tổ chức tại Geneva vào ngày 10 tháng 7 năm 2017.
Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại LHQ và các Tổ chức Quốc tế khác đã phát biểu trong một cuộc thảo luận về chủ đề một Hiệp ước Toàn cầu về vấn đề Người tị nạn. Bài phát biểu có tựa đề: “Các Thoả thuận chia sẻ trách nhiệm và gánh nặng trong quá khứ và hiện tại”.
Đức Cha Jurkovic kêu gọi “một thể thức tài trợ dành riêng cho việc hỗ trợ phát triển năng lực nhằm thực hiện các cam kết quốc tế liên quan đến vấn đề di dân” và “‘các hiệp định’ dựa trên các giá trị và nguyên tắc đã có từ lâu, đã được các quốc gia nêu rõ và được ghi nhận trong các văn kiện quốc tế có liên quan đến các phong trào quần chúng của những người tị nạn”.
Điều này cũng hết sức cần thiết, Đức Cha Jurkovic cho biết, “để cải thiện sự hợp tác trong việc giảm các phong trào bất hợp luật và phá hủy các mạng lưới hình sự”, đồng thời tạo điều kiện cho “sự hội nhập của những người tị nạn”. Một giải pháp “bền vững, hiệu quả và toàn cầu dường như là không thể, Đức Cha Jurkovic nhấn mạnh, nếu không có sự tham gia của tất cả các bên có liên quan”.
Dưới đây là phát biểu của Đức TGM Ivan Jurkovič:
***
Tuyên bố của Đức TGM Ivan Jurkovič,
Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh
tại Liên hợp quốc và các Tổ chức Quốc tế khác
tại Geneva
Tại cuộc thảo luận theo chủ đề sô 1 của Hiệp ước Toàn cầu về Người tị nạn
“Các thoả thuận chia sẻ gánh nặng và trách nhiệm
trong quá khứ và hiện tại”
Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn
Geneva, ngày 10 tháng 7 năm 2017
Phái đoàn của tôi hoan nghênh sự hiện diện của hai đồng chủ tọa và đồng thời cảm ơn các thành viên của các nhóm tham gia hội thảo vì những bài thuyết trình chu đáo của họ.
Các giá trị được thể hiện trong Hiến chương của Liên hợp quốc, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến việc tôn trọng nhân quyền cơ bản cũng như nhân phẩm và giá trị của con người, phải là trọng tâm các phản ứng của chúng ta đối với tình cảnh của những người tị nạn và những người di cư. Những nguyên tắc cơ bản như vậy được khẳng định bởi hầu hết các truyền thống tôn giáo lớn trên thế giới và bởi những người có thành tâm thiện chí. Quy tắc vàng khuyên chúng ta phải đối đãi với những người tị nạn và những người di cư theo cách mà chúng ta muốn người khác đối xử với chúng ta nếu như chúng ta đang ở trong hoàn cảnh của họ.
Thông qua Chương trình nghị sự 2030 và Tuyên bố New York, các Quốc gia thành viên của Liên hợp quốc đã cam kết thực hiện một loạt các ưu tiên chung. Trong lĩnh vực chính sách thương mại, các hành động như vậy được tạo điều kiện thông qua một “phong bì tài chính” cụ thể, được gọi là ‘viện trợ thương mại’ (Aid for Trade). Trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, một hệ thống tài chính kĩ lưỡng đã tồn tại để hỗ trợ cho việc thích ứng và giảm nhẹ ở các nước đang phát triển. Tương tự như vậy, chúng ta cần một thể thức tài trợ dành riêng để hỗ trợ phát triển năng lực nhằm thực hiện các cam kết quốc tế liên quan đến vấn đề di cư.
Bằng cách đưa vào một số mục tiêu liên quan đến vấn đề di cư trong Chương trình nghị sự 2030 và áp dụng Tuyên bố New York, các quốc gia đã bắt đầu thừa nhận rằng việc quản lý vấn đề di cư quốc tế là một trách nhiệm chung và sẽ đòi hỏi một cam kết chung để dịch thuật những từ ngữ trong tuyên bố trên thành các thành phẩm để mọi người có thể hiểu được. Cái tên “Global Compact” đã được chọn nhằm đảm bảo hành động toàn cầu đối phó với hiện tượng toàn cầu: hiện nay có 65,6 triệu người trên toàn thế giới đã bị buộc phải rời bỏ quê hương xứ sở, trong đó có gần 22,5 triệu người tị nạn (1).
Khi đối diện với hiện tượng này, chúng ta ý thức được rằng tinh thần liên đới với một phần đáng kể của nhân loại đau khổ không xảy ra mà không có sự hy sinh. Trong một số trường hợp, số người tị nạn vượt quá dân số địa phương, đã cho thấy những khó khăn rõ ràng trước mắt. Vì thế, để quản lý vấn đề này, điều cần thiết là tất cả các chính phủ và các thành viên của xã hội dân sự đều có trách nhiệm và gánh nặng tương ứng với tinh thần liên đới thực sự. Chúng ta cần một hành động toàn cầu được neo chặt trong tinh thần liên đới.
Hiệp ước Toàn cầu về người tị nạn nên nhắm mục đích đưa ra “các hiệp định” dựa trên các giá trị và nguyên tắc lâu đời, đã được các quốc gia nêu rõ và do đó được ghi nhận trong các văn kiện quốc tế liên quan đến các phong trào quần chúng của những người tị nạn. Để đạt được mục tiêu này, như ĐTC Phanxicô đã kêu gọi, phản ứng chung của tất cả chúng ta “phải được trình bày bằng bốn động từ: chào đón, bảo vệ, khuyến khích và hội nhập” (2).
Một ưu tiên hàng đầu đối với các quốc gia sẽ và cần phải cải thiện hợp tác để giảm các phong trào bất hợp luật và phá hủy các mạng lưới hình sự vốn thực hiện việc kinh doanh của những người di dân thực hiện việc buôn lậu hoặc việc buôn người, lợi dụng sự tuyệt vọng cùng đường cũng như mong muốn tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn của những con người tội nghiệp này. Tuy nhiên, do áp lực của công chúng đối với “vấn đề nhập cư bất hợp pháp” đang gia tăng, các quốc gia nên chú ý đến các bài học từ việc đối phó với các hình thức buôn bán bất hợp pháp khác và tránh việc hình sự hóa đối với các nạn nhân. Các quan hệ đối tác song phương, khu vực và liên cũng như các nền tảng hợp tác về vấn đề di cư có thể cung cấp các địa điểm có giá trị đối với việc xây dựng sự tin tưởng và tăng cường năng lực. Quá trình này cũng có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thực tiễn và hợp tác của chính phủ đối với những người di dân bất hợp pháp, nạn buôn người và những người nhập cư buôn lậu được hướng dẫn bởi sự tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm cả luật nhân quyền và luật tị nạn, đồng thời không làm ảnh hưởng đến quyền xin tị nạn.
Khi đến được với những quốc gia tiếp nhận, những người tị nạn thường nhận thấy sự thiếu tin tưởng, nghi ngờ, kỳ thị, phân biệt chủng tộc cũng như thiếu các chính sách rõ ràng làm cản trở việc được chấp nhận của họ nơi các quốc gia này. Sau khi bị buộc phải rời khỏi quê hương xứ sở, họ đã thường phải đối diện với việc bị từ chối, loại trừ, và thiếu đi sự hoan nghênh đón tiếp ở những nơi mà họ tìm kiếm sự chào đón và bảo vệ.
Việc thay đổi hành vi là cần thiết đối với tất cả mọi người, “tránh xa thái độ phòng thủ, sợ hãi, thờ ơ và cho người khác là thứ yếu – tất cả đều là điển hình của một nền văn hoá thải loại – đối với những thái độ dựa trên nền văn hoá của sự gặp gỡ, một nền văn hóa tốt đẹp nhất.
CHÚ THÍCH
- Dữ liệu của Cao ủy LHQ về Người tị nạn (UNHCR), http://www.unhcr.org/figures-at-a-gluge.html
- Sứ điệp của ĐTC Phanxicô gửi Diễn đàn Quốc tế lần thứ 6 về vấn đề Di dân và Hòa bình, ngày 21 tháng 2 năm 2017. http://w2.vatican.va/content/francesco/en/speeches/2017/february/documents/papa-francesco_20170221_forum-migrazioni-pace.html
Minh Tuệ (theo Zenit)