Tân Hồng y 96 tuổi: “Nếu tôi tha tội quá nhiều, đó là ‘lỗi’ của Chúa Giêsu!”

Đức Hồng y tân cử Luis Pascual Dri với Đức Thánh Cha Phanxicô tại nhà khách Santa Marta của Vatican (Ảnh: Vatican News)

Đức Hồng y tân cử Luis Pascual Dri với Đức Thánh Cha Phanxicô tại nhà khách Santa Marta của Vatican (Ảnh: Vatican News)

Câu ngạn ngữ cổ trong Kinh Thánh rằng ‘kẻ rốt hết sẽ nên trước hết’ có thể áp dụng cho bất kỳ nhóm người và hoàn cảnh nào, một trong số đó là Linh mục Luis Pascual Dri người Argentina, người mà mặc dù đứng cuối cùng trong danh sách các tân Hồng y được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm, lại chiếm một vị trí cao trong lòng kính mến của Đức Thánh Cha.

Thường được Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc đến như một biểu tượng về những gì một Linh mục ngồi tòa giải tội phải hướng đến, Cha Dri trong nhiều năm đã dành vô số thời gian trong tòa giải tội của Đền thờ Đức Mẹ Pompei ở Buenos Aires, cẩn thận nuôi dưỡng những nghi ngờ về việc liệu ngài có “tha tội quá nhiều hay không”.

Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Avvenire, nền tảng tin tức chính thức của các Giám mục Ý, Cha Dri chia sẻ rằng chính Chúa Giêsu “đã nêu gương xấu cho tôi”.

“Chúa Giêsu đã tha thứ cho tất cả mọi người: Phêrô, người phụ nữ ngoại tình, Mát-thêu, tất cả mọi người…Thậm chí ngay cả tên trộm nhân lành trên thập giá”, Cha Dri nói, đồng thời cũng cho biết thêm rằng bất cứ khi nào ngài bị các anh em cau mày vì “các tín hữu luôn vui vẻ ra về” sau khi đi xưng tội, ngài đã có sẵn câu trả lời.

“Tôi quỳ trước nhà tạm, và tôi nói với Chúa Giêsu: ‘Lạy Chúa, xin tha thứ cho con nếu con tha tội quá nhiều, nhưng tự trong thâm tâm, đó là lỗi của Người’”, Cha Dri nói.

Đức Hồng y tân cử Luis Pascual Dri trong tòa giải tội cách âm của ông ở Buenos Aires (Ảnh: Vatican News)

Đức Hồng y tân cử Luis Pascual Dri trong tòa giải tội cách âm của ông ở Buenos Aires (Ảnh: Vatican News)

Ở tuổi 96, Cha Dri là người lớn tuổi nhất trong số 21 tân Hồng y sẽ nhận mũ đỏ từ Đức Thánh Cha Phanxicô vào ngày 30 tháng 9, mặc dù ngài nói rằng ngài có thể sẽ không đến được Rôma do tuổi tác và sức khỏe.

Mặc dù Cha Dri, giống như Đức Thánh Cha Phanxicô, phần lớn phải ngồi xe lăn, nhưng mỗi buổi sáng và buổi chiều kể từ khi nghỉ hưu vào năm 2007, ngài đã ngồi tòa giải tội của Đền thờ Đức Mẹ Pompei ở Buenos Aires, để giải tội cho bất kỳ ai muốn đến xưng tội.

Sinh năm 1927, Cha Dri thường được Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc đến trong các cuộc trò chuyện với các Linh mục như một mẫu gương của một Cha giải tội thánh thiện về thái độ chào đón và lòng thương xót của ngài.

Theo một bài báo của nhà báo Andrea Tornielli, giám đốc biên tập của Vatican, trên Vatican News, nền tảng truyền thông của Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc đến Cha Dri lần đầu tiên sau khi đắc cử Giáo hoàng vào tháng 3 năm 2014 trong một cuộc gặp với các Linh mục ở Rôma, và vài tháng sau, Đức Thánh Cha lại tiếp tục đề cập đến Cha Dri trong một Thánh lễ truyền chức Linh mục vào tháng 5 năm đó.

Ông Tornielli, người trước khi giữ chức vụ ở Vatican, là một cây bút nổi tiếng của trang tin tức Vatican Insider, đã thực hiện một cuốn sách phỏng vấn Đức Thánh Cha Phanxicô vào năm 2016 với nhan đề “Tên Ngài là Lòng Thương Xót” trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, trong đó Đức Thánh Cha Phanxicô một lần nữa ca ngợi Cha Dri như một mẫu gương về một Cha giải tội thánh thiện.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã một lần nữa nhắc đến Cha Dri trong bài giảng trong Thánh lễ vào tháng 2 năm 2016 với các Tu sĩ Dòng Capuchin, và ngài cũng đã đề cập đến mẫu gương của Cha Dri trong cuộc gặp gỡ gần đây với các Linh mục ở Rôma.

Trong nhiều lần đề cập đến Cha Dri, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gọi tu sĩ Dòng Capuchin này là “một Cha giải tội vĩ đại”, đồng thời cũng cho biết rằng khi còn ở Buenos Aires, ngài và Cha Dri thường nói về lòng thương xót, và Cha Dri đôi khi tâm sự rằng ngài sợ mình “đã tha tội quá nhiều”.

Đề cập đến thói quen của Cha Dri khi đổ lỗi việc sốt sắng tha thứ cho Chúa Giêsu, Đức Thánh Cha Phanxicô từng nói: “Điều này tôi sẽ không bao giờ quên. Khi một linh mục cảm nghiệm được lòng thương xót của chính mình theo cách này, thì ngài có thể ban phát lòng thương xót cho người khác”.

Trong cuộc phỏng vấn với Avvenire, Cha Dri cho biết ngài lấy cảm hứng từ Thánh Leopold Mandic Dòng Capuchin, một vị thánh cùng thời với Thánh Padre Pio mà cả ngài lẫn Đức Thánh Cha Phanxicô đều sùng kính.

Cha Dri cho biết ngài đã đọc nhiều bài viết của Thánh Mandic và đã “học được rất nhiều” từ vị Tu sĩ Dòng Capuchin.

Được Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II tuyên thánh, Cha Mandic đã phải chịu đựng sự tật nguyền trong phần lớn cuộc đời của mình, và do thể chất yếu ớt, ngài đã dành phần lớn thời gian để ngồi tòa giải tội. Cha Mandic thường dành 10-15 giờ mỗi ngày để ngồi tòa giải tội, và được biết đến là người nhân hậu và quảng đại với các hối nhân của mình.

Tương tự như những gì Cha Dri đã nói, Thánh Mandic trong các bài viết của mình nói rằng bất cứ khi nào ngài bị chỉ trích vì quá khoan dung với các hối nhân, thánh nhân sẽ đáp lại rằng: “Nếu Đấng Chịu Đóng Đinh khiển trách tôi vì đã khoan dung, tôi sẽ trả lời Ngài: ‘Lạy Chúa, chính Người đã nêu gương xấu cho con như vậy. ví dụ. Con vẫn chưa đạt đến sự điên rồ của Người khi chịu chết để cứu rỗi các linh hồn!’”.

Vào năm 2016, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cung nghinh thánh tích của Thánh Mandic và di hài bất hoại của Thánh Pio thành Pietrelcina, thường được gọi là “Padre Pio”, tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô để công chúng tôn kính như một trong nhiều sáng kiến của ngài cho Năm Thánh Lòng Thương Xót.

Trong cuốn sách phỏng vấn với nhà báo Tornielli, Đức Thánh Cha Phanxicô, giống như Cha Dri, đã đề cập đến Thánh Mandic như một mẫu gương về lòng thương xót, trích dẫn một bài giảng của Đức Hồng y Albino Luciani trước khi được bầu làm Giáo hoàng Gioan Phaolô I, trong đó ngài viện dẫn hình ảnh một con lừa ngã xuống đường, nhấn mạnh rằng việc dùng gậy đánh nó bắt nó đứng dậy cũng chẳng ích gì, trái lại một bàn tay dịu dàng và giúp đỡ sẽ giúp nó vực dậy.

“Đây chính là phương pháp, và Cha Leopold đã áp dụng toàn bộ phương pháp này”, Đức Thánh Cha nói về Thánh Mandic.

Phát biểu với Avvenire, Cha Dri nói rằng trong khi Đức Thánh Cha Phanxicô vẫn còn ở Buenos Aires với tư cách là Tổng Giám mục, “Ngài thường xuyên gọi cho tôi”.

Cha Dri cho biết ngài thường xin lời khuyên của Đức Bergoglio, và vị Hồng y lúc bấy giờ “luôn đưa ra lời khuyên đó cho tôi một cách ngắn gọn và sâu sắc”.

Bí quyết để trở thành một Cha giải tội tốt lành đó là “niềm nở đón tiếp tất cả mọi người. Đón nhận họ với lòng cảm thương, khiến họ cảm thấy tự nhiên”.

Khi được hỏi làm thế nào một Mục tử có thể học để trở thành một Cha giải tội tốt lành, Cha Dri cho biết điều đó được thực hiện “bằng cách ngồi tòa tội. Không có cách nào khác”.

“Chính những cú giáng trong cuộc đời khiến bạn nhận ra sai lầm và cách cải thiện. Để giải tội cho người khác, điều cần thiết là phải ý thức mình là tội nhân. Chỉ khi bạn nhận thức rằng bạn không tốt lành hơn những người giáo dân tìm đến bạn, thì bạn mới có thể giải tội cho họ”, Cha Dri nói.

Một điều mà Cha Dri cho biết ngài đã học được trong suốt những năm ngồi tòa giải tội, sau khi lắng nghe hàng ngàn hối nhân, đó là “có quá nhiều sự đau khổ trên thế giới, quá nhiều. Và chúng ta đã gây ra điều đó. Chúng ta rất giỏi trong việc gây đau đớn cho nhau”.

“Tại sao chúng ta không thể nhận mình là anh em? Vì chúng ta đã quên Cha Trên Trời. Chúng ta không phủ nhận Thiên Chúa, không. Chúng ta chỉ sống như thể Người không hiện diện ở đó, điều đó thật tồi tệ”, Cha Dri nói. “Giữa tất cả nỗi đau này, tôi muốn việc tìm đến với tòa giải tội giống như một sự vuốt ve trìu mến. Tôi muốn giảm bớt ít nhất một chút nào đó đau khổ của mọi người”.

Việc giải tội, Cha Dri nói, “là cuộc sống của tôi”, và nếu ngài không còn có thể ngồi tòa giải tội nữa, thì “điều đó giống như lấy đi mạng sống của tôi vậy”.

Cha Dri chia sẻ rằng khi các tu sĩ Dòng Capuchin nói với ngài rằng ngài đã được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm Hồng y, lúc đầu ngài nghĩ đó là một trò đùa, “sau đó tôi đã kiểm tra. Và rồi tôi bắt đầu khóc. Tôi đã khóc hàng giờ liền. Nhưng dù sao thì tôi cũng đã đến tòa giải tội. Tôi đã khóc khi ngồi tòa”.

Mặc dù không chắc mình có thể tham dự Công nghị vào mùa thu này hay không, Cha Dri cho biết gần đây ngài đã được Đức Thánh Cha Phanxicô mời đến lưu trú tại căn hộ của ngài thuộc nhà khách Thánh Martha của Vatican trong vài tuần.

“Tôi đã có thể ôm và trò chuyện với Đức Thánh Cha rất lâu, và nói chuyện bông đùa rất nhiều. Khiếu hài hước của ngài quả thực rất ấn tượng”, Cha Dri nói, nhưng nhớ lại ngay khi Đức Thánh Cha Phanxicô nhìn thấy mình, “Đức Thánh Cha đã yêu cầu xưng tội với tôi, và sau đó một lần nữa trước khi ra về”.

Đức Thánh Cha Phanxicô, người thường nói bông đùa rằng tòa giải tội không phải là “phòng tra tấn”, đã đặc biệt nhấn mạnh Bí tích Giải tội với tư cách là Giáo hoàng.

Đức Thánh Cha Phanxicô không chỉ khuyến khích các Linh mục và Giám mục trở thành những người lắng nghe nhẹ nhàng và đầy lòng thương xót đối với những hối nhân đến tìm kiếm sự tha thứ, điều mà ngài mô tả là “một quyền con người”, trong các cuộc phỏng vấn trước đây, Đức Thánh Cha đã nói rằng chính ngài đều đặn xưng tội hai tuần một lần.

Vào Mùa Chay 2016, Đức Thánh Cha Phanxicô đã phát động sự kiện thường niên “24 giờ cho Chúa” nhấn mạnh Bí tích Giải tội, và trong sự kiện đó, các Linh mục trên khắp thế giới được yêu cầu kéo dài thời gian ngồi tòa giải tội.

Sự kiện này là một trong những sáng kiến khác của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Năm Thánh Lòng Thương Xót, trong đó Đức Thánh Cha cũng chỉ định các Thừa sai của Lòng Thương Xót, những người có năng quyền đặc biệt cho phép họ giải tội ở bất cứ đâu mà không cần phải thông qua các kênh thông thường để có được những năng quyền đó khi đi ra ngoài Giáo phận của họ.

Trong một cuộc phỏng vấn riêng với nhà báo Tornielli cho Vatican News, Cha Dri cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô biết rõ việc ngài ngồi tòa hàng giờ liền, và đồng thời tiết lộ rằng trong một số trường hợp, ngài đã khuyên các Linh mục gặp vấn đề đến nói chuyện với ngài.

“Tôi đã lắng nghe họ và giờ đây chúng tôi trở thành những người bạn thân thiết, với một số người trong số họ thường xuyên tìm đến tôi”, Cha Dri nói, và đồng thời cảm ơn Đức Thánh Cha Phanxicô vì “sự tin tưởng mà ngài dành tôi, bởi vì tôi không xứng với điều đó”.

 “Tôi không phải là một người, một linh mục, một tu sĩ học thức, tôi không có bằng tiến sĩ, tôi không có gì cả. Nhưng cuộc đời đã dạy tôi rất nhiều, cuộc đời đã ghi dấu ấn trong tôi, và vì tôi sinh ra trong hoàn cảnh rất nghèo khó, dường như tôi luôn phải có một lời thương xót, một lời giúp đỡ, một sự gần gũi với bất cứ ai đến đây. Đừng để ai ra về với suy nghĩ rằng họ không được cảm thông hoặc bị coi thường hoặc bị từ chối”.

Ngoài Thánh Mandic, Cha Dri cho biết ngài cũng học được rất nhiều điều từ Thánh Padre Pio, đồng thời cũng chia sẻ rằng ngài sống cùng Giáo xứ với Thánh Padre Pio – cũng là một Cha giải tội nổi tiếng, với hàng dài hối nhân xếp hàng chờ xưng tội hàng giờ đồng hồ – mà vào năm 1960, ngài đã tìm đến xưng tội.

“Thánh Leopold và Thánh Pio đã dạy tôi rất nhiều, rất nhiều điều cao đẹp về lòng thương xót, tình yêu, sự bình an, sự tĩnh lặng, sự gần gũi. Mặc dù Cha Padre Pio rất cương nghị, rất năng động nhưng khi phải lắng nghe và tha thứ, thì ngài trở nên như Chúa Giêsu”, Cha Dri nói.

Cha Dri, người cho biết ngài thường ngồi lại tòa giải tội cho đến khi “những ngọn nến tàn”, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gần gũi với các hối nhân tìm đến tòa cáo giải, vì nhiều người không hiểu đầy đủ về Bí tích này.

Cha Dri cho biết rằng ngài thường vỗ về các hối nhân, bảo họ đừng sợ hãi, bởi vì “điều duy nhất cần có là ước muốn trở nên tốt hơn, không gì khác”.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết