Đức Giám Mục Lionel Gendron Địa phận Saint-Jean-Longueuil đã được bầu làm Chủ Tịch Hội đồng Giám Mục Canada (CCCB) vào hồi cuối tháng Chín vừa qua.
Đức Giám mục Gendron, người sẽ đảm nhiệm nhiệm kỳ hai năm, đã từng là phó chủ tịch CCCB kể từ năm 2015.
Đức Cha Gendron đã phát biểu với Linda Bordoni, cộng tác viên Vatican Radio, về những điểm chính được thảo luận trong cuộc họp toàn thể khi ngài được bầu chọn và về tầm nhìn của ngài đối với Giáo hội tại Canada trong những năm tới:
Đức Cha Gendron cho biết rằng một trong những điểm nổi bật của cuộc họp toàn thể gần đây khi ngài được bầu làm Chủ tịch HĐGM đó là “một dịp kỉ niệm vô cùng đặc biệt tại Vương Cung Thánh Đường Ottawa” kỷ niệm 150 năm thành lập Liên bang Canada.
“Tất cả các Giám mục đã cùng nhau quy tụ nơi đây và chúng tôi đã dâng hiến đất nước đặc biệt cho Trái Tim Vô Nhiễm của Đức Trinh Nữ Maria, một trải nghiệm hết sức cảm động” với sự hiện diện của đông đảo người dân Canada, Đức Cha Gendron cho biết.
Đức Cha Gendron cho biết đó là một cách để dâng hiến cả quốc gia cho Đức Trinh Nữ Maria như các Giám mục đã cam kết giống như Đức Trinh Nữ Maria đã “vâng theo Thánh ý Chúa”.
Amoris Laetitia
Một chủ đề quan trọng khác của buổi họp toàn thể đã được trình bày khi Đức Hồng Y Marc Ouellet, Tổng Trưởng Bộ Giám Mục đã chia sẻ với các Giám mục Canada về Tông Huấn “Amoris Laetitia”.
Đức Cha Gendron giải thích rằng ĐHY Ouellet đã tổ chức một cuộc hội thảo công khai với các nhà báo và sau đó đã gặp gỡ riêng với các Giám mục, trong đó, Đức Cha Gendron đãtập trung chủ yếu vào Chương 8 và “chúng ta đã có được sự tham gia rất tốt giữa chúng ta”.
“Tôi xin chia sẻ một điều đó là ĐHY Ouellet đã phát biểu với chúng tôi một cách rõ ràng rằng không có vấn đề gì về mặt thần học với Tông Huấn này, nhưng một điều mới mẻ đó là cách tiếp cận mục vụ được mô tả trong chương 8: Việc đồng hành, phân định và hội nhập những hoàn cảnh chông chênh”, Đức Cha Gendron nói.
Và Đức Cha Gendron cũng cho biết rằng các Giám mục Canada đang cần một sự đổi mục vụ cũng như sự thay đổi về thể chế khi họ thích nghi với cách tiếp cận mục vụ mới, Đức Cha Gendron cho biết thêm, vốn đòi hỏi thời gian và một sự tận tâm: “Chúng ta phải tìm ra một sự cân bằng mới”, Đức Cha Gendron nói.
Uỷ ban Sự thật và Hoà giải và các yêu cầu của ủy ban
Một chủ đề quan trọng khác trong cuộc họp toàn thể, Đức Giám mục Gendron giải thích, đó chính là những vấn đề liên quan đến lời đề nghị xin lỗi được đưa ra bởi “Ủy ban Sự thật và Hòa giải” (TRC) liên quan đến những Bộ tộc Đầu tiên (First Nations) và các câu hỏi về các trường học trong khu vực, hầu hết được điều hành bởi các Giáo hội Công giáo, Anh giáo và Giáo hội Thống nhất.
Đức Cha Gendron giải thích rằng TRC đang hỏi về những điều khác nhau từ các Giáo hội khác nhau và Giáo hội Công giáo đã phản hồi.
“Một trong những yêu cầu của TRC đó là chuyến viếng thăm của ĐTC Phanxicô đến Canada (trong năm nay) để xin sự tha thứ đối với những gì đã được thực hiện trong các trường học địa phương”, Đức Cha Gendron giải thích, đồng thời chỉ ra rằng điều này quả là không hề dễ dàng chút nào bởi vì tại Canada một vụ việc như vậy phải được quy trách nhiệm và bị kiện cáo đối với một điều gì đó như thế này.
Vì vậy, Đức Cha Gendron nói “ngay lúc này đây – Chúa Thánh Thần vẫn luôn hoạt động trong Giáo Hội – có một sự thay đổi mới, một tầm nhìn mới: thay vì ở đó để phản ứng lại với TRC, và thay vì trả lời chính phủ vốn đang nhấn mạnh vào điểm đó, nhiệm vụ của chúng ta không phải là để trả lời TRC hay chính phủ, mà là để đáp lại theo tinh thần Tin Mừng”.
Tin Mừng đem lại ánh sáng hướng dẫn
“Tin Mừng nói gì? Tinh thần của Tin Mừng là gì?”. Qua sự đau khổ của những Bộ tộc Đầu tiên tại Canada – chúng ta phải làm gì theo tinh thần Tin Mừng và với sứ vụ mà chúng ta đã được trao ban với tư cách là những vị Mục tử của Giáo hội Canada?”, Đức Cha Gendron nói.
Đức Giám mục Gendron tiếp tục giải thích chi tiết chính xác TRC có nghĩa là gì cũng như mục đích của nó, và đồng thới là nhắc lại rằng tại Canada, vào cuối những năm 1880, chính phủ quyết định rằng các Bộ tộc Đầu tiên (những người bản địa tại nước này) câng phải trở thành những người dân Canada thực thụ và để làm được điều này họ phải thay đổi văn hóa bản địa của mình. Vì vậy, người ta quyết định tách trẻ em ra khỏi các gia đình của chúng và đưa chúng vào các trường học địa phương nơi mà chúng không được phép sử dụng ngôn ngữ bản địa của mình, không có bất kì mối quan hệ nào với gia đình mình, và nhiều hành động khác nữa. Đức Cha Gendron cho biết rằng cũng có nhiều hình thức lạm dụng khác đã xảy ra tại một số trường học này. Vì vậy, khoảng 5 năm trước khi Ủy ban đã được thành lập; ủy ban đã lắng nghe mọi người dân trên khắp Canada, những người đã bị ảnh hưởng bởi các trường học này, và – Đức Cha Gendron nói – “chúng tôi đã nhận thức được rằng đã có những sự đau khổ vô cùng nghiêm trọng”.
Đức Cha Gendron lưu ý rằng chính phủ yêu cầu các Giáo hội khác nhau (Giáo hội Thống nhất, Giáo hội Công giáo và Giáo hội Anh giáo) mở cửa các trường học này và có rất nhiều Giáo phận cũng như các cộng đồng tôn giáo tham gia.
“Vì lý do đó, Ủy ban yêu cầu các nhóm này bày tỏ lời xin lỗi của mình – không chỉ bằng vấn đề tài chính mà còn bằng những tuyên bố cụ thể – và đó là lý do tại sao họ muốn ĐTC đến thăm và đồng thời xin lỗi vì những gì đã được thực hiện đối với các Bộ tộc Đầu tiên”, Đức Cha Gendron cho biết.
Đức Cha Gendron cho biết Giáo hội đã phải chi rất nhiều tiền bạc và đồng thời đã đưa ra rất nhiều lời xin lỗi, nhưng thời gian là hết sức cần thiết để đề nghị đánh giá những nguy cơ của việc sẽ bị kiện cáo nếu như ĐTC Phanxicô quyết định đến thăm đất nước.
Đức Cha Gendron giải thích rằng ĐTC Phanxicô đã được Ủy ban mời đến thăm đất nước và các Giám mục Canada đã trình bày với Ngài về những khó khăn liên quan khác: “ĐTC Phanxicô đã khuyến khích chúng tôi tiếp tục thực hiện những gì chúng tôi đang tiến hành và đồng thời cho biết rằng nếu vào một thời điểm có thể, Ngài sẽ có thể đến thăm đất nước”.
Đức Cha Gendron cho biết những vấn đề này cũng đã được thảo luận với Đức Hồng y Parolin, Đức Tổng Giám mục Gallagher và các quan chức Vatican khác, “Chúng tôi rất cởi mở về những gì chúng tôi đã thực hiện và hiện tại chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng quan điểm của chúng tôi xuất phát từ những yêu cầu không phải của TRC, nhưng từ những yêu cầu của Tin Mừng – mà theo tôi – đó là triệt để hơn (hơn cả luật pháp của chính phủ)”
Minh Tuệ chuyển ngữ