Tại vùng đất Mapuche, ĐTC Phanxicô kêu gọi các dân tộc bản địa nói 'không' với bạo lực

Từ trung tâm của các vùng đất tổ tiên của người Mapuche, những cư dân ban đầu của khu vực Araucanía ở miền nam Chile, hôm thứ Tư 17/1 vừa qua, ĐTC Phanxicô đã cảnh báo chống lại “hai hình thức bạo lực mang tính chất phá hoại” và đồng thời kêu gọi những người dân này, những người đã phải chịu đựng “những bất công lớn” phải trở nên thống nhất khi họ đòi hỏi quyền của họ và hoàn toàn từ chối bạo lực vốn “có thể làm cho một lý do chính đáng trở thành một lời nói dối”.

Indigenous people walk past Pope Francis after presenting offertory gifts during the pope's celebration of Mass at the Maquehue Airport near Temuco, Chile, Jan. 17. (CNS photo/Paul Haring) See POPE-TEMUCO-MASS Jan. 17, 2018.

Người dân bản địa đi ngang qua Đức Thánh Cha Phanxicô sau khi trao tặng những món quà quý giá trong cuộc cử hành thánh lễ của Đức giáo hoàng tại sân bay Maquehue gần Temuco, Chile, ngày 17 tháng Giêng. (Ảnh CNS / Paul Haring)

ĐTC Phanxicô đã đưa ra lời kêu gọi gây xúc động của mình trong một Thánh lễ được cử hành với 400.000 cư dân bản xứ tại một căn cứ không quân gần Temuco, nơi mà các thành viên của cộng đồng Mapuche đã chào đón ĐTC Phanxicô theo phong cách truyền thống với những giai khúc và điệu vũ, và trong suốt Thánh Lễ, mọi nghi thức đã được của hành bằng tiếng mẹ đẻ của họ.

ĐTC Phanxicô đã xác định hình thức đầu tiên của “bạo lực mang tính tàn phá” như là một trong những kết quả xuất phát từ “việc khám phá ra rằng các thỏa thuận ‘phong nhã’ sẽ không bao giờ được thực hiện. Những lời hay ý đẹp, những kế hoạch chi tiết – cần thiết vì những điều này – nhưng, khi không được thực hiện, ‘sẽ bị bôi xóa bằng tay, những gì đã được viết bằng tay’”. “Đây chính là một hình thức bạo lực “bởi vì nó chống lại niềm hy vọng”, ĐTC Phanxicô nhấn mạnh. Đó là một thông điệp gửi tới chính phủ và các cơ quan nhà nước.

ĐTC Phanxicô cũng đã cảnh báo về một loại bạo lực thứ hai, một điều đã xảy ra trong những ngày gần đây trong khu vực này với hành động phá hoại đối với sáu nhà thờ, một trường học và ba trực thăng của lính canh.

Phát biểu về hình thức bạo lực thứ hai này, được cho là do một tổ chức cấp tiến của những người trẻ tuổi có trình độ học vấn trong số những người Mapuche được biết đến với tên gọi là Coordinadora Arauco Malleco, ĐTC Phanxicô với họ rằng “chúng ta phải nhấn mạnh rằng một nền văn hoá tự tôn không thể dựa trên những hành động bạo lực và phá hoại vốn kết thúc bằng việc cướp đi mạng sống con người”.

ĐTC Phanxicô nhấn mạnh rằng “chúng ta không thể tự khẳng định mình bằng cách tiêu diệt người khác, bởi vì điều này chỉ dẫn đến thêm nhiều bạo lực và chia rẽ. Bạo lực chỉ làm nảy sinh thêm bạo lực, sự phá hoại làm gia tăng sự chia rời và … chia rẽ. Bạo lực cuối cùng sẽ biến một động cơ chính đáng trở thành một sự lừa dối”.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói với họ rằng hai “cách tiếp cận” này dẫn tới bạo lực và “giống như dung nham của một ngọn núi lửa có thể quét sạch tất cả mọi thứ trên đường đi của nó, khiến cho tất cả chỉ còn là sự khô cằn và hoang vu”. ĐTC Phanxicô kêu gọi họ thay vào đó hãy “tìm kiếm con đường bất bạo động ‘như một phong cách chính trị đối với vấn đề hoà bình’”, và đồng thời “tìm kiếm, và không bao giờ mệt mỏi đối với việc tìm kiếm và đối thoại vì lợi ích của tinh thần hiệp nhất”. 

Kể từ khi được bầu làm Giáo Hoàng, ĐTC Phanxicô đã ủng hộ đối với các quyền của các dân tộc bản địa trên khắp châu Mỹ Latinh và đồng thời bày tỏ sự yêu mên của mình đối với họ. ĐTC Phanxicô nhấn mạnh việc đến đây để thực hiện điều tương tự cho những người Mapuche, và cũng chính vì lý do tương tự, Ngài sẽ đến Puerto Maldonado ở Peru, cửa ngõ vào Amazonia, vào ngày 19 tháng Giêng. ĐTC Phanxicô đến đây để bày tỏ sự gần gũi của mình với những người Mapuche, những người hiện nay theo ước tính, chiếm khoảng 9% dân số Chilê, hay 1,5 triệu người, 24% trong số đó sống ở Araucanía, ngày nay là khu vực nghèo nhất Chile, với tỷ lệ thất nghiệp cao nhất nước này. 

Sáng hôm thứ Tư 17/1, ĐTC Phanxicô đã bay về phía nam từ một căn cứ không quân ở Santiago đến thành phố Temuco với tổng dân số 290.000 người. Temuco được thành lập bởi quân đội Chilê vào năm 1881 với tư cách là một thị trấn đồn trú nằm ở trung tâm khu vực Araucanía. 

ĐTC Phanxicô đã được hoan nghênh một cách nồng nhiệt từ 400.000 người Mapuche trong những bộ trang phục sặc sỡ tại căn cứ không quân Maquehue, Temuco, khi Ngài đáp chuyến bay lúc 10 giờ sáng trong tình trạng an ninh được thắt chặt. Họ nhảy mừng, reo hò và ca hát, họ vẫy những chiếc khăn choàng sặc sỡ để xin ĐTC Phanxicô ban phép lành.

Hàng ngàn người tham dự khác cũng đến từ Argentina, bao gồm 500 thành viên của các phong trào nổi tiếng và hai nhà lãnh đạo mà ĐTC Phanxicô biết rất rõ: Sergio Sánchez, lãnh đạo của “cartoneros”, người mà ĐTC Phanxicô đã mời dự lễ nhậm chức Giáo Hoàng của mình, và Juan Grabois một điều phối viên của các phong trào này.

“Mari, Mari” [Chào buổi sáng!] “Küme tünngün ta niemün” [“Bình an cho anh em!”(Lc 24:36)], ĐTC Phanxicô nói bằng ngôn ngữ Mapuche, khi bắt đầu bài giảng của mình.

ĐTC Phanxicô tạ ơn Thiên Chúa vì đã cho phép Ngài được viếng thăm “vùng đất xinh đẹp này của lục địa, Araucanía”, mà Ngài nói là “đã được chúc phúc bởi Đấng Tạo Hóa với những cánh đồng bát ngát trù phú và màu mỡ, với những cánh rừng đầy những cây bách tán cực kì ấn tượng, và với những ngọn núi lửa tuyết phủ hùng vĩ, những mặt hồ và những dòng sông tràn đầy sức sống. “Chúng tôi đã nhìn thấy một ngọn núi lửa phủ đầy tuyết khi chúng tôi bay ngang qua đây. 

ĐTC Phanxicô nhắc lại việc “có biết bao nhiêu thế hệ đàn ông và phụ nức đã yêu đất nước này với lòng biết ơn sâu sắc”. Kế đến, ĐTC Phanxicô đã mở rộng lời chào mừng của mình “bằng một cách thức đặc biệt” tới “các thành viên của dân tộc Mapuche, cũng như các dân tộc bản địa khác sống ở các vùng đất phía Nam này: Rapanui (từ đảo Phục Sinh), Aymara, Quechua và Atacameños , và nhiều dân tộc khác. “Họ đã hoan nghênh một cách nồng liệt khi được Ngài nhận ra.

Du khách đã bị đánh động bởi vẻ đẹp của khu vực này, ĐTC Phanxicô nói, “nhưng nếu chúng ta để ý lắng nghe, chúng ta sẽ nghe được điều này: ‘Arauco có một nỗi buồn mà không thể bị chôn giấu, những bất công của những thế kỷ mà mọi người nhìn thấy đang diễn ra’”.

Qua nhiều thế kỷ, Mapuche đã bảo vệ vùng đất của họ chống lại đế chế Inca và những người chinh phục Tây Ban Nha. Nhưng sau khi Chile giành được độc lập và trở thành một quốc gia, cách đây đúng 200 năm, và muốn giành quyền kiểm soát toàn bộ đất nước, họ đã phải chịu sự tổn thất đối với đất đai của mình trước hết vào tay những kẻ thực dân người Đức và người Ý, và sau đó những vùng đất đó đã được bán cho các công ty gỗ khiến cho hiện nay mọi việc đều trở nên vô cùng khó khăn để chính phủ có thể khôi phục lại cho các chủ sở hữu ban đầu của họ.

ĐTC Phanxicô đã nói với họ rằng trong Thánh Lễ, Ngài cùng với họ cảm tạ Thiên Chúa “vì vùng đất này và người dân của nó”, nhưng đồng thời cũng nhớ lại “những nỗi khổ sở và đau đớn”. Vào lúc này, ĐTC Phanxicô dừng lại để nhắc nhớ lại rằng căn cứ không quân Maquehue nơi mà họ đang cử hành Thánh lễ “là nơi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng”. Đây chính là một sự ám chỉ đến thực tế là dưới sự cai trị quân sự của Tướng Pinochet, đây là một trung tâm tra tấn, khiến cho nhiều người bị sát hại.

“Chúng ta dâng Thánh Lễ này để cầu nguyện cho tất cả những người đau khổ và đã chết, và cho những người hàng ngày phải mang gánh nặng của những bất công đó”, ĐTC Phanxicô nói. Rồi Ngài dừng lại và mời gọi mọi người thinh lặng trong giây lát để cầu nguyện cho tất cả những người đau khổ này. Một sự thinh lặng đã bao trùm lên đám đông đang hiện diện, sau đó ĐTC Phanxicô đã kết thúc bằng cách liên kết tất cả những đau khổ này với “hy tế của Chúa Giêsu trên Thánh giá vốn đã gánh lấy tất cả mọi tội lỗi và đau đớn của nhân loại, để cứu chuộc nó”.

Sau đó ĐTC Phanxicô đã nhắc lại câu chuyện Tin Mừng mà họ vừa nghe, thuật lại việc Chúa Giêsu vào “một khoảnh khắc quan trọng trong cuộc đời” đã dừng lại “để cầu xin sự hiệp nhất”. Chúa Giêsu đã làm như vậy, ĐTC Phanxicô nói, “vì Ngài biết rằng một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với các môn đệ cũng như đối với toàn thể nhân loại đó chính là sự chia rẽ và đối đầu”. ĐTC Phanxicô đã nối kết lời kêu gọi của Chúa Giêsu cho sự hiệp nhất với hoàn cảnh của dân tộc Mapuche, những người mà giữ họ đã xuất hiện những chia rẽ, và thậm chí cả các nhóm ủng hộ bạo lực để có được các quyền của họ. 

ĐTC Phanxicô đã cảnh báo họ chống lại hai cám dỗ vốn có thể nảy sinh để “đầu độc cội rễ” của sự hiệp nhất của họ cũng như việc tìm kiếm công lý. Cám dỗ thứ nhất đó là “sự nhầm lẫn tinh thần hiệp nhất với tính đồng nhất”. ĐTC Phanxicô nhắc nhở họ rằng tinh thần hiệp nhất mà Chúa Giêsu chủ trương “không đồng nghĩa với việc vô hiệu hóa hoặc xóa bỏ những sự khác biệt”. Tinh thần hiệp nhất của Chúa Giêsu “không phải là một hình tượng hay là kết quả của một sự hội nhập cưỡng ép; nó không phải là một sự hài hòa được mua với cái giá của biệc bỏ quên những người sống bên lề xã hội”. Tinh thần hiệp nhất mà Chúa Giêsu mong muốn là một sự hiệp nhất “không bao giờ có thể là một sự đồng nhất ngột ngạt được áp đặt bởi những kẻ mạnh thế, hoặc một sự tách biệt vốn không đánh giá sự tốt lành của người khác”.

ĐTC Phanxicô đã chia sẻ với họ rằng tinh thần hiệp nhất hiện nay rất cần cho vùng đất này đó là một sự hiệp nhất mà trong đó “chúng ta lắng nghe lẫn nhau, nhưng quan trọng hơn là chúng ta phải tôn trọng lẫn nhau”. Điều này, ĐTC Phanxicô nói, “đặt chúng ta trên con đường của việc liên đới với nhau như một phương tiện để hình thành nên tinh thần hiệp nhất, một phương tiện để xây dựng lịch sử. Tinh thần liên đới buộc chúng ta phải thốt lên: Chúng ta cần nhau, và sự khác biệt của chúng ta là cần thiết để vùng đất này có thể luôn luôn tươi đẹp! Đây chính là thứ vũ khí duy nhất để chúng ta chống lại ‘sự tàn phá’ đối với niềm hy vọng. Đó là lý do tại sao chúng ta cầu nguyện: Lạy Chúa, xin biến chúng trở thành những người biết kiến tạo tinh thần hiệp nhất”. 

Sau đó, trong một thông điệp không chỉ đề cập đến những người Mapuche mà còn với cả chính quyền Chilê, ĐTC Phanxicô nói “nếu tinh thần hiệp nhất được xây dựng trên lòng tự trọng và tinh thần liên đới, thì chúng ta không thể chấp nhận bất kỳ phương tiện nào để đạt được nó”.

ĐTC Phanxicô kết luận bằng cách thúc giục những người Mapuche nài xin Thiên Chúa “biến mỗi người chúng ta trở thành những người biết kiến tạo tinh thần hiệp nhất” và đồng thời nhắc nhở họ rằng “tất cả chúng ta, đến một mức độ nào đó, là những con người trên trái đất” và “tất cả chúng ta được mời gọi để sống ‘một cuộc sống tốt đẹp’ (Küme Mongen), như sự khôn ngoan của tổ tiên của người Mapuche đã nhắc nhở chúng ta”.

Minh Tuệ chuyển ngữ

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết