Tại phiên họp đầu tiên của Đại hội đồng Thượng Hội đồng về Hiệp hành vào thứ Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết Thừa tác vụ của Giám mục phải bao gồm sự hợp tác với giáo dân và Thượng Hội đồng sẽ cần xác định “những hình thức khác nhau” để thực hiện sứ vụ này.
Việc các Giám mục, giáo dân nam nữ, Linh mục và tu sĩ đều là đại biểu của Thượng Hội đồng là một sự lựa chọn có chủ ý, Đức Thánh Cha phát biểu tại Hội trường Phaolô VI của Vatican vào ngày 2 tháng 10, và nó “thể hiện một cách thực hiện sứ vụ Giám mục phù hợp với truyền thống sống động của Giáo hội và với Giáo huấn của Công đồng Vatican II”.
“Không bao giờ một Giám mục, hay bất kỳ Kitô hữu nào khác, có thể nghĩ về bản thân mình ‘mà không nghĩ đến người khác’”, Đức Thánh Cha tiếp tục. “Cũng như không ai được cứu một mình, việc công bố ơn cứu độ cần đến mọi người và đòi hỏi tất cả mọi người đều phải được lắng nghe”.
“Những hình thức khác nhau của việc thực thi tinh thần ‘Hiệp hành’ và ‘Hiệp đoàn’ của Thừa tác vụ Giám mục” trong các Giáo phận và trong Giáo hội hoàn vũ, Đức Thánh Cha nói, “sẽ cần được xác định kịp thời, luôn tôn trọng kho tàng đức tin và truyền thống sống động, và luôn đáp lại những gì Chúa Thánh Thần yêu cầu các Giáo hội tại thời điểm cụ thể này và trong các bối cảnh khác nhau mà họ đang sống”.
Thượng Hội Đồng về Hiệp hành phản ánh “sự hiểu biết bao hàm” này về sứ vụ của một Giám mục, Đức Thánh Cha nhấn mạnh, và đồng thời cũng cho biết thêm rằng các Giám mục và giáo dân phải học cách hợp tác tốt hơn trong Giáo hội trong tương lai.
Đức Thánh Cha Phanxicô trong bài phát biểu của mình đã trò chuyện với hơn 400 tham dự phiên họp thứ hai của Đại hội đồng Giám mục lần thứ XVI vào ngày đầu tiên của cuộc họp tại Vatican từ ngày 2 đến 27 tháng 10 về tinh thần Hiệp hành. Cuộc họp năm 2024 có 368 thành viên bỏ phiếu (đại biểu), trong đó có 272 vị là Giám mục và 96 người không phải là Giám mục. Trong số 96 người không phải là Giám mục, khoảng một nửa là phụ nữ.
Cuộc họp chung đầu tiên, hay còn gọi là “đại hội”, được dành riêng để Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Hồng y Carlos Aguiar Retes đọc lời chào khai mạc cũng như nghe các bài phát biểu giới thiệu của các nhà lãnh đạo Thượng Hội đồng là Đức Hồng y Mario Grech và Đức Hồng y Jean-Claude Hollerich, SJ.
Trong cuộc họp kéo dài ba tiếng rưỡi, các đại biểu cũng xem các video thông tin về Thượng Hội đồng, bao gồm các video trình bày về 10 nhóm nghiên cứu thần học và một ủy ban Giáo luật do Đức Thánh Cha Phanxicô thiết lập.
Trong bài phát biểu của mình, Đức Thánh Cha đảm bảo rằng sự hiện diện của các đại biểu không phải là Giám mục tại Thượng Hội đồng Giám mục không làm giảm hoặc hạn chế thẩm quyền của từng Giám mục và Giám mục đoàn. “Thay vào đó, nó chỉ ra hình thức mà việc thực thi thẩm quyền Giám mục được kêu gọi thực hiện trong một Giáo hội ý thức về bản chất là có sự tương quan và do đó mang tinh thần Hiệp hành”, Đức Thánh Cha nói.
“Sự hòa hợp là điều cần thiết”, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh, đồng thời lưu ý rằng có hai mối nguy hiểm cần tránh: mối nguy hiểm trở nên quá trừu tượng và mối nguy hiểm “khiến hàng giáo phẩm chống lại giáo dân”.
Trước đó trong ngày, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trở thành vị Giáo hoàng đầu tiên kể từ năm 1974 được chứng kiến di tích lịch sử của ngai tòa Thánh Phêrô.
Chiếc ghế gỗ được cho là của Thánh Phêrô, vị Giáo hoàng tiên khởi, thường được đặt bên trong tượng đài chiếc ghế khổng lồ do nhà điêu khắc Gian Lorenzo Bernini chế tác vào thế kỷ XVII và nằm trên bức tường xa nhất phía sau cung thánh của Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, trên nơi được gọi là “Bàn thờ Ngai tòa Thánh Phêrô”.
Thánh tích này lần cuối được di dời khỏi tượng đài Bernini để nghiên cứu từ năm 1968–1974. Hiện tại, chiếc ghế này đã được di dời trong quá trình phục hồi.
Chiếc ghế là biểu tượng cho quyền tối thượng của Đức Giáo hoàng. Đức Thánh Cha Phanxicô đã có thể được chiêm ngưỡng Thánh tích quan trọng này trong phòng thánh Ottoboni của Vương cung Thánh đường sau khi Thánh lễ được cử hành tại Quảng trường Thánh Phêrô để bắt đầu phiên họp thứ hai của Thượng Hội đồng về Hiệp hành vào sáng ngày 2 tháng 10.
Cuộc họp vào tháng 10 năm 2024 là phần cuối cùng của giai đoạn phân định trong tiến trình Hiệp hành bắt đầu vào năm 2021.
Nhắc lại trọng tâm của cuộc họp kéo dài một tháng, đó là suy ngẫm về cách thức trở thành một Giáo hội truyền giáo, Đức Thánh Cha cũng cho biết thêm rằng Giáo hội cũng cần suy ngẫm về cách thức để trở nên nhân từ hơn.
Ngài cũng khuyến nghị các đại biểu Thượng Hội đồng đọc bài thơ “Vita Nuova” của đại thi hào Dante Alighieri để suy ngẫm về nhân đức khiêm nhường.
“Chúng ta không thể khiêm nhường nếu không có tình yêu”, Đức Thánh Cha nói. “Các Kitô hữu nên giống như những người phụ nữ được Dante Alighieri mô tả trong một trong những bài thơ của ông. Họ là những người phụ nữ đau buồn vì mất đi cha của người bạn Beatrice: “Người có dáng vẻ khiêm nhường, đôi mắt nhìn xuống, tỏ vẻ buồn rầu”.
“Tôi khuyến khích anh chị em hãy suy ngẫm về bản văn tôn giáo tuyệt vời này và nhận ra rằng Giáo hội — ‘semper reformanda’ (Giáo hội không ngừng canh tân) — không thể tiếp tục cuộc hành trình của mình và để mình được đổi mới nếu không có Chúa Thánh Thần và những điều ngạc nhiên của Người nếu không để mình được định hình bởi bàn tay của Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa, Con Người, Chúa Giêsu Kitô và Thần Khí của Người”, Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục.
Vào ngày 1 tháng 10, ngay trước Thượng Hội đồng, kỳ tĩnh tâm kéo dài hai ngày dành cho các tham dự viên Thượng Hội đồng tại Vatican đã kết thúc bằng nghi lễ sám hối tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô.
Tại buổi cầu nguyện có hơn 500 người tham dự, các Hồng y, Giám mục, tu sĩ và giáo dân đã chia sẻ chứng ngôn và cầu xin sự tha thứ thay mặt cho Giáo hội về những tội lỗi, bao gồm tội lạm dụng hoặc những tội ác đã phạm phải trong chiến tranh.
Trong bài suy niệm, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết Giáo hội Công giáo trước tiên phải thừa nhận tội lỗi của mình và cầu xin sự tha thứ trước khi có thể trở nên đáng tin cậy trong việc thực hiện sứ mệnh mà Chúa Giêsu Kitô đã giao phó.
Minh Tuệ (theo CNA)