Tại Sri Lanka các hoạt động tông đồ được định hướng theo hướng hòa giải dân tộc

Giáo Hội Công Giáo tại Sri Lanka cổ võ các “bước hòa giải” khởi xướng bởi chính phủ quốc gia sau cuộc chiến tranh dân sự: đó là những phát biểu của Đức Cha Harold Anthony Perera – Giám mục Địa phận Kurunegala, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban quốc gia về “Công lý, hòa bình và phát triển con người” – với Fides.

sri-lanka

Đức Cha Perera nhắc lại rằng quốc gia này “đã phải trải qua cuộc chiến dân sự dài đàng đẵng và đầy cay nghiệt”, bắt đầu vào năm 1983, gây ra bởi những căng thẳng giữa nhóm sắc tộc đa số Sinhalese và nhóm thiểu số Tamil ở khu vực phía đông bắc quần đảo.

Sau hơn 25 năm sống trong cảnh bạo lực, cuộc xung đột kết thúc vào tháng 5/2009 khi lực lượng chính phủ đã chinh phục được khu vực cuối cùng kiểm soát bởi ‘Những con Hổ giải phóng Tamil’ (Tamil Tiger rebels – một tổ chức được thành lập vào năm 1976). Bảy năm sau khi kết thúc cuộc xung đột, sự cáo buộc lẫn nhau lạm dụng lại tiếp tục xuất hiện bởi cả hai bên.

Chính phủ của Tổng thống Maithripala Sirisena – người lên nắm quyền vào năm 2015 – “đã thực hiện nhiều nỗ lực hòa giải dân tộc” – Đức Giám mục Perera cho biết. Đồng thời Ngài cũng cho biết thêm rằng tiến trình này đã nhận được “sự cổ võ của Giáo Hội”.

“Chúng tôi cùng cộng tác với chính phủ trong tiến trình hòa giải này vì lợi ích chung của toàn dân tộc”, Đức Cha Perera phát biểu với Fides.

Quốc gia này có dân số 21,2 triệu người, đa số là Phật giáo (70%). Các Kitô hữu chỉ chiếm khoảng 6%, người Hindu và người Hồi giáo là những cộng đồng tôn giáo thiểu số khác.

Giáo Hội Công Giáo tại Sri Lanka – Đức Cha Perera ghi nhận – “lãnh nhận vô vàn ơn lành vì chúng tôi đã rửa tội cho nhiều tín hữu thuộc cả hai cộng đồng người Sinhalese cũng như cộng đồng người Tamil”. Với sự hiện diện của các tín hữu thuộc cộng đồng người Sinhalese và Tamil, Giáo Hội Công giáo có thể trở nên “một yếu tố xúc tác cho sự hòa hợp, hòa bình, hòa giải và xây dựng tình huynh đệ trong một xã hội đa nguyên”, Đức Cha Perera nhận xét.

Ủy ban quốc gia về Công lý, Hòa bình và Phát triển Con người trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Sri Lanka đã đưa ra một số sáng kiến đầy sáng tạo nhằm góp phần vào công cuộc hòa giải dân tộc.

Tất cả các hoạt động tông đồ trong đó bao gồm các hoạt động liên quan đến nhiều lĩnh vực như giáo dục, y tế, phát triển xã hội cũng như các hoạt động mục vụ khác “đều hướng đến sự hòa giải dân tộc”, Đức Cha Perera cho biết thêm.

Các biện pháp hòa giải được thông qua bởi chính phủ đại diện cho một “đường lối đúng đắn”, mặc dù “đó là một tiến trình đòi hỏi phải mất nhiều thời gian để có thể sinh hoa trái cũng như những kết quả lâu dài”, Đức Cha Perera cho biết. 

Giáo Hội xác quyết rằng: “Về lâu dài, đất nước sẽ có thể được tận hưởng hương vị của hòa bình và hòa giải vốn sẽ mở đường cho một sự phát triển hội nhập và bền vững” tại quốc gia – Đức Cha Perera cho biết – “Có rất nhiều người thiện chí đã vượt qua mọi ranh giới của tôn giáo hay sự khác biệt giữa các dân tộc để xây dựng những cầu nối: điều này đã làm gia tăng tiến trình hòa bình và hòa giải đồng thời xây dựng công ích của cả quốc gia. Giáo Hội cam kết thực hiện vai trò của mình mang tính cách xây dựng”, Đức Cha Perera kết luận.

Minh Tuệ chuyển ngữ 

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết