Tại sao ĐHY Tagle lại là một bậc anh kiệt mới của ĐTC Phanxicô tại Đông phương?

 

Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle của Manila, Philippines phát biểu tại Vatican tháng 10 năm 2018 (Ảnh: CNS photo/Paul Haring)

Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle Địa phận Manila, Philippines phát biểu tại Vatican vào tháng 10 năm 2018 (Ảnh: CNS photo/Paul Haring)

Với cuộc bổ nhiệm này, ĐTC Phanxicô được cho là đã thực hiện một trong những động thái quan trọng nhất trong Triều đại Giáo hoàng của mình.

Quyết định của Đức Thánh Cha Phanxicô chọn Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle lãnh đạo Thánh Bộ Truyền giảng Phúc Âm cho các Dân tộc chính là một quyết định táo bạo nhằm củng cố di sản của mình trong việc đưa Giáo hội vào tư thế truyền giáo lâu dài, với đôi mắt kiên định hướng về phương Đông.

Đức Hồng Y Tagle, 62 tuổi, Tổng Giám mục Địa phận Manila, một Tổng Giáo phận trải dài nhiều khu vực tại Philippines, sẽ tiếp quản văn phòng Giáo triều La Mã có tuổi đời 400 năm, chịu trách nhiệm đối với phần lớn công việc của Giáo hội tại Châu Phi, Châu Á và Châu Đại Dương. Với trụ sở gần di tích ‘Bậc thang Tây Ban Nha’ (Spanish Steps) tại Rôma, với các nguồn lực khổng lồ và thẩm quyền bổ nhiệm các Giám mục, Thánh Bộ này được biết đến với tên gọi là “Propaganda Fide” là một cơ quan có rất nhiều quyền tự quyết. Tổng Trưởng của Thánh Bộ này được gọi một cách không chính thức là “Papa Rosso” (Giáo Hoàng Đỏ).

Nhưng tại sao cuộc bổ nhiệm này lại vô cùng quan trọng? Dưới đây là ba chìa khóa để hiểu được tầm quan trọng của quyết định của ĐTC Phanxicô.

Trước hết, Đức Hồng y Tagle được coi như là “papabile” (người có triển vọng trở thành Giáo hoàng), một ứng cử viên sáng giá để kế vị ĐTC Phanxicô, người đã bước sang tuổi 83 vào cuối tháng này. Được biết đến với tên gọi là “vị Giáo Hoàng của Châu Á”, vị Giám chức người Philippines đầy tinh thần nhiệt huyết đối với chương trình nghị sự của Triều đại Giáo hoàng của ĐTC Phanxicô, lên tiếng cho những người di cư và những người tị nạn và cố gắng thực hiện tinh thần Tin Mừng cho những người nghèo trong vai trò là Chủ tịch Caritas, tổ chức từ thiện của Giáo hội. Là một nhà truyền thông đầy đam mê, Đức Hồng Y Tagle đã tổ chức các chương trình truyền hình kéo dài hàng giờ tại Philippines về Kinh Thánh và các câu hỏi liên quan đến vấn đề đức tin. Đức Hồng Y Tagle đến như một con người đầy khiêm tốn và vui vẻ hòa nhã, và ngài thường khóc khi nói về sự đau khổ của những người mà ngài gặp gỡ trong sứ vụ của mình. Với “sự duyên dáng phong nhã của những nước mắt”, ĐHY Tagle có khả năng kết nối với tất cả mọi người.

Đức Hồng Y Tagle cũng là một sinh viên thời Công đồng Vatican II diễn ra từ năm 1962-1965, đang học tiến sĩ về lịch sử của Công đồng dưới sự hướng dẫn của Linh mục Joseph Komonchak tại Đại học Công giáo Hoa Kỳ ở Washington. Rốt cuộc, chính Công đồng Vatican II là khuôn mẫu mà Triều đại Giáo hoàng này đang nỗ lực thực hiện.

Cũng giống như ĐTC Phanxicô, vị Giám chức người Philippines là “một người ngoài” La Mã, một người chưa bao giờ học tập hoặc làm việc tại Thành phố vĩnh cửu cho đến nay. Quyết định trao cho Đức Hồng Y Tagle một trong những công việc lớn nhất của Rôma, chính là một cách thức để đánh giá khí phách của ngài trước Cơ Mật nghị trong tương lai. Một trong những sự dè dặt mà một số người quan tâm về sự ứng cử của Đức Hồng y Tagle là liệu ngài có đủ mạnh mẽ và hiểu biết để xử lý sự cạnh tranh khốc liệt bên trong Giáo triều Rôma hay không. Làm việc tại “Propaganda Fide” sẽ chính là cơ hội để xem Đức Hồng y Tagle xử trí vấn đề này như thế nào.

Chìa khóa thứ hai là cuộc bổ nhiệm này đã đặt Rôma vào một nền tảng truyền giáo vững chắc và là một phần của cuộc cải cách đang diễn ra của ĐTC Phanxicô đối với Vatican. Thánh Bộ mà Đức Hồng Y Tagle lãnh đạo sẽ giám sát Giáo hội trong tương lai, nơi mà đàn chiên đang phát triển một cách nhanh chóng. Nó cũng được thiết lập để trở thành một “Thánh Bộ cực kỳ hoàn hảo” về việc truyền giáo trong việc tái cấu trúc Giáo triều La Mã mà ĐTC Phanxicô đã sẵn sàng công bố. Bản dự thảo Tông Hiến mới của ĐTC Phanxicô dành cho Giáo triều sẽ chứng kiến sự hợp nhất của “Propaganda Fide” với Hội đồng Giáo hoàng về Cổ võ việc Tân Phúc Âm Hóa.

Đức Hồng Y Tagle có khả năng nắm giữ vị trí quan trọng thứ hai tại Rôma khi Cơ quan của ngài hướng tới việc thực hiện mong muốn của ĐTC Phanxicô về một Giáo triều La Mã phục vụ công cuộc truyền giáo.

Nhưng điều này đòi hỏi một não trạng mới. Rôma không còn có thể tự nhìn thấy chính nó, và châu Âu, như là trung tâm của Kitô giáo. Nó được giao nhiệm vụ phục vụ các Giáo hội truyền giáo đang trên đà phát triển. Propaganda Fide, một số người ở Rôma lập luận, là một trong những cơ quan trì trệ nhất trong việc đón nhận tầm nhìn này và chấp nhận những cải cách của Công đồng Vatican II, vốn đã tìm cách lên tiếng cho các Giáo hội và các Giám mục địa phương.

ĐHY Tagle sẽ tiếp quản công việc từ Đức Hồng y Fernando Filoni, 73 tuổi, người phụ trách Thánh Bộ này kể từ năm 2011 cho đến nay và hiện đã được bổ nhiệm làm Tổng Thủ Lãnh của Dòng Hiệp Sĩ Mộ Thánh Giêrusalem (Tổng Thủ Lãnh hiện tại, Đức Hồng y Edwin O’Brien đã đến tuổi nghỉ hưu, tức là tròn 80 tuổi). Đức Hồng Y Filoni là một nhà ngoại giao nhà nghề, người đã thể hiện bản lĩnh nổi bật của mình khi, với tư cách là Đại sứ Giáo hoàng tại Iraq, Ngài tiếp tục kiên trì ở lại Baghdad khi những quả bom bị ném xuống thành phố này trong cuộc chiến năm 2003. Nhưng ngài cũng là một thực thể bất di bất dịch kiên định trong hàng ngũ những Vệ binh già trong Giáo triều Rôma; một nhà quản lý vi mô mà các nguồn tin cho biết là ngài đã chống lại cuộc cải cách.

Đức Thánh Cha Phanxicô không muốn nhìn thấy việc truyền giáo được hoạt động thông qua các sắc lệnh từ trên xuống, nhưng bởi một Giáo hội thổi bùng lên ngọn lửa đức tin ở những khu vực ngoại vi. Giáo triều Rôma được giao nhiệm vụ phối hợp và chia sẻ kinh nghiệm của Giáo hội toàn cầu. Sự lựa chọn một Hồng y đến từ Philippines, một sinh viên của Công đồng Vatican II, để lãnh đạo Cơ quan chịu trách nhiệm đối với công cuộc truyền giáo của Vatican, là nhằm nỗ lực đưa tầm nhìn này trở thành hiện thực.

Chìa khóa thứ ba để hiểu được tầm quan trọng của cuộc bổ nhiệm của ĐHY Tagle là ý nghĩa của sự đổi hướng của Giáo hội sang Châu Á.

Đức Hồng y Tagle, người đã giải thích với tờ ‘The Tablet’ vào năm 2017 rằng ông ngoại của Ngài là người Trung Quốc, là người châu Á thứ hai nắm giữ chức vụ Tổng Trưởng Thánh Bộ Truyền giáo. Người đầu tiên nắm giữ chức vụ này là Đức Hồng y Ivan Dias đến từ Ấn Độ, người phục vụ Thánh Bộ này kể từ năm 2006-2011.

Đức Thánh Cha Phanxicô đang tập trung phần lớn công việc truyền giáo của mình vào Châu Á, lục địa nơi mà hai phần ba dân số thế giới hiện đang sinh sống và là nơi mà Ngài đã bốn lần viếng thăm. Tháng trước, Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm Thái Lan và Nhật Bản, và Ngài dự kiến sẽ thực hiện một chuyến Tông du châu Á khác vào năm tới. Đức Thánh Cha Phanxicô tin rằng tương lai của Giáo hội dựa vào việc gieo rắc hạt giống Phúc Âm ở phương Đông.

Trong khi đó, các quốc gia châu Á đang ngày càng cung cấp thêm nhiều các ứng viên cho vai trò lãnh đạo toàn cầu trong Giáo hội. Đầu năm nay, Dòng Đaminh cũng đã bầu chọn Cha Gerard Timoner đến từ Philippines, trở thành tân Bề Trên Tổng Quyền của họ, người đầu tiên đến từ châu Á.

“Một điều rõ ràng là xuất thân của các vị Bề Trên Tổng Quyền của các Dòng nam cũng như nữ nói chung, những người đến từ các lục địa ngoài châu Âu và ngoài phương Tây, ngày càng trở thành một hiện thực. Và đây quả là một tin vui mừng làm cho tất cả chúng ta phấn khởi hân hoan”, ĐTC Phanxicô chia sẻ trong cuốn sách có nhan đề “Sức mạnh của Ơn gọi”, một cuộc phỏng vấn dài được in thành sách với Cha Fernando Prado người Tây Ban Nha, một Linh mục Dòng Thừa Sai Claretian mà Bề Trên Tổng Quyền là một người Ấn Độ. “Thời gian trôi qua, sự thay đổi diện mạo của Giáo hội ngày càng trở nên rõ rệt hơn, một thành quả của lịch sử và sự kỳ diệu của công cuộc truyền giáo”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã lập luận rằng “hiện tượng rõ ràng của việc ‘phi châu Âu hóa’ của Giáo hội” đang bắt đầu “mang lại những hoa trái trong các Giáo hội địa phương đầy năng động”.

Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích: “Ấn Độ là một ví dụ về điều này, thậm chí ngay cả với lĩnh vực thần học cụ thể của nó. Tại châu Á, chúng ta chứng kiến sự khởi đầu của một tư duy thần học mạnh mẽ. Philippines cũng là một ví dụ rõ ràng về việc điều này sẽ diễn ra như thế nào”.

Trong Thánh lễ hôm 3 tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về việc Chúa Thánh Thần hoạt động thông qua những hành động nhỏ nhặt. Ngài đã cử hành Thánh lễ kính nhớ Thánh Phanxicô Xaviê, nhà truyền giáo vĩ đại của Dòng Tên, người đã đem hạt giống Tin Mừng đến với vùng viễn đông.

Với cuộc bổ nhiệm này, vị Giáo hoàng Dòng Tên đang nỗ lực noi theo tấm gương của các anh em Tu sĩ của mình trong quá khứ, những người đã tin rằng bằng cách can đảm thực hiện những bước nhỏ, những điều tuyệt vời sẽ có thể đạt được.

 Minh Tuệ (theo The Tablet)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết