“Một trong những lý do tôi từ chối gọi mình là “đồng tính” bởi tôi có lòng khiêm tốn trước mặt Thiên Chúa, đấng Sáng Tạo nên tôi” – Daniel Mattson, tác giả cuốn sách Vì Sao Tôi Không Gọi Mình Là “Đồng Tính” chia sẻ. “Tôi chấp nhận căn tính tính dục của mình như một người đàn ông được tạo ra để dành cho một người phụ nữ.”
***
Daniel Mattson là một nhà văn, diễn giả và nhạc công chuyên nghiệp, tác giả của quyển sách nhan đề “Vì sao tôi không gọi mình là ‘đồng tính’: Làm cách nào tôi phục hồi bản chất tính dục của mình và tìm được bình an” (Why I Don’t Call Myself Gay: How I Reclaimed My Sexual Reality and Found Peace) (Nhà Xuất Bản Dòng Tên). Quyển sách mới của ông được mô tả như “một cuốn hồi ký thẳng thắn”, trong đó có “phần tự truyện, phần triết lý về cuộc sống, và một phần hướng dẫn thực hành đời sống khiết tịnh…”. Mattson được nuôi dạy như một người Công giáo, nhưng gia đình ông sau đó chuyển sang Tin Lành. Ông từng bị hấp dẫn bởi các cậu bé khi còn nhỏ, và từng có quan hệ với một người đàn ông lúc còn trẻ. Về sau ông theo đuổi lối sống khiết tịnh và trở lại với Giáo hội Công giáo. Ông từng là diễn giả nổi tiếng cho tổ chức tông đồ COURAGE chuyên phục vụ những người Công giáo có khuynh hướng đồng tính. Ông cũng xuất hiện trong bộ phim tài liệu đoạt giải Desire of the Everlasting Hills (tạm dịch: “Khát Vọng Về Những Ngọn Đồi Bất Diệt”). Là một tay chơi kèn trombone trong dàn nhạc chuyên nghiệp, Mattson còn trình diễn và giảng dạy khắp thế giới, bao gồm cả nhạc viện nổi tiếng St.Petersburg Conservatory ở Nga.
Mới đây, ông đã chia sẻ với Catholic World Report (CWR) về cuốn sách mới, những cuộc đấu tranh với khuynh hướng tình dục đồng giới, và hành trình trở về Giáo hội Công giáo của mình.
CWR: Nội dung quyển sách này là gì, và tại sao anh muốn viết nó?
Daniel Mattson: Tôi là một trong những người tham gia bộ phim tài liệu Desire of the Everlasting Hills của COURAGE. Tôi không thích lên tiếng công khai về vấn đề đồng tính, nhưng tôi vẫn thực hiện bộ phim để đáp lại lời kêu gọi của thánh Phêrô: “Luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ người nào hỏi anh em về lý do của niềm hy vọng nơi anh em” (1 Pr 3,15).
Tôi từng cố chạy theo lối nhìn về tình dục của thế giới. Suốt một thời gian, tôi xem mình là “đồng tính” và sống cuộc sống như vậy. Tôi bác bỏ giáo huấn của Giáo hội như một thứ cổ hủ, lỗi thời và phi lý. Cuốn sách là một cách để tôi chia sẻ câu chuyện của mình chi tiết hơn so với phim tài liệu. Tôi nhận ra việc dán nhãn “đồng tính” đang hạ thấp cái nhìn của chúng ta về con người.
Đây là một cuốn hồi ký. Phần thứ nhất kể lại thời thơ ấu của tôi, cùng với việc rời bỏ Giáo hội. Phần thứ hai phản ánh cuộc chiến đấu của tôi với thực tế. Tôi đề cập đến tầm quan trọng của từ ngữ. Tôi cho rằng Giáo Hội thật khôn ngoan khi từ chối xem một người là “dị tính” (heterosexual) hay “đồng tính” (homosexual). Đây là những thuật ngữ mang tính giản lược [bản chất con người]. Chúng gây áp lực cho chúng ta, đặc biệt là các bạn trẻ, khiến chúng ta tin rằng cảm xúc của mình xác định mình là ai.
Tôi phản đối quan điểm của những người cho rằng bạn nên “công khai” tình trạng đồng tính của mình. Việc công khai chỉ đơn thuần là chấp nhận quan điểm của thế giới về tình dục, và khiến bạn thêm thất vọng và bối rối.
Trong phần thứ ba, tôi bàn đến giáo huấn của Giáo hội về đồng tính, Giáo hội cho rằng đây chỉ là tình trạng rối loạn bởi lý do khách quan và nội tại. Nhưng “rối loạn” không có nghĩa là rối loạn tâm thần, mà là rối loạn trong cách đánh giá con người: chúng ta là những thụ tạo với đặc điểm tính dục, có cả linh hồn và thể xác, trong đó thân xác được tạo nên để kết hợp giữa nam và nữ và để hướng tới sinh sản.
Điều dẫn tôi đến với Giáo hội là giáo huấn vững vàng của Giáo hội về bản chất con người, cũng như sự bất mãn của tôi trước quan điểm của thế giới. Tất cả những điều này, cuối cùng đưa tôi đến việc khám phá cách sử dụng chính xác từ ngữ, mang tôi đến với sự thật. Từ ngữ rất quan trọng trong việc phản ánh thực tế.
Tôi cũng hiểu ra nhu cầu của chúng ta về tình bạn hữu và tình yêu vô tư, kiểu tình yêu mà Thiên Chúa dành cho chúng ta và chúng ta nên dành cho nhau. Từ “vô tư” ở đây không hàm ý tiêu cực, mà có nghĩa là chúng ta yêu thương những người khác mà không cần bất cứ điều kiện hay yêu cầu nào.
Tôi còn nói đến những cám dỗ trong tình bạn, và cách phát triển những tình bạn lành mạnh. Như Giáo hội đã dạy, sự trinh khiết là hoa trái của tình bạn tốt lành. Tôi đề cập đến sự không tránh khỏi của nỗi cô đơn – hoặc món quà của sự cô đơn, như tôi đã gọi – và làm thế nào để sống một cuộc đời trong sạch.
Việc tôi trở lại đạo chính là sự khẳng định “lòng yêu mến” của tôi trước mặt Thiên Chúa. Tôi cần phải khiêm nhường trước Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa của tôi, và nhớ rằng mình không tự tạo nên bản thân, mà mình là một thụ tạo của Ngài.
Ngoài khiêm nhường, tôi còn khám phá một trong những điều quan trọng nhất để sống một cuộc đời đức hạnh. Đó là lòng quảng đại, là ước mong làm những việc vĩ đại để phục vụ Thiên Chúa.
CWR: Tuổi thơ của anh ra sao?
Daniel Mattson: Tôi lớn lên tại thành phố Lansing, bang Michigan (Mỹ). Tôi là út trong bốn anh em trai. Tôi được rửa tội theo nghi thức Công giáo và đã được rước lễ lần đầu. Nhưng khoảng năm tôi 11 hay 12, gia đình tôi cải đạo Tin Lành. Tuy nhiên cả gia đình cuối cùng cũng trở lại Công giáo, thậm chí một trong các anh tôi còn là linh mục.
Nhớ lại lần đầu tiên tôi bị thu hút bởi một người đồng giới, đó là năm lớp Một. Và tôi đã không ngừng trăn trở tìm cách hiểu được điều đó trong suốt thời thanh niên. Tuy nhiên, [khi ấy] là một người Tin Lành, tôi tin rằng quan hệ tình dục chỉ nên xảy ra giữa một người nam và một người nữ đã kết hôn.
Tôi cầu xin Chúa giúp tôi không còn bị thu hút bởi tình dục đồng giới, và xin Chúa ban cho một người phụ nữ có thể chia sẻ cuộc sống với tôi. Tuy nhiên, lời cầu nguyện này dường như không được đáp trả. Tôi nghĩ Chúa đã quên tôi.
Tôi vào đại học, học nhạc và trở thành nghệ sĩ kèn trombone chuyên nghiệp. Tôi không thích phụ nữ và còn nghiện phim ảnh khiêu dâm. Tôi giận dữ và quyết quay lưng lại với Chúa. Tôi tìm thấy một người đàn ông mà tôi nghĩ mình muốn chung sống. Tôi tìm cách tiếp cận anh và thổ lộ: “Tôi là người đồng tính”. Nhưng Chúa lại gửi đến đời tôi một cô gái khiến tôi bị thu hút. Với tôi, cô ấy là người phụ nữ đẹp nhất trần đời. Điều đó càng khiến tôi tức giận hơn nữa. Tôi tưởng mình không còn bị phụ nữ hấp dẫn: Tôi những tưởng mình là “gay”!
Do đó, theo kinh nghiệm của tôi, thật sai lầm khi phân biệt mọi người thành “gay” hay “straight”, mà không tính đến khả năng là các đặc điểm hấp dẫn giới tính của họ có thể thay đổi. Tôi không bị hấp dẫn bởi đa số phụ nữ, nhưng vẫn có một số khiến tôi rung động. Một người có thể bị “say nắng” nhiều lần trong đời, nhưng chỉ vài trường hợp anh ta nên tiến tới.
Suốt lịch sử thế giới, nhân loại vẫn xem việc chúng ta bị hấp dẫn bởi cả hai giới nam và nữ là bình thường. Nhưng chỉ khoảng 150 năm gần đây, những đặc điểm đó mới được dùng để xác định chúng ta như một loại người nhất định.
Đó là lý do tôi nghĩ rằng cô gái kia là người mà Chúa muốn tôi kết hôn, nhưng cuối cùng chúng tôi đã không đến với nhau. Vì vậy, trong cuốn sách của tôi, tôi diễn tả một cuộc suy ngẫm về sự đau khổ và đấu tranh với Thiên Chúa, và làm theo thánh ý Chúa khi đối mặt với nỗi đau. Mọi đau khổ phải được kết hợp với đau khổ của Thiên Chúa trên thập giá, và trở nên lời mời gọi yêu thương người khác.
CWR: Anh nghĩ khuynh hướng đồng tính của mình đến từ đâu?
Daniel Mattson: Tôi viết dựa theo kinh nghiệm cá nhân. Tôi không tin rằng mình bẩm sinh đã vậy, nhưng có thể thấy rõ con đường đã dẫn tôi đến tình trạng đó. Tôi từng có một cuộc gặp gỡ không nên có với một cậu bé hàng xóm khi tôi lên 6 hay 9, tôi tin rằng đó là xuất phát điểm của mọi thứ. Tôi cũng từng bị nhiều bạn gái từ chối. Ba tôi là người cộc cằn, luôn khiến tôi sợ hãi. Mẹ tôi rất gần gũi với tôi, theo những cách mà giờ đây tôi mới nhận ra không được lành mạnh lắm.
Tôi ghen tị với những bạn trai khác và bắt đầu bị hấp dẫn về mặt tính dục bởi những nét tôi ngưỡng mộ nơi họ. Tất cả những điều này cuối cùng hóa thành những tưởng tượng khiêu dâm.
Một số người cho rằng sự hấp dẫn đồng tính cũng bình thường như sự hấp dẫn khác giới. Nhưng theo tôi thì không. Tôi có thể thấy được khuynh hướng đồng tính đến từ đâu trong đời mình, nó sinh ra từ những tổn thương. Thật không may, thế giới lại nói rằng tôi không được nhìn nhận cuộc đời mình theo cách đó, rằng đồng tính là lành mạnh và chỉ là một biến thể bình thường của ham muốn tình dục, và rằng chẳng phải mọi vết thương đều thực sự gây tổn thương.
Tôi không biện hộ cho việc người ta cố thay đổi khuynh hướng tình dục của mình, nhưng với tôi, tôi có thể thấy khuynh hướng đồng tính của mình bắt nguồn từ những tổn thương trong cuộc sống và những chọn lựa của tôi. Như thánh Gregory thành Nyssa từng nói, ở một số khía cạnh nào đó, chúng ta trở nên cha mẹ của chính bản thân [tức tự hình thành nên con người mình] bởi những điều mà chúng ta chọn lựa.
Khi tôi chọn nuông chiều những ham muốn của bản thân, tôi đã đặt nền móng để dung dưỡng sở thích của mình đối với nam giới.
CWR: Gia đình anh nghĩ gì về lối sống “đồng tính” của anh?
Daniel Mattson: Tôi đã lén lút. Tôi chưa bao giờ kể với họ. Tôi biết họ sẽ không chấp nhận. Họ không biết tôi có bạn trai. Họ tưởng tôi sống một cuộc sống trong sạch.
Rồi họ cũng biết tôi bị hấp dẫn bởi nam giới. Tôi nói ra khi tôi khoảng 28 tuổi. Trong trường hợp của tôi, thật lầm to nếu nghĩ rằng ba mẹ sẽ tống cổ mình khỏi nhà khi nghe mình thú nhận “đồng tính”: ba mẹ tôi có thểkhông ủng hộ kiểu sống “đồng tính” của tôi, nhưng họ rất thương tôi.
Tôi nhớ lại cuộc trò chuyện với người-anh-linh-mục của tôi trước khi anh trở thành linh mục. Lần đầu tiên tôi thực sự “làm chuyện ấy” với một anh chàng, tôi đã ngập trong cảm giác tội lỗi. Tôi gọi cho anh – gia đình chúng tôi vô cùng gắn bó – và anh rất cảm thông và thấu hiểu. Anh không hề từ chối tôi hay quẳng Kinh Thánh vào tôi. Anh nhìn tôi như một đứa em trai, nhận ra tôi đã tự làm tổn thương mình và muốn giúp đỡ tôi. Anh cố gắng đưa tôi trở về với mái nhà Giáo hội, nhưng tôi vẫn chưa sẵn sàng.
Tôi rời gia đình để tìm cho mình một người bạn trai chính thức bởi tôi không muốn trở thành một “gã lẳng lơ”. Tôi chưa bao giờ kể với anh tôi có bạn trai, nhưng anh ấy biết tôi đang cố thử.
Tôi đã giận dữ gia đình mình cùng với niềm tin tôn giáo của họ vào lúc đó, và tôi cư xử với họ rất tệ. Trái lại, họ vẫn yêu thương và kiên nhẫn cầu nguyện cho tôi.
CWR: Họ đã trở lại với Giáo hội Công giáo như thế nào?
Daniel Mattson: Lúc tôi còn là nhạc công, trước khi tôi trở về Công giáo, tôi chơi nhạc cho Thánh lễ nửa đêm tại nhà thờ chính tòa ở Lansing. Tôi mời mẹ đến tham dự, mẹ tôi là người đã không đến nhà thờ Công giáo suốt nhiều năm. Bà đã bị choáng ngợp bởi vẻ đẹp và bắt đầu khao khát Thánh Thể trở lại.
Ba tôi nối tiếp mẹ, và sau đó là ba người anh của tôi. Hạt giống đức tin đã được gieo từ một Thánh lễ mà tôi chơi nhạc, mặc dù tôi vẫn chưa phải người Công giáo.
Một người anh của tôi cùng vợ anh ấy quyết định tìm hiểu đạo Công giáo. Họ dành hẳn 400 giờ để đọc, và cuối cùng đã bị thuyết phục tin rằng Giáo hội Công giáo chính là Giáo hội thật sự. Vợ chồng một người anh khác của tôi cũng tương tự.
Sự hoán cải của người-anh-linh-mục theo sau sự trở về của ba mẹ tôi. Mặc dù theo Tin Lành, ngay từ thời trung học, anh đã ước mơ trở thành một tu sĩ theo bước chân của Thomas Merton [linh mục dòng Trappist]. Anh vào chủng viện ngay sau khi trở lại Công giáo. Hiện anh là linh mục tại Nhà thờ Phục Sinh ở Lansing, Michigan, và là người hỗ trợ phần trình bày của tôi trong buổi hội thảo COURAGE gần đây nhất mà tôi tham dự ở Phoenix.
Tôi là người trì hoãn đến cuối cùng. Tôi chỉ trở lại Công giáo sau khi tham dự một buổi họp của COURAGE tại Villanova. Tri thức của Giáo hội Công giáo quả là đáng nể trọng, nhưng chính niềm vui và sự nồng nhiệt của những thành viên nam nữ trong COURAGE mới là điểm thu hút tôi, cũng như sự bình an mà họ lan tỏa trong cuộc sống.
CWR: Anh tham gia COURAGE như thế nào, và việc đó đã giúp anh những gì?
Daniel Mattson: Ba mẹ đỡ đầu của tôi tham gia COURAGE gần 30 năm, họ cũng có một con trai có khuynh hướng đồng tính. Họ muốn đưa tôi đến một hội thảo của COURAGE, mặc dù lúc đầu tôi phản đối mọi thứ có liên quan đến Công giáo.
Tại Grand Rapids, nơi tôi sống hiện nay, tôi tham gia một nhóm COURAGE định kỳ với cam kết sống theo giáo huấn của Giáo hội. Được đồng hành cùng nhau quả là một món quà tuyệt vời, bởi không ai có khả năng tiến bước đơn độc trên hành trình sống khiết tịnh. Chúng tôi là những anh chị em thực sự, thúc đẩy lẫn nhau, nâng đỡ những ai vấp ngã và giúp họ bước tiếp.
CWR: Mới đây anh có nói chuyện tại một hội thảo của COURAGE ở Phoenix. Anh đã chia sẻ những gì?
Daniel Mattson: Tôi kể với họ rằng khi còn trẻ, tôi không thể tưởng tượng mình có thể trở thành một người đàn ông trung niên, độc thân, mà lại hạnh phúc. Nhưng hóa ra tôi đang được như vậy.
Tôi nhận ra rằng việc dung dưỡng những ham muốn tình dục của mình cũng giống như trái cấm. Nó đầy sức hấp dẫn và có vẻ sẽ thỏa mãn được ta, nhưng thật ra nó không bao giờ lấp đầy được những khát vọng sâu thẳm nhất trong trái tim con người. Đối với tình dục, chỉ có đức hạnh của sự trinh khiết mới có thể thỏa mãn chúng ta một cách trọn vẹn. Và với tôi, tôi đạt được sự trọn hảo về mặt tính dục chính là nhờ không chạy theo những ham muốn tình dục của mình.
Các thành viên nam nữ của COURAGE giờ đây hạnh phúc hơn bao giờ hết. Thư Do thái 11:25 có nhắc đến “niềm vui thoáng qua của tội lỗi”; những người có quan hệ “đồng tính” thường tưởng rằng mình sung sướng hơn trước kia. Nhưng theo như rất nhiều người bạn của tôi – những người đang tham gia công tác tông đồ COURAGE – kể lại quãng thời gian họ sống cuộc đời “đồng tính”, chúng tôi biết thế nào là hạnh phúc. Chỉ có ở trong Giáo hội chúng tôi mới tìm thấy hạnh phúc và sự thoả mãn đích thực.
Chúng ta phải bắt đầu công bố và tin tưởng rằng, niềm vui xuất phát từ sự khiết tịnh mà chúng ta đang có chính là một phần trong niềm vui Tin Mừng của Giáo hội. Giáo hội nói với những người có khuynh hướng đồng tính rằng Giáo hội chào đón họ, nhưng họ không thể hành động theo những ham muốn đó. Đó là lời mời gọi đạt đến một cảm giác sâu sắc hơn về sự thoả mãn.
CWR: Khiết tịnh sẽ giúp chúng ta hạnh phúc …
Daniel Mattson: Người khiết tịnh là người thấy thực tế, và sống theo thực tế. Mọi nhân đức đều làm như vậy, nhưng cách riêng, đức khiết tịnh giúp chúng ta thấy mình thực sự là ai. Tôi là một người đàn ông, được tạo nên để kết hợp với một người phụ nữ. Thực tại cơ thể của con người cho thấy tình dục được tạo ra để truyền sinh, và cũng để cho sự kết hợp giữa người nam và người nữ trong hôn nhân.
Tình dục thường dẫn đến các trẻ em, nên tình dục phải gắn liền với một cuộc hôn nhân suốt đời. Sử dụng tình dục ngoài hôn nhân là lạc xa khỏi con đường thành toàn con người mà Thiên Chúa đã quy định cho cuộc đời chúng ta.
CWR: Phó Tổng thống (Mỹ) Mike Pence từng tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2002, ông không bao giờ đi giao tiếp một mình với phụ nữ, và một số người đã chế giễu ông vì quan điểm này.
Daniel Mattson: Thật khó hiểu những lời chế giễu đó, đặc biệt là chỉ mới đây thôi, chúng ta đã có một vị Tổng thống không biết quý trọng người vợ và hôn nhân của mình. Tôi ngưỡng mộ Mike Pence vì sự cam kết của ông đối với đức khiết tịnh, ngay cả khi nhiều người không nghĩ rằng khiết tịnh thì phải cực đoan đến mức đó, nhưng ông yêu vợ và làm vậy như một cách thể hiện mình tôn trọng và yêu vợ. Ông đã chứng kiến những người đàn ông có trong tay quyền lực sa ngã thế nào và cuộc đời họ bị phá hủy ra sau; ông dựng nên một bức tường rào quanh cuộc hôn nhân của mình để nỗ lực bảo vệ nó. Tôi tin rằng thế giới sẽ trở nên tốt đẹp hơn nếu có nhiều người như ông ấy.
CWR: Cộng đồng LGBT đang bổ sung ngày càng nhiều danh xưng để thể hiện các khuynh hướng tình dục và giới tính khác nhau. Điều đó có hơi lạ lùng không?
Daniel Mattson: Ý tưởng về “đồng tính luyến ái” và “tình dục khác giới” chưa bao giờ hình thành chỉ đến khi những thuật ngữ này được đưa ra năm 1862. Từ những thuật ngữ đó, chúng ta tìm cách phân loại mọi người phù hợp với những danh xưng đặt ra. Những danh xưng mới tiếp tục được phát minh, và đi đến mức phi lý. Chúng ta đang tư duy theo kiểu Descartes, tôi tư duy nên tôi tồn tại, và Nietzsche, bản thân tôi, tôi sẽ là thế này. [ND: Câu này ý nói cách định nghĩa con người chỉ dựa vào một khía cạnh nào đó, cách tự định nghĩa, phiến diện về con người].
Chúng ta phải nhìn nhận mọi thứ rõ ràng như chúng là và đặt đúng tên gọi cho chúng; chúng ta đang chứng kiến một tháp Babel mới với lời kêu gọi: đến đây, chúng ta hãy tự đặt tên cho chính chúng ta. Bạn có thể tự nhận mình là “đồng tính luyến ái”, “song tính luyến ái”, “toàn tính luyến ái” (pansexual), hoặc một cái gì khác. Nhưng những gì bạn đang thực sự làm là tự nhận mình là Thiên Chúa và tuyên bố “Ta là đấng Ta Là” [ND: như lời Thiên Chúa tự xưng về chính Người “Ta là đấng Ta Là”]. Kinh cầu các bản sắc tình dục này là một hình thức thờ ngẫu tượng và chống lại Thiên Chúa.
CWR: Hiện nay anh thế nào?
Daniel Mattson: Tôi sống độc thân… Tôi không gọi mình là “đồng tính”… và tôi muốn mở lòng đón nhận mọi thánh ý của Chúa. Tôi chưa có vợ, và tôi không buồn rầu hay cầu xin để có. Tôi cầu nguyện cho ý Chúa được thực hiện. Tôi đã chạm đến điểm hạnh phúc và hài lòng trong cuộc sống độc thân, và tôi xem đó là cách để tôi có thể chia sẻ lại với những người khác.
Tôi nhận ra bản năng giới tính của người nam thúc đẩy họ trở thành một người cha. Là một người đàn ông độc thân, tôi có thể trở thành cha tinh thần cho nhiều người và sẵn sàng giúp đỡ họ mọi lúc. Nhưng một trong những lý do khiến tôi từ chối gọi mình là “đồng tính” là tôi khiêm tốn trước mặt Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo nên tôi. Tôi chấp nhận bản sắc tính dục của tôi: là một người đàn ông được tạo nên để dành cho một người phụ nữ. Như vậy có nghĩa là Thiên Chúa – biết đâu vào lúc nào đó – có thể mời gọi tôi kết hôn với một phụ nữ. Tôi muốn mình luôn sẵn sàng và ngoan ngoãn tuân theo thánh ý Ngài. Tôi chưa muốn lập gia đình, nhưng tôi có linh tính nếu mình kết hôn, đó sẽ là tiếng Chúa mời gọi tôi dấn thân triệt để hơn cho một tình yêu không vị kỷ và tự hiến mình.
Cecilia chuyển ngữ