"Tại sao con vẫn không thể yêu Chúa ?"

Lòng yêu mến Chúa không phải là một ước muốn phát xuất từ tâm hồn của con mà là tình yêu mến Chúa đã đặt vào lòng con để con có thể yêu mến Ngài

giải-dapThưa cha, con rất muốn yêu mến Chúa, nhiều khi con rất sốt sắng muốn yêu Chúa. Nhưng sau đó nhìn lại mình, con thật sự thấy mình hình như chẳng sốt sắng gì với việc đi lễ, đọc kinh sáng tối. Con không biết phải làm thế nào bây giờ ? Mẹ con hay kể cho con nghe những chuyện thế này, ví dụ: “Có anh này nghiện ngập, nhưng sau khi được ơn Chúa thánh hoá thì trở nên sốt sắng” v…v… Con cũng tin rằng sẽ có ngày Chúa thánh hoá trái tim con, nhưng con không làm cách nào được. Cha có thể chỉ cho con cách nào gần gũi với Chúa được không ? Năm nay con 13 tuổi nên con vẫn chưa muốn từ bỏ cuộc sống thế trần, vậy làm thế nào để con có thể vừa chơi vừa yêu Chúa ?

Giải đáp

Con quí mến,

Nhận được thắc mắc của con cha cảm thấy rất vui mừng vì thấy con đang quan tâm đến một điều rất quan trọng cho tâm hồn : đó là lòng yêu mến Chúa. Những khó khăn con đang cảm thấy cũng là những gi các tâm hồn đạo đức đã trải qua.

Lòng yêu mến Chúa không phải là một ước muốn phát xuất từ tâm hồn của con mà là tình yêu mến Chúa đã đặt vào lòng con để con có thể yêu mến Ngài. Những tâm tình sốt mến mà con cảm thấy cũng là sự khai mở để lôi kéo con đến với Chúa. Đó là những bước đi đầu tiên trong một hành trình thiêng liêng kéo dài suốt cuộc đời.

Con đã có những ước muốn rất tốt đẹp nhưng khi nhìn vào cuộc sống con lại thấy mình chưa sốt sắng trong việc đọc kinh và dự lễ. Điều đó cho con hiểu rằng “tinh thần thì hăng say nhưng thể xác lại yếu hèn”. Chúa Giêsu đã nói như thế với các Tông Đồ nơi vườn Cây Dầu khi thấy các ông không thể canh thức và cầu nguyện với Chúa.

Con muốn hỏi có cách nào để gần gũi với Chúa không thì Chúa cũng đã trả lời cho con rồi đó “ Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ” ( Mát-Thêu 26, 41). Một việc rất đơn giản mà con có thể làm đuợc mỗi ngày là cầu nguyện. Con hãy nói với Chúa những ước nguyện của con. Con hãy nói là con muốn yêu Chúa lắm và xin Chúa giúp con, nâng đỡ con và thánh hoá con. Đừng chờ đợi một ngày nào đó con sẽ yêu mến Chúa nhiều mà ngay từ hôm nay con hãy tỏ lòng yêu mến Chúa ngay bằng lời cầu nguyện của con. Không cần phải đợi đến lúc đọc kinh con mới nhớ đến Chúa mà bất cứ lúc nào con có thời gian chỉ cần một phút thôi, con cũng có thể cầu nguyên với Chúa qua một lời nguyện nhỏ bé, ngắn gọn. Làm như vậy con sẽ có nhiều cơ hội gần gũi Chúa và con sẽ không khó khăn như khi con phải cầm trí lâu lúc đọc kinh. Con cũng có thể cầu nguyện cho những người xung quanh con nữa hay trong những khi gặp khó khăn hãy dâng lên Chúa một lời cầu nguyện để xin Người giúp đỡ con hoặc con thấy có một điều gì đó muốn nói với Chúa thì cứ tự nhiên mà tỏ bầy. Rồi Chúa sẽ cho con thấy Người hằng ở bên con và con sẽ con được thêm lòng yêu mến Người . Hãy dùng những lời nguyện tắt như : Lạy Chúa Giêsu, con yêu mến Chúa- Lạy Chúa, xin giúp đỡ con- Lạy Chúa, xin cứu giúp những người nghèo khổ – Lạy Chúa, xin ban bình an cho cha mẹ, anh chị em con …

Để yêu mến Chúa không nhất thiết là phải từ bỏ thế gian theo cách nghĩ của những người xưa. Chỉ có những người đuợc kêu gọi đặc biệt sống đời tu trì mới cần sống tách biệt với trần thế thôi. Phần con, vẫn có thể vừa yêu Chúa vừa vui chơi như câu trả lời của thánh trẻ Savio khi được hỏi là nếu lát nữa tận thế thì sẽ làm gì. Ngài đã trả lời : Nếu con đang cầu nguyện thì sẽ tiếp tục cầu nguyện và nếu đang chơi thì cứ tiếp tục chơi…

Vào lứa tuổi của con thì hãy cố gắng sống ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành, siêng năng học Giáo Lý, tham gia sinh hoạt trong giáo xứ, năng viếng Chúa Giêsu Thánh Thể… Điều quan trọng là con hiểu được Chúa muốn con làm gì và khi con sẵn sàng làm theo điều Chúa muốn là con đã yêu mến Chúa rồi. Nếu con năng cầu nguyện nhất là cầu nguyện xin thêm lòng yêu mến Chúa. Chúa sẽ không từ chối ước nguyện ấy của con đâu. Chỉ có Chúa mới làm cho con yêu mến Người được thôi.

Chúc con luôn sống vui tươi và luôn ước ao sống đẹp lòng Chúa và xin Chúa cho con được thêm lòng yêu mến Người.

Lm Giuse Nguyễn Ngọc Bích CSsR

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết