Chuyện thứ nhất: Công nhân chết trong buồng tắm vì điện giật.
Mới từ Bắc vô Nam tìm được việc làm để gửi tiền ra Bắc nuôi mẹ già. Đi làm về, đặt áo ướt lên dây điện buồng tắm nhà trọ, điện giựt, lăn quay ra chết ngay lập tức. Xác lại được chuyển từ Nam về Bắc.
Chuyện thứ hai: Mảnh kim loại văng ra, ghim vào tròng mắt vì không đeo kính bảo hộ.
Ông chủ đã nhắc nhở nhiều lần “Cẩn tắc vô ưu” mà cứ cố tình “đánh trống lảng”. Mảnh kim loại làm mù luôn con mắt.
Chuyện thứ ba: Tóc cuốn vào máy gây lột trần da đầu, lộ toàn bộ xương sọ.
Lẽ ra cô ấy phải đội mũ che tóc chứ?
Kể sao cho hết những tai nạn gây chết chóc và thương tật.
Có lẽ tôi sẽ tập bỏ dần cái tính “ngồi mà nguyền rủa bóng tối”. Tôi sẽ tập “xem xét vấn đề” và cùng với nhóm Xã Hội Công Giáo xắn tay áo “giải quyến vấn đề”.
NHỚ LẠI VÀ SUY NGHĨ
“Các nhà khoa học và văn hóa được mời gọi hãy tham gia giải quyết những vấn đề phức tạp và rộng lớn, liên hệ đến lao động, mà tại một số nơi đã lên tới mức bi đát. Sự đóng góp của những người ấy rất quan trọng để có thể đưa ra được những giải pháp thích hợp” (GHXH. số 320).
Tôi là bác sĩ chỉ biết ngồi trong nhà thương và chờ đợi những tai nạn đã rồi, những thân thể rã rời nát tan be bét máu me. Thế rồi chúng tôi cưa chân cưa tay, móc bỏ con mắt đã vỡ vụn, cắt bỏ lá lách chấn thương dập nát, cưa sọ để moi bỏ những phần não bị nghiền nát…
Nếu may mắn sống sót, nạn nhân sẽ phải tập luyện để phục hồi chức năng nhưng than ôi, “Thời oanh liệt nay còn đâu!” Việt Nam có thêm những thanh niên mù lòa, què cụt, ngớ ngẩn vì chấn thương sọ não!
Tôi là nhà báo, nhà văn hóa, tu sĩ ư? Tôi sẽ viết báo, lên giảng đàn, làm phim… để nhắc nhở các công nhân, các chủ nhân, các học trò, các bậc cha mẹ phải luôn coi chuyện giáo dục là quốc sách, đừng để xảy ra những tai nạn làm nghèo đất nước vốn đã, đang và sẽ khổ ải muôn trùng (câu văn Giáo Huấn dùng đến chữ BI ĐÁT, có lẽ nước Việt Nam đang rất là bi đát muôn mặt?)
MỘT KHÁM PHÁ MỚI TỪ GIÁO HUẤN XÃ HỘI: NHÂN ĐỨC LIÊN ĐỚI.
Giáo Huấn Xã Hội coi nguyên tắc liên đới là một nhân đức (số 193-194). Khi còn bé, tôi chỉ biết có ba nhân đức TIN- CẬY- MẾN nay đã già mới nghe thêm nhân đức thứ tư LIÊN ĐỚI:
– Liên đới là dấn thân lo cho công ích;
– Liên đới là dám chịu trách nhiệm về tất cả mọi người;
– Liên đới là dám liều mất bản thân mình vì người khác;
– Liên đới là nhận thức rằng ta là người mắc nợ xã hội.
Cả đời tôi tập tành ba nhân đức TIN- CẬY- MẾN đã thấy trầy trật, nhân đức của tôi khi sụt lúc trồi, nay lại thấy “nhô” lên lời mời sống đức LIÊN ĐỚI khiến tôi cứ phải ý thức mình là người mắc nợ xã hội. Tức là mình chẳng còn là kẻ
– Đau buồn hời hợt;
– Thông cảm mơ hồ; và
– Xa lạ ích chung.
Trái lại, từ nay tôi bước theo Đức Kitô, đấng liên đới với nhân loại sâu xa tới mức “chết trên thập giá, trao ban hoàn toàn vô điều kiện, tha thứ và hòa giải” (GHXH, số 196).
Dừng suy tư, về với đời thường:
Anh bác sĩ vừa mổ cấp cứu cho đồng bào, vừa miên man nhân đức Liên đới.
Vị tu sĩ, nhà văn hóa, nhà báo… lúc viết bài, lúc giảng giải, lúc làm phim… mà lòng dâng lên những tình tự liên đới với tổ quốc, quê hương và nhân loại.
Nhờ thế, nhờ sống tình liên đới lúc chúng ta đang lao động, chúng ta sẽ “làm cho tính nhân bản của lao động được lộ ra trên cấp hành tinh” (GHXH, số 322).
Nguyễn Khang
Nguồn: Tập san GHXH, số 19