Tại Luxembourg bị tục hóa, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi các tín hữu Công giáo truyền bá Phúc Âm hóa châu Âu

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ Thủ tướng của Đại công quốc Luc Frieden trước khi phát biểu trước các thành viên của chính phủ, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn tại tòa nhà hành chính Cercle Cité của Luxembourg, vào ngày 26 tháng 9 năm 2024 (Ảnh: Daniel Ibañez/CNA)

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ Thủ tướng của Đại công quốc Luc Frieden trước khi phát biểu trước các thành viên của chính phủ, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn tại tòa nhà hành chính Cercle Cité của Luxembourg, vào ngày 26 tháng 9 năm 2024 (Ảnh: Daniel Ibañez/CNA)

Đức Thánh Cha Phanxicô đã hạ cánh tại Luxembourg hôm thứ Năm, điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến Tông du kéo dài bốn ngày đến hai quốc gia có truyền thống Kitô giáo ở châu Âu, cả hai đều đang chứng kiến ​​sự sụt giảm mạnh về tín ngưỡng tôn giáo trong bối cảnh chủ nghĩa thế tục đang lan rộng.

Trước khi thực hiện chuyến bay kéo dài 55 phút đến quốc gia láng giềng Bỉ vào chiều ngày 26 tháng 9, vị Giáo hoàng 87 tuổi đã dành một ngày để thăm Luxembourg, một đất nước nhỏ bé nhưng giàu có, nơi ngài kêu gọi các chính trị gia hãy để cho mình được dẫn dắt bởi các giá trị tâm linh và các tín hữu Công giáo địa phương hãy thực hiện “công cuộc loan báo truyền giáo” của Tin Mừng.

Khi dừng chân tại Nhà thờ Đức Bà theo phong cách Gothic thế kỷ 17, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc lại lời của Thánh Gioan Phaolô II trong chuyến viếng thăm Luxembourg vào năm 1985, đồng thời cho biết rằng ngài “muốn nhấn mạnh rằng chúng ta cần một châu Âu và một thế giới nơi mà Tin Mừng sẽ được chia sẻ thông qua những lời mà anh chị em công bố cùng với những hành động yêu thương của anh chị em”.

Một chế độ quân chủ lập hiến, Đại công quốc Luxembourg là quốc gia nhỏ thứ hai của Liên minh châu Âu và giàu có nhất tính theo đầu người. Dân số ước tính của quốc gia này là 672.000 người.

Luxembourg cũng là nơi đặt trụ sở của một số tổ chức thuộc Liên minh châu Âu, bao gồm Tòa án Công lý của Liên minh châu Âu, cơ quan tư pháp cao nhất.

Chỉ vài ngày sau khi hủy hai buổi tiếp kiến ​​vì bị cúm nhẹ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến trong tình hình thời tiết mát mẻ và mưa ở đất nước này, nơi ngài được đám đông mặc áo mưa khiêm tốn xếp hàng trên đường phố, cầm ô và cờ Luxembourg nhỏ chào đón.

Giáo hội tại Luxembourg

Luxembourg chỉ có một lãnh thổ tôn giáo duy nhất là Tổng Giáo phận Luxembourg, được lãnh đạo bởi Đức Hồng y Jean-Claude Hollerich, SJ, Tổng tường trình viên của Thượng Hội đồng về Hiệp hành của Giáo hội Công giáo.

Đức Hồng y Hollerich nói với “EWTN News Nightly” rằng Giáo hội Công giáo ở Luxembourg là “một Giáo hội nghèo nàn trong một quốc gia giàu có”.

Theo số liệu thống kê của Vatican năm 2022, Tổng Giáo phận này ước tính có 271.000 người Công giáo, chiếm 41% dân số — giảm mạnh so với năm 2018, khi ước tính có 63% dân số tự nhận là người Công giáo.

Tuy nhiên, số liệu thống kê về việc thực hành đức tin Công giáo thậm chí còn ảm đạm hơn. Một cuộc khảo sát của TNS Ilres năm 2022 cho thấy trong số những người tự coi mình là người theo đạo, phần lớn là người Công giáo, chỉ có 6% cho biết họ đi lễ hàng tuần và 30% cho biết họ “không bao giờ hoặc hầu như không bao giờ” tham dự Thánh lễ.

“Chúng tôi đã từng mang đậm nét Công giáo như Ireland”, Đức hồng y Hollerich nói. “Và giống như Ireland, không còn nhiều thứ còn sót lại từ thời đó”.

Đức Hồng y Hollerich lưu ý rằng Luxembourg là quốc gia có tính quốc tế cao: Chỉ có 30% dân số sinh ra tại Luxembourg và khoảng một nửa không phải là công dân — đặc điểm nhân khẩu học này cũng được phản ánh trong Giáo hội.

“Vì vậy, chúng tôi có một xã hội di cư, và chúng tôi có những cộng đồng thịnh vượng, nói tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Ba Lan, và họ là dấu hiệu hy vọng cho Giáo hội của chúng tôi”, Đức Hồng y Hollerich nói.

Trong buổi tiếp kiến ​​cộng đồng Công giáo tại Nhà thờ Đức Bà, Đức Thánh Cha Phanxicô đã lắng nghe lời chứng của Sơ Maria Perpétua Coelho Dos Santos, người cho biết Giáo hội địa phương “giàu có các cộng đồng ngôn ngữ”, bao gồm những người nhập cư đến từ Việt Nam, Cape Verde, Ukraine, Philippines, Croatia, Cộng hòa Séc, Slovakia, Hungary và nhiều quốc gia châu Phi khác.

“Nếu sự đa dạng của chúng tôi là một thách thức hàng ngày, thì trước hết chúng tôi sống với nó như một sự giàu có”, Sơ Perpétua nói.

Tại Nhà thờ Chính Tòa Luxembourg, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã lắng nghe lời chứng của một cư dân trẻ tên là Diogo Gomes Costa, người đã nói về cách đức tin của mình được thắp lại khi tham dự Đại hội Giới trẻ Thế giới 2023 tại Lisbon, Bồ Đào Nha. Ngài cũng lắng nghe Christine Bußhardt, phó Chủ tịch Hội đồng Mục vụ Giáo phận, người đã nói rằng “trong xã hội đa văn hóa của Luxembourg, sứ mệnh Kitô giáo của chúng ta là lên tiếng nói về Chúa.

“Tiến trình Hiệp hành toàn cầu mang đến cơ hội lịch sử cho sự đổi mới rất cần thiết, và hạt giống của Giáo hội Hiệp hành đã bắt đầu nảy mầm”, Christine nói.

Sau đó, Đức Thánh Cha đã thưởng thức buổi biểu diễn vũ kịch độc đáo tái hiện những khoảnh khắc quan trọng trong cuộc đời của Thánh Phanxicô thành Assisi.

Theo Tổng Giáo phận Luxembourg, trong vòng 8 giờ sau khi mở đăng ký, hơn 10.000 người đã nộp đơn để có được một trong 650 chỗ ngồi cho cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha Phanxicô tại Nhà thờ Chính tòa Luxembourg. Các chỗ ngồi được phân bổ thông qua một cuộc xổ số ngẫu nhiên và các màn hình lớn được dựng bên ngoài, nơi hàng trăm người theo dõi cuộc gặp gỡ.

“Giáo hội tại Luxembourg đang sống trong một xã hội tục hóa mạnh mẽ, với những đau khổ và khó khăn, nhưng cũng có những con đường hy vọng”, Đức Hồng y Hollerich phát biểu trong lời chào mừng Đức Thánh Cha Phanxicô tại Nhà thờ Chính tòa.

Trong chuyến viếng thăm của mình, Đức Thánh Cha đã khai mạc Năm Thánh Thánh Mẫu cho Tổng Giáo phận Luxembourg, kỷ niệm 400 năm sùng kính Đức Mẹ Bảo trợ của đất nước, Đức Maria, Đấng an ủi những người đau khổ.

“Tước hiệu này của Đức Maria rất phù hợp với chủ đề mà anh chị em đã chọn cho chuyến viếng thăm này: ‘Phục vụ’”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “An ủi và phục vụ thực ra là hai khía cạnh cơ bản của tình yêu mà Chúa Giêsu đã dành cho chúng ta, tình yêu mà Người đã trao phó cho chúng ta như là sứ mệnh của chúng ta và Người đã chỉ ra như là con đường duy nhất dẫn đến niềm vui trọn vẹn”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng tặng cho Nhà thờ Chính tòa một bức điêu khắc nhỏ hình một bụi hoa hồng bằng vàng, một truyền thống lâu đời của Điáo hoàng được gọi là “bông hồng vàng”. Từ lâu, bức tượng này thường được tặng cho mọi người, nhưng trong những thập kỷ gần đây, các Giáo hoàng đã tặng nó cho các Đền thờ kính Đức Mẹ như một dấu chỉ cho lòng sùng kính Đức Mẹ của những nơi này.

Gặp gỡ các nhà lãnh đạo hoàng gia và chính trị của Luxembourg

Vào buổi sáng, cuộc gặp gỡ đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô là chuyến thăm Đại công tước Luxembourg, Henri, và phu nhân, Nữ công tước María Teresa, tại dinh thự chính thức của họ, Cung điện Đại công tước.

Trong cuộc gặp gỡ, Đức Thánh Cha đã chụp ảnh cùng cặp vợ chồng hoàng gia, 5 người con và 7 trong số 8 người cháu của họ trong một phòng khiêu vũ được trang trí bằng vàng.

Sau đó, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ Thủ tướng của Đại công quốc, Luc Frieden, trước khi phát biểu trước các thành viên chính phủ, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn tại tòa nhà hành chính Cercle Cité của Luxembourg.

Trong bài phát biểu tại Cercle Cité, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói với các nhà lãnh đạo đất nước rằng “đừng quên rằng việc sở hữu của cải đi kèm với trách nhiệm”.

“Tôi kêu gọi sự cảnh giác liên tục để các quốc gia yếu thế nhất không bị bỏ rơi và họ được giúp đỡ để thoát khỏi tình trạng nghèo đói của mình”, Đức Thánh Cha nói, và đồng thời cũng cho biết thêm rằng đây là một cách giúp giảm số lượng người buộc phải di cư khỏi đất nước của họ.

“Với lịch sử đặc biệt và vị trí địa lý đặc biệt, với gần một nửa dân số đến từ các nơi khác ở châu Âu và thế giới rộng lớn hơn, Luxembourg có thể giúp ích và trở thành tấm gương chỉ ra con đường phía trước trong việc chào đón và hòa nhập người di cư và người tị nạn”, Đức Thánh Cha nói.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng cho biết sự tái diễn của chiến tranh trên lục địa châu Âu đồng nghĩa với việc cuộc sống thường ngày của người dân và các nhà lãnh đạo của họ cần “được thúc đẩy bởi các giá trị tinh thần cao quý và sâu sắc” để hàn gắn sự rạn nứt và thù địch.

“Với tư cách là Người kế nhiệm Thánh Phêrô Tông đồ, và thay mặt cho Giáo hội, chuyên gia về nhân loại, tôi hiện diện nơi đây để làm chứng rằng Tin Mừng là nguồn sống và là sức mạnh luôn mới mẻ của sự đổi mới cá nhân và xã hội”, Đức Thánh Cha nói.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói với các chính trị gia Luxembourg: “Chỉ có Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô mới có khả năng biến đổi sâu sắc tâm hồn con người, khiến nó có khả năng làm điều thiện ngay cả trong những tình huống khó khăn nhất, dập tắt sự hận thù và hòa giải các bên tham gia vào xung đột. Chớ gì tất cả mọi người, mọi người nam và nữ, trong sự tự do hoàn toàn, đều được biết đến Tin Mừng của Chúa Giêsu”.

 Nhắc đến khẩu hiệu của chuyến viếng thăm của mình, “Phục vụ”, Đức Thánh Cha cũng cho biết thêm rằng “đối với tất cả chúng ta, lời kêu gọi ‘phục vụ’ là danh hiệu cao quý nhất, là nhiệm vụ chính, là lối sống cần tuân theo mỗi ngày”.

Trên đường đến Cercle Cité dưới trời mưa, xe của Đức Thánh Cha Phanxicô đã dừng lại nhiều lần để chúc lành cho trẻ sơ sinh và chào đón các em nhỏ, tặng chúng tràng hạt và những viên kẹo.

Trong đám đông khá yên tĩnh dọc các con phố, thỉnh thoảng có những nhóm nhỏ cất tiếng hô vang “Papa Francisco!” và reo hò khi họ thoáng thấy Đức Thánh Cha.

Sau bữa trưa tại Tòa Tổng Giám mục, Đức Thánh Cha đã bất ngờ đến thăm một quán cà phê gần đó, Cafe Cycliste, bằng cách dừng lại uống cà phê với một số trợ lý của mình, theo Văn phòng Báo chí Tòa Thánh. Trên đường đi, ngài đã chúc lành cho một phụ nữ mang thai.

Đức Thánh Cha Phanxicô ghé thăm Cafe Cycliste, dừng lại uống cà phê với một số trợ lý của mình, trong một điểm dừng chân bất ngờ trong chuyến đi tới Luxembourg vào ngày 26 tháng 9 năm 2024 (Ảnh: Văn phòng Báo chí Tòa Thánh)

Đức Thánh Cha Phanxicô ghé thăm Cafe Cycliste, dừng lại uống cà phê với một số trợ lý của mình, trong một điểm dừng chân bất ngờ trong chuyến viếng thăm Luxembourg vào ngày 26 tháng 9 năm 2024 (Ảnh: Văn phòng Báo chí Tòa Thánh)

Vào buổi tối trước khi rời Rôma, ngày 25 tháng 9, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến viếng Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả như thường lệ để cầu nguyện trước bức tượng Đức Mẹ Salus Populi Romani và cầu xin Đức Mẹ bảo vệ chuyến đi.

Vào buổi sáng của chuyến bay, Đức Thánh đã tiếp khoảng 10 người vô gia cư nam nữ ngủ dưới các cột trụ của Quảng trường Thánh Phêrô tại dinh thự Santa Marta, cùng với Chánh sở Từ thiện Giáo hoàng, Đức Hồng y Konrad Krajewski, Văn phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết.

Chuyến viếng thăm kéo dài bốn ngày của Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tiếp tục ở Bỉ, nơi ngài sẽ đến thăm ba thành phố để kỷ niệm 600 năm thành lập các trường đại học Công giáo Leuven và Louvain-la-Neuve trước khi trở về Rôma vào ngày 29 tháng 9.

240926luxembourgfindelintairportwelcome-ceremonydaniel-banez5 240926meetingwiththeauthoritiesdanielibanez2 240926meetingwiththeauthoritiesdanielibanez6 240926meetingwiththeauthoritiesdanielibanez13 240926visittothegranddukeofluxembourgdanielibanez15 popefrancisluxembourgcathedral1092624 popefrancisluxembourgcathedral2092624

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết