Tài liệu mới của Vatican về quyền tối thượng của Đức Giáo hoàng chia sẻ 4 ‘gợi ý thực tế’ cho sự hiệp nhất các Giáo hội Kitô giáo

Đức Hồng Y Kurt Koch, Tổng Trưởng Thánh Bộ Cổ võ Sự Hiệp nhất Kitô giáo, phát biểu trong buổi trình bày tài liệu nghiên cứu có tựa đề: “Vị Giám mục Rôma. Tính Ưu việt và Hiệp hành trong các cuộc đối thoại đại kết và phản ứng với Thông điệp 'Ut unum Sint'" tại Vatican vào ngày 13 tháng 6 năm 2024 (Ảnh: CNS/Lola Gomez)

Đức Hồng Y Kurt Koch, Tổng Trưởng Thánh Bộ Cổ võ Sự Hiệp nhất Kitô giáo, phát biểu trong buổi trình bày tài liệu nghiên cứu có tựa đề: “Vị Giám mục Rôma. Tính Ưu việt và Hiệp hành trong các cuộc đối thoại đại kết và phản ứng với Thông điệp ‘Ut unum Sint'” tại Vatican vào ngày 13 tháng 6 năm 2024 (Ảnh: CNS/Lola Gomez)

Vào ngày 13 tháng 6, Thánh Bộ Cổ võ sự Hiệp nhất Kitô giáo của Vatican đã công bố một tài liệu nghiên cứu quan trọng về vai trò của vị Giám mục Rôma và việc vai trò đó được các Giáo hội Kitô giáo khác nhìn nhận như thế nào như được thể hiện trong các cuộc đối thoại đại kết kể từ Công đồng Vatican II (1962-1965). Điều đáng chú ý là tài liệu kết thúc bằng việc đề xuất bốn “gợi ý thực tế” về cách tiến hành cuộc thảo luận này trong một Giáo hội Hiệp hành.

Tài liệu nghiên cứu này được đưa ra 29 năm sau Thông điệp của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II về cam kết của Giáo hội Công giáo đối với sự hiệp nhất Kitô giáo, “Ut Unum Sint” (“Để Họ Có Thể Nên Một”), mời gọi các mục tử và các nhà thần học của các Giáo hội Kitô giáo khác “xem xét – tất nhiên là cùng với nhau – những hình thức” trong đó Thừa tác vụ của vị Giám mục Rôma “có thể hoàn thành việc phục vụ vì tình yêu được tất cả những người liên quan công nhận”.

Vị Giáo hoàng người Ba Lan đã đưa ra lời mời gọi khi nhận thức được quyền tối thượng của vị Giám mục Rôma đã và vẫn tiếp tục gây ra những trở ngại cho các Giáo hội Kitô giáo khác trên hành trình hướng tới sự hiệp nhất như ý muốn của Chúa Kitô.

Tài liệu nghiên cứu mới bối cảnh hóa lời mời gọi của Đức Gioan Phaolô II. Nó nhắc lại rằng “sự hiểu biết và việc thực thi Thừa tác vụ của vị Giám mục Rôma đã bước vào một giai đoạn mới với Công đồng Vatican II. Kể từ đó, chiều kích đại kết đã trở thành một khía cạnh thiết yếu của Thừa tác vụ này, như được minh họa bởi các vị Giáo hoàng kế nhiệm”. Lời mời gọi của Đức Gioan Phaolô II trong “Ut Unum Sint” “đã đánh dấu một thời điểm mang tính lịch sử trong nhận thức đại kết này”, tài liệu nghiên cứu nêu rõ, đồng thời cũng cho biết thêm rằng “lời mời gọi đó nhận được sự ủng hộ đặc biệt” trong Triều đại Giáo hoàng của Đức Phanxicô, vốn đã nhấn mạnh đến chiều kích Hiệp hành của Thừa tác vụ Giáo hoàng.

Tài liệu nghiên cứu dài 147 trang mang tựa đề “Vị Giám mục Rôma: Tính Ưu việt và Hiệp hành trong các cuộc đối thoại đại kết và trong phản ứng với Thông điệp Ut Unum Sint”. Tài liệu đã được trình bày trong một cuộc họp báo ở Vatican hôm thứ Năm, ngày 13 tháng 6, bởi Đức Hồng Y Kurt Koch, 74 tuổi, người gốc Thụy Sĩ, Tổng Trưởng Thánh Bộ Cổ võ Sự Hiệp nhất Kitô giáo, và bởi Đức Hồng Y Grech người gốc Malta, 67 tuổi, Tổng thư ký của Thượng Hội đồng.

Không giống như những tranh cãi trong quá khứ, Đức Hồng Y Koch nói, “vấn đề về tính ưu việt không còn được coi đơn thuần như là một vấn đề nữa, mà còn là cơ hội cho sự suy tư chung về bản chất của Giáo hội và sứ mạng của Giáo hội trên thế giới”.

Tuy nhiên, Đức Hồng Y Koch nhắc lại rằng trong Tông huấn Evangelii Gaudium năm 2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhận xét rằng “chúng ta đã đạt được rất ít tiến bộ” để đáp lại yêu cầu của Đức Gioan Phaolô II nhằm tìm ra “một cách thực thi quyền tối thượng, trong khi không hề từ bỏ những gì thiết yếu cho sứ mạng của Giáo hội nhưng vẫn mở ra cho một tình huống mới”.

Đức Hồng Y Koch nói rằng tài liệu nghiên cứu này là một bước tiến được Thánh Bộ Cổ võ Sự Hiệp nhất Kitô giáo thực hiện nhân kỷ niệm 25 năm Thông điệp của Đức Gioan Phaolô II; “nó đã nhìn thấy một cơ hội để tổng hợp những suy tư này và thu thập những thành quả quan trọng” như Đức Thánh Cha Phanxicô đã yêu cầu. Hơn nữa, “việc triệu tập Thượng Hội đồng về Hiệp hành đã xác nhận sự liên quan của dự án này như một sự đóng góp cho chiều kích đại kết của tiến trình Hiệp hành”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã phê chuẩn việc xuất bản, theo Đức Hồng Y Koch, người nhấn mạnh rằng văn bản này “không yêu cầu bàn hết mọi mặt của chủ đề cũng như không tóm tắt toàn bộ Huấn quyền Công giáo về chủ đề này”. “Mục đích của nó là đưa ra một tổng hợp khách quan về cuộc thảo luận đại kết chính thức và không chính thức về chủ đề này” vốn phản ánh cả những hiểu biết sâu sắc lẫn những hạn chế của nó, Đức Hồng Y Koch nói.

Tài liệu nghiên cứu kết thúc “với một đề xuất ngắn gọn từ Phiên họp toàn thể của Thánh Bộ có tựa đề ‘Hướng tới việc thực thi quyền tối thượng trong thế kỷ 21’”, trong đó xác định những gợi ý quan trọng cho Sứ vụ hiệp nhất của vị Giám mục Rôma, Đức Hồng Y Koch nói.

 Đức Hồng Y Koch cho biết tài liệu “là thành quả của gần 3 năm làm việc thực sự mang tính đại kết và Hiệp hành”. Nó tóm tắt 30 câu trả lời cho “Ut Unum Sint” và 50 tài liệu đối thoại đại kết về chủ đề này. Đã có sự tham vấn không chỉ trong phiên họp toàn thể của Thánh Bộ mà còn với các Thánh Bộ thuộc Giáo triều Rôma và Thượng Hội đồng Giám mục.

Đức Hồng Y Koch, người đứng đầu Thánh Bộ Vatican này từ tháng 7 năm 2010, đã trình bày những ý tưởng chính của tài liệu. Ngài chỉ ra rằng “nhiều” tài liệu đối thoại và phản ứng đối với “Ut Unum Sint”, bao gồm cả một số sự hợp tác với các Giáo hội khác, đã góp phần suy tư về tính ưu việt và tính Hiệp hành. Ngài lưu ý rằng mặc dù một số người có những cách giải thích khác nhau về cách thức Thừa tác vụ này được thực thi, “tất cả các tài liệu đều nhất trí về sự cần thiết phải phục vụ sự hiệp nhất ở cấp độ hoàn cầu”.

Đức Hồng Y Koch cho biết điều đặc biệt thú vị là “Sứ vụ Phêrô của vị Giám mục Rôma là nội tại của động lực Hiệp hành, cũng như khía cạnh cộng đồng vốn bao gồm toàn thể dân Thiên Chúa và chiều kích hiệp đoàn của Thừa tác vụ Giám mục”.

Nhìn về tương lai và các bước cần thực hiện trong các cuộc đối thoại thần học, Đức Hồng Y Koch cho biết, tài liệu nghiên cứu gợi ý sự cần thiết cần phải có “một sự kết nối tốt hơn giữa các cuộc đối thoại – mang tính địa phương và quốc tế, chính thức và không chính thức, song phương và đa phương, phương Đông và phương Tây — nhằm mục đích làm phong phú lẫn nhau”. Tài liệu cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải “cùng một lúc đề cập đến tính ưu việt và tính Hiệp hành” như “hai thực tế hỗ trợ lẫn nhau”. Nó kêu gọi “làm rõ về mặt ngữ vựng” cho Dân Chúa và đồng thời “thúc đẩy việc tiếp nhận kết quả của các cuộc đối thoại ở mọi cấp độ [trong các Giáo hội]”.

Đức Hồng Y Koch kết luận bằng cách chỉ ra 4 gợi ý hoặc đề xuất thực tế cần được đề cập trong Giáo hội Công giáo “để một sự hiểu biết mới và việc thực thi quyền tối thượng của Đức Giáo hoàng có thể góp phần khôi phục sự hiệp nhất Kitô giáo”.

Đề xuất đầu tiên kêu gọi “việc ‘tái tiếp nhận’, ‘tái diễn giải’, ‘giải thích chính thức’, ‘bình luận cập nhật’ hoặc thậm chí là ‘tái diễn đạt’” các Giáo huấn của Công đồng Vatican I về Sứ vụ Giáo hoàng theo kiểu Công giáo. Đề xuất nói rằng “một số cuộc đối thoại nhận thấy rằng những Giáo huấn này đã bị ảnh hưởng sâu sắc bởi bối cảnh lịch sử của chúng, và đồng thời gợi ý rằng Giáo hội Công giáo nên tìm kiếm những cách diễn đạt và ngữ vựng mới trung thành với ý định ban đầu nhưng được tích hợp vào nền Giáo hội học hiệp thông và thích nghi với bối cảnh văn hóa và đại kết hiện tại”.

Đề nghị thứ hai kêu gọi “một sự phân biệt rõ ràng hơn giữa các trách nhiệm khác nhau của vị Giám mục Rôma, đặc biệt giữa Thừa tác vụ Thượng phụ của ngài trong Giáo hội phương Tây và Thừa tác vụ hiệp nhất trong cương vị Tổng Giám mục của ngài trong sự hiệp thông của các Giáo hội, cả Tây phương lẫn Đông phương, có thể mở rộng ý tưởng này để xem xét làm thế nào các Giáo hội Tây phương khác có thể coi vị Giám mục Rôma là một Tổng Giám mục trong khi bản thân họ có quyền tự chủ nhất định”. Đề nghị cho biết rằng cũng cần phải phân biệt các trách nhiệm với tư cách Thượng phụ, Tổng Giám mục và trách nhiệm chính trị của Đức Giáo hoàng.

Đề nghị gợi ý rằng “việc nhấn mạnh hơn đến việc thực thi Thừa tác vụ của Đức Giáo hoàng trong Giáo hội cụ thể của ngài, Giáo phận Rôma, sẽ làm nổi bật Thừa tác vụ Giám mục mà ngài chia sẻ với các anh em Giám mục của mình, và đổi mới hình ảnh của Giáo hoàng”.

Đề xuất thứ ba khuyến nghị “sự phát triển tính Hiệp hành trong Giáo hội Công giáo”, đồng thời nhấn mạnh việc điều này cũng sẽ góp phần vào cam kết đại kết của Giáo hội. Nó xác định các lĩnh vực cần có tính Hiệp hành hơn nữa trong Giáo hội Công giáo, đặc biệt liên quan đến “thẩm quyền của các Hội đồng Giám mục Công giáo quốc gia và khu vực, mối quan hệ của họ với Thượng Hội đồng Giám mục và với Giáo triều Rôma”. Đề xuất kêu gọi sự tham gia sâu sắc hơn của “toàn thể dân Chúa vào tiến trình Hiệp hành”.

Đề nghị thứ tư kêu gọi “thúc đẩy ‘tình bằng hữu giữa các Hội đồng Giám mục” thông qua các cuộc gặp gỡ thường xuyên, cũng như hành động và chứng tá chung giữa các nhà lãnh đạo Giáo hội trên khắp thế giới.

Trong phần phát biểu dài của mình trong cuộc họp báo vào ngày 13 tháng 6, Đức Hồng Y Mario Grech đã “hoan nghênh” tài liệu nghiên cứu và nói rằng nó được đưa ra vào thời điểm thích hợp, vì vấn đề này nằm trong chương trình nghị sự của Thượng Hội đồng. Ngài nhắc lại rằng trong bài phát biểu nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Thượng Hội đồng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh “sự cần thiết và cấp bách” đối với “sự hoán cải của Triều đại Giáo hoàng”. Đức Hồng Y Grech nhấn mạnh rằng “Giáo hoàng không…ở trên Giáo hội; nhưng ở trong với tư cách là một trong những người đã được rửa tội, và trong Giám mục Đoàn với tư cách là Giám mục giữa các Giám mục, đồng thời được kêu gọi… lãnh đạo Giáo hội Rôma, vốn nắm quyền điều khiển trong tình bác ái trên tất cả các Giáo hội”.

Trong bài phát biểu đó, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng lưu ý rằng “cam kết xây dựng một Giáo hội Hiệp hành có ý nghĩa đại kết quan trọng” và tính Hiệp hành có thể chiếu tỏa “một ánh sáng lớn hơn…về việc thực thi Quyền tối thượng của Phêrô (Petrine Primacy)”.

Đức Hồng Y Grech trích dẫn báo cáo tổng hợp của Thượng Hội đồng, trong đó nói rằng “Sứ vụ Phêrô của vị Giám mục Rôma là nội tại của động lực Hiệp hành, cũng như khía cạnh cộng đồng bao gồm toàn thể Dân Chúa và chiều kích hiệp đoàn của việc thực thi Thừa tác vụ Giám mục. Do đó, tính Hiệp hành, tính hiệp đoàn và tính ưu việt liên quan đến nhau: tính ưu việt bao hàm việc thực thi tính Hiệp hành và tính hiệp đoàn, giống như cả hai đều bao hàm việc thực thi tính ưu việt”.

Đức Hồng Y Grech cho biết Thượng Hội đồng nhấn mạnh rằng “cần phải có cái nhìn sâu sắc hơn về cách hiểu mới về Hàng Giám mục trong một Giáo hội có tính Hiệp hành ảnh hưởng đến Thừa tác vụ của vị Giám mục Rôma và vai trò của Giáo triều Rôma”.

Minh Tuệ (theo America)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube