Tài liệu Làm việc mới tập trung vào cách thức thực hiện các mục tiêu của Thượng Hội đồng về Hiệp hành

Các Giám mục tiến vào Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô để tham dự Thánh lễ bế mạc phiên họp đầu tiên của Thượng Hội đồng về Hiệp hành vào ngày 29 tháng 10 năm 2023 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Các Giám mục tiến vào Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô để tham dự Thánh lễ bế mạc phiên họp đầu tiên của Thượng Hội đồng về Hiệp hành vào ngày 29 tháng 10 năm 2023 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Tài liệu hướng dẫn cho phần cuối cùng của Thượng Hội đồng về Hiệp hành, được công bố hôm thứ Ba, tập trung vào cách thức thực hiện một số mục tiêu của Thượng Hội đồng, đồng thời gạt bỏ một số chủ đề gây tranh cãi hơn từ cuộc họp năm ngoái, như việc truyền chức Phó tế cho phụ nữ.

“Nếu không có những thay đổi hữu hình, tầm nhìn về một Giáo hội Hiệp hành sẽ không đáng tin cậy”, Tài liệu Làm việc hay “công cụ làm việc” cho biết.

Sáu phần của tài liệu khoảng 30 trang này sẽ là chủ đề cầu nguyện, trò chuyện và phân định của các tham dự viên tham gia phiên họp thứ hai của Đại hội đồng thường kỳ lần thứ XVI của Thượng Hội đồng Giám mục, sẽ được tổ chức trong suốt tháng 10 tại Rôma.

Thay vì tập trung vào các câu hỏi và “sự hội tụ”, như trong Tài liệu Làm việc năm ngoái, “điều cần thiết hiện nay là… có thể đạt được sự đồng thuận”, theo nội dung trang Câu hỏi thường gặp từ ban tổ chức Thượng Hội đồng, cũng được phát hành vào ngày 9 tháng 7, trả lời câu hỏi về lý do tại sao cấu trúc này khác với Tài liệu Làm việc năm ngoái.

Ngày khai mạc Đại hội đồng thường kỳ lần thứ XV của Thượng Hội đồng Giám mục tại Hội trường Thượng Hội đồng tại Vatican vào ngày 3 tháng 10 năm 2018 (Ảnh: Daniel Ibáñez/CNA)

Ngày khai mạc Đại hội đồng thường kỳ lần thứ XV của Thượng Hội đồng Giám mục tại Hội trường Thượng Hội đồng tại Vatican vào ngày 3 tháng 10 năm 2018 (Ảnh: Daniel Ibáñez/CNA)

Tài liệu hướng dẫn cho phiên họp đầu tiên của Thượng Hội đồng về Hiệp hành vào năm 2023 đề cập đến các chủ đề nóng bỏng như các nữ Phó tế, luật độc thân Linh mục và việc tiếp cận cộng đồng LGBTQ.

Ngược lại, văn bản năm nay hầu như tránh né những chủ đề này, trong khi đưa ra những đề xuất cụ thể để thành lập một thừa tác vụ lắng nghe và đồng hành, sự tham gia nhiều hơn của giáo dân vào lĩnh vực kinh tế và tài chính của Giáo xứ, cũng như các Hội đồng Giáo xứ có thẩm quyền hơn.

“Thật khó để tưởng tượng một cách hiệu quả hơn để thúc đẩy một Giáo hội Hiệp hành hơn là sự tham gia của tất cả mọi người vào quá trình đưa ra quyết định và thực hiện”, theo nội dung văn bản.

Công cụ làm việc này cũng đề cập đến 10 nhóm nghiên cứu được thành lập vào cuối năm ngoái để giải quyết các chủ đề khác nhau được coi là “các vấn đề có liên quan đáng kể” tại phiên họp đầu tiên của Thượng Hội đồng vào tháng 10 năm 2023. Các nhóm này sẽ tiếp tục họp cho đến tháng 6 năm 2025 nhưng sẽ cung cấp thông tin cập nhật về tiến độ của họ tại phiên họp thứ hai vào tháng 10.

Đức Hồng Y Mario Grech và Đức Thánh Cha Phanxicô tại phiên bế mạc Thượng Hội Đồng về Hiệp hành vào ngày 28 tháng 10 năm 2023 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Hồng Y Mario Grech và Đức Thánh Cha Phanxicô tại phiên bế mạc Thượng Hội Đồng về Hiệp hành vào ngày 28 tháng 10 năm 2023 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Tài liệu Làm việc cho biết khả năng tiếp nhận phụ nữ vào chức Phó tế sẽ không phải là chủ đề trong kỳ họp sắp tới.

Tài liệu mới đã được trình bày trong cuộc họp báo vào ngày 9 tháng 7 bởi các Đức Hồng Y Mario Grech và Jean-Claude Hollerich, cùng với các Thư ký đặc biệt của hội nghị Thượng Hội đồng: Cha Giacomo Costa SJ và Cha Riccardo Battocchio.

Cuộc họp Thượng Hội đồng về Hiệp hành từ ngày 2 đến ngày 27 tháng 10 sẽ đánh dấu sự kết thúc của giai đoạn phân định trong tiến trình Hiệp hành của Giáo hội, mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã khai mạc vào năm 2021.

Các tham dự viên tham gia cuộc họp mùa thu, bao gồm các Giám mục Công giáo, Linh mục, tu sĩ và giáo dân từ khắp nơi trên thế giới, sẽ sử dụng Tài liệu Làm việc như một hướng dẫn cho “các cuộc đối thoại trong Chúa Thánh Thần” của họ, phương pháp thảo luận được giới thiệu tại hội nghị năm 2023. Họ cũng sẽ chuẩn bị và bỏ phiếu về tài liệu tham vấn cuối cùng của Thượng Hội đồng về Hiệp hành, tài liệu này sau đó sẽ được đệ trình Đức Thánh Cha Phanxicô, người quyết định các bước tiếp theo của Giáo hội và liệu ngài có muốn chấp nhận văn bản này làm tài liệu Giáo hoàng hay tự tay viết tài liệu khác hay không.

Theo ban tổ tổ chức, giai đoạn thứ ba của Thượng Hội đồng – sau “sự tham khảo ý kiến ​​của dân Chúa” và “sự phân định của các Mục tử” – sẽ là “việc thực hiện”.

Các chủ đề nổi bật

Tài liệu Làm việc năm 2024 cũng đề cập đến nhu cầu về tính minh bạch để khôi phục uy tín của Giáo hội trước vấn nạn lạm dụng tình dục người lớn và trẻ vị thành niên cũng như các vụ bê bối tài chính.

“Nếu Giáo hội Hiệp hành muốn trở nên mang tính chào đón”, tài liệu viết, “trách nhiệm giải trình và tính minh bạch phải là cốt lõi trong hành động của Giáo hội ở mọi cấp độ, không chỉ ở cấp độ thẩm quyền”.

Tài liệu khuyến nghị sự tham gia hiệu quả của giáo dân vào việc lập kế hoạch kinh tế và mục vụ, công bố báo cáo tài chính hàng năm được chứng nhận bởi kiểm toán viên bên ngoài, bản tóm tắt hàng năm về các sáng kiến ​​bảo vệ, thăng tiến phụ nữ vào các vị trí quyền lực và đánh giá hiệu quả hoạt động định kỳ của những người thực hiện công việc mục vụ hoặc nắm giữ một chức vụ trong Giáo hội.

“Đây là những điểm có tầm quan trọng đáng kể và cấp bách đối với độ tin cậy của tiến trình Hiệp hành và việc thực hiện nó”, tài liệu cho biết.

Sự tham gia nhiều hơn của phụ nữ ở mọi cấp độ của Giáo hội, một cuộc cải cách giáo dục dành cho các Linh mục, và việc đào tạo bài bản hơn cho tất cả mọi tín hữu Công giáo cũng được đưa vào văn bản.

Các Hội đồng Giám mục, tài liệu cho biết, nhận thấy tiềm năng chưa được khai thác đối với sự tham gia của phụ nữ vào nhiều lĩnh vực của đời sống Giáo hội. “Họ cũng kêu gọi khám phá thêm các phương thức mục vụ nhằm thể hiện tốt hơn các đặc sủng và ân sủng mà Chúa Thánh Thần tuôn đổ trên phụ nữ để đáp ứng nhu cầu mục vụ của thời đại chúng ta”, tài liệu nêu rõ.

Việc đào tạo trong việc lắng nghe được xác định là “một yêu cầu thiết yếu ban đầu” đối với người Công giáo, cũng như cách tham gia vào việc thực hành “đối thoại trong Chúa Thánh Thần”, vốn đã được áp dụng trong phiên họp đầu tiên của Thượng Hội đồng về Hiệp hành.

Đức Thánh Cha Phanxicô và các đại biểu Thượng Hội đồng về Hiệp hành tại phiên bế mạc hội nghị vào ngày 28 tháng 10 năm 2023 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô và các đại biểu Thượng Hội đồng về Hiệp hành tại phiên bế mạc hội nghị vào ngày 28 tháng 10 năm 2023 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Tài liệu cho biết nhu cầu đào tạo là một trong những chủ đề phổ quát và mạnh mẽ nhất trong suốt tiến trình Hiệp hành. Đối thoại liên tôn cũng được xác định là một khía cạnh quan trọng của hành trình Hiệp hành.

Về chủ đề phụng vụ, Tài liệu Làm việc cho biết đã có “lời kêu gọi các giáo dân nam nữ được đào tạo đầy đủ để góp phần vào việc rao giảng Lời Chúa, kể cả trong khi cử hành Bí tích Thánh Thể”.

“Điều cần thiết là các đề xuất mục vụ và thực hành phụng vụ phải bảo tồn và làm cho mối liên kết giữa hành trình khai tâm Kitô giáo với cuộc sống Hiệp hành và truyền giáo của Giáo hội trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết”, tài liệu cho biết. “Việc sắp xếp mục vụ và phụng vụ thích hợp phải được triển khai trong nhiều tình huống và văn hóa khác nhau mà các Giáo hội địa phương đang hòa nhập…”.

Tài liệu được soạn thảo như thế nào

Được gọi là “Tài liệu làm việc 2”, tài liệu được công bố hôm thứ Ba đã được chuẩn bị từ đầu tháng 6 khi khoảng 20 chuyên gia về Thần học, Giáo hội học và Giáo luật đã tổ chức một cuộc họp kín để phân tích khoảng 200 báo cáo của Thượng Hội đồng từ các Hội đồng Giám mục và cộng đoàn Dòng tu trả lời điều mà Tài liệu Làm việc gọi là “câu hỏi hướng dẫn” của giai đoạn tiếp theo của Thượng Hội đồng về Hiệp hành: “Làm thế nào để trở thành một Giáo hội Hiệp hành trong Sứ vụ?”.

Sau cuộc họp kéo dài 10 ngày, “phiên bản đầu tiên” của văn bản đã được soạn thảo dựa trên những báo cáo đó và gửi đến khoảng 70 người – các Linh mục, tu sĩ và giáo dân – “từ khắp nơi trên thế giới, thuộc nhiều mức độ nhạy cảm khác nhau trong Giáo hội và từ các ‘trường phái’ thần học khác nhau” để tham khảo ý kiến, theo trang web của Thượng Hội Đồng.

Tổng Thư ký Thượng Hội đồng của Đại hội đồng thường kỳ lần thứ XVI, cùng với các chuyên gia tư vấn của ban thư ký Thượng Gội đồng, đã hoàn thiện tài liệu.

Theo công cụ làm việc, việc đạt được các báo cáo và phản hồi mới sau khi giai đoạn tham vấn kết thúc “phù hợp với tính tuần hoàn đặc trưng của toàn bộ tiến trình Hiệp hành”.

“Để chuẩn bị cho Phiên họp thứ hai, và trong quá trình làm việc, chúng tôi tiếp tục giải quyết câu hỏi này: làm thế nào căn tính của Dân Chúa Hiệp hành trong sứ vụ có thể có hình thức cụ thể trong các mối quan hệ, những con đường và những nơi diễn ra cuộc sống hàng ngày của Giáo hội?”, tài liệu cho biết.

Tài liệu cho biết “các câu hỏi khác nảy sinh trong cuộc hành trình là chủ đề của công việc tiếp tục theo những cách khác, ở cấp độ các Giáo hội địa phương cũng như trong 10 Nhóm Nghiên cứu”.

Những kỳ vọng đối với phiên họp cuối cùng

Theo tài liệu hướng dẫn, phiên họp thứ hai của Thượng Hội đồng về Hiệp hành có thể “mong đợi sự hiểu biết sâu sắc hơn nữa về sự hiểu biết chung về tính Hiệp hành, tập trung tốt hơn vào các thực hành của một Giáo hội Hiệp hành, và đề xuất một số thay đổi trong Giáo luật (có thể còn có những bước phát triển có ý nghĩa và sâu sắc hơn nữa khi đề xuất cơ bản được tiếp thu và thực hiện sâu hơn)”.

“Tuy nhiên”, tài liệu tiếp tục, “chúng ta không thể mong đợi câu trả lời cho tất cả mọi câu hỏi. Ngoài ra, các đề xuất khác sẽ xuất hiện trên đường đi, trên con đường hoán cải và cải cách mà Kỳ họp thứ hai sẽ mời gọi toàn thể Giáo hội thực hiện”.

Tài liệu Làm việc cho biết: “Tính Hiệp hành tự nó không phải là mục đích… Nếu Phiên họp thứ hai tập trung vào một số khía cạnh nhất định của đời sống Hiệp hành, thì nó làm như vậy nhằm đạt được hiệu quả cao hơn trong sứ vụ”.

Trong phần kết luận ngắn gọn của nó, văn bản nêu rõ: “Các câu hỏi mà Tài liệu Làm việc đặt ra là: làm thế nào để trở thành một Giáo hội Hiệp hành trong sứ vụ; làm thế nào để tham gia vào việc lắng nghe và đối thoại sâu sắc; làm thế nào để trở nên đồng trách nhiệm dưới ánh sáng của tính năng động của ơn gọi rửa tội cá nhân và cộng đoàn của chúng ta; làm thế nào để biến đổi các cơ cấu và tiến trình để tất cả mọi người có thể tham gia và chia sẻ các đặc sủng mà Chúa Thánh Thần tuôn đổ trên mỗi người vì thiện ích chung; cách sử dụng quyền lực và quyền hạn như một sự phục vụ. Mỗi câu hỏi này là một sự phục vụ cho Giáo hội và, thông qua hành động của Giáo hội, có khả năng chữa lành những vết thương sâu sắc nhất của thời đại chúng ta”.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết