Sau 3 ngày cầu nguyện và cân nhắc kỹ lưỡng, 348 đại biểu – bao gồm các Giám mục, Linh mục, tu sĩ và giáo dân – của Đại hội đồng Giám mục Giáo hội Syro-Malabar lần V đã đưa ra một tài liệu chung kết nhấn mạnh những cải cách cần thiết cho Giáo hội, bao gồm việc cử hành Thánh lễ theo các nghi thức do Thượng hội đồng Giáo hội yêu cầu.
Được ban hành vào ngày 25 tháng 8, Đại hội đồng cũng nhấn mạnh rằng việc ủng hộ quyền của Giáo hội và cộng đồng không nên bị hiểu sai là trào lưu chính thống tôn giáo hay chủ nghĩa cực đoan.
Giáo hội Syro-Malabar, với số lượng tín hữu ước tính là 4,25 triệu người trên toàn thế giới, là Giáo hội lớn thứ hai trong số các Giáo hội Đông phương hiệp thông với Rôma. Vào vào năm 2021, kể từ khi Thượng hội đồng quyết định sẽ áp dụng một phương thức cử hành Thánh lễ mới, thống nhất, Giáo hội đã bị cuốn vào vòng tranh cãi, đặc biệt là ở khu vực tài phán lớn nhất của mình là Ernakulam-Algamany.
Thượng hội đồng yêu cầu Thánh lễ phải được cử hành quay mặt về phía giáo dân trong phần Phụng vụ Lời Chúa, và quay mặt về phía bàn thờ trong phần Phụng vụ Thánh Thể.
Tuy nhiên, sắc lệnh đó đã bị một bộ phận giáo sĩ và giáo dân ở Ernakulam-Angamaly phản đối, với lý do rằng Thánh lễ quay mặt về phía mọi người trong suốt Thánh lễ đại diện cho truyền thống địa phương của họ và cũng phù hợp hơn với Giáo lý phụng vụ của Công đồng Vatican II (1962-1965).
Tranh chấp đôi khi trở nên tồi tệ, với các cuộc biểu tình công khai giận dữ và đốt các sắc lệnh ở nơi công cộng. Nhà thờ Chính Tòa St. Mary ở Tổng Giáo phận đã bị đóng cửa trong hai Mùa Giáng Sinh gần đây trong bối cảnh tranh cãi.
Trong Đại hội đồng Giám mục, Đức Hồng y Baselios Mar Cleemis, Tổng Giám mục của Giáo hội Syro-Malankara, đã kêu gọi các tín hữu công nhận sức mạnh và sự hưng thịnh của Giáo hội Syro-Malabar trong khi đồng thời mở rộng các nỗ lực truyền giáo tại các khu vực mới. Đức Tổng Giám mục Mar Raphael Thattil, người đứng đầu Giáo hội Syro-Malabar, người chủ trì sự kiện này, đã nhấn mạnh những nỗ lực hợp tác của Giáo hội với các Giáo hội huynh đệ để cùng nhau phát triển.
Tuy nhiên, sự kiện này đã gây ra một số căng thẳng khi 7 đại diện giáo dân từ Tổng Giáo phận Ernakulam-Angamaly phát tờ rơi yêu cầu bãi nhiệm Đức Tổng Giám mục Andrews Thazhath của Giáo phận Thrissur, người từng giữ chức vụ Giám quản Tông Tòa cho trường hợp không trống tòa (sede plena) của Tổng Giáo phận Ernakulam–Angamaly cho đến năm 2023. Những người biểu tình cáo buộc vị nguyên Giám quản Tông Tòa đã gán hàng giáo sĩ và giáo dân của Tổng Giáo phận này với những kẻ cực đoan tôn giáo ngoài Kitô giáo một cách sai trái trong báo cáo của vị Giám chức gửi Đức Thánh Cha Phanxicô.
Cha Kuriakose Mundadan, Thư ký Linh mục đoàn của Tổng Giáo phận Ernakulam-Angamaly, chia sẻ với Crux rằng tình hình mục vụ của Tổng Giáo phận Ernakulam-Angamaly “rất đặc biệt”.
“Kể từ thời Công đồng Vatican II trở đi, các tín hữu trong Tổng Giáo phận rất thoải mái với Thánh lễ nơi vị Linh mục quay về phía cộng đoàn. Mọi người thích sự cởi mở và có sự tham dự tích cực trong Thánh lễ”, Cha Mundadan nói.
“Họ luôn đòi hỏi rằng họ có quyền đối với chức Tư tế chung để tích cực tham dự Thánh lễ thay vì chỉ là những người đứng xem trong hình thức Thánh lễ của Thượng hội đồng. Vì vậy, quyết định về công thức 50-50 của Thượng hội đồng là không thể chấp nhận được đối với dân Chúa trong Tổng Giáo phận”, vị Linh mục tiếp tục.
“Đại hội đồng Giám mục quan trọng gần đây được được sắp đặt có chủ đích trái ngược với lập trường phụng vụ của Tổng Giáo phận của chúng tôi. Các đại biểu của chúng tôi không được trao một cơ hội nào để trình bày lập trường của mình nhưng đồng thời những người điều phối các cuộc thảo luận chung đã trao cho những người ủng hộ Thánh lễ theo quy định của Thượng hội đồng cơ hội để nói một cách cay độc chống lại lập trường của Tổng Giáo phận chúng tôi. Kiểu hoạt động như vậy thật đáng chê trách”, Cha Mundadan nói với Crux.
Saira Mathew, một đại biểu của Tổng Giáo phận Ernakulam-Angamaly tại Đại hội đồng, nói với Crux rằng họ rất hy vọng rằng những bất bình của họ sẽ được thảo luận và một giải pháp về việc hướng về phía giáo dân trong Thánh lễ “sẽ được đưa ra”.
“Chúng tôi không được trao cơ hội nêu vấn đề này, vốn cần phải được quan tâm ngay lập tức, mặc dù chúng tôi đã cố gắng hết sức. Vấn đề các nhà thờ đóng cửa và tranh chấp đang diễn ra là vấn đề ít được Đại hội đồng quan tâm nhất, mặc dù Giáo phận của chúng tôi là Giáo phận lớn nhất trong Giáo hội Syro-Malabar”, bà Mathew nói.
“Mặc dù Vatican đã yêu cầu giải quyết bồi thường, nhưng điều này không được thực hiện. Đức Hồng y Alenchery vẫn đang phải giải quyết các vụ án hình sự và dân sự liên quan đến vấn đề này. Đức Hồng y Alenchery dường như không cảm thấy hối tiếc và nỗ lực chuyển hướng sự chú ý sang các vấn đề như áp đặt việc cử hành Thánh lễ thống nhất trong Giáo phận của chúng tôi, điều trái với mong muốn của phần lớn giáo dân”, bà Mathew nói.
Minh Tuệ (theo Crux)