“Ta tù rạc và các ngươi đã viếng thăm”

Cha Henryk Sawarski

Cha Henryk Sawarski (Ảnh: ACN)

Cuộc phỏng vấn của Tổ chức Viện trợ các Giáo hội Đau khổ (ACN) với Linh mục Henryk Sawarski của Madagascar.

Vào Chúa nhật sau lễ Phục sinh, Giáo hội cử hành Lễ Lòng thương xót, một thông điệp đã trở thành công việc trong cuộc sống của Cha Henryk Sawarski. Một người bản địa Ba Lan, nhà truyền giáo đã làm việc trên đảo Madagascar trong hơn 40 năm. Cha Sawarski đã làm công việc mục vụ tại nhà tù Port-Bergé kể từ năm 2015. Hết lần này đến lần khác, Cha Sawarski đã chứng kiến Thiên Chúa chạm vào linh hồn của các tù nhân và giúp họ bắt đầu một cuộc sống mới. Tổ chức Viện trợ các Giáo hội Đau khổ (ACN) đã quyên góp 19.500 euro để thiết lập một nhà nguyện và một thư viện nhỏ để thực hiện việc chăm sóc mục vụ tại nhà tù.

Cha Henryk Sawarski chưa bao giờ đặt chân vào nhà tù trước khi bắt đầu làm việc ở đó với tư cách là một Thừa tác viên mục vụ. “Khi tôi lái xe ngang qua một nhà tù, tôi thấy những bức tường nhà tù được đặt ở trên những cuộn dây thép gai, hoặc nghe mọi người nói về nó”, nhà truyền giáo Ba Lan giải thích với tổ chức từ thiện mục vụ. Cha Henryk đã được chuyển đến Giáo phận Port-Bergé vào năm được Đức Giáo Hoàng Phanxicô tuyên bố là Năm Thánh Ngoại thường về Lòng Thương Xót. “Đức Giáo hoàng đã ban hành lời kêu gọi thực hiện Mười bốn mối Thương người (Thương linh hồn bảy mối, Thương xác bảy mối). Khi tôi phát hiện ra rằng nhà tù không có giáo sĩ, tôi đột nhiên nhận ra rằng đây chính là nơi tôi có thể truyền bá Lòng thương xót của Thiên Chúa cách tốt nhất. Hôm nay tôi nhận thức được rằng chính tôi cũng đã được Chúa Giêsu tỏ lộ cho thấy Lòng Thương xót của Thiên Chúa”.

Cha Henryk đã bị đánh động sâu sắc trước những điều kiện ảm đạm mà ngài gặp phải tại nhà tù. Đầu tiên, Cha Henryk đã bắt đầu bằng cách giúp đỡ những nhu cầu vật chất thực tế của họ: ngài cung cấp cho các tù nhân thực phẩm, quần áo và thuốc men, cải thiện điều kiện vệ sinh và tiêu diệt bọ chét. “Các tù nhân rất ngạc nhiên và tự hỏi: ‘Tại sao người ‘Vazaha’ (người da trắng) này lại làm điều này? Tại sao ông ta lại chi rất nhiều tiền bạc và dành rất nhiều thời gian cho chúng ta? Có phải ông ấy đang cố mua chuộc chúng ta để rồi sau đó cải đổi tôn giáo chúng ta?’ Nhưng không, tôi không hề nói bất cứ điều gì về việc cầu nguyện và tôn giáo, tôi vẫn im lặng và Chúa Giêsu, Đấng giàu Lòng thương xót đã nói với họ. Đó là một sự bất ngờ tuyệt vời nhất mà tôi từng có khi một ngày nọ họ hỏi tôi, ‘Thưa cha, khi nào chúng ta sẽ cầu nguyện và khi nào Cha sẽ cử hành Thánh lễ?’”.

Chỉ có khoảng một chục trong số hơn 200 tù nhân tại nhà tù này là người Công giáo. Đại đa số là những người theo Thuyết duy linh, một số là người Tin lành hoặc Hồi giáo. “Tôi đối xử với tất cả những người này như con cái của mình”, Cha Henryk nói. Tất cả các tù nhân đã tham dự Thánh lễ Giáng sinh đầu tiên, được tổ chức ngoài trời và dưới cái nóng oi bức do Đức Cha Georges Varkey chủ sự.

Việc xưng tội đã diễn ra ngay trong sân của nhà tù. “Khi các tù nhân khác nhìn thấy một trong số họ quỳ ở đó, họ tự hỏi: ‘Họ đang làm gì ở đó?’. Nhưng họ đã nêu ra ví dụ cho người khác, và thử tưởng tượng xem, thậm chí ngay cả những người theo đạo Tin lành cũng đã làm theo, và những người có thiện cảm với Công giáo cũng đến để xin được chúc lành. Họ cũng đã chia sẻ về cảm giác tội lỗi của mình, và thật là choáng ngợp khi chứng kiến Lòng thương xót của Thiên Chúa vẽ đường thẳng từ những nét cong trong cuộc sống hỗn loạn của một người. Đó chính là một bước tiến vượt bậc và phi thường dọc theo con đường hướng tới sự thay đổi và biến đổi nội tại nhưng đòi hỏi thời gian và sự kiên nhẫn. Điều quan trọng là các tù nhân phải ăn năn về những gì họ đã lỗi phạm, mong muốn sửa đổi đường lối của họ và đoan hứa rằng họ sẽ không bao giờ quay lại vết xe đổ sau khi họ rời trại giam”.

Các cuộc trò chuyện đóng một vai trò thiết yếu. “Một điều quan trọng đó là phải kiên nhẫn lắng nghe khi họ nói về những tình huống phức tạp này. Đôi khi tôi nói với họ rằng tôi không thể cung cấp cho họ cách khắc phục nhanh chóng, nhưng các tù nhân nói, ‘Cảm ơn Cha, vì đã lắng nghe con!’”. Những lời cầu nguyện mà Cha Henryk cất lên cùng với họ, những dấu Thánh giá mà Ngài vẽ trên trán của họ, những phép lành với nước Thánh và việc xức tro hình Thánh giá trên trán họ vào Thứ Tư Lễ Tro là vô cùng quan trọng đối với các tù nhân. Các bài chia sẻ Giáo lý, các bài đọc Kinh Thánh cũng như đội ca đoàn hợp xướng cũng đã được đưa vào chương trình chăm sóc mục vụ của nhà tù; tuy nhiên, các thành phần thiết yếu khác đó là các khóa học xóa mù chữ, thể thao và các công việc thủ công như đan rổ, bởi vì đây cũng là một bước quan trọng trên con đường hướng tới một cuộc sống mới.

Cha Henryk tin rằng nhà tù là “một hình thức đặc biệt của bệnh viện”. Những người bị giam giữ ở đó là những người bị hành hạ về mặt cảm xúc và tinh thần, bị tổn thương về mặt luân lý, không được giáo dưỡng về mặt trí tuệ, vì nhiều người ở đất nước nghèo nàn không thể theo học thậm chí ngay cả ở trường tiểu học và bị tổn thương về thể chất. “Cần phải đầu tư rất nhiều thời gian và công sức để thu hái được bất kỳ thành quả nào, nhưng trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn hơn là một người công chính không cần ăn năn”, nhà truyền giáo giải thích.

Cha Henryk đã chia sẻ với ACN về một tù nhân trong lúc đó đã được trả tự do và bắt đầu một cuộc sống mới. “Jean bị ở tù vì anh ta đã bán thịt gia súc do ăn cắp. Ở trong tù, anh thương vợ và những đứa con của mình, vốn đã không còn có thể đi học do thiếu tiền. Tôi thường nói chuyện với anh ấy – cũng như về những vấn đề tâm linh – và anh ấy nói với tôi, ‘Thưa cha, khi con được ra khỏi đây và làm việc trở lại, con sẽ tìm một công việc khác để không còn bán thịt gia súc ăn cắp của người khác, con sẽ không còn lừa dối khách hàng của mình bằng cách cân thiếu để con sẽ không phải trở lại nhà tù. Con sẽ nuôi dạy những đứa con của mình trở thành những người tốt và con hứa rằng tôi sẽ chuyên chăm cầu nguyện”. Jean là một người theo đạo Tin lành. Và anh ta nói, ‘Khi con đến Port-Bergé, con sẽ mang đến cho Cha và các tù một thứ gì đó’. Và điều đó đã xảy ra. Thỉnh thoảng Jean cũng mang thịt đến và khi tôi hỏi anh ta, ‘Jean, nhưng thịt này không phải thịt ăn cắp phải không?’, anh trả lời: ‘Không, không!’. Thỉnh thoảng anh cũng mang đến một ít cơm hoặc ít trái cây. Đây há chẳng phải là một ví dụ tuyệt vời về một con người đã sửa đổi lối sống của mình và đang sống những ngày của Lòng thương xót sao?”.

Nhờ sự quyên góp từ ACN, nhà tù hiện có một nhà nguyện và một thư viện nhỏ để thực hiện việc chăm sóc mục vụ. Cha Henryk rất biết ơn về điều này. “Chính Chúa Kitô đã dạy trong Tin Mừng rằng: ‘Khi ta tù rạc, các người đã viếng thăm’ (Mt 25:36). Việc tôn kính Lòng thương xót của Thiên Chúa là một yếu tố quan trọng và hiệu quả trong quá trình thay đổi và hoán cải. Nhà nguyện của chúng tôi phục vụ cho mục đích này. Nhà nguyện này dưới sự bảo trợ của Thánh Dismas, Kẻ trộm sám hối, còn được gọi là Kẻ trộm lành trên thập giá, là một ví dụ về sự thay đổi và hoán cải cá nhân. Không có gì bị hư mất – bạn cũng có thể được cứu rỗi, thậm chí ngay cả vào giây phút cuối cùng, như Chúa Kitô đã hứa với kẻ trộm lành từ thập giá: “Ngay hôm nay ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta” (Lc 23:43).

Minh Tuệ (theo Zenit)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết