“Bấy giờ, ông Phêrô đến gần Chúa Giêsu mà hỏi rằng: “Thưa Ngài, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải đến bảy lần không? Chúa Giêsu đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (Mt 18,21-22).
Ông Phêrô đã biết giáo huấn của Chúa Giêsu về sự cần thiết phải tha thứ cho người khác (x. 6,12.14-15). Bây giờ, ông muốn xác định giới hạn cho số lần của sự tha thứ mà người môn đệ phải thực hiện khi người anh em lỗi phạm đến mình. Các rabbi Do Thái cho rằng có thể tha thứ đến ba lần cho cùng một lỗi phạm. Ông Phêrô tỏ ra hào phóng hơn, vì ông biết rằng Chúa Giêsu đòi hỏi một sự công chính triệt để hơn các thầy rabbi, nên ông đưa ra con số bảy, vốn là con số tượng trưng cho sự hoàn hảo.
Trong câu trả lời của mình, Chúa Giêsu muốn vượt xa khỏi mọi giới hạn. Có nhiều cách đọc câu trả lời này: bảy mươi lần bảy, bảy mươi bảy lần, bảy mươi lần bảy lần. Điều quan trọng không phải là con số, song là tính cách không giới hạn của sự tha thứ mà Chúa muốn nhấn mạnh ở đây.
Nhưng tại sao phải tha thứ không giới hạn như vậy?
Và đâu là nền tảng mà sự tha thứ của người môn đệ phải được đặt trên đó để nó có thể đạt đến mức độ không giới hạn như thế?
Nền tảng đó là sự thành tâm sám hối và van xin tha thứ của người phạm lỗi ư?
Hay đó là nhân đức siêu quần bạt chúng của người môn đệ?
Trả lời cho các câu hỏi đó, Chúa Giêsu kể dụ ngôn về một kẻ mắc nợ không biết thương xót (cc.23-35), cho thấy đòi hỏi tha thứ cho người khác mà người môn đệ phải thực hiện có nền tảng là chính sự tha thứ của Thiên Chúa dành cho người môn đệ.
Sở dĩ chúng ta tha thứ cho người khác, là vì chính chúng ta đã được Thiên Chúa tha thứ đến vô cùng.
Như thế, nền tảng và “giới hạn” của sự tha thứ sẽ là chính… lòng nhân lành của Thiên Chúa đã dành cho chúng ta!
Giuse Nguyễn Thể Hiện