Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật III Phục Sinh 30/4/2017

Chính Chúa Phục Sinh, trong Lời và Thánh Thể của Ngài, là nguyên lý thiết yếu và tối hậu kiến tạo sự hiệp nhất của cộng đoàn Hội Thánh. Sự gặp gỡ thiết thân của mỗi người chúng ta với Chúa Phục Sinh chính là yếu tố quyết định đưa chúng ta đến sự hiệp thông và hiệp nhất đích thực trong lòng Hội Thánh.

1. Chúa Giêsu Phục Sinh là Đấng hiệp nhất cộng đoàn các đồ đệ của Ngài.

cena-de-emausoleoTrong phần thứ nhất của bài Tin Mừng (Lc 24,13-24), một trong những yếu tố nổi bật là sự chia tách. Hai đồ đệ rời khỏi Giêrusalem, nơi xảy ra biến cố Phục Sinh, và rời xa nhóm các đồ đệ (c.13); giữa hai ông hình như cũng xảy ra những sự bất đồng (c.17: động từ antiballein có thể được hiểu là tranh luận) và nhất là khoảng cách lớn lao giữa hai ông với Chúa Phục Sinh mà các ông tưởng là một người xa lạ, và giữa hai ông với những biến cố cứu độ mà các ông chưa hiểu thấu. Vì thế, các ông buồn bã (c.17), nói cách khác, các ông đang ở trong một tình trạng bi đát và thất vọng ê chề. Chúa Giêsu đến trong tình cảnh bi đát ấy. Ngài đi vào tận điểm trung tâm của tình cảnh chia ly và xa cách đó. Và từ câu 25 của trình thuật, tất cả đã thay đổi. Chúa Giêsu Phục Sinh đảm nhận vai trò là chủ thể hành động và chính Ngài làm chủ tình hình. Ngài giải thích cho hai đồ đệ những biến cố xảy ra dưới ánh sáng Thánh Kinh, rồi chính Ngài “bẻ bánh”. Lập tức, những khoảng cách được xoá bỏ. Chúa Phục Sinh được các đồ đệ nhận biết, tâm hồn các đồ đệ “bừng cháy lên”, họ quay trở lại Giêrusalem, trở về trong cộng đoàn các chứng nhân.

Rất nhiều khi, trong cuộc sống thực tế của cộng đoàn Hội Thánh, xảy đến những tình trạng chia rẽ và xa cách… Chính Chúa Phục Sinh, trong Lời và Thánh Thể của Ngài, là nguyên lý thiết yếu và tối hậu kiến tạo sự hiệp nhất của cộng đoàn Hội Thánh. Sự gặp gỡ thiết thân của mỗi người chúng ta với Chúa Phục Sinh chính là yếu tố quyết định đưa chúng ta đến sự hiệp thông và hiệp nhất đích thực trong lòng Hội Thánh.

2. Thánh Thể, dấu chỉ tuyệt hảo về sự hiện diện của Chúa Phục Sinh giữa những kẻ thuộc về Ngài, chính là đỉnh điểm và là xuất phát điểm của đời sống Kitô hữu.

Câu chuyện trong bài Tin Mừng cho thấy: Kinh Thánh chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ với Đức Chúa Phục Sinh, và Đức Chúa Phục Sinh được các đồ đệ nhận biết trong Thánh Thể. Để vượt thắng những chướng ngại vật đang ngăn cản các đồ đệ nhận ra Chúa Giêsu, rõ ràng phải có sự lắng nghe lời Kinh Thánh được giải thích trong Chúa Kitô và bởi Chúa Kitô; và một khi tâm hồn của các ông đã “bừng cháy lên” nhờ lời Kinh Thánh đó, thì chính trong hành động “bẻ bánh” nhiệm mầu của Chúa Giêsu, các ông nhận ra Người. Rồi từ cuộc gặp gỡ thiết thân trong Thánh Thể ấy, lòng tin bừng sáng. Chính trong Thánh Thể, các tín hữu được mời gọi tham dự bàn tiệc do Chúa Kitô Phục Sinh chủ toạ. Ở đó, họ sẽ được trải nghiệm sự hiện diện mầu nhiệm và rất thực của chính Ngài.

3. Chúa Phục Sinh luôn đồng hành với chúng ta.

Một trong những sợi chỉ đỏ xuyên suốt bài Tin Mừng là chủ đề “hành trình”, vốn là một chủ đề quan trọng trong Lc. Trình thuật Emmau hôm nay khai triển chủ đề này cách đặc biệt. Trong cuộc hành trình của mình, người đồ đệ không cô độc. Theo một cách thức vô hình nhưng rất chân thực, Chúa Giêsu Phục Sinh đồng hành với người đồ đệ trên những nẻo đường cuộc sống, và đưa họ đến chỗ gặp gỡ chính Ngài. Chính Ngài giúp đỡ người đồ đệ nhận ra Ngài trong lòng tin đã được soi sáng bởi Kinh Thánh và trong ân huệ Thánh Thể. Nhưng một khi người đồ đệ đã được trải nghiệm sự hiện diện gần gũi và rất chân thực của Ngài, thì Chúa Phục Sinh liền thoát khỏi sự chiếm hữu của anh ta, để lại mời gọi anh ta lên đường làm chứng cho sự hiện diện thực sự của Ngài. Đó cũng là thực tại vẫn đang diễn ra trong cuộc sống hiện tại của chúng ta hôm nay vậy.

Giuse Nguyễn Thể Hiện, C.Ss.R.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết