Đức Giêsu chính là Bánh trường sinh, mang lại sự sống đích thực. Người tự đồng hóa mình với chính lương thực thường tồn. Lãnh nhận lương thực thường tồn có nghĩa là đón nhận Đức Giêsu, nên một với Người, để cho Người thấm đẫm con người và cuộc đời của mình.
Bài Tin Mừng của Chúa Nhật tuần trước (Ga 6,1-15) kể lại một dấu lạ đặc biệt của Đức Giêsu: hóa bánh ra nhiều. Sau khi được chứng kiến dấu lạ đó và được ăn bánh no nê, đám đông dân chúng muốn tôn Đức Giêsu làm vua của họ. Họ chờ đợi nơi Người giải pháp cho những vấn đề thiết yếu của cuộc sống. Tuy nhiên, Đức Giêsu đã lánh đi.
“Vậy khi dân chúng thấy Đức Giêsu cũng như các môn đệ đều không có ở đó, thì họ xuống thuyền đi Capharnaum tìm Người. Khi gặp thấy Người ở bên kia Biển Hồ, họ nói: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy?” (cc.24-25). Đám đông hướng về Đức Giêsu và thưa với Người bằng một tước hiệu đầy kính trọng: Rabbi / Thầy. Họ vẫn tiếp tục coi Người là vị ngôn sứ – tôn sư (6,14). Họ không hiểu làm thế nào Người lại đang ở bên này Biển Hồ.
Đức Giêsu không trực tiếp trả lời cho câu hỏi của đám đông. Nhưng Người chú ý đến ước vọng của họ là muốn gặp Người. “Đức Giêsu đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê” (c.26). Câu trả lời của Đức Giêsu nói rõ chủ đích của đám đông đang đi tìm Người. Trước đây, họ đi theo Đức Giêsu vì nghĩ rằng Người là Đấng giải thoát họ (6,2: “Có đông đảo dân chúng đi theo Người, bởi họ từng được chứng kiến những dấu lạ Người đã làm cho những kẻ đau ốm”); nhưng bây giờ họ chỉ muốn Người đóng vai trò một nhà cung cấp bánh mì miễn phí, tức là chỉ là người bảo đảm cho những nhu cầu vật chất thế tạm mà thôi. Khi Đức Giêsu thực hiện dấu lạ làm cho bánh hóa nhiều, Người đã cho dân chúng hưởng tình yêu nhiệm mầu của Thiên Chúa được thể hiện nơi Người và cộng đoàn môn đệ của Người. Nhưng đám đông dân chúng không nghĩ gì đến tình yêu ấy nữa, mà chỉ nghĩ đến chuyện Người và các môn đệ của Người đã giải quyết cơn đói vật chất của họ, và chính vì thế mà họ đi tìm Người. Họ chỉ chú trọng đến phương diện vật chất của dấu lạ, tức là chỉ nghĩ đến sự thỏa mãn đòi hỏi vật chất của chính họ, chứ không nghĩ đến nội dung và ý nghĩa sâu xa mà dấu lạ đó muốn thể hiện.
Do đó, sau khi nói rõ bản chất của cuộc tìm kiếm mà đám đông đang thực hiện, Đức Giêsu đưa ra một lời nhắc nhở quan trọng. Người nói: “Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận” (c.27).
Quả đúng là người ta cần phải làm việc để nuôi sống bản thân và những người mà mình có trách nhiệm. Nhưng lương thực mà người ta phải tìm kiếm thì không chỉ là lương thực mau hư nát, thế tạm và không có khả năng đem lại sự sống đời đời. Bánh mà Đức Giêsu đã cho họ ăn no thì không chỉ là bánh đơn thuần, mà là thực tại chứa đựng nơi đó tình yêu của Người. Tình yêu đó chính là lương thực thật sự, lưu giữ và phát triển sự sống của con người và đem lại phúc trường sinh cho họ. Sự phân biệt hai loại lương thực ở đây cần được đặt trong khung cảnh của một sự phân biệt đặc trưng của Tin Mừng Gioan: phân biệt giữa xác thịt với thần khí. “Cái bởi xác thịt sinh ra là xác thịt; cái bởi Thần Khí sinh ra là thần khí” (3,6). Lương thực mau hư nát thuộc về xác thịt; lương thực thường tồn thuộc về thần khí. “Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật” (4,24).
Có vẻ Đức Giêsu phiền trách những người đang tìm đến với Người, rằng họ đã sai lạc khi giới hạn chân trời tìm kiếm của mình. Thứ lương thực mau hư nát sẽ chỉ có thể cung cấp cho họ một sức sống tạm bợ trong cuộc đời phải chết. Khi người ta đặt tất cả khát vọng và nỗ lực tìm kiếm của mình vào thứ lương thực đó, là thật ra người ta đang phủ nhận chiều kích thần khí của thân phận làm người và đang hạ thấp thân phận ấy vào trong chiều kích xác thịt phải chết. Hiểu như thế, lời phiền trách của Đức Giêsu ở đây cũng đồng thời là một lời mời gọi dân chúng vượt quá cái chân trời thuần túy thế tạm và mau qua của cuộc sống con người. Vì khi chỉ giới hạn mình vào trong chân trời đó mà thôi, người ta sẽ làm hỏng chương trình sáng tạo của Thiên Chúa. Những thực tại vật chất và mau qua là dấu hiệu diễn tả tình yêu vĩnh hằng của Thiên Chúa đối với chúng ta, như những chiếc bánh mà Đức Giêsu ban cho dân chúng trong dấu lạ hóa bánh ra nhiều chính là dấu hiệu diễn tả và là thực tại chứa đựng tình yêu thương của Người đối với con người. Điều quan trọng là tình yêu thương đó, vì chính tình yêu thương đó của Đức Giêsu mới là lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh cho chúng ta.
Bánh đã được phân phát trong dấu lạ hóa bánh ra nhiều còn là sự diễn tả chính thân phận Đức Giêsu và tình yêu thương của Người dành cho nhân loại. Nơi bản thân và số phận của Người, cái thực tại xác thể phàm nhân đã được làm cho tràn đầy Thần Khí, như “ông Gioan làm chứng: “Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người. Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: “Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần” (1,32-33).
Người Do Thái đã không nhận ra nơi bánh của dấu lạ hóa bánh ra nhiều chính tình yêu mà Đức Giêsu muốn diễn tả – tình yêu hiến ban chính mình như tấm bánh được bẻ ra. Họ chỉ thấy đó là một thứ lương thực làm thỏa mãn nhu cầu vật chất nhất thời của họ hôm ấy. Cũng vậy, họ chỉ nhìn thấy nơi con người Đức Giêsu cái thực tại xác thể, chứ không nhận ra Thần Khí đang ở nơi Người. Thần Khí làm cho con người xác thể nơi Đức Giêsu trở nên Con Người – Đấng được Thiên Chúa Cha niêm ấn. Nói cách khác, ấn được niêm hay dấu được ghi nơi Con Người là chính Thánh Thần.
Đức Giêsu đem đến cho người ta lương thực thường tồn trong tư thế là Con Người được Chúa Cha niêm ấn Thánh Thần đó. Quả thực, “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật” (1,14). Lương thực thường tồn mà Con Người, Đấng được Chúa Cha niêm ấn bằng Thánh Thần, ban cho nhân loại, là chính vinh quang của Người, tràn đầy ân sủng và sự thật. Đó chính là thứ lương thực mà Đức Giêsu kêu gọi đám đông dân chúng hãy lao công vất vả để tìm cho được.
“Họ liền hỏi Người: “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn?” (c.28). Đám đông dân chúng, như thế, đã hiểu rằng điều họ cần phải tìm kiếm trước hết là lương thực thường tồn chứ không phải là thứ lương thực mau hư nát, và rằng cần phải lao nhọc thì mới có được lương thực thường tồn ấy. Đó đã là một bước tiến quan trọng trong nhận thức của họ. Tuy nhiên, họ không biết phải làm gì và phải làm như thế nào. Vốn là những người đã quá quen với Lề Luật, họ bèn hỏi Đức Giêsu xem đâu là những lệnh truyền mà Người đưa ra cho họ thực hiện. Họ chưa hiểu tình yêu nhưng không của Thiên Chúa. Quả thật, câu hỏi họ đặt ra cho Đức Giêsu ở đây tiền giả định một quan niệm sai lầm về Thiên Chúa, theo đó, Thiên Chúa luôn đặt ra một cái giá nào đó đòi người ta phải thỏa mãn thì mới ban cho họ những phúc lành của Người.
Cần phải điều chỉnh cái tiền giả định sai lầm ấy của đám đông. “Đức Giêsu trả lời: “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến” (c.29). Thiên Chúa sẽ không đặt ra những giới răn hay điều luật mới. Công việc mà Thiên Chúa muốn thì chỉ có một mà thôi. Đó là người ta phải tin vào Đức Giêsu, Đấng Thiên Chúa sai đến, bằng một lòng tin mạnh mẽ và bền vững. Lòng tin đó sẽ mang lại cho con người lương thực thường tồn và sự sống vĩnh cửu.
Thật ra, đòi hỏi này của Đức Giêsu là một điều mới mẻ bất ngờ và không hề được đám đông chờ đợi hay tính đến. Đám đông dân chúng tin vào Thiên Chúa. Nhưng họ chỉ coi Đức Giêsu như là một ngôn sứ như các ngôn sứ, hoặc hơn nữa, là ngôn sứ cao cả hơn các ngôn sứ đã từng xuất hiện, và họ sẵn sàng thực hiện những gì Thiên Chúa phán truyền ngang qua ngôn sứ của Người. Nói cách khác, họ sẵn sàng coi Đức Giêsu là trung gian giúp họ biết được lệnh truyền của Thiên Chúa. Tuy nhiên, họ không hề sẵn sàng cho việc tin vào Người và gắn bó với Người như thể chính Người là nguồn mạch sự sống đích thực và vĩnh cửu. Họ sẵn sàng chấp nhận Đức Giêsu như là một dụng cụ của Thiên Chúa, nhưng không thể chấp nhận yêu cầu phải gắn bó với Người như gắn bó với chính Thiên Chúa vậy.
Nhưng điều đó không có nghĩa là đám đông mất tín nhiệm nơi Đức Giêsu. Thật ra, đám đông dân chúng đã hiểu câu trả lời của Đức Giêsu theo nghĩa là một lời tuyên bố về tư cách Mêsia của Người, rằng Người chính là Đấng thực hiện chương trình của Thiên Chúa và là Đấng đại diện của Thiên Chúa trên mặt đất này. Vì thế, “họ lại hỏi: “Vậy chính ông, ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông? Ông sẽ làm gì đây? Tổ tiên chúng tôi đã ăn manna trong sa mạc, như có lời chép: Người đã cho họ ăn bánh bởi trời” (cc.30-31). Đấng Mêsia, như quan niệm được tiền giả định trong câu hỏi này, phải thực hiện những hành động ngoại thường như trong cuộc xuất hành xưa. Trong Cựu Ước, manna được gọi là “bánh bởi trời” (Xh 16,15; Ds 11,7-9; Tv 78,24). Đám đông dân chúng mong chờ Đức Giêsu thực hiện một phép lạ tương tự như phép lạ manna xưa để chứng tỏ tư cách Mêsia của Người.
“Đức Giêsu đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông, không phải ông Môsê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực, vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian” (cc.32-33). Trong câu trả lời này, trước hết Đức Giêsu cho đám đông thấy sự sai lầm của đám đông trong xác tín của họ. Chỉ có Cha của Người mới ban cho họ bánh bởi trời đích thực. Đàng khác, manna là thực tại quá khứ và giới hạn. Khác hẳn manna, bánh bởi trời đích thực mà Thiên Chúa ban là thực tại hiện tại và không ngừng được ban tặng vô giới hạn. Bánh này ban sự sống không chỉ cho một dân tộc, mà là cho toàn thể thế gian, tức là cho toàn thể nhân loại.
Nghe Đức Giêsu nói như thế, đám đông dân chúng phản ứng bằng cách xin Người ban cho họ bánh đích thực đó. “Họ liền nói: “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy” (c.34). Họ tỏ ra kính trọng Đức Giêsu và chấp nhận lời Người vừa nói về bánh bởi trời đích thực, nhưng lại chẳng hề muốn dấn thân làm việc, tức là không chấp nhận đi đến mức độ cao nhất của sự gắn bó với Người và không sẵn sàng hoàn toàn gắn kết thân phận của mình với Người. Họ dừng lại nơi một thái độ và cách hành xử thụ động, tùy thuộc. Họ chỉ muốn được hưởng bánh mà không phải làm việc. Họ muốn giải pháp có sẵn, chứ không muốn cộng tác một cách thiết thân.
“Đức Giêsu bảo họ: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!” (c.35). Trên kia, Đức Giêsu đã tự nhận là Người sẽ ban lương thực thường tồn cho người ta (c.27). Bây giờ Người tự đồng hóa mình với chính lương thực thường tồn ấy. Lãnh nhận lương thực thường tồn có nghĩa là đón nhận Đức Giêsu, nên một với Người, để cho Người thấm đẫm con người và cuộc đời của mình. Và Người tuyên bố một cách chắc nịch rằng những ai dấn thân gắn bó với Người sẽ không hề phải đói hay phải khát ơn cứu độ và sự giải thoát đích thực.
Gợi ý suy niệm:
- Đức Giêsu dạy rằng lương thực mà người ta phải tìm kiếm thì không chỉ là lương thực mau hư nát, thế tạm và không có khả năng đem lại sự sống đời đời. Người phân biệt hai loại lương thực đưa tới hai hoại sự sống khác nhau: lương thực mau qua và lương thực thường tồn.
- Điều kiện để có được lương thực thường tồn là tin vào Đức Giêsu, vị Con Người mà Thiên Chúa đã niêm ấn bằng Thánh Thần của Người.
- Đức Giêsu cũng chính là Bánh trường sinh, mang lại sự sống đích thực. Người tự đồng hóa mình với chính lương thực thường tồn. Lãnh nhận lương thực thường tồn có nghĩa là đón nhận Đức Giêsu, nên một với Người, để cho Người thấm đẫm con người và cuộc đời của mình.
Giuse Nguyễn Thể Hiện, C.Ss.R.