Suy nghĩ với Chúa Giêsu!

Chúng ta có một niềm hy vọng và tin tưởng rằng: Chúa Giêsu luôn luôn ở cùng chúng ta, trong Ngài, Hội Thánh có thể đứng vững trước mọi quyền lực của tử thần.

thinkwjesus.jpg

Thế kỷ 18 và 19 đã chứng kiến sự tăng triển vượt bậc về hiệu suất ở các nước phát triển. Sự ra đời của sản xuất dây chuyền lắp ráp, nhà xưởng và nhà máy đã đạt được những bước tiến lớn về chất lượng và sản lượng. Thời điểm đó được gọi là cuộc Cách Mạng Kỹ Nghệ bởi sự phát triển của công nghiệp đã tác động rõ ràng đến đời sống xã hội. Tuy nhiên, xã hội đã có những chuyển biến bao gồm cả ánh sáng và bóng tối. Và Giáo Hội cũng chú ý đến điều này.

Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã nói đến sự bận tâm của mình khi nhìn thấy sự phát triển với nguồn lao động trẻ em, điều kiện làm việc không an toàn, sự nghèo nàn và những giờ làm việc kéo dài. Trong thông điệp “Rerum Novarum” (Thông điệp Tân Sự), Đức Giáo Hoàng đã nói “con người không phải là một nhạc khí đơn thuần để kiếm ra tiền” (RN, 42). Ngài cũng nói các nhà chức trách phải có trách nhiệm trong việc chăm lo đến phúc lợi của người lao động, nhà cung ứng và khách hàng của họ.

Bây giờ những câu chữ đó không chỉ viết cho thông điệp “Rerum Novarum” hay cuộc Cách Mạng Kỹ Nghệ. Chúng ta đơn giản chỉ muốn dùng thời điểm lịch sử đó để khắc họa lại những điểm quan trọng trong cuộc sống hiện tại của chính mình. Giống như Đức Giáo Hoàng Lêô XIII kêu gọi các chủ doanh nghiệp đưa ra một triết lý cao hơn nhằm hướng đến lợi ích chung, một triết lý cao hơn trong quyết định của họ – một triết lý có xem xét đến mục đích của Thiên Chúa và phúc lợi cho những người xung quanh. Giống như các doanh nhân cuối thế kỷ 19, chúng ta được kêu gọi chống lại sự cám dỗ của tự do và tự trị, sự cám dỗ để làm bất kỳ điều gì chúng ta muốn làm mà không cần trình duyệt bởi một ai đó có thẩm quyền cao hơn.

Vậy đâu là bước tiếp theo để đảm bảo rằng chúng ta đang đưa ra một quyết định theo ánh sáng của một triết lý được kết hợp giữa đường lối của Chúa Giêsu và những điều Giáo Hội giảng dạy?

Kiểm tra mọi thứ

Dĩ nhiên, lối suy nghĩ độc lập và tự định hướng trong cuộc Cách Mạng Kỹ Nghệ không có gì là mới. Thánh Phaolô đã đối mặt với một kiểu thách thức như vậy khi Ngài xây dựng Hội Thánh sơ khai. Hết lần này đến lần khác, ngài đã nói với các tín hữu rằng: “anh em đừng có rập theo đời này’ (Rm 12,2). Ngài đã nhiều lần nói rằng là thành viên của Hội Thánh, chúng ta cần phải suy nghĩ và hành động như những vị thánh của Thiên Chúa, ngài cũng đã cảnh báo về hậu quả của những suy nghĩ tự cho mình là trung tâm sẽ diễn ra ngay trong Giáo Hội.

Nhưng Thánh Phaolô đã bước qua những trào lưu của người đời để suy nghĩ và hành động với Thiên Chúa. Ngài cũng mời gọi mọi người cùng bước theo con đường đó. Ngài đã thúc giục những tín đồ “kiểm tra” suy nghĩ của mình, để phân định liệu quyết định của mình đã đúng với đường lối mà Thiên Chúa đã mặc khải hay chưa. Ngài nói: “kiểm tra mọi thứ”. Chỉ giữ lại duy nhất “điều lành” (1 Thêxalônia 5,21)

Giống như những Kitô hữu đầu tiên, chúng ta cần tra vấn suy nghĩ của mình, đây là điều thường không được khuyến khích làm. Chúng ta cần so sánh suy nghĩ của mình với suy nghĩ của Thiên Chúa. Một cách để làm việc này đó là dựa vào những chuẩn mực thông thường, dựa vào những đức tính như sự chân thành, công bằng và tôn trọng. Hầu hết chúng ta sử dụng phương pháp này. Tuy nhiên, việc đưa ra quyết định sẽ được hỗ trợ nhiều hơn nữa khi chúng ta thường xuyên đọc Kinh Thánh. Ví dụ như Kinh Thánh nói với chúng ta rằng “ham muốn tiền bạc”, khác với việc kiếm tiền, là điều sai trái (1 Timôthê 6,10). Cũng như “Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? ” (Mt 16,26). Khi chúng ta suy ngẫm những lời ấy sẽ giúp chúng ta biết được cách tiêu tiền, tiết kiệm tiền và làm việc bác ái. Những lời ấy giúp chúng ta chống lại việc quý trọng vật chất hơn con người. Giúp chúng ta thấy được chúng ta đơn giản chỉ là người quản lý chứ không phải là chủ sở hữu của những món tiền đó.

Không chỉ có riêng Kinh Thánh mới giúp chúng ta kiểm tra suy nghĩ hay quyết định của mình. Có những câu hỏi mà Kinh Thánh không trả lời. Với những câu hỏi đó, chúng ta nhận được món quà từ Thánh Truyền và những giáo huấn của Hội Thánh. Ví dụ nếu như chúng ta chỉ dựa vào chuẩn mực thông thường, chúng ta có thể đưa ra một kết luận rằng nghiên cứu di truyền trên phôi thai đông lạnh thì không phải là điều xấu. Kết quả là những phôi thai đó không được dùng vào bất kỳ điều gì, ngoài việc chỉ mang đến những đột phá về y tế trong việc giúp con người khỏi những cơn đau, những suy yếu của bệnh tật. Tại sao các nhà khoa học lại không theo đuổi những phương pháp chữa trị tiềm năng? Trong khi đó, Kinh Thánh lại không nói đến bất kỳ điều gì về nghiên cứu khoa học hay tiến bộ y tế.

Mặc dù Kinh Thánh rất ít khi nói trực tiếp đến vấn đề tế bào phôi thai gốc, nhưng Giáo Hội – dựa trên Kinh Thánh, những giáo huấn của các tông đồ và Thánh Truyền – đã nói rất nhiều về điều này. Giáo Hội dạy rằng cuộc sống của con người hiện diện ngay từ thời điểm thụ thai, do đó những thí ngiệm trên một phôi thai – đặc biệt nếu thí nghiệm đó làm chết một phôi thai – là xâm phạm phẩm giá của sự sống đó. Có phải Giáo Hội đã trả lời những thách đố đó chỉ bằng trích dẫn trong Kinh Thánh? Không, nhưng bằng cách dựa vào việc làm của các nhà khoa học, các nhà thần học, sự khôn ngoan của các Giáo Phụ và quan trọng hơn hết là lắng nghe tiếng Chúa Thánh Thần.

Đó là lý do vì sao việc duy trì tiếp cận với giáo huấn của Giáo Hội là điều quan trọng với chúng ta. Chúng ta làm vậy không phải vì muốn theo dõi những tranh cãi mới nhất hay vì chúng ta muốn biết các giám mục địa phương hay Đức Thánh Cha có đồng ý với chúng ta hay không. Trên hết, chúng ta làm vậy vì chúng ta muốn định dạng tư duy của mình theo tư duy của Thiên Chúa. Đức Giáo Hoàng và các giám mục đã kết hiệp với Thiên Chúa, những người đã được trao ban một nhiệm vụ đặc biệt và một đặc sủng để tiếp tục giảng dạy nhân danh Chúa Giêsu, giống như Thánh Phêrô và các tông đồ cũng được ủy thác. Thật vậy, thuật ngữ “Magisterium” – Huấn quyền – xuất phát từ tiếng Latinh magister, nghĩ là giáo viên.

Sự cần thiết cho phân biệt bên ngoài

Khi thánh Phaolô quay trở lại từ hành trình truyền giáo của mình, việc đầu tiên ngài vẫn thường xuyên làm là đi gặp những người lớn tuổi trong Giáo Hội để nói về những gì ngài đã thấy và để phân biệt đâu là điều Thiên Chúa hoạt động và đâu là những điều đã diễn ra không tốt đẹp (Cv 14,27-28 ; 21,18-21). Thánh Phaolô đã cảm nhận được sự cần thiết của sự sáng suốt, phân biệt và chấp thuận. Ngài muốn việc làm của mình được hướng dẫn bởi Hội Thánh. Tương tự thế, khi Thánh Phêrô trở về về từ ngôi nhà của Conêliô, ngài đã cố giải thích về việc Chúa Thánh Thần đã làm gì, và ngài đã nhận được ân sủng và trợ giúp; ngài xác nhận những gì đã xảy ra ở đó thực sự là việc làm của Thiên Chúa (Cv 11,1-18).

Những đoạn văn này nói với chúng ta rằng chúng ta có thể nghe được tiếng Chúa. Chúng có thể biết được tiếng nói của Ngài và sẽ để cho bàn tay Ngài dẫn dắt. Nó cũng nói cho chúng ta biết rằng khi chúng ta có được một quyết định đúng đắn bằng việc lắng nghe tiếng Chúa thì chúng ta cũng cần phân định được điều chúng ta đang nghe. Chúng ta cần phải dựa vào Kinh Thánh, Thánh Truyền, và tin tưởng vào giáo huấn của Hội Thánh để hướng dẫn chúng ta trong việc phân định.

Nghĩ về những điều đã xảy ra khi vua Đavít đã nghe theo suy nghĩ của mình và đã giết chết Urigia trong trận chiến để có thể cưới được người vợ của Urigia là bà Bátseva (2 Samuel 11,1-27). Đavít đã không nhận ra mà thỏa hiệp với tội lỗi của mình cho đến khi vua bị tra vấn bởi ngôn sứ Nathan. Làm sao những điều này lại có thể diễn ra? Có phải vua Đavít không phải là một người con tốt lành của Thiên Chúa?

Tương tự thế, những người anh trai của Giuse là người con tốt lành của Thiên Chúa nhưng họ lại cố giết người em của mình vì lòng ghen tuông (St 37,36). Thay vì nói với cha mình những vấn đề của họ đối với Giuse – thay vì nói lên những suy nghĩ của mình với một người có thẩm quyền – họ lại tiến hành một kế hoạch, gây ra một thảm kịch trên gia đình mình. Những câu chuyện trên nói với chúng ta rằng chúng ta sẽ gặp rắc rối, rủi ro nếu chúng ta chỉ nghe theo suy nghĩ của mình mà không kiểm tra những suy nghĩ ấy có đi ngược lại lý tưởng cao hơn không. Nó nói cho chúng ta rằng một người tốt có thể bị lầm lạc và bối rối, thường mang lại những kết quả đau thương.

Vượt qua kiểm tra

Khi chúng ta đặt ra mục tiêu và quyết tâm cho một năm mới, hãy để chúng ta kiên quyết kiểm tra chính mình. Để chúng ta dành một ít thời gian trong ngày để kiểm tra lại cách chúng ta suy nghĩ và hành động. Hãy để chúng ta quyết định để luôn cố gắng hết sức duy trì suy nghĩ và lựa chọn của mình theo con đường mà Chúa Giêsu muốn chúng ta theo. Thánh Phaolô đã từng nói với chúng ta: “Anh em hãy tự xét xem mình có còn sống trong đức tin hay không. Hãy tự kiểm điểm. Anh em chẳng nhận thấy là có Ðức Giêsu Kitô ở trong anh em sao? Trừ phi anh em đã thua trong cuộc kiểm điểm này” (2 Côrintô 13,5). Chúng ta hãy cầu nguyện cho ân sủng để vượt qua sự kiểm tra này!

Làm thế nào chúng ta đảm bảo vượt qua được bài kiểm tra? Cách tốt nhất là đón nhận Kinh Thánh, Thánh Truyền và Huấn Quyền như những món quà chứa những nguyên tắc quan trọng giúp chúng ta định hình suy nghĩ cá nhân và hướng dẫn cuộc sống của chúng ta. Những nguyên tắc này không phải lúc nào cũng cho ta những câu trả lời cụ thể trong mọi quyết định hằng ngày mà chúng ta phải đối mặt. Tuy nhiên, chúng ta càng xây dựng cuộc sống của mình dựa trên những nguyên tắc này một cách vững chắc, chúng ta càng trở nên đồng điệu hơn với tâm trí của Chúa Kitô về cách chúng ta nên suy nghĩ và hành động, không bận tâm vấn đề chúng ta đang phải đối mặt.

Đây là một nhiệm vụ khó khăn, đặc biệt là khi chúng ta đang sống trong một thế giới mà hoài nghi hoặc công khai phủ nhận Chúa Giêsu và quyền tối cao của Ngài. Chúng ta sống trong một thế giới đặt ra những câu hỏi về giá trị của quyền hạn, chứ không nói đến quyền bính của Thiên Chúa và Hội Thánh Chúa. Thế nhưng khi chúng ta đối diện với nhiệm vụ này, chúng ta có được hai lời hứa từ Thiên Chúa, lời hứa mà chúng ta có thể tin tưởng vào mỗi ngày sống. Điều thứ nhất Ngài đã hứa rằng chính Ngài sẽ ở bên cạnh chúng ta “mọi ngày, cho đến tận thế” (Mt 28,20). Điều thứ hai, Ngài đã hứa rằng Giáo Hội – là mầu nhiệm lớn lao để nâng chúng ta lên cõi vĩnh hằng ngay cả khi chúng ta đang sống – có thể đứng vững trước bất kỳ “quyền lực của tử thần” (Mt 16,18). Với những lời hứa ấy, chúng ta có được niềm hy vọng và tin tưởng lớn lao.

Chuyển ngữ: Giới trẻ Thừa Sai Chúa Cứu Thế Miền Nam

Nguồn: Thinking with Jesus (https://wau.org/)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết