Tôi rất thích các câu truyện về các Ngôn Sứ trong Sách Cựu Ước. Những câu truyện ấy khơi lên trong lòng tôi nỗi khát khao được sống mật thiết với Chúa Cha, được giao tiếp với Ngài cách sống động, thân thiện – như sờ chạm được, đối đáp được – mặc dù các Ngôn Sứ cũng lắm phen trầy vi tróc vẩy, lên bờ xuống ruộng với những sứ vụ “bất đắc dĩ” Chúa trao. Các Ngôn Sứ đã thổi ý nghĩa siêu nhiên vào lịch sử nhân loại, biến lịch sử ấy trở nên Lịch Sử Cứu Độ.
Cái tôi khoái nhất là, hầu hết các ngôn sứ đều xuất thân từ “vô danh tiểu tốt”, thiểu nhược, bất tài – mà tôi cũng là một kẻ vô danh tiểu tốt, thiểu nhược, bất tài vậy! Chúa đã đổ Thần Khí trên những kẻ mọn hèn ấy để họ làm những điều vĩ đại, dẫn dắt lịch sử nên tinh tuyền, chính thống giữa bao hỗn tạp của tập quán và văn hoá nhân loại. Và sau cùng, xuyên qua tất cả, Thiên Chúa cốt chỉ để tỏ lộ tình yêu và lòng thương xót vô biên của Ngài đối với con người.
Trong thời Cựu Ước, Chúa đổ Thần khí “tuỳ thời, tuỳ lúc” và “có chọn lọc”. Trong thời Tân Ước, “cánh cổng Thần Khí” được mở toang ra ngang qua Bí Tích Thêm Sức. Tất cả những ai đã được lãnh nhận bí tích này đều có thể sống sứ vụ Ngôn Sứ giữa cuộc đời. Quan trọng là mỗi người có ý thức được sứ vụ ấy không, và có mở lòng đón nhận không.
“Sống sứ vụ ngôn sứ đòi hỏi mỗi người phải đặt các sự kiện trong ánh nhìn của đức tin, để thấy được ý Chúa trong từng biến cố. Phải thấy được lịch sử đời mình là lịch sử của Ơn Cứu Độ, của tình yêu và của Lòng Chúa Thương Xót, và hãy là chứng tá cho những điều ấy.” Lời cha giáo dạy chúng tôi.
Lời cha nói rõ ràng rành mạch, rất đơn giản và dễ hiểu, nhưng khi chạm trán với thực tế thì không dễ dàng chút nào!
Trước những biến cố dồn dập xảy ra gần đây – khô hạn, cá chết, biển nhiễm độc…, người dân quẫn bách, khốn cùng – làm sao tôi có thể đọc được ý nghĩa siêu nhiên trong những biến cố ấy? Và tôi phải sống sứ vụ ngôn sứ thế nào đây để diễn tả Lòng Chúa Thương Xót cho dân tôi, biểu lộ Tình Yêu của Ngài, và đem Tin Mừng đến cho người nghèo?
“Người nghèo là phép thử của đức tin, là cánh cổng của Nước Trời” – lời cha giáo vang vang bên tai tôi. Hoá ra “cánh cổng Nước Trời” ở đất nước Việt Nam này rộng quá! Vì nước tôi quá nhiều kiểu nghèo: nghèo đức tin, nghèo tình người, nghèo sự thật, nghèo công lý, nghèo văn hoá…, và hệ luỵ của nó là nghèo vật chất áo cơm! Những cái nghèo này cứ chồng chéo, tróng lên cổ nhau làm con người không xở ra được. Nghèo đến vậy, nhưng xem ra cánh cổng Nước Trời vẫn đóng im ỉm, hoặc có chăng là mở he hé!
Giáo Hội Công Giáo – hiện diện cụ thể nơi mỗi Kitô hữu – đã làm gì cho người nghèo để thực hiện sứ vụ ngôn sứ? Có dám lên tiếng cho sự thật? Đứng về phía công lý? Kiến tạo văn hoá tình thương bằng những hành động liên đới cụ thể chứ không phải lời nói suông? Có dám chỉ cho người nghèo biết cái nghèo của họ, để họ nhận ra phẩm phá cao quý của mình đang bị xâm phạm, hay ngại chạm đến những vấn đề “nhạy cảm”?
Tôi đang lẩn trốn sứ vụ của mình trong nhiều lớp áo: sợ hãi, phẫn nộ, thù nghịch, thất vọng – và cuối cùng là chui vào sự an toàn của vô cảm! Giá như tôi đủ can đảm để tiếp cận người nghèo ở một góc độ nào đó, theo cách mà Thiên Chúa dùng tôi qua những “nén bạc” Ngài trao, thì chắc là họ đã được gặp gỡ được Lòng Chúa Thương Xót! Mà đó chính là cách Thiên Chúa cứu độ con người ngang qua Hội Thánh của Ngài.
“Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt!” Thiên Chúa đang dang tay, cúi xuống, tuôn đổ Lòng Thương Xót và Tình Yêu của Ngài trên nhân loại. Ngài mong chờ con người ngước mắt trông lên, mong đợi Hiền Thê của Ngài là Hội Thánh hiện diện nơi mỗi người Kitô hữu – hay những người thành tâm thiện chí là những Kitô hữu ẩn danh – hãy trở nên máng dẫn của Lòng Thương Xót.
Tôi biết mình không phải là một đại Ngôn Sứ, nhưng trộm ước ao là một ngôn sứ bé nhỏ giữa đời thường, được thầm thĩ hằng ngày cùng Chúa, được Chúa sai đi trong những sứ vụ cỏn con…
“Lạy Chúa! Con ước muốn, xin Chúa cứ dùng con như Chúa muốn!”
Mẩu Bút Chì