Tại ngôi làng nhỏ Robbiano của Ý, nằm giữa Milan và Como, Cha Don Giuseppe đã rất buồn. Giống như tất cả các nhà thờ ở Bologna, và giống như tất cả các nhà thờ ở Ý, nhà thờ của ngài đã bị đóng cửa do coronavirus.
Vị linh mục đột nhiên bị giam hãm và không thể cử hành Thánh lễ Chúa nhật với giáo dân của mình. Ngài bỗng trở nên thất nghiệp về mặt ngữ nghĩa.
Nhưng Cha Giuseppe cũng là một “linh mục công nghệ”, người tích cực sử dụng phương tiện truyền thông xã hội. Vì vậy, Cha Giuseppe đã liên lạc với tất cả giáo dân của mình thông qua Telegram Messenger và yêu cầu họ gửi cho ngài một bức ảnh của chính họ. Và bây giờ vị linh mục lại mỉm cười.
Nhà thờ giáo xứ của ngài ở Robbiano vẫn trống rỗng, nhưng Cha Don Giuseppe đã dán những bức ảnh của tất cả giáo dân của ngài trên các hàng ghế trong nhà thờ. Cha có thể một lần nữacử hành Thánh lễ trước anh chị em giáo dân bằng giấy của mình …
Nỗi thống khổ của một Linh mục giáo xứ không có tín hữu và không có nhà thờ
Nỗi thống khổ của Cha Don Giuseppe, một linh mục giáo xứ không có tín hữu và không có nhà thờ, là một biểu tượng đẹp cho nỗi thống khổ của các nhà lãnh đạo tôn giáo khi đối mặt với cuộc khủng hoảng này.
Trong nhiều thế kỷ, con người đã hướng đến Giáo hội trong những thời kỳ xảy ra thảm họa tự nhiên hoặc chiến tranh, tham gia các cuộc rước, các nghi lễ và các Thánh lễ, tìm kiếm sự an ủi, niềm hy vọng và sự giải thoát khỏi nỗi thống khổ của họ.
Nhưng điều gì có thể được thực hiện khi chính Giáo hội, như hiện nay, là một phần của mối đe dọa?
Khi các cuộc tụ họp tôn giáo trở thành một cột thu lôi để lan truyền virus, như đã xảy ra tại một cuộc tụ tập khổng lồ của các tín hữu Tin lành ở Pháp? Khi mà việc trở nên gần gũi với người khác, một nhân đức mà người Kitô hữu chủ trương, giờ đây đồng nghĩa với một hành động vô trách nhiệm?
Một ngàn lẻ một cách thể hiện sự gần gũi của chúng ta
Một số người Công giáo đã chỉ trích các nhà lãnh đạo Giáo hội, cho rằng họ đã quá dễ dàng chấp nhận các chỉ thị của chính phủ để cấm các buổi cử hành Phụng vụ. Thiên Chúa không bỏ cuộc chơi, họ nói.
Không phải là Thánh lễ Chúa nhật và Bí tích Thánh Thể, về cơ bản cũng quan trọng như sự chăm sóc của các bác sĩ và dược sĩ? Bàn tay của các Linh mục không nên run rẩy trước virus, họ nói, như thể đây đơn giản chỉ là vấn đề của sự dũng cảm.
Họ đã quên điều răn trong Sách Đệ Nhị Luật (6,16): “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa ngươi”. Đó là câu trả lời tương tự Chúa Giêsu đưa ra với tên cám dỗ trong hoang địa (Mt 4: 7).
Chúng ta nhận thức rất rõ rằng thường không phải thông qua các sự kiện lớn hay những buổi cử hành long trọng mà Thiên Chúa được biểu lộ. Thay vào đó, thông qua làn gió nhẹ xuất phát từ những cử chỉ của sự liên đới vốn đã lan rộng khắp nơi trong những tuần gần đây.
Có một ngàn lẻ một cách thể hiện sự “gần gũi” của chúng ta với người khác, cho dù có Linh mục hay không có Linh mục, có Rước lễ hay không có Rước lễ.
Sự thiếu thốn cho phép chúng ta nhận thức được điều cần thiết
Tất nhiên, thật khó nghe rằng sự hiện diện của chúng ta là không cần thiết. Tuy nhiên, sự thiếu thốn chắc chắn giúp chúng ta hiểu được đâu là điều thực sự cần thiết – nhu cầu của người khác và các mối quan hệ, mà trong đó chúng ta hiện đang bị tước đoạt.
Sâu xa hơn, trong xã hội cá nhân của chúng ta, chúng ta đã quên điều này ở một mức độ nhất định.
Cha Don Giuseppe thừa nhận rằng ngài chưa bao giờ nhìn thấy nhiều khuôn mặt trong nhà thờ của mình ở Robbiano trước đây. Tất nhiên chúng chỉ là những khuôn mặt được làm bằng giấy, nhưng nhiều hơn những gì ngài có thể tưởng tượng.
Đó không chỉ là số ít tín các hữu đến nhà thờ mỗi sáng Chủ nhật gửi ảnh cho ngài. Cả ngôi làng đã làm như vậy!
Và vì sự chú ý của truyền thông, mọi người từ khắp nước Ý đã gửi cho vị Linh mục những bức ảnh của họ. Như thể sự vắng mặt của Giáo hội đã trở thành một cơ hội để làm chứng cho sự hiện diện của Thiên Chúa.
Isabelle de Gaulmyn
Isabelle de Gaulmyn là biên tập viên cao cấp tại La Croix và là cựu phóng viên của Vatican.
Minh Tuệ (theo La Croix)