Sự trừng phạt dành cho kẻ làm cớ vấp phạm (Mc 9,42)

Bên trong nhóm các đồ đệ của Đức Giêsu sẽ không phải là không có vấn đề.

Trái lại, vẫn còn có thể có cớ vấp phạm.

Vì thế, Đức Giêsu nói: “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn” (Mc 9,42).

Tất nhiên lời dạy này của Đức Giêsu có giá trị phổ quát, bao hàm mọi thứ cớ vấp phạm.

Nhưng có lẽ cũng là đúng đắn nếu chúng ta thử tìm xem trường hợp cụ thể đang được đề cập ở đây là gì.

Nên cớ vấp phạm” hay “làm cho sa ngã” ở đây là làm cho người ta mất lòng tin hay không còn gắn bó với Đức Giêsu nữa. Kẻ bị sa ngã được nói đến ở đây là “một trong những kẻ bé mọn”, và khung cảnh đang là nhóm các đồ đệ vừa cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả (x. 9,34).

Vì thế, cớ vấp phạm cụ thể và trực tiếp được nói đến ở đây có lẽ là sự tranh giành vị thế giữa các môn đệ.

Người tin theo Đức Giêsu nghĩ rằng có thể tìm thấy trong nhóm các đồ đệ của Người sự bình đẳng và tình huynh đệ được diễn tả bằng những sự phục vụ lẫn nhau trong đức ái Tin Mừng, nhưng rồi người ấy lại chỉ thấy những sự tranh giành quyền lực, những toan tính thống trị và kiểm soát nhau… và đi đến chỗ thất vọng mà nghĩ rằng sứ điệp Tin Mừng chỉ là chuyện lý thuyết. Lòng tin vào Đức Giêsu và sự gắn bó với Người dần phai nhạt, rồi sau đó là kết cục bi đát của sự “sa ngã”.

Như thế, cớ vấp phạm kia đã tước mất sự sống mà Đức Giêsu thông ban cho con người. Công trình của Đức Giêsu bị phá hoại. Đức Giêsu thất bại.

Kết cục dành cho những kẻ gây cớ vấp phạm thật đáng sợ: “Thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn”. Thật ra, Đức Giêsu không có ý đưa ra một lời đe dọa và một hình thức kỷ luật cụ thể, mà chỉ muốn nhấn mạnh tính cách trầm trọng của cớ vấp phạm.

Bị ném xuống biển tức là phải chịu một cái chết không được an táng, một viễn tượng kinh khủng đối với người Do Thái.

Giuse Nguyễn Thể Hiện, C.Ss.R.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết