Sự Thay Đổi Bức Tranh Tôn Giáo Toàn Cầu
Những đứa trẻ sinh ra từ Hồi giáo sẽ bắt đầu vượt hơn con số những ca sinh Kitô giáo vào năm 2035; Những người không tôn giáo sẽ đối mặt với sự sụt giảm về số lượng trẻ sơ sinh.
Số lượng trẻ được sinh ra từ những người mẹ Kitô Giáo vượt hơn bất cứ tôn giáo nào trong những năm gần đây, đã phản ánh rằng Kitô Giáo đang tiếp tục giữ vị thế là nhóm tôn giáo lớn nhất trên thế giới. Nhưng điều này sẽ thay đổi trong tương lai không xa. Không đến 20 năm nữa, con số trẻ mới sinh từ Hồi giáo được dự đoán sẽ cao hơn Kitô giáo, theo một biểu đồ dự đoán mới nhất của trung tâm nghiên cứu Pew Research Center.
Hồi giáo được dự đoán là nhóm tôn giáo lớn phát triển mạnh nhất trong những thập kỉ tới, theo trung tâm nghiên cứu Pew, và những dấu hiệu của việc phát triển nhanh chóng này đã trở nên rõ ràng. Trong giai đoạn từ 2010 đến 2015, các ca sinh Hồi giáo được ước tính chiếm 31% trẻ em được sinh ra trên toàn thế giới – vượt xa tỷ lệ người Hồi giáo ở mọi độ tuổi trên toàn thế giới trong năm 2015 (24%).
Số lượng người Kitô giáo trên thế giới vẫn tiếp tục gia tăng nhưng khiếm tốn hơn. Trong những năm gần đây, trẻ em sinh từ Kitô giáo chiếm 33%. Tỷ lệ này chỉ nhỉnh hơn một chút so với phần trăm số người Kitô giáo trên toàn thế giới năm 2015 (31%).
Trong khi con số người Kitô hữu tương đối trẻ ở một khu vực như vùng hạ Sahara Châu Phi được dự kiến sẽ gia tăng trong những thập kỷ tới, số lượng Kitô hữu ở khắp mọi nơi trên thế giới lại đang giảm sút. Thật vậy, trong những năm gần đây, Kitô hữu đã chiếm tỷ lệ phần trăm lớn trong tổng số người chết trên toàn thế giới (37%) – phần lớn là do độ tuổi của các Kitô hữu ở một số nơi tương đối cao. Điều này đặc biệt đúng ở Châu Âu, nơi mà con số người Kitô giáo chết vượt quá số ca mới sinh trong thời gian từ 2010 đến 2015. Ví dụ, chỉ riêng ở Đức, ước tính số lượng người Kitô giáo đã chết cao hơn khoảng 1,4 triệu người so với số ca sinh ra trong khoảng từ năm 2010 đến năm 2015 và điều này được dự đoán là sẽ tiếp tục diễn ra trên khắp châu Âu trong những thập kỷ tới.
Lưu ý về thuật ngữ
Cụm từ “trẻ được sinh từ Kitô giáo” và “ca sinh Kitô giáo” được sử dụng cách luân phiên trong báo cáo này để chỉ các ca sinh có mẹ là người Kitô giáo. Cũng vậy đối với các nhóm tôn giáo khác (ví dụ: những trẻ sinh từ Hồi giáo, các ca sinh Hồi giáo). Báo cáo này tránh thuật ngữ “các trẻ Kitô giáo” hay “trẻ em Hồi giáo” vì những từ này có thể ám chỉ các em đã bị áp đặt tôn giáo ngay từ khi sinh. Nhận định trong những ước tính và dự báo ở đây là các trẻ có khuynh hướng kế thừa bản sắc tôn giáo từ mẹ (hoặc ít nhất là vậy) cho đến khi trưởng thành và một số lựa chọn chuyển đổi bản sắc tôn giáo. Các biểu mẫu dự báo trong báo cáo này tính đến các ước lượng về tỷ lệ chuyển đổi tôn giáo (hoặc cải đạo) trong các nhóm tôn giáo lớn dựa trên cơ sở dữ liệu có được từ 70 quốc gia. |
Trên bình diện toàn cầu, dân số tương đối trẻ và tỷ lệ sinh cao của người Hồi giáo dẫn đến dự đoán rằng từ năm 2030 đến 2035, số trẻ sinh từ Hồi giáo sẽ là (225 triệu) cao hơn so với Kitô giáo (224 triệu), mặc dù tổng số người Kitô giáo vẫn sẽ đông hơn. Vào thời gian từ 2055 đến 2060, khoảng cách ca sinh giữa hai nhóm được dự kiến sẽ đạt đến con số 6 triệu (232 triệu trẻ sinh từ Hồi giáo so với 226 triệu từ Kitô giáo).1
Ngược lại với sự bùng nổ tỷ lệ trẻ sơ sinh của Hồi giáo, những người không theo bất kì một tôn giáo nào đang có một xu hướng rất khác. Mặc dù số người không tôn giáo hiện chiếm 16% dân số toàn cầu, nhưng ước tính chỉ có khoảng 10% số trẻ em sinh ra từ các bà mẹ không tôn giáo. Sự thiếu hụt số lượng trẻ sơ sinh ở những người không tôn giáo (bao gồm cả người vô thần, người theo thuyết bất khả tri và những người không có một tôn giáo cụ thể) giúp giải thích lý do vì sao họ được dự đoán sẽ sụt giảm số lượng trên toàn thế giới trong những thập niên tới.
Vào khoảng năm 2055 đến 2060, chỉ có 9% trẻ em sẽ được sinh ra bởi người mẹ không tôn giáo, trong khi có đến hơn bảy-trên-mười trẻ sinh ra sẽ là từ Hồi giáo (36%) hoặc (Kitô giáo 35%).
Trên đây là một trong những phát hiện quan trọng nhất từ phân tích dữ liệu nhân khẩu học của trung tâm nghiên cứu Pew. Phân tích này được căn cứ và xây dựng trên cơ sở dữ liệu của hơn 2,500 cuộc tổng điều tra, khảo sát và sổ đăng kí dân số được sử dụng trong một báo cáo năm 2015 với chủ đề “Tương lai của các tôn giáo trên toàn thế giới: Dự báo sự gia tăng dân số giai đoạn 2010 – 2050”.
Thêm vào đó, báo cáo này cung cấp những ước tính dân số thế giới mới nhất tính đến 2015 đối với Kitô giáo, Hồi giáo, người không tôn giáo và những người thuộc các nhóm tôn giáo khác. Và các dự báo về gia tăng dân số trong bài báo cáo này kéo dài đến năm 2060, hơn một thập kỉ so với báo cáo ban đầu.
Các dự báo ở đây không áp đặt rằng tất cả các trẻ mới sinh đều sẽ tiếp tục theo tôn giáo của người mẹ, nhưng còn cố gắng tính đến việc chuyển đổi tôn giáo (trong mọi phương diện), tuy các trường hợp cải đạo luôn là đa dạng và phức tạp. Ở một số quốc gia, bao gồm cả Hoa Kỳ, việc một người trưởng thành chuyển từ tôn giáo thời thơ ấu của mình sang một tôn giáo khác (hoặc không tôn giáo) là rất phổ biến. Ví dụ, nhiều người sinh ra và lớn lên ở Hoa Kỳ là Kitô hữu có thể không còn theo Kitô giáo nữa khi trưởng thành, và ngược lại – nhiều người lớn lên không theo bất cứ một tôn giáo nào lại gia nhập một nhóm tôn giáo trong suốt phần đời còn lại của họ. Tuy vậy, ở một số quốc gia, những sự thay đổi tôn giáo là thực sự hiếm thấy hay thậm chí bất hợp pháp.2
Hiện nay, nguồn dữ liệu tốt nhất mà chúng tôi có thể tiếp cận đã chỉ ra rằng nếu chỉ tính riêng các tác động toàn cầu của việc chuyển đổi tôn giáo, không tính đến các yếu tố khác, sẽ dẫn đến kết quả là số lượng người Hồi giáo gia tăng nhẹ, số người không tôn giáo sẽ gia tăng đáng kể và sự giảm sút mạnh về số lượng người Kitô giáo trong những thập niên tới. Tuy nhiên, trên bình diện toàn cầu, tác động của việc chuyển đổi tôn giáo không rõ nét và mạnh mẽ bằng các tác động của sự khác biệt về mức sinh và tỷ lệ tử vong. Kết quả là những người không tôn giáo được dự đoán sẽ suy giảm tỷ lệ trên tổng dân số thế giới dù vẫn có sự gia tăng từ những người rời bỏ Kitô giáo và các nhóm tôn giáo khác ở Châu Âu, Bắc Mỹ và một vài nơi khác trên thế giới. Và số lượng người Kitô hữu được dự đoán sẽ gia tăng dù không nhanh bằng số lượng người Hồi giáo.
Dự báo dân số thế giới từ 2015 đến 2060
Kitô giáo là nhóm tôn giáo lớn nhất trên thế giới năm 2015, chiếm gần một phần ba (31%) dân số trong 7,3 tỷ người trên trái đất. Hồi giáo đứng thứ hai, với 1,8 tỷ người, chiếm 24% dân số toàn cầu. Kế đến là nhóm người không tôn giáo (16%), Ấn Độ giáo (15%) và Phật giáo (7%). Những người theo các tín ngưỡng dân gian, Do Thái giáo và một số tôn giáo khác chiếm một phần nhỏ trong tổng số người trên thế giới.
Trong khoảng thời gian từ 2015 đến 2060, dân số thế giới được dự đoán sẽ gia tăng 32%, thành 9,6 tỷ người. Trong cùng thời gian đó, con số người Hồi giáo – nhóm tôn giáo lớn với dân số trẻ nhất và tỷ lệ sinh cao nhất – được dự đoán sẽ gia tăng 70%. Số lượng người Kitô giáo được dự đoán sẽ tăng 34%, tăng nhanh hơn các nhóm dân số khác trên toàn cầu nhưng chậm hơn nhiều so với Hồi giáo.
Ngoại trừ Hồi giáo và Kitô giáo, tất cả các nhóm tôn giáo lớn trên thế giới được dự báo sẽ chiếm phần trăm nhỏ hơn trong tổng dân số thế giới vào năm 2060 so với năm 2015.4 Mặc dù Ấn Độ giáo, Do Thái giáo và những người theo các tín ngưỡng dân gian được dự báo sẽ gia tăng đến một số lượng nhất định trong những thập kỉ tới, nhưng không có nhóm nào theo kịp với đà tăng trưởng dân số toàn cầu.
Trên toàn thế giới, số lượng người Ấn Độ giáo được dự báo sẽ tăng lên 27%, từ 1,1 tỷ người lên đến 1,4 tỷ, hơi thấp hơn so với nhịp tăng trưởng dân số toàn cầu. Do Thái giáo, nhóm tôn giáo nhỏ nhất có dự báo riêng được đưa ra, dự kiến tăng 15% từ 14,3 triệu người năm 2015 thành 16,4 triệu người trên toàn cầu năm 2060.5 Những người theo các tín ngưỡng dân gian – bao gồm các tín ngưỡng truyền thống Châu Phi, tín ngưỡng dân gian Trung Hoa, tín ngưỡng người da đỏ Châu Mỹ và thổ dân Châu Úc – được dự báo sẽ gia tăng 5% từ 418 triệu lên 441 triệu người.
Phật giáo, ngược lại, được dự báo sẽ sụt giảm ở một con số nhất định, giảm 7% từ gần 500 triệu vào năm 2015 còn 462 triệu người năm 2060. Tỷ lệ mức sinh thấp và sự già hóa dân số ở các quốc gia như Trung Quốc, Thái Lan và Nhật Bản là những lý do chính mang tính nhân khẩu học đối với dự báo về sự sụt giảm của dân số Phật giáo trong những năm tới.
Tất cả các tín ngưỡng còn lại – cũng được thể hiện trong biểu đồ hình tròn ở trên bao gồm Baha‘I giáo, Kỳ na giáo, Sikh giáo, Lão giáo và nhiều những tín ngưỡng nhỏ khác – cũng được dự báo sẽ giảm nhẹ về số lượng, từ khoảng 59,7 triệu năm 2015 xuống còn 59,4 triệu vào năm 2060.6
Nhóm dân số không tôn giáo được dự đoán sẽ sụt giảm phần trăm trong tổng dân số toàn cầu, cho dù có sự gia tăng cách khiêm tốn ở một con số nhất định. Vào năm 2015, có gần 1,2 tỷ người vô thần, người theo thuyết bất khả tri và những người không xác định theo một tôn giáo nào trên khắp thế giới.7 Đến năm 2060, số dân không tôn giáo được dự đoán sẽ đạt 1,2 tỷ người. Nhưng nếu tính tỷ lệ đối với dân số toàn cầu, những người không tôn giáo được dự báo sẽ giảm từ 16% trên tổng dân số thế giới năm 2015 xuống còn 13% vào năm 2060. Trong khi tỷ lệ dân số không tôn giáo ở Châu Âu và Bắc Mỹ được dự đoán sẽ tiếp tục gia tăng thì ở Châu Á – nơi có tới 75% người không tôn giáo đang sinh sống được dự đoán là sẽ sụt giảm.
Những sự khác biệt về địa lý như trên đây đóng một vai trò quan trọng trong các mô hình phát triển tôn giáo. Thật vậy, một trong những yếu tố chính quyết định tương lai phát triển của một nhóm tôn giáo chính là vị trí địa lý của nhóm đó ở thời điểm hiện tại. Ví dụ, nhóm dân số không tôn giáo tập trung chủ yếu ở những nơi có dân số già và mức sinh thấp như Trung Quốc, Nhật Bản, Châu Âu và Bắc Mỹ. Ngược lại, các nhóm tôn giáo có nhiều tín đồ tập trung ở các nước đang phát triển – nơi tỷ lệ sinh cao và tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong nhìn chung đang giảm – thì có khuynh hướng gia tăng cách nhanh chóng. Điển hình như phần lớn sự gia tăng toàn cầu của Hồi giáo và Kitô giáo được dự đoán sẽ diễn ra ở khu vực cận Sahara thuộc Châu Phi.
Sự thay đổi về mật độ phân bố của các nhóm tôn giáo
Sự phân bố theo khu vực của các nhóm tôn giáo cũng được dự báo sẽ thay đổi trong những thập niên tới. Ví dụ, tỷ lệ người Kitô giáo sống ở cận Sahara Châu Phi được dự đoán sẽ gia tăng mạnh mẽ trong khoảng thời gian từ 2015 đến 2060, từ 26% lên 42%, nhờ vào tỷ lệ sinh cao ở khu vực này. Trong khi đó, tỷ lệ người chuyển đổi tôn giáo tăng và mức sinh thấp sẽ kéo giảm tỷ lệ người Kitô giáo sống ở khu vực Châu Âu và Bắc Mỹ trên tổng dân số Kitô giáo toàn cầu.
Vùng cận Sahara Châu Phi cũng được dự đoán sẽ là trung tâm của sự gia tăng tỷ lệ người Hồi giáo trên thế giới. Vào năm 2060, 27% dân số Hồi giáo toàn cầu được dự đoán sẽ đến từ khu vực này, từ chỉ có 16% ở thời điểm năm 2015. Ngược lại, tỷ lệ người Hồi giáo sống ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trong cùng khoảng thời gian này được dự đoán sẽ giảm từ 61% xuống còn 50%. Tỷ lệ người Hồi giáo ở Trung Đông và Bắc Phi được dự đoán sẽ duy trì ở mức 20%.
Vào năm 2015, cứ 4 người không tôn giáo thì có 3 người sống ở Châu Á và khu vực Thái Bình Dương. Nhưng tỷ lệ đó được dự đoán sẽ giảm xuống còn 66% vào năm 2060 vì mức sinh thấp và dân số đang bị già hóa. Đồng thời, tỷ lệ người không tôn giáo sinh sống ngoài khu vực Châu Á– Thái Bình Dương đang gia tăng, đặc biệt là ở khu vực Châu Âu và Bắc Mỹ. Theo dự báo, đến năm 2060, chỉ riêng Hoa Kỳ sẽ chiếm đến 9% người không tôn giáo trên toàn cầu.
Một số lượng đông đảo những người theo Ấn Độ giáo và Phật giáo (98-99%) sẽ tiếp tục sống ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trong nhiều thập niên tới. Hầu hết những người theo các tín ngưỡng dân gian cũng sẽ ở tại khu vực Châu Á và Thái Bình Dương (khoảng 79% vào năm 2060), dù một bộ phận được dự đoán là đang gia tăng của nhóm này sống ở khu vực cận Sahara Châu Phi (từ 7% năm 2015 lên đến 16% năm 2060). Tỷ lệ người Do Thái giáo sống ở Israel (42%) gần như cân bằng với ở Hoa Kỳ (40%). Tuy nhiên, vào khoảng năm 2060, hơn một nửa số người theo Do Thái giáo (53%) được dự đoán sẽ sống ở Israel, trong khi ở Hoa Kỳ sẽ chiếm một phần nhỏ hơn (32%).
Độ tuổi và mức sinh là các yếu tố chính đằng sau sự phát triển của các nhóm tôn giáo
Sự phân bố theo độ tuổi của mỗi nhóm tôn giáo ở thời điểm hiện tại là một yếu tố quan trọng quyết định sự phát triển nhân khẩu của nhóm đó. Một số nhóm có tín đồ chủ yếu là trẻ đang ở độ tuổi sinh sản, trong khi tín đồ của một số nhóm khác có độ tuổi lớn hơn và hầu hết là đã qua độ tuổi sinh sản. Độ tuổi trung bình của người theo Hồi giáo (24 tuổi) và Ấn Độ giáo (27 tuổi) trẻ hơn độ tuổi trung bình của toàn thể dân số thế giới (30 tuổi). Trong khi độ tuổi trung bình của người Kitô giáo (30 tuổi) vừa bằng với độ tuổi trung bình của dân số trên toàn cầu.8
Hơn nữa, Hồi giáo có tỷ lệ sinh cao nhất so với bất kì nhóm tôn giáo nào khác – trung bình 2,9 trẻ trên một phụ nữ, cao hơn hẳn mức sinh thay thế (2,1), mức tối thiểu cần thiết để duy trì một dân số ổn định.9 Kitô giáo đứng thứ hai với mức 2.6 trẻ trên một phụ nữ. Tỷ lệ sinh của người theo Ấn Độ giáo và Do Thái giáo (2,3) đều ở dưới mức trung bình trên toàn cầu là 2,4 trẻ trên một phụ nữ. Tất cả các nhóm tôn giáo còn lại đều có tỷ lệ sinh quá thấp để có thể duy trì dân số của họ cách bền vững.
Ngoài tỷ lệ sinh và sự phân bố về độ tuổi, việc chuyển đổi tôn giáo cũng đóng một vai trò trong sự thay đổi quy mô của các nhóm tôn giáo.
Các dự báo của trung tâm nghiên cứu Pew đã cố gắng kết hợp các mô hình chuyển đổi tôn giáo ở hơn 70 quốc gia có cung cấp thông tin về số lượng những người cho biết họ không còn thuộc về nhóm tôn giáo mà họ đã theo.10 Trong biểu đồ dự báo, tất cả những trường hợp chuyển hướng sang tôn giáo khác đều có thể xảy ra và các tôn giáo có thể bổ sung phần nào số lượng cho nhau. Điển hình như tại Hoa Kỳ, các cuộc khảo sát đã chỉ ra rằng những trường hợp người Kitô hữu trưởng thành và trở thành người không tôn giáo là tương đối phổ biến, nhưng ngược lại cũng có một số người không tôn giáo chuyển đổi thành Kitô giáo.11 Các trường hợp này được dự đoán sẽ tiếp tục xảy ra với các thế hệ tương lai khi chúng bước vào độ tuổi trưởng thành. (Để biết thêm chi tiết về cách thức và nơi thực hiện nghiên cứu về những sự chuyển đổi tôn giáo này, xem thêm Phụ lục B: Phương pháp)
Giao đoạn từ 2015 đến 2020, Kitô giáo được dự đoán sẽ trải qua sự sụt giảm lớn nhất về số lượng do những trường hợp chuyển đổi tôn giáo. Trên bình diện toàn cầu, trong khoảng thời gian 5 năm này, có khoảng 5 triệu người được dự đoán sẽ trở thành người Kitô giáo, trong khi có đến 13 triệu người được dự đoán sẽ rời bỏ Kitô giáo và hầu hết các trường hợp này sẽ gia nhập nhóm những người không tôn giáo.
Nhóm những người không tôn giáo được dự báo sẽ tăng thêm 12,2 triệu và giảm bớt 4,6 triệu người do chuyển đổi tôn giáo, tăng ít nhất 7,6 triệu người từ 2015 đến 2020. Đối với các nhóm tôn giáo khác, sự gia tăng về số lượng do việc chuyển đổi tôn giáo được dự đoán là thấp hơn.
Các thách thức nhân khẩu học đối với nhóm người không tôn giáo
Mặc dù các mô hình chuyển đổi tôn giáo ở thời điểm hiện nay có lợi cho sự phát triển của nhóm dân số không tôn giáo – đặc biệt là ở Châu Âu, Bắc Mỹ, Châu Úc và New Zealand – nhưng tỷ lệ nhóm người không tôn giáo được dự đoán là sẽ sụt giảm so với tổng dân số toàn thế giới trong những thập niên tiếp theo do sự kết hợp của mức sinh thấp và độ tuổi ngày càng cao.
Từ năm 2015 đến 2020, những người không tôn giáo được dự báo sẽ gia tăng ít nhất 7,6 triệu người nhờ việc chuyển đổi tôn giáo. Những người sinh ra và lớn lên là người Kitô giáo được dự đoán sẽ chiếm đa số trong những trường hợp chuyển sang nhóm không tôn giáo.12 Tuy nhiên, ngay cả khi các trường hợp chuyển đổi tôn giáo tiếp tục diễn ra thì những lợi thế có được thông qua việc này vẫn sẽ không đủ lớn để bù đắp vào phần dân số thiếu hụt do các yếu tố nhân khẩu học khác gây ra.
Ví dụ, từ năm 2015 đến 2020, tổng tỷ lệ sinh từ người mẹ không tôn giáo được dự đoán sẽ là 1,6 trẻ trên một phụ nữ, ít hơn gần 1 trẻ so với mức 2,5 trẻ trên một phụ nữ ở nhóm người mẹ có tôn giáo. Và mặc dù nhóm phụ nữ không tôn giáo có khuynh hướng trẻ hơn những người có tôn giáo ở Hoa Kỳ nói riêng, nhưng trên bình diện toàn cầu thì đang xảy ra điều ngược lại: Những phụ nữ không tôn giáo lớn tuổi hơn các phụ nữ có tôn giáo và hầu như đã qua độ tuổi sinh sản. Vào năm 2015, độ tuổi trung bình trên toàn cầu của nhóm phụ nữ không tôn giáo là 36, trong khi độ tuổi trung bình của nhóm phụ nữ có tôn giáo là 30.
Những thay đổi nhân khẩu học trên đây chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tình hình của khu vực Châu Á, đặc biệt là ở Trung Quốc, mái nhà của hơn 61% những người không tôn giáo trên toàn thế giới ở thời điểm năm 2015.
Các nhận định và kì vọng của người Mỹ đối với quy mô toàn cầu của các nhóm tôn giáo
Trước khi công bố dự báo về quy mô của các nhóm tôn giáo trong tương lai vào năm 2015, Trung tâm nghiên cứu Pew đã đặt ra một số câu hỏi với các thành viên của Hội Đồng về các Khuynh Hướng ở Hoa Kỳ (American Trends Panel) về những nhận định của họ đối với bức tranh tôn giáo toàn cầu – và kì vọng của họ về tương lai của bức tranh đó.
Theo đó, khoảng một nửa người dân Mỹ (52%) có hiểu biết chính xác về nhóm tôn giáo lớn nhất trên thế giới hiện nay và khẳng định rằng Kitô giáo chiếm tỷ lệ lớn nhất, trong khi có một phần tư số người Mỹ nghĩ (một cách không đúng) rằng Hồi giáo là lớn nhất. Một số nhỏ hơn những người Mỹ trưởng thành cho rằng nhóm không tôn giáo (15%) hoặc Ấn Độ giáo (6%) là nhóm tôn giáo lớn nhất.
Cuộc khảo sát trên cũng hỏi người dân Mỹ về kì vọng của họ đối với tỷ lệ nhóm dân số không tôn giáo so với dân số toàn câu trong những thập niên tới. Hầu hết người Mỹ (62%) đoán rằng tỷ lệ người không tôn giáo toàn cầu sẽ gia tăng trong khoảng thời gian từ nay đến 2050 – dự đoán này có lẽ căn cứ trên những gì đang diễn ra ở cấp độ quốc gia tại Mỹ.
Thật vậy, ở Mỹ và các quốc gia phương Tây khác, tỷ lệ dân số không tôn giáo đang gia tăng và được dự báo sẽ tiếp tục tăng lên khi nhiều người từ Kitô giáo và các nhóm khác rời khỏi tôn giáo của họ. Và khi những thế hệ trẻ và ít quan tâm tôn giáo thay thế cho các thế hệ lớn hơn. Tuy nhiên, vì hầu hết những người không tôn giáo đang sinh sống ở Châu Á, nơi dân số không tôn giáo tương đối lớn tuổi và có tỷ lệ sinh tương đối thấp, trung tâm nghiên cứu Pew dự đoán rằng dân số không tôn giáo trên toàn cầu sẽ sụt giảm trong những thập niên tới, ngay cả khi đã tính đến các yếu tố gia tăng từ các trưởng hợp chuyển đổi tôn giáo. Chỉ 15% người Mỹ trưởng thành được khảo sát cho rằng nhóm người không tôn giáo sẽ giảm tỷ lệ so với dân số trên toàn cầu vào năm 2050.13
Khi được hỏi nhóm nào được kì vọng sẽ có nhiều tín đồ nhất trên toàn cầu vào năm 2050, tỷ lệ những người Mỹ trả lời gần bằng nhau đối với các nhóm như không tôn giáo (33%), Kitô giáo (32%) và Hồi giáo (29%). Một phần nhỏ (4%) dự đoán rằng Ấn Độ giáo sẽ là nhóm tôn giáo lớn nhất.
Những dự đoán về nhóm tôn giáo lớn nhất tùy thuộc vào độ tuổi, tôn giáo và đảng phái chính trị của người được hỏi. Ví dụ, gần một nửa (46%) những người Mỹ trưởng thành dưới tuổi 30 dự đoán rằng con số những người không tôn giáo sẽ vượt Kitô giáo, Hồi giáo và Ấn Độ giáo vào năm 2050, trong khi chỉ có ba-trên-mười người ở độ tuổi 50 trở lên cho rằng nhóm không tôn giáo sẽ trở thành nhóm lớn nhất ở giữa thế kỷ này. Tuy nhiên, số người Mỹ lớn tuổi lại nhiều hơn số người trẻ trưởng thành (dưới 30 tuổi) khi cho rằng Hồi giáo sẽ trở thành nhóm tôn giáo lớn nhất.
Số người Kitô giáo hơn những người không tôn giáo khi nói rằng Kitô giáo sẽ trở thành nhóm tôn giáo lớn nhất vào năm 2050 (tỷ lệ 36% so với 22%). Ngược lại số người không tôn giáo lại hơn người Kitô giáo khi dự đoán nhóm không tôn giáo sẽ là nhóm lớn nhất vào giữa thế kỷ này (44% người không tôn giáo so với 31% người Kitô giáo).
Những khác biệt khi dự báo về quy mô của các nhóm tôn giáo trong tương lai cũng tùy thuộc vào quan điểm chính trị. Con số người Mỹ ủng hộ hay thiêng về phía Đảng Cộng Hòa vượt hơn so với số những người ủng hộ Đảng Dân Chủ khi dự đoán rằng Hồi giáo sẽ trở thành nhóm tôn giáo lớn nhất trên thế giới vào năm 2050 (tỷ lệ 35% so với 25%). Ngược lại, sốgười của Đảng Dân Chủ hơn người theo Đảng Cộng Hòa (tỷ lệ 35% so với 29%) khi dự đoán rằng nhóm những người không tôn giáo sẽ trở thành nhóm lớn nhất.
Ảnh hưởng của tỷ lệ sinh và tỷ lệ tử đến sự thay đổi dân số tôn giáo
Là nhóm tôn giáo lớn nhất thế giới, Kitô giáo có tỷ lệ sinh và tử cao nhất trong thời gian từ năm 2010 đến 2015. Trong khoản thời gian 5 năm này, 223 triệu trẻ được dự đoán đã được sinh ra từ người mẹ Kitô giáo và có khoảng 107 triệu người Kitô giáo đã chết. Điều này có nghĩa rằng số lượng gia tăng tự nhiên của dân số Kitô giáo – lấy số sinh trừ đi số tử – là 116 triệu người trong khoảng thời gian này.
Hồi giáo có tỷ lệ sinh cao thứ hai từ 2010 đến 2015, với 213 triệu trẻ sinh từ mẹ Hồi giáo. Nhưng Hồi giáo đã cho thấy sự gia tăng tự nhiên lớn hơn bất kì nhóm tôn giáo nào khác – tăng thêm hơn 152 triệu người – do số lượng người chết của Hồi giáo tương đối thấp (62 triệu người). Sự gia tăng tự nhiên lớn như vậy là kết quả của cả hai yếu tố: mức sinh cao và sự tập trung của dân số Hồi giáo ở các khu vực dân số trẻ hơn với tỷ lệ tử ở mức thấp.
So với tổng quy mô dân số của nhóm không tôn giáo (chiếm 16% dân số thế giới), thì tỉ lệ trẻ sinh từ người mẹ không tôn giáo là tương đối thấp (chiếm 10% số ca sinh toàn cầu từ 2010 đến 2015). Nhóm không tôn giáo là nhóm lớn thứ 3. Tuy nhiên, với tỷ lệ sinh thấp, nhóm này được xếp thứ 4 sau Ấn Độ giáo về tỷ lệ trẻ mới sinh. Từ 2010 đến 2015, dự đoán có khoảng 68 triệu trẻ em được sinh ra từ người mẹ không tôn giáo so với 109 triệu trẻ từ Ấn Độ giáo. Ấn Độ giáo cũng cho thấy sự gia tăng tự nhiên lớn hơn nhóm không tôn giáo (tỷ lệ 67 triệu người Ấ Độ giáo so với 26 triệu người không tôn giáo).
Mức sinh cũng vượt hơn mức tử ở các nhóm tôn giáo lớn khác trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến 2015 gồm Phật giáo, Do Thái giáo và các tín ngưỡng mang tính truyền thống hoặc dân gian.
Sau năm 2015, số những trẻ được sinh ra từ những người mẹ Kitô giáo và Hồi giáo được dự báo sẽ ngày càng tăng lên cho đến năm 2060. Nhưng mức sinh của Hồi giáo được dự đoán sẽ tăng với tỷ lệ cao hơn nhiều – vì vậy đến 2035 số trẻ sinh ra từ Hồi giáo sẽ vượt hơn một chút so với số trẻ sinh từ mẹ Kitô giáo. Từ 2055 đến 2060, khoảng cách mức sinh của cả hai nhóm được dự đoán là khoảng 6 triệu người (Hồi giáo với 232 triệu ca sinh so với 226 triệu ca từ Kitô giáo).
Ngược lại, tổng số ca sinh của tất cả các nhóm tôn giáo lớn khác được dự đoán sẽ giảm nhanh chóng từ 2015 đến 2060. Ấn Độ giáo sẽ có mức giảm trầm trọng nhất – được dự đoán là sẽ giảm hơn 33 triệu ca từ 2015 đến 2060 so với từ 2010 đến 2015 – do dự sụt giảm tỷ lệ sinh ở Ấn Độ, cái nôi của 94% dân số Ấn Độ giáo toàn cầu năm 2015.
Số người chết được dự báo sẽ gia tăng đối với tất cả các nhóm tôn giáo từ năm 2015 đến 2060, khi dân số thế giới tiếp tục phát triển và tiếp tục bị già đi.14
Tỷ lệ sinh và tử theo cấp độ khu vực và quốc gia.
Đối với các nhóm tôn giáo ở hầu hết các quốc gia, tỷ lệ gia tăng tự nhiên hiện tại đều ở mức dương (sinh cao hơn tử) hoặc có rất ít sự thay đổi số lượng do mức sinh hay mức tử. Nhưng các quốc gia Châu Âu đang phải trải qua giai đoạn sụt giảm tự nhiên (mức tử cao hơn mức sinh) đối với dân số của một vài nhóm tôn giáo nhất định, đặc biệt là Kitô giáo.
Trên khắp Đông Âu và một vài phần của Tây Âu, mức tử vượt hơn mức sinh ở người Kitô giáo trong giai đoạn từ 2010 đến 2015 tại 24 trên 42 quốc gia. Mức tử cũng vượt mức sinh ít nhất 10,000 người đối với dân số của nhóm không tôn giáo ở Áo, Ukraine và Nga. Nhưng nhóm không tôn giáo ở hầu hết các quốc gia Châu Âu khác đã cho thấy sự gia tăng tự nhiên đạt mức dương (ở 19 quốc gia) hoặc ít có sự thay đổi (ở 20 quốc gia) trong giai đoạn từ 2010 đến 2015. Điều này phản ánh rằng độ tuổi của nhóm không tôn giáo ở Châu Âu tương đối trẻ so với nhóm dân số Kitô giáo.
Đối với Hồi giáo, không có quốc gia Châu Âu nào có số người chết vượt quá số sinh. Ở hầu hết các khu vực, số lượng trẻ sinh từ người mẹ Hồi giáo đều vượt số lượng người chết trong giai đoạn từ năm 2010 đến 2015 (ở 21 quốc gia). Tại Đức, Vương Quốc Anh, Ý, Nga và Pháp, số lượng trẻ được sinh ra cao hơn ít nhất 250,000 người so với số chết đi trong cùng khoảng thời gian trên. Bên cạnh đó, sự di cư cũng góp phần vào sự gia tăng dân số Hồi giáo ở Châu Âu.
Đối với những nhóm dân số sống ngoài khu vực Châu Âu, dù là Kitô giáo, Hồi giáo hay không tôn giáo, không có bất cứ nhóm nào có mức tử cao hơn mức sinh trong giai đoạn từ 2010 đến 2015. Tương tự, các nhóm tôn giáo khác cũng cho thấy sự gia tăng tự nhiên ở mức dương hoặc ít có sự thay đổi, tuy có vài ngoại lệ như: Phật giáo ở Nhật Bản, Ấn Độ giáo ở Nam Phi và các tín ngưỡng dân gian ở Nam Triều Tiên và Tanzania có số người chết cao hơn mức sinh trong khoảng thời gian từ 2010 đến 2015.
Xu hướng tỷ lệ sinh và tử của các nhóm tôn giáo có những khác biệt quan trọng tùy theo khu vực. Điển hình như với Kitô giáo, khu vực cận Sahara Châu Phi đã cho thấy mức gia tăng tự nhiên lớn nhất từ 2010 đến 2015 – với mức sinh hơn 64 triệu người so với mức tử – tiếp đến là sự gia tăng ở mức thấp hơn đối với Kitô giáo ở các khu vực Mỹ latinh, vùng Caribbean, Châu Á –Thái Bình Dương và Bắc Mỹ.
Tuy nhiên, ở Châu Âu, số người chết của Kitô giáo đã vượt quá tỷ lệ sinh – sự sụt giảm này được dự báo là sẽ tiếp tục tăng đến 2060. Còn ở Bắc Mỹ, số người chết của Kitô giáo sẽ bắt đầu vượt số được sinh ra vào khoảng năm 2050.
Những xu hướng này cho thấy rằng sự phát triển trong tương lai của Kitô giáo sẽ chủ yếu là ở Nam bán cầu, đặc biệt ở khu vực cận Sahara Châu Phi – khu vực duy nhất có mức tăng tự nhiên dân số Kitô giáo được dự đoán sẽ còn phát triển mạnh hơn nữa trong những thập niên tới. (Điều này không chỉ có nghĩa là sẽ tiếp tục có nhiều ca sinh Kitô giáo hơn so với mức tử ở cận Sahara Châu Phi, nhưng con số ca sinh vượt hơn số ca tử sẽ còn lớn hơn rất nhiều trong các giai đoạn 5-năm tới đây.) Ở các khu vực Châu Mỹ Latinh và Châu Á – Thái Bình Dương, số ca sinh Kitô giáo vẫn sẽ vượt số ca tử cho đến năm 2060, nhưng mức gia tăng tự nhiên ở các khu vực này trong giai đoạn từ 2055 đến 2060 sẽ thấp hơn nhiều so với hiện tại vì sự sụt giảm tỷ lệ sinh ở những khu vực này.
Dân số Hồi giáo toàn cầu cũng được dự báo sẽ có những chuyển đổi quan trọng về mặt địa lí hướng đến khu vực cận Sahara Châu Phi. Hiện tại, số người Hồi giáo sống ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đông hơn bất cứ khu vực nào khác, và hệ quả là khu vực này có mức tăng tự nhiên dân số Hồi giáo cao nhất từ 2010 đến 2015.
Nhưng người Hồi giáo khu vực cận Sahara Châu Phi cũng cho thấy mức sinh cao hơn rất nhiều so với mức tử trong cùng giai đoạn, và mức gia tăng tự nhiên dân số Hồi giáo ở cận Sahara Châu Phi được dự báo sẽ còn tăng mạnh hơn nữa trong các giai đoạn 5-năm tới nhờ tỷ lệ sinh cao. Đến khoảng 2040, mức gia tăng tự nhiên của dân số Hồi giáo ở cận Sahara Châu Phi được dự báo sẽ vượt mức tăng tự nhiên ở Châu Á của nhóm tôn giáo này.
Hồi giáo ở Châu Á và khu vực Trung Đông – Bắc Phi sẽ trải qua giai đoạn dân số phát triển chậm trong những thập niên tới vì mức sinh của Hồi giáo ở những khu vực này giảm. Dân số Hồi giáo ở những khu vực này vẫn có tỷ lệ sinh cao hơn tử tính đến năm 2060 nhưng sẽ phát triển với mức độ chậm hơn.
Hồi giáo ở Châu Âu và Bắc Mỹ cũng được dự báo sẽ có mức sinh cao hơn mức tử cho tính đến 2060.
Hiện tại, nhóm không tôn giáo có mức sinh cao hơn mức tử ở tất cả các khu vực, dẫn đầu là khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, mái nhà của đa số người không tôn giáo trên toàn cầu.
Nhưng điều này sẽ thay đổi trong những năm tới. theo đó, những người không tôn giáo ở Châu Á sẽ có mức tử vượt quá mức sinh vào năm 2030, một sự thay đổi bởi tác động của tỷ lệ sinh thấp và độ tuổi dân số tương đối già ở Trung Quốc. Đến năm 2035, người không tôn giáo ở Châu Âu cũng được dự báo sẽ có mức tử cao hơn mức sinh.
- Các giai đoạn 5-năm được nhắc đến tỏng báo cáo này thể hiện khoảng thời gian kéo dài từ giữa năm này đến giữa năm khác – ví dụ, từ 1 tháng 7 năm 2030 đến 30 tháng 7 năm 2035 – là đơn vị chuẩn được sử dụng trong nhân chủng học bởi các tổ chức quốc tế bao gồm cả tổ chức Phân Chia Dân Số Liên Hợp Quốc.
- Để hiểu thêm về các mô hình chuyển đổi tôn giáo, xin xem thêm bài nghiên cứu nhân khẩu học của McClendon, David và Conrad Hackett tháng 11 năm 2014 với chủ đề “Khi người ta chuyển đổi tôn giáo ở Ai-len và Áo: căn cứ từ các cuộc tổng điều tra dân số.”
- Khi các dự báo này được mở rộng đến năm 2060, số người Hồi giáo được dự báo sẽ ngang bằng với Kitô giáo vào năm 2070. Bắt đầu từ 2075, người Hồi giáo được dự đoán sẽ vượt Kitô giáo, cho dù cả hai nhóm này đều tiếp tục gia tăng tỷ lệ trong dân số toàn cầu, phần lớn là do sự tập trung dân số của hai nhóm này ở các quốc gia có tỷ lệ sinh cao. Vào năm 2100, Hồi giáo được dự đoán sẽ chiếm 34,9% dân số toàn cầu và Kitô giáo chiếm 33,8%.
- Do Thái giáo chỉ chiếm một phần nhỏ trong dân số toàn cầu, tuy nhiên, dự báo về sự thay đổi của nhóm này không thực sự rõ ràng vì phần trăm của nhóm này quá nhỏ và được làm tròn thành số thập phân. Người Do Thái giáo chiếm 0,2% dân số toàn cầu năm 2015 và được dự báo sẽ chiếm 0.17% vào năm 2060. Cả hai số liệu này đều được đưa về số thập phân ở các biểu đồ trong báo cáo này.
- Các dự báo ở đây dựa trên các ước tính về số người tự nận mình là Do Thái giáo khi được hỏi về tôn giáo của mình trong cuộc tổng điều tra dân số quốc gia và các khảo sát qui mô lớn. không bao gồm các nhóm Do Thái “văn hóa” và “thiểu số” – những người có tổ tiên là người Do Thái và tự nhận thức rằng bản thân là một phần của Do Thái nhưng vô thần, theo thuyết bất khả tri hoặc không theo nhóm tôn giáo cụ thể nào. Vì mục đích dự báo theo nhóm tôn giáo của bài báo cáo, những người này được liệt kê vào nhóm không tôn giáo. Các ước tính toàn cầu về người Do Thái có thể có số liệu lớn hơn nếu bao gồm luôn cả nhóm này, hoặc nhỏ hơn tùy thuộc vào định nghĩa của các báo cáo đối với người Do Thái (ví dụ như chỉ tính dòng dõi Do Thái gốc Matrilineal).
- Mặc dù có một số nhóm tín ngưỡng thuộc danh mục “ các tôn giáo khác” có hàng triệu tín đồ trên khắp thế giới nhưng các cuộc tổng điều tra dân số và khảo sát ở các quốc gia đã không tính toán đến cách cụ thể. Vì sự khan hiếm về dữ liệu thông tin từ các cuộc tổng điều tra và khảo sát, Trung tâm nghiên cứu Pew không đưa ra các dự báo về quy mô của các nhóm tôn giáo trong dành mục này. Các ước tính về quy mô toàn cầu của các tín ngưỡng này đến từ các nguồn khác, hoặc có thể đến từ chính các nhóm tín ngưỡng đó. Cho đến thời điểm hiện tại, nhóm lớn nhất trong các nhóm này là Sikhs giáo với khoảng 25 triệu tín đồ vào năm 2015, theo cơ sở dữ liệu của tổ chức World Religion Database.
- Ở nhiều quốc gia, những cuộc tổng điều tra dân số và khảo sát nhân khẩu học không liệt kê những người vô thần hay người theo thuyết bất khả tri theo từng nhóm dân số riêng biệt. Vì vậy, việc ước tính quy mô toàn cầu của những nhóm này là bất khả thi trong phạm vi rộng lớn của nhóm người không tôn giáo.
- Dự báo về những sự thay đổi trong bức tranh tôn giáo đối với người trưởng thành được bàn đến trong bài nghiên cứu của Skirbekk, Vegard, Michaela Pontančoková, Conrad Hackett và Marcin Stonawski tháng 11 năm 2016. “Mối liên hệ với tôn giáo của các nhóm có độ tuổi cao hơn trên toàn thế giới: Ước tính năm 2010 và dự báo đến 2050.” Trên tạp chí khoa học tâm thần học và khoa học xã hội Series B.
- Chuẩn đo lường mức sinh trong báo cáo này là tổng tỷ suất sinh. Ở các quốc gia có tỷ lệ tử vong trẻ em và trẻ sơ sinh thấp, tổng tỷ suất sinh là gần 2,1 trẻ trên một phụ nữ là cần thiết cho mỗi thế hệ để có thể thực hiện chức năng sinh đẻ và duy trì nòi giống. Mức sinh thay thế cần phải cao hơn ở những quốc gia có tỷ lệ trẻ tử vong cao.
- 70 quốc gia này là mái nhà của 43% dân số thế giới năm 2010, bao gồm cả những quốc gia mà việc chuyển đổi tôn giáo giữa các nhóm tôn giáo và không tôn giáo là điều phổ biến, ví dụ như Hoa Kỳ, Pháp, Úc và New Zealand. Những quốc gia đông dân nhất mà việc chuyển đổi tôn giáo không phổ biến là Trung Quốc và Ấn Độ. Trước bài nghiên cứu này, phân tích sâu rộng nhất về việc chuyển đổi tôn giáo bao gồm 40 quốc gia. Xem thêm bài viết trên tạp chí Nghiên cứu Khoa học về Tôn giáo (Scientific Study of Religion) của Baro, Robert J., Jason Hwang và Racel McCleary năm 2010 với tựa “Chuyển đổi Tôn giáo trên 40 Quốc gia.” Thật khó để có thể dự đoán chính thức về việc chuyển đổi tôn giáo ở Trung Quốc mà không có thông tin đnág tin cậy về các mô hình chuyển đổi tôn giáo gần đây ở quốc gia này. Ví dụ, tỷ lệ người chuyển đổi từ các nhóm tôn giáo khác sang Kitô giáo và mô hình duy trì dân số Kitô giáo ở Trung quốc là không có thông tin. Cũng vậy, tỷ lệ gia tăng tín đồ của các nhóm tôn giáo như Hồi giáo, Phật giáo và các tín ngưỡng khác ở Trung Quốc là không rõ ràng. Nếu số lượng người có tôn giáo ở Trung Quốc gia tăng nhờ chuyển đổi tôn giáo trong những thập niên tới, cán cân sẽ nghiêng về phía dân số có tôn giáo trên toàn cầu, đặc biệt là khi Trung Quốc là mái nhà của phần lớn dân số không tôn giáo trên thế giới. Khi những dự báo này được thực hiện, không có bất cứ cuộc khảo sát cấp độ quốc gia nào của Ấn Độ có thể cung cấp nguồn dữ liệu đáng tin cậy về tôn giáo thời thơ ấu của người tham gia khảo sát cũng như tôn giáo hiện tại của họ. (nền tảng của việc tính toán tỷ lệ chuyển đổi tôn giáo). Tuy nhiên, một cuộc khảo sát trên toàn thế giới năm 1990 trên toàn Ấn Độ đã phát hiện ra rằng hầu như tất cả những người theo Ấn Độ giáo vẫn duy trì tôn giáo này.
- Các nghiên cứu về chuyển đổi tôn giáo cho thấy rằng hiện tượng này thường tập trung ở những năm tháng trưởng thành của người trẻ, thường là ở độ tuổi từ 15 đến 29. Sự thay đổi tôn giáo có thể xảy ra khi những người trẻ trưởng thành rời khỏi bố mẹ và chung sống với một người nào đó khác tôn giáo. Trong khi chỉ có một vài trường hợp chuyển đổi tôn giáo xảy ra ở các độ tuổi khác, việc chuyển đổi như vậy được xem như một dấu mốc cuộc đời đối với người trưởng thành trẻ tuổi. Sẽ có những khoảng thời gian mọi độ tuổi đều có xu hướng chuyển đổi tôn giáo của mình, như trường hợp thể chế chính trị của một quốc gia thúc đẩy hoặc ngăn cản tự do tôn giáo hoặc thiếu tự do tôn giáo. Các mô hình dự báo của chúng tôi không cố gắng tính đến những tác động ngắn hạn như vậy.
- Để có những phân tích sâu hơn về những hành trình khác nhau của các nhóm có tôn giáo và nhóm không tôn giáo, xin tham khảo thêm ở bài nghiên cứu nhân khẩu học của Hackett, Conrad, Marcin Stonawski, Michaela Potančoková, Brian J. Grim và Vegard Skirbekk năm 2015 với tựa đề “Quy mô tương lai của nhóm có tôn giáo và nhóm không tôn giáo”.
- Mặc dù các dự báo ở đây tính đến năm 2060, báo cáo đầu tiên về các dự báo toàn cầu của trung tâm nghiên cứu Pew đối với các nhóm tôn giáo chính chỉ giới hạn đến năm 2050. Các câu hỏi khảo sát được bàn đến trong khung ở bên được phát triển chỉ ngay trước khi báo cáo thứ nhất được công bố, đó là lí do vì sao báo cáo thứ nhất này chỉ đưa ra các dự báo về quy mô các nhóm tôn giáo đến năm 2050 (thay vì là 2060).
- Những dự báo ở đây không tính đến các tiến bộ y tế và khoa học kỹ thuật có thể giúp làm tăng tuổi thọ trong tương lai.
Huỳnh Phi chuyển ngữ