SỰ THẬT TRONG BÁC ÁI
“Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá người này trước đi” (Gioan 8:7)
Đâu đó ta nghe có câu: “Không nói thì thôi, nhưng đã nói thì phải nói sự thật. Tuy nhiên, không phải mọi sự thật đều được nói ra.” Vấn đề ở chỗ sự thật là gì và sự thật nào? Và liệu chúng ta có sở hữu chân lý, sở hữu sự thật không?
Ở đây chúng ta không bàn luận đến những khái niệm, những vấn đề chuyên môn về sự thật của siêu hình, của tri thức luận…etc, nhưng chúng ta có thể khẳng định chắc chắn với nhau về một sự thật hiển nhiên: Ai trong chúng ta cũng có tội. Ai trong chúng ta cũng là tội nhận. Vì thế, nhiều khi chúng ta đi khuyên răn, đi ngăn cản người khác phạm tội thì lại bị:
“Chân mình thì lấm mê mê,
cứ cầm bó đuốc mà rê chân người.”
Ý muốn ám chỉ rằng bản thân mình đầy rẫy những thói hư, tật xấu mà không nhận thấy, lại còn đi soi mói, bới móc người khác. Tuy nhiên, ở đây chúng ta phải hết sức cẩn thận kẻo rơi vào thói nguỵ biện. Việc ta phạm tội, có nhiều tội, không có nghĩa là chúng ta không được, không nên giúp người khác bớt phạm tội, bớt lầm đường lạc lối. Phạm tội và đi khuyên người khác đừng phạm tội là hai phạm trù khác nhau. Vấn đề ở chỗ phạm tội dẫn đến sự chết, và khuyên không phạm tội nhất thiết phải là hành vi đưa đến sự sống. Còn nếu, khuyên mà như “đổ dầu vào lửa,” thì phải xem xét lại. Hơn nữa, chúng ta cần tỉnh táo phân biệt giữa TỘI hoặc hành vì của tội và người phạm tội. Cực lực lên án tội và hành vi của tội, nhưng cần khoan dung với người phạm tội. Thế nên, cần lắm một thái độ đúng đắn: SỰ THẬT TRONG BÁC ÁI.
Chuỵện kể lại rằng [mời đọc Tin Mừng Gioan 8: 1 – 11] vào một buổi sáng đẹp trời nọ, khi Đức Giêsu đang ngồi giảng dạy đạo lý ở khuôn viên đền thờ. Thình lình, những người lãnh đạo tôn giáo thời đó dẫn đến trước mặt Chúa Giêsu một người phụ nữ bị bắt QUẢ TANG đang ngoại tình, và những người lãnh đạo tôn giáo này, cùng với “quần chúng nhân dân” đã đặt Chúa Giêsu vào thế tiến thoái lưỡng nan: “Thầy xử người phụ nữ này thế nào?”
Tha bổng ư! Chúa Giêsu vi phạm luật Moses.
Ném đá ư! Trái với lời rao giảng về lòng nhân từ mà Chúa Giêsu rao giảng.
Tiến thoái lưỡng nan. Tha bổng hoặc ném đá? Quyết định nào cũng dẫn đến nguy nan cho Chúa Giêsu.
Lòng người thật nham hiểm! Vụ án đòi ném đá người con gái tội nghiệp của loài người chỉ là cái cớ để đòi giết chết người con trai duy nhất của Thiên Chúa? Vì lẽ, chúng ta không thấy Tin Mừng nói ai là đồng phạm trong hành vi ngoại tình với người phụ nữ. Phải chăng, trong thâm tâm gian ác của lòng người, sẽ tung hoả mù, sẽ cáo gian, sẽ phao tin đồn nhảm, và ép Giêsu cùng bị ném đá? Khi đó, vô tình hay cố ý, Giêsu và người thiếu phụ cùng chết! Giêsu có thể trở thành tòng phạm, trở thành người thế thân? Có thể lắm!
Chúa Giêsu biết rất rõ ý định nham hiểm như rắn độc của những người này. Như trời cao hơn đất thế nào, thì tư tưởng của Chúa Giêsu cao hơn tư tưởng của con người thế ấy. Phàm nhân làm sao thắng được Trời! Vì thương, nên Trời đã không vạch trần, không CÔNG KHAI liệt kê tội trạng của họ. Giêsu đã ngồi thinh lặng, cúi xuống đất, lấy tay viết trên đất.
Như Socrates, triết gia vĩ đại nhất của nhân loại, không để lại bút tích nào. Chúa Giêsu cũng thế! Đây là lần duy nhất trong đời Người viết, nhưng viết để gió cuốn đi.
Chúa Giêsu viết cái gì?
Không biết! Nhưng có lẽ vì biết rằng sức phàm nhân không thể hiểu thấu, và không thể chịu thấu những gì được viết TRỰC TIẾP của Con của Trời nên Người viết để gió thổi bay đi.
Chúa Giêsu cúi xuống và im lặng viết.
Một sự IM LẶNG đang bao trùm không gian và thời gian lúc này:
Im lặng như một hố đen sâu thăm thẳm, mênh mông của cái rốn vũ trụ đang đợi tía sáng của mặt trời đến, xé toang, phân rẽ ra làm đôi.
Im lặng như những mũi tên vut vút lao về hai hướng trái ngược nhau: lòng nhân từ của Con Trời và lòng cuồng căm của đám đông.
Im lặng như những mũi tên đang lao vun vút bắn vào vực sâu thăm thẳm của bạo lực, gian ác nơi cõi lòng của con người, nhưng cũng đang lay động lòng thương xót của Con Trời.
Im lặng vần vũ của lòng người đang muốn ăn tươi nuốt sống một đồng loại, và trái ngược với im lặng của sự cảm thông, hiền hoà.
Im lặng của những tâm hồn hung hăng khát máu, và im lặng trong kiên định để lay động lòng Con Trời.
Im lặng lăm le tìm cách ném đá cho đến chết và im lặng để giành giật lại sự sống.
Im lặng để nghiền nát, và im lặng để băng bó.
Im lặng để cho rơi xuống vực và im lặng để mở ra một khung trời hy vọng.
Im lặng để nghe tiếng lương tâm vẫy gọi: “làm lành lánh dữ,” chứ không phải của luật chết chóc.
Im lặng để réo vang sự hoán cái, tuyên bố ơn tha tội, chứ không phải im lặng của đóng đinh quá khứ.
Im lặng của sự giải thoát, chứ không phải của trói buộc và xiềng xích.
Im lặng để chữa lành, để phục hồi những gì đã hư hao, và tái tạo lại sự sống mới, chứ không phải im lặng của băng giá chết chóc.
Tôi đang im lặng của cái gì?!!!
Đám đông đã xé tan không gian im lặng đang giằng xé bên trong nội tâm, đang giày xéo tâm hồn của họ đến cực độ, nên họ không chịu nổi và phải gào lên: “Thầy đưa ra phán quyết đi chứ?”
Chúa Giêsu mới ngẩng lên: “ai sạch tội, thì cứ lấy đá mà ném trước đi!” “Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi.”
Chỉ với ánh mắt và một LỜI vang ra, Chúa Giêsu đã cứu sống.
Đám đông muốn Chúa Giêsu trở thành quan toà kết án người phụ nữ phạm tội, nhưng giờ Chúa Giêsu quay lại kết án những người tự cho mình là vô tội, những người nguyên đơn (đi kiện).
Đám đồng đang chờ Chúa Giêsu kết án bị cáo là người phụ nữ, nhưng Chúa Giêsu lại trở thành thẩm phán chất vấn các nguyên cáo là đám đông.
Đám đông mang đá để ném vào một người không thể tự bào chữa, nhưng lời của Chúa Giêsu “ném ngược” trở lại có sức công phá hơn những cục đá vật chất.
Đá vật chất ném vào có thể giết chết một con người, nhưng lời vang ra có sức công phá hoặc cứu sống nhiều người. Do vậy, khi lời vang ra, phải là lời yêu thương, có khả năng đem lại sức sống.
Ở đây ta thấy có sự TRÁI NGƯỢC NHAU khi phá vỡ sự IM LẶNG.
Một đàng, đám đông, đại diện cho con người, phá vỡ sự im lặng để đòi giết chết. Đàng khác, Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, phá vỡ sự im lặng để cứu sống.
“Chỉ còn lại một mình Đức Giê-su, và người phụ nữ thì đứng ở giữa. Người ngẩng lên và nói: “Này chị, họ đâu cả rồi ? Không ai lên án chị sao ?”
Người đàn bà đáp: “Thưa ông, không có ai cả.”
Đức Giê-su nói: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!”
Cùng Suy Nghĩ và Hành Động: Ngoại tình là một loại yêu đương nghiệt ngã nhất. Những ai nhẹ dạ cả tin sẽ rơi vào cái bẫy tình nghiệt ngã này đều có cái kết bi ai. Vì lẽ, tình yêu là thứ đẹp nhất, cao quý nhất trên đời, nhưng khi đặt nhầm đối tượng, đặt sai chỗ, thì sự tương phản, sự bị ai càng lớn. Thế nên, người ta vẫn nói: “Tình yêu thế gian thường bắt đầu từ nụ cười, và kết cục là lệ rơi.”
Trong cuộc sống không chỉ có mỗi ngoại tình thân xác, nhưng còn có nhiều loại NGOẠI TÌNH khác nữa.
Ngoại tình với vật chất mà sống bất công với tha nhân.
Ngoại tình với tiền bạc mà quên những người đang sống xung quanh.
Ngoại tình với danh vọng mà chà đạp công lý.
Hoặc có thứ ngoại tình bắt cá hai tay cả đạo lẫn đời, mà sống trái với lương tâm.
Nhiều kẻ không đóng góp gì cho cộng đoàn, nhưng luôn cầm trên tay hòn đá ích kỷ, chia rẽ, ném vào những ai nhiệt tình.
Họ sống không hơn ai, vì không ai là hoàn hảo cả, nhưng suốt ngày đào bới quá khứ của tha nhân để giết chết.
Tôi đang rơi vào “ngoại tình” với thứ gì? Tôi noi gương Chúa Giêsu thay vì kết án, thì cứu sống không? Tôi có quyết tâm: “hãy về đi, và đừng phạm tội nữa” không?
(Số 262: Thức Ăn Nhanh Cho Tâm Hồn (The Fast Food for The Soul) by Fr. Quảng Trần, C.Ss.R., thứ hai, ngày 7 tháng 4 năm 2025)