Đặc sứ của ĐTC Phanxicô tại Hoa Kỳ nhấn mạnh rằng người Công giáo phải trở nên “linh hồn của đất nước này” trong một cuộc hội thảo diễn ra vào tuần vừa qua.
“Chúng ta là những người Công giáo – là các Kitô hữu, và chúng ta chiếm đa số tại đất nước này – chúng ta phải trở nên linh hồn của đất nước này”, Đức TGM Christophe Pierre – Sứ Thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ – nhấn mạnh trong một cuộc hội thảo tại Đại học Georgetown, Washington, D.C. hôm thứ Hai vừa qua.
“Đây là những điều mà ĐTC Phanxicô đã nhấn mạnh”, Đức TGM Pierre tiếp tục, đồng thời Ngài cũng cho biết thêm rằng “Giáo Hội chính là linh hồn của thế giới”.
Sứ Thần Tòa Thánh đã phát biểu tại một cuộc hội thảo hôm thứ Hai vừa qua về tầm ảnh hưởng của ĐTC Phanxicô trong suốt 4 năm vừa qua trong Triều đại Giáo Hoàng của Ngài. John Carr – Giám đốc Sáng kiến về Tư tưởng Xã hội Công giáo và Đời sống Cộng đồng tại Đại học Georgetown – đã chủ tọa cuộc thảo luận và bắt đầu bằng một cuộc đối thoại riêng tư với Sứ Thần Tòa Thánh.
Ngoài ra, còn có sự tham gia của bà Kim Daniels – thành viên của Ban Thư ký Truyền thông của Vatican và là người sáng lập tổ chức Catholic Voices USA; ông Ken Hackett – cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Toà Thánh từ 2013-2017; và bà Maria Teresa Gaston – giám đốc điều hành Chương trình Lãnh đạo Kitô hữu tại trường Duke Divinity.
Cuộc thảo luận bao gồm cả những ưu tiên đối với Giáo Hội của ĐTC Phanxicô trước những vấn đề hiện tại, cũng như cuộc bầu cử tổng thống ồn ào năm 2016 kết thúc vào tháng Mười Một vừa qua.
“Tôi nghĩ những vấn đề liên quan đến việc ủng hộ bảo vệ sống chính là những vấn đề trọng tâm đối với nền chính trị của chúng ta, và họ nên quan tâm đến những người không có tiếng nói cũng như những người dễ bị tổn thương, và đặc biệt là những đứa trẻ chưa được sinh ra”, bà Kim Daniels bình luận về cuộc bầu cử tổng thống gần đây, trong đó bà cho biết nó đã phơi bày một “cuộc khủng hoảng về tinh thần liên đới” trong nước.
“Tôi thiết nghĩ người Công Giáo nói chung đang tìm kiếm sự liên đới”, bà Kim Daniels cho biết. “Và tôi nghĩ rằng đó là một quan niệm sai lầm về tinh thần liên đới khi nói rằng ‘chính chúng ta đang chống lại chúng’”, bà Kim Daniels cho biết thêm. “Tôi nghĩ rằng quan niệm của người Công giáo về tinh thần liên đới là một điều được hàm chưa nơi tất cả mọi người”.
Khi được hỏi về những ưu tiên của ĐTC Phanxicô, Đức TGM Pierre cho biết “trước hết đó chính là Phúc Âm” và “việc loan báo Tin Mừng”.
Kế đến, “nếu chúng ta muốn được kết hợp mật thiết với việc loan báo Tin Mừng” – Đức TGM Pierre cho biết thêm – “chúng ta cần phải ưu tiên những người nghèo, chúng ta cần phải tôn trọng sự sống nơi tất cả mọi chiều kích của nó”.
Đức TGM Pierre đã trích dẫn bài diễn văn của ĐTC Phanxicô với các Giám mục Hoa Kỳ trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ vào năm 2015 của Ngài, trong đó ĐTC Phanxicô nhấn mạnh:
“Những nạn nhân vô tội của nạn phá thai, những trẻ em chết đói hoặc thiệt mạng vì bom đạn, những người nhập cư bị chết đuối trong hành trình nhằm tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn, những người cao tuổi hoặc những người đau yếu bệnh tật bị xem là những gánh nặng, các nạn nhân của khủng bố, chiến tranh, bạo lực và buôn lậu ma túy, môi trường bị tàn phá bởi mối tương quan của con người với thiên nhiên nhằm mục đích khai thác tận diệt – tất cả đều đang bị đe dọa và đó vốn là những món quà của Thiên Chúa, trong đó chúng ta chính là những người quản gia cao quý chứ không phải là những ông chủ. Do đó, quả là hết sức sai lầm khi chúng ta tìm cách thờ ơ để rồi thoái thác trách nhiệm hay tiếp tục giữ im lặng”.
Và để thực sự tôn trọng cuộc sống – như “Giáo Huấn Xã hội của Giáo hội” đã dạy rằng “con người phải là trung tâm” của xã hội – gia đình phải được đưa vào bất kỳ cuộc thảo luận nào về con người, Đức TGM Pierre cho biết thêm.
“Khi chúng ta nói về con người, chúng ta không thể né tránh việc đề cập đến các gia đình. Sẽ không có nhân loại nếu không có gia đình. Nếu chúng ta chia tách các gia đình, chúng ta sẽ hủy diệt cả nhân loại”, Đức TGM Pierre cho biết khi trả lời một câu hỏi được đưa ra bởi chủ tọa John Carr về việc chia tách các gia đình di dân thông qua việc trục xuất.
Tuy nhiên, việc loan báo Tin Mừng đích thực phải bắt đầu bằng việc lãnh nhận lãnh Bí Tích Giao Hòa, Đức TGM Pierre khẳng định.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh rằng “các tín hữu cần phải cảm nghiệm được tình trạng thống khổ của mình” và “qua sự mỏng dòn, qua những yếu đuối tội lỗi của họ để họ có thể được Phúc âm hóa”, Đức TGM Pierre cũng cho biết thêm rằng “Phúc âm hóa chính là sự tha thứ”.
Đây là một phần của sự thúc đẩy đằng sau tuyên bố thành lập Năm Thánh Lòng Thương Xót của ĐTC Phanxicô từ tháng 12/2015 đến tháng 11/2016, Đức Tổng Giám mục Pierre tiếp tục.
Đã có một sự cảnh báo về “cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đối với Bí Tích Hòa Giải” trong những thập niên gần đây, tuy nhiên “bất ngờ thay, có vẻ như rất nhiều tín hữu đang dần tái khám phá Bí tích này”, và điều này là “hoàn toàn cần thiết “cho việc trở thành những môn đệ Chúa Kitô.
Một trong những thách đố đối với công cuộc Phúc âm hoá chính là “sự phân cực” trên thế giới, bà Daniel ghi nhận, và các tín hữu Công giáo phải tìm cách củng cố sự hiệp nhất thực sự với nhau để có thể thực hiện công cuộc rao giảng Phúc Âm giữa thời đại ngày nay.
“Bước đầu tiên chúng ta cần phải nhận ra đó là chúng ta không thể gieo rắc sự chia rẽ”, bà Daniel cho biết. Các tín hữu Công giáo nên “chú trọng vào những điều mà chúng ta rao giảng, và đó chính là việc phục vụ những người không có tiếng nói cũng như những người dễ bị tổn thương, nó chống lại thứ văn hóa thải loại, tôn trọng các giá trị của gia đình cũng như những điều tốt đẹp mà nó mang lại trong xã hội”.
“Và đó là khi chúng ta bắt đầu nhìn vào những điều mà chúng ta chia sẻ, đồng thời nhìn vào những điều làm nên căn tính Công Giáo của chúng ta – đó là: các Bí tích, đời sống Giáo xứ, cũng như đời sống của chúng ta trong cộng đồng – để rồi chúng ta có thể kín múc từ những nguồn lực đó hầu xây dựng sự hiệp nhất”, bà Daniel chia sẻ.
Đức Tổng Giám mục Pierre gợi ý rằng một mẫu gương cho việc loan báo Tin Mừng đó chính là Cha Phanxicô Jacques Hamel – một linh mục người Pháp bị những tên khủng bố ISIS sát hại vào tháng 7 năm ngoái khi ngài đang cử hành Thánh lễ ban sáng tại giáo xứ Normandy.
“Điều đó đã khiến cho tôi bị đánh động, bởi vì ngài là một linh mục, và hơn nữa ngài cũng là một linh mục mà tôi quen biết”, Đức TGM Pierre, đến từ Pháp, chia sẻ.
“Ngài chính là một nạn nhân của thời đại, nhưng đồng thời ngài cũng là một anh hùng tử đạo”, Đức TGM Pierre tiếp tục. “Tôi đến từ Mexico, tôi đã chứng kiến Giáo Hội của các anh hùng tử đạo qua những năm tháng bách hại này. Chính điều này đã hình thành nên Giáo Hội”. Đức Tổng Giám Mục Pierre đã từng là Sứ Thần Tòa Thánh tại Mexicô trước khi chuyển đến Hoa Kỳ vào năm 2016.
Tháng 10/2016, ĐTC Phanxicô đã phê chuẩn việc mở án phong Chân Phước đối với Cha Hamel do Giáo phận Rouen tại Pháp đệ trình.
Cha Hamel “đã hiến dâng mạng sống của mình” trong một hoàn cảnh rất đỗi bình thường – trong khi cử Thánh Lễ thường nhật giữa một cộng đoàn nhỏ, Đức TGM Pierre nói. Ngài đã trung thành với tiếng mời gọi của mình.
“Tôi nhận thấy linh mục Hamel quả thực là một dấu chỉ của Thiên Chúa đối với thời đại chúng ta ngày hôm nay”, Đức TGM Pierre nói. “Và sự hi sinh của ngài thực sự có tầm ảnh hưởng lớn đến toàn xã hội”.
Minh Tuệ (theo CNA)