Nhân dịp kỷ niệm 3 năm cuộc chiến tranh toàn diện ở Ukraine, Sứ thần Tòa Thánh tại Ukraine, Đức Tổng Giám mục Visvaldas Kulbokas, than phiền rằng nhiều người đã trở nên vô cảm trước thảm kịch đang diễn ra và đồng thời nhấn mạnh rằng chỉ có Chúa Kitô mới có thể mang lại hy vọng trong sự tuyệt vọng.

Sứ thần Tòa Thánh Visvaldas Kulbokas chủ sự Thánh lễ Đêm Vọng Phục sinh ở Zaporizhzhia, ngày 31 tháng 3 năm 2024 – Ảnh: rkc.zp.ua (@rkc.zp.ua)
“Chỉ có Thiên Chúa Toàn Năng mới có thể mang lại hy vọng trong sự tuyệt vọng…”
Sứ thần Tòa Thánh tại Ukraine, Đức Tổng Giám mục Visvaldas Kulbokas, đã đưa ra nhận xét này với Truyền thông Vatican vào ngày 24 tháng 2 năm 2025, kỷ niệm 3 năm Chiến tranh ở Ukraine, kể từ cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào năm 2022.
Sứ thần Tòa Thánh bắt đầu bài phát biểu của mình bằng cách nhấn mạnh rằng, đặc biệt trong Năm Thánh này, cầu nguyện là một “món quà quý giá” mà người dân Ukraine trân trọng và theo đuổi.
Phó thác và cầu nguyện
Suy ngẫm về “chiến tranh thực sự là gì”, Đức Tổng Giám mục Kulbokas đã nhắc lại khoảnh khắc khi một thường dân, một phụ nữ 60 tuổi, không liên quan gì đến các hoạt động quân sự, bị giam cầm ở Nga trong gần 3 năm. Ngài nhớ lại bà đã nói: ‘Tôi không còn hiểu được những gì tôi đã làm và những gì tôi đã không làm, những gì là thực tế và những gì là tưởng tượng hay ảo tưởng. Tôi không còn nhớ những gì tôi đã tuyên bố, nói hoặc ký’.
“Đây là tình trạng của hàng ngàn người, và cho đến nay, cá nhân tôi chưa thấy có một kênh hiệu quả nào có thể giúp đỡ họ”, Đức Tổng Giám mục Kulbokas than phiền.
Giữa thực tế khắc nghiệt này, Đức Tổng Giám mục Kulbokas một lần nữa trấn an rằng ngài trao phó “tình hình của hàng ngàn tù nhân này – những người không còn hy vọng – cho lời cầu nguyện của mọi người”.
“Bởi vì chỉ có Thiên Chúa Toàn Năng”, ngài tiếp tục, “mới có thể mang lại hy vọng trong sự tuyệt vọng, như Đức Thánh Cha cũng đã nhấn mạnh trong Sắc chỉ công bố Năm Thánh”, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của lời cầu nguyện, “vì thực sự có những tình huống mà theo quan điểm của con người, không có lối thoát”.
Những sự kiện quan trọng
Vào cuối năm thứ ba của cuộc chiến tranh toàn diện này, Sứ thần Tòa Thánh đã nhấn mạnh những sự kiện quan trọng, bắt đầu với việc giải thoát hai Linh mục Công giáo Hy Lạp, Cha Ivan Levytskyi và Cha Bohdan Heleta, vào ngày 28 tháng 6 năm ngoái.
Có thể ôm chầm lấy 2 Linh mục Dòng Chúa Cứu Thế đã bị giam cầm trong hơn một năm rưỡi giữa những khó khăn to lớn, Đức Tổng Giám mục Kulbokas nói, quả là một niềm vui lớn. “Hơn nữa, thật phấn khởi khi chứng kiến đức tin của họ, điều đã giúp họ – mặc dù phải chịu nhiều khó khăn trong thời gian bị giam cầm – tiếp tục dâng sự hy sinh của mình trong sự hiệp nhất với Hiến tế của Chúa Giêsu”.
Một khoảnh khắc khác rất quan trọng và vui mừng, Đức Tổng Giám mục Kulbokas nhắc lại, là chuyến viếng thăm của Quốc Vụ Khanh Vatican, Đức Hồng y Pietro Parolin, đến Ukraine vào tháng 7 năm ngoái. Ngài nói rằng cầu nguyện là trọng tâm của chuyến viếng thăm đó. “Cảm nhận sự hiện diện của Tòa Thánh, Quốc Vụ Khanh Vatican và chính Đức Thánh Cha—thông qua Quốc Vụ Khanh —là điều vô cùng có ý nghĩa, thậm chí là về mặt thể lý, tại Ukraine”.
Một khoảnh khắc đặc biệt vui mừng khác, ngài nhắc lại, đã xảy ra cách đây chỉ vài tuần trước, vào ngày 1 tháng 2, khi một nhóm khoảng 200 tín hữu Công giáo trẻ Ukraine đã có một cuộc gặp gỡ trực tuyến qua liên kết video với Đức Thánh Cha. “Vì Năm Thánh dành riêng về Hy vọng, dành cho những người trẻ tuổi này”, Sứ thần Tòa Thánh tuyên bố, “đó cũng là một dấu hiệu hy vọng mạnh mẽ”.
Ukraine hiệp ý cầu nguyện cho Đức Thánh Cha Phanxicô
Sứ thần Tòa Thánh đã thừa nhận những khó khăn về sức khỏe của Đức Thánh Cha trong những ngày này, đồng thời nói thêm rằng như người ta không ngờ, ngay cả khi đất nước đang xảy ra chiến tranh, vấn đề này vẫn là tiêu đề hàng đầu. “Trong những ngày này, tôi đã nhận được nhiều thông điệp liên đới không chỉ từ những người Công giáo hay Giám mục mà còn từ các nhà lãnh đạo của các Giáo hội khác và từ Văn phòng Tổng thống Ukraine, bày tỏ sự quan tâm chân thành đến sức khỏe của Đức Thánh Cha.
“Điều này thậm chí còn đáng ngạc nhiên đối với tôi”, Đức Tổng Giám mục Kulbokas suy ngẫm, “bởi vì chiến tranh rõ ràng đã chiếm hết tâm trí và không gian của mọi người. Tuy nhiên”, ngài lưu ý, “thật cảm động khi thấy vấn đề sức khỏe của Đức Thánh Cha cũng chạm đến trái tim của các viên chức nhà nước và giáo sĩ của nhiều giáo phái khác nhau”. Sứ thần Tòa Thánh chỉ ra rằng điều này làm nổi bật sự khác biệt giữa bối cảnh thông tin ở Ukraine và các quốc gia khác.
Công chúng hời hợt
Đức Tổng Giám mục Kulbokas nhận xét rằng đối với nhiều cơ quan truyền thông quốc tế, đặc biệt là các cơ quan truyền thông thế tục, chiến tranh ít nhất là một phần nào đó đã trở thành chuyện thường ngày.
“Nhưng khi bạn ở đây”, Đức Tổng Giám mục Kulbokas giải thích, “bạn hiểu rằng số thương vong không hề giảm. Số người chết ở tiền tuyến đang tăng lên—nhiều hơn vào năm 2023 so với năm đầu tiên của cuộc chiến, và năm ngoái nhiều hơn năm 2023. Số người dân thường tử vong, như báo cáo của Liên Hợp Quốc xác nhận, cũng đã tăng và tiếp tục tăng”.
Ngay cả khi có mặt ở Kyiv, Sứ thần Tòa Thánh nhận xét, phương tiện truyền thông quốc tế chỉ đưa tin về các cuộc tấn công bằng tên lửa có quy mô nhất, có thể xảy ra một lần một tháng. “Nhưng nếu ai đó hỏi tôi đêm gần đây nhất không có cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ở Kyiv là khi nào, tôi sẽ không nhớ. Và nếu chúng ta nói về Kharkiv hoặc Kherson, những thành phố đó cũng phải hứng chịu hỏa lực pháo binh, khiến các cuộc ném bom thường xuyên và dữ dội hơn nhiều so với ở Kyiv”.
Khoảnh khắc quan trọng cuối cùng mà Đức Tổng Giám mục Kulbokas thừa nhận là cuộc biểu tình vì hòa bình tại Kyiv của Phong trào Hành động Bất bạo động Châu Âu vào tháng 7. Ngài nhắc lại rằng mục đích của phong trào này là huy động các xã hội trước khi chiến tranh nổ ra.
Đức Tổng Giám mục Kulbokas lưu ý rằng họ có kế hoạch lặp lại dự án này một lần nữa trong năm nay, khi ngài hoan nghênh những nỗ lực của họ nhằm tăng cường sự huy động của xã hội dân sự “để vấn đề chiến tranh và hòa bình không chỉ nằm trong tay các chính trị gia”, “mà kêu gọi mọi người nghiêm túc xem xét những gì họ có thể làm trong vai trò cá nhân của mình”.
Một thách thức đối với toàn thể nhân loại
Cuộc chiến này, Đức Tổng Giám mục Kulbokas cho biết trước khi kết thúc bài phát biểu của mình, thách thức toàn thể nhân loại.
Trên nhiều mặt trận, Đức Tổng Giám mục Kulbokas cho biết, cần có hành động để thúc đẩy các chính phủ và các tổ chức quốc tế khôi phục hòa bình, và do đó, ngài kêu gọi, “Tất cả chúng ta phải thăng tiến về phương diện thiêng liêng và làm chứng cho hy vọng…”.
Thiên Ân (theo Vatican News)