Trong một cuộc phỏng vấn đề cập đến nhiều vấn đề với Truyền thông Vatican, Sứ thần Tòa Thánh tại Ukraine, Đức Tổng Giám mục Visvaldas Kulbokas, đã suy ngẫm về 2 năm kể từ khi Nga thực hiện cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine.
Nỗi sợ hãi vẫn tồn tại, nhưng dường như cũng có đức tin để bám víu, cũng như “ân sủng” khi thỉnh thoảng có thể thở được, và sự mệt mỏi của việc luôn phải xắn tay áo lên, trong khi lắng nghe những người “không thể hiểu tại sao một điều như vậy lại có thể xảy ra vào thế kỷ 21″.
Trong một cuộc phỏng vấn đề cập đến nhiều vấn đề, đây là những tâm tình được Sứ thần Tòa Thánh tại Ukraine, Đức Tổng Giám mục Visvaldas Kulbokas, truyền đạt nhân kỷ niệm 2 năm ngày Nga thực hiện cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine.
Trong cuộc phỏng vấn, Sứ thần Tòa Thánh đã thảo luận về sự tương phản sâu sắc giữa 2 năm chiến tranh và những cảm xúc, nhu cầu cũng như nỗi đau của một đất nước đã tồn tại, bất chấp sự tang tóc và tàn phá, bên trong một ‘đường hầm’, nơi mà vào lúc này, ánh sáng hòa bình dường như không thể thấy được.
Thưa Đức Cha, 2 năm sau khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện của Nga, tình hình thực sự ở Ukraine ra sao?
Rõ ràng, tình hình quả thực vô cùng bi đát. Có hàng nghìn tù nhân sống, hay nói đúng hơn là sống sót, thường trong những điều kiện vô nhân đạo, ít nhất là theo lời kể của những người đã trở về nhà. Mỗi buổi sáng, tôi bắt đầu lời cầu nguyện của mình trong sự kết hợp với họ và với những đứa trẻ bị tách khỏi cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp vì tôi biết họ đang sống trong địa ngục, và ngoại trừ những trường hợp ngoại lệ rất hiếm hoi, không có cách nào giúp đỡ họ. Có những người sống ở các khu vực gần tiền tuyến, phần lớn là người già hoặc người nghèo, không dám hoặc không đủ sức lực để đi tìm vận may ở nơi khác. Hơn nữa, họ phụ thuộc hoàn toàn vào viện trợ nhân đạo, bao gồm cả nước và bánh mì. Và có cả một mạng lưới bao gồm các Linh mục, nhân viên từ thiện và tình nguyện viên cam kết tạo ra một mạng lưới hậu cần cho việc vận chuyển, đôi khi kéo dài hàng nghìn km.
Có hàng triệu trẻ em nam nữ từ khắp các khu vực phía đông, Kharkiv, Dnipro, Poltava, Zaporizhia, Kherson, đã không thể đến trường kể từ khi bắt đầu đại dịch Covid, tức là các em hùa hết chỉ có thể học trực tuyến trong suốt 4 năm. Ở một số thành phố, các trường học dưới lòng đất đang được xây dựng để tránh các vụ đánh bom thường xuyên.
Sau đó, có những cộng tác viên địa phương của Sứ thần Tòa Thánh của chúng tôi ở Kyiv, những người mà hàng ngày tôi không bao giờ biết được liệu họ có thể đến làm việc hay không vì trong thời gian có cảnh báo rất thường xuyên về các cuộc không kích, họ vẫn bị chặn hàng giờ ở bất cứ nơi nào họ đến.
Bản thân tôi nhận thấy rằng tôi gặp khó khăn khi trò chuyện trong một khoảng thời gian dài với những người không có cùng trải nghiệm: ấn tượng là chúng ta sống ở những thế giới khác nhau, nơi những ưu tiên hoàn toàn khác nhau. Chưa kể những người chết và bị thương trong chiến tranh, hàng triệu người phải di tản và tị nạn.
Đức Cha có tin tức gì về cuộc sống của người dân ở những khu vực xảy ra xung đột, ở Kyiv và ở các vùng cực tây của đất nước?
Những người sống ở các thành phố gần tiền tuyến, như Kherson, và cả Kharkiv, đã quen với việc đối diện trực tiếp với sự chết chóc. Theo nghĩa này, Kyiv đang ở trong tình thế thuận lợi hơn vì các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái không xảy ra hàng ngày và nó có “đặc quyền” của việc có hệ thống bảo vệ phòng không mạnh mẽ hơn. Việc có được một giây phút nghỉ ngơi, dù cách ngày, cũng là một ân sủng.
Nhưng gần mặt trận hơn, mọi người dành thời gian cần thiết tối thiểu trên đường phố để đến nhà thờ, nhận nhu yếu phẩm và các nhu cầu cấp thiết khác. Cách đây vài ngày, tôi đã hỏi một Linh mục Công giáo ở Kherson: “Ngài thiếu điều gì nhất?”. Vị Linh mục trả lời: “Tôi thiếu việc có ít nhất một vài giờ im lặng để điềm tĩnh dạo bước và ngủ nghỉ”.
Điều gì khiến Đức Cha ấn tượng nhất trong câu chuyện của những người từ mặt trận trở về?
Tôi đã nhiều lần bị ấn tượng bởi những điều một số người lính đã nói với tôi về sự cầu nguyện và đức tin trong những thời khắc khốc liệt nhất ở mặt trận. Ở đây cần xác định rõ ai là người lính: giờ đây ai cũng là lính cả, từ giảng viên đại học đến chuyên gia công nghệ mới, từ nghệ sĩ sân khấu đến doanh nhân. Một số người trong số họ cho thấy rằng họ có một đức tin thậm chí còn truyền cảm hứng cho tôi. Đã hơn một lần tôi nghe một lời chứng như thế này: “Suốt thời gian, dưới làn đạn pháo, trong chiến hào hoặc trong các hoạt động phản công, tôi đã liên tục cầu nguyện và cảm thấy Chúa Giêsu hiện diện bên cạnh mình. Đạn và mìn vẫn rít lên và nổ xung quanh, nhưng tôi vẫn còn sống sót”.
Một thể loại câu chuyện khác gây ấn tượng với tôi là câu chuyện về những cựu tù nhân, với điều kiện là họ vẫn còn khả năng tâm lý để giao tiếp với mọi người. Ở đây tôi sẽ không kể những câu chuyện của họ vì chúng không thể diễn tả được và vì tôi nghĩ tốt hơn là họ nên tự kể khi có thể.
Đức Cha có thấy tia sáng nào về một giải pháp ngoại giao khả thi để chấm dứt cuộc xung đột đang diễn ra không?
Tôi sẽ rất vui nếu tôi sai, nhưng hôm nay cá nhân tôi không thấy có bất kỳ tia sáng nào cả. Nhưng với ân sủng của Thiên Chúa, mọi sự có thể thay đổi ngay lập tức, vì vậy niềm tin tưởng phó thác của chúng ta vào Thiên Chúa nhân từ, khi cầu nguyện, phải trọn vẹn nhất có thể. Trong mọi trường hợp, cần lưu ý rằng những nỗ lực bền bỉ nhất trong lĩnh vực này đều đến từ nhóm các quốc gia và tổ chức quốc tế không hoàn toàn đồng nhất với bất kỳ bên nào.
Các Giáo hội đã và đang đóng vai trò gì trong việc hỗ trợ người dân?
Sự hỗ trợ của các Giáo hội là vô cùng quan trọng từ quan điểm tâm linh. Một cuộc chiến khốc liệt như vậy làm dấy lên sự hoài nghi nơi người dân vì họ không thể hiểu được làm thế nào mà một sự việc như vậy lại có thể bắt đầu ở thế kỷ 21. Về khía cạnh tinh thần, quân đội ở tiền tuyến và các tù nhân chiến tranh nhấn mạnh hơn hết: đối với họ, lời cầu nguyện gần như là tia hy vọng duy nhất mà họ có.
Cần phải lắng nghe người dân khi họ không thể hiểu tại sao các Giáo hội và Tòa Thánh nói riêng lại không đạt được kết quả mong muốn với các sáng kiến tương ứng của mình. Nhiều người tin chắc rằng “chỉ một lời của Đức Thánh Cha” cũng đủ để giải quyết những khó khăn. Khi đối thoại với những người này, chúng tôi cố gắng làm sáng tỏ rằng người ta không bao giờ có thể chắc chắn rằng một số sáng kiến nhân đạo nào đó sẽ mang lại kết quả ngay lập tức.
Một lĩnh vực hoạt động khác của các Giáo hội rõ ràng là viện trợ nhân đạo, và trong lĩnh vực này, cả các tổ chức của Tòa Thánh với Chánh sở từ thiện Giáo hoàng và Thánh Bộ Cổ võ sự Phát triển Con người Toàn diện, cũng như các tổ chức từ thiện quốc tế, các Giáo hội địa phương, cả Công giáo lẫn không Công giáo, đều hoạt động tích cực.
Sau đó là lĩnh vực về trẻ em: Tôi biết nhiều Giáo xứ cung cấp nơi trú ẩn tránh bom cho các trường mẫu giáo. Cuối cùng, có Caritas, các Giáo phận và các các tổ chức khác cung cấp hỗ trợ về y tế và tâm lý cho các gia đình và giới trẻ. Đôi khi tôi tình cờ thấy một số Giám mục đích thân phân phát viện trợ và thực phẩm. Họ làm không phải vì tầm nhìn mà đơn giản vì không có đủ tay cho mọi việc.
Minh Tuệ (theo Vatican News)