Sứ thần Tòa Thánh tại Nam Sudan: ‘Chúng ta cần sát cánh với những người dân đau khổ’

Đức Hồng Y Parolin ở Malakal (Ảnh: Vatican News)

Đức Hồng Y Pietro  Parolin ở Malakal (Ảnh: Vatican News)

Đức Tổng Giám mục Hubertus van Megen, Sứ thần Tòa Thánh tại Kenya và Nam Sudan, đưa ra những suy nghĩ của ngài về chuyến thăm gần đây của Đức Hồng y Quốc Vụ Khanh Pietro Parolin đến đất nước này, và đồng thời cho biết rằng các Kitô hữu cần thể hiện đức tin của chúng ta và sát cánh với những anh chị em đang đau khổ.

Với chuyến thăm Nam Sudan gần đây, Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Pietro Parolin một lần nữa thu hút sự chú ý của thế giới đến thảm họa nhân đạo đang diễn ra ở Nam Sudan.

“Chúng ta cần phải ở đó”, Đức Tổng Giám mục Hubertus van Megen nói, đặc biệt đề cập đến thành phố Malakal ở phía bắc, vốn là tâm điểm trong chuyến viếng thăm của Đức Hồng y Parolin. Trò chuyện qua điện thoại với Vatican News, Sứ thần Tòa Thánh tại Nam Sudan giải thích rằng kể từ khi bạo lực bùng phát ở quốc gia láng giềng Sudan vào đầu năm nay, hàng chục ngàn người tị nạn đã chạy qua biên giới để đến Nam Sudan. Băng qua thị trấn biên giới nhỏ Renk, những người tị nạn tiếp tục đi bằng sà lan sông đến Malakal, một hành trình kéo dài hai đến ba ngày.

 Sứ Thần Tòa Thánh giải thích rằng Đức Hồng Y Parolin muốn đến thăm Malakal chính là để hiện diện với người dân ở đó, nhưng cũng để “một lần nữa thu hút sự chú ý của thế giới đối với thảm họa này, đối với những sự việc đang xảy ra, sự đau khổ của người dân”, và để làm rõ “rằng chúng ta với tư cách là nhân loại và với tư cách là Giáo hội… cần sát cánh với những người này, với những người anh em bé nhỏ nhất của chúng ta”.

Chuyến Tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô

Chuyến viếng thăm Nam Sudan của Đức Hồng Y Parolin diễn ra sau 6 tháng kể từ chuyến Tông du lịch sử do Đức Thánh Cha Phanxicô thực hiện vào tháng Hai.

Đức Tổng Giám mục van Megen cho biết sự thành công của chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô, cùng với Đức Tổng Giám mục Canterbury và Người điều hành Giáo hội Scotland, đã là một thành tựu lớn của chính phủ và Giáo hội. “Nó đã giúp Giáo hội, cũng như nhà nước, tổ chức các cơ cấu của mình và sắp xếp mọi thứ lại với nhau theo quan điểm hết sức thực tế”.

 Tuy nhiên, chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô cũng hướng tới một viễn cảnh dài hạn hơn, nuôi dưỡng hy vọng rằng nó “có thể là khởi đầu của một cam kết mới” trong tiến trình hòa bình. “Thực ra, những gì tôi thấy đang xảy ra, cũng như trong các cuộc tiếp xúc của tôi với chính phủ, là mọi người vẫn đang thực sự nói về điều đó”, Sứ thần Tòa Thánh nói. Đức Tổng Giám mục van Megen cũng cho biết thêm rằng dường như có “một nỗ lực nghiêm túc hơn… để đi đến một hình thức đối thoại và hòa bình nào đó”.

Đức Tổng Giám mục van Megen bày tỏ hy vọng rằng các yếu tố tích cực khác nhau có thể giúp ích cho đất nước để các nhà lãnh đạo có thể “thực sự phục vụ người dân của mình, những người đã phải chịu đựng quá đủ”.

Thể hiện đức tin của chúng ta

 Chuyến viếng thăm trong tuần này của Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh đặc biệt làm nổi bật nỗi đau khổ của người dân Malakal, vốn đã phải chịu đựng các cuộc xung đột bộ lạc trong suốt những thập kỷ qua.

“Vì vậy, Đức Hồng Y Parolin đến đây, trước hết, cũng là một dấu chỉ của hy vọng và sự khích lệ đối với những người sống ở đó”, hoặc trong chính thành phố hoặc trong trại “Bảo vệ thường dân” (PoC) do Liên Hợp Quốc điều hành được thành lập gần thành phố.

Đức Tổng Giám mục van Megen lưu ý rằng, bên cạnh các cuộc xung đột sắc tộc đang diễn ra, khu vực này cũng đã bị lũ lụt tàn phá nghiêm trọng, vẫn còn bao phủ các vùng nông thôn rộng lớn. Một cuộc khủng hoảng nhân đạo thứ ba liên quan đến dòng người tị nạn, đặc biệt là những người chạy trốn khỏi “cuộc chiến khủng khiếp” ở Sudan.

Sứ thần Tòa Thánh đã nhấn mạnh sự cần thiết phải thể hiện đức tin của chúng ta để đáp lại sự đau khổ của người dân Nam Sudan. “Cầu nguyện là điều tốt, nói về Chúa Giêsu là điều tuyệt vời”, Đức Tổng Giám mục van Megen nói. “Nhưng đến một lúc nào đó, đức tin của anh chị em cần được khuyến khích, cần được thể hiện, cần trở nên thực tế. Và nó trở nên thực tế trong việc giúp đỡ những người này và ở bên họ. Và đó là điều mà Đức Hồng Y Parolin đã làm”.

Đức Tổng Giám mục van Megen cũng cho biết thêm rằng việc tập trung sự chú ý vào các cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Nam Sudan “đã hoàn thành mục đích chuyến viếng thăm của Đức Hồng Y Parolin, cụ thể là tiếng kêu cứu của những người này và sự đau khổ của họ đã chạm đến toàn thế giới, và mọi người bắt đầu tìm đến hầu bao của họ và nói: ‘Tôi muốn giúp đỡ để sự đau khổ của con người này cuối cùng có thể chấm dứt'”.

Thiên Ân (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết