Trong một cuộc phỏng vấn với Vatican News tại Amman, Đức Tổng Giám mục Giovanni Pietro Dal Toso, Sứ thần Tòa Thánh tại Jordan, đã suy ngẫm về lịch sử phong phú của các Kitô hữu tại Jordan, vốn tiếp tục làm giàu thêm cho cộng đồng Kitô giáo tại Trung Đông.
“Trung Đông sẽ không còn là Trung Đông nếu không có các Kitô hữu. Chúng ta nên nhớ đến sự đóng góp to lớn của các Kitô hữu cho xã hội ở Jordan, một sự đóng góp vẫn đang tiếp diễn”.
Trong một cuộc phỏng vấn với Vatican News tại Amman, Sứ thần Tòa Thánh tại Jordan, Đức Tổng Giám mục Giovanni Pietro Dal Toso, đã đưa ra nhận xét này khi ngài suy ngẫm về sự hiện diện lâu đời và mang tính lịch sử của Kitô giáo tại Jordan.
“Chúng tôi không chỉ có những địa điểm trong Kinh Thánh nơi sự hiện diện của Chúa Kitô đã được xác nhận”, Đức Tổng Giám mục Dal Toso giải thích. “Chúng tôi cũng có những địa điểm nơi chúng tôi có thể nhận thấy sự hiện diện của những cộng đồng Kitô giáo đầu tiên”.
Cuộc trò chuyện diễn ra sau khi Đức Tổng Giám mục Dal Toso có phàn trình bày tại triển lãm “Jordan: Bình minh của Kitô giáo” hôm thứ Tư vừa qua.
Kính thưa Đức Tổng Giám mục, xin ngài có thể giải thích cho các tín hữu về tầm quan trọng của triển lãm ‘Jordan: Bình minh của Kitô giáo’ sẽ ra mắt tại Vatican vào cuối tháng này?
Tôi cho rằng tiêu đề của triển lãm đã tự nói lên ý nghĩa của từ ‘bình minh’: bình minh của Kitô giáo mà chúng ta đang có ở Jordan. Chúng ta không chỉ có những địa điểm trong Kinh Thánh nơi sự hiện diện của Chúa Kitô được xác nhận; chúng ta còn có những địa điểm nơi chúng ta có thể nhận thấy sự hiện diện của những cộng đồng Kitô giáo đầu tiên. Vì vậy, ở đây tại Jordan, có một sự liên tục trong suốt những thế kỷ này, một sự liên tục về sự hiện diện của các cộng đồng Kitô giáo ở đây tại đất nước này.
Triển lãm muốn nhấn mạnh chính xác sự hiện diện này. Điều này rất quan trọng, đặc biệt là đối với phần phía Tây của thế giới, để biết rằng Jordan lưu giữ kho báu này và để biết rõ hơn rằng sự hiện diện của Kitô giáo ở Jordan luôn ở đó, và các cộng đồng Kitô giáo thuộc về Trung Đông, thuộc về nền văn hóa Ả Rập giống như các tôn giáo khác. Do đó, tôi hy vọng triển lãm này cũng sẽ giúp phương Tây hiểu rõ hơn về bản chất và lịch sử của Trung Đông.
Với tư cách là Sứ thần Tòa Thánh tại Jordan, ngài có thể nói gì về tình hình của các cộng đồng Kitô giáo tại đây vào thời điểm này, ngay cả ở cấp độ cảm xúc, khi chiến tranh chắc chắn không xảy ra ở Jordan, một quốc gia ổn định và hòa bình, nhưng lại ở gần đó?
Tất nhiên, chúng tôi phải chịu một số hậu quả do chiến tranh, và đặc biệt là vì phần đông dân số ở đây có nguồn gốc Palestine. Nhiều người trong số họ có họ hàng ở bên kia sông Jordan. Và tất nhiên, họ cảm nhận được thảm kịch của chiến tranh. Mỗi cuộc chiến tranh đều là một thảm kịch, nhưng sự gần gũi cho phép chúng ta trải nghiệm tất cả những điều này theo một cách bi thảm hơn.
Hy vọng của chúng tôi là hòa bình sẽ đến sớm nhất có thể. Và tôi phải nói lời của Đức Thánh Cha: Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, tầm quan trọng của việc tìm kiếm đối thoại để đạt được hòa bình, để đạt được tương lai hòa bình cho toàn bộ khu vực.
Những lời này của Đức Thánh Cha được đánh giá cao nhất và chắc chắn sẽ có tác động ở đây tại Trung Đông và đặc biệt là tại Vương quốc này. Tất nhiên, chúng tôi hy vọng rằng những lời của ngài sẽ được nhiều người lắng nghe để chúng ta có thể sớm đạt được hòa bình.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra vô số lời kêu gọi hòa bình và cũng nói về hòa bình trong bức thư gửi Đức Hồng y Parolin, trong chuyến viếng thăm sắp tới của ngài để cung hiến nhà thờ tại địa điểm Rửa tội. Đức Thánh Cha luôn cầu nguyện cho hòa bình cũng như bày tỏ sự gần gũi với những người đau khổ trong khu vực. Lễ cung hiến nhà thờ sắp tới tại địa điểm Rửa tội thể hiện thực tế lớn hơn nhiều về sự gần gũi của Giáo hội với các Kitô hữu ở Trung Đông và hy vọng của họ rằng họ có thể ở lại Trung Đông như thế nào?
Tôi muốn nói rằng chuyến viếng thăm của Đức Hồng y [Quốc Vụ Khanh Pietro] Parolin, lễ cung hiến nhà thờ mới này, việc ngài ở đây với tư cách là Đặc sứ của Đức Thánh Cha, tất nhiên, nhấn mạnh tầm quan trọng của địa điểm này, vì đây là địa điểm rửa tội; điều này có thể nhắc nhở mỗi người chúng ta về phép rửa tội của mình. Nhưng đồng thời, tôi nghĩ rằng chuyến viếng thăm này cũng rất quan trọng như một dấu chỉ của sự gần gũi với Giáo hội địa phương, với những người Kitô hữu ở đây tại Trung Đông, và họ không hề đơn độc.
Họ không đơn độc. Chúng tôi thực sự quan tâm; Tòa Thánh thực sự quan tâm đến các cộng đồng Kitô giáo, vì Trung Đông sẽ không phải là Trung Đông nếu không có Kitô giáo. Chúng ta nên nhớ đến sự đóng góp to lớn của Kitô giáo cho các xã hội ở đây tại Jordan, một sự đóng góp vẫn tiếp tục.
Nếu chúng ta nghĩ, ví dụ, về số lượng người ngoài Kitô giáo đến trường học Kitô giáo, đặc biệt là trường học Công giáo, thì đây quả là một đóng góp cho xã hội, điều vẫn tiếp tục. Đây là lý do tại sao điều quan trọng là chúng ta phải nhận thức được vai trò của mình ở đây tại Trung Đông và chúng ta phải nhận thức rằng Giáo hội hoàn vũ đang hỗ trợ vai trò của chúng ta ở đây tại Trung Đông.
Rõ ràng là các Kitô hữu có thể học được nhiều điều tại triển lãm, nhưng đối với những ai muốn tận mắt chứng kiến Kitô giáo tại Jordan, liệu đây có phải là thời điểm để những người hành hương nghĩ đến việc đến thăm Jordan hay đây là điều gì đó, đặc biệt là trong Năm Thánh Hy Vọng, mà họ nên lưu ý?
Jordan là một đất nước rất hiếu khách, và tôi chắc chắn rằng Jordan là nơi đáng đến thăm vào đúng Năm Thánh này, vì việc viếng thăm các địa điểm linh thiêng có thể mang lại sự đổi mới cho đức tin của chúng ta, và đây cũng là mục đích của Năm Thánh.
Năm Thánh mời gọi người Kitô hữu đổi mới đức tin của mình, và tất nhiên, một trong những cách thức tốt nhất để đổi mới đức tin của chúng ta là tiếp xúc trực tiếp với những nơi mà qua đó đức tin này ra đời.
Minh Tuệ (theo Vatican News)