
Đức Thánh Cha Phanxicô chào đón các thành viên của một nhóm sắc tộc rừng nhiệt đới Amazon trong Thánh lễ tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô ở Vatican nhân dịp khai mạc Thượng Hội đồng về khu vực Amazon vào ngày 6 tháng 10 năm 2019. Thông điệp ‘Laudato Si’ của Đức Thánh Cha Phanxicô tập trung vào sự cấp thiết phải bảo vệ người nghèo và môi trường tự nhiên của họ (Ảnh: Tiziana Fabi/AFP/UCAN)
Tháng 10 hàng năm, các tín hữu Công giáo trên khắp thế giới cùng nhau cử hành ‘Chúa nhật Truyền giáo’, một ngày cầu nguyện, hy sinh, các cuộc hội nghị và gây quỹ cho ‘các điểm truyền giáo’ – tức là cho các cộng đồng Kitô hữu nghèo hơn ở Châu Á và Châu Phi.
Tuy nhiên, đúng là ngày nay thực hành này đã giảm đi một cách đáng kể.
Vì khi thế giới đang thay đổi thì Giáo hội cũng thay đổi, mặc dù người ta thường cảm thấy rằng Giáo hội đang sống trong một thời kỳ của những sự lệch lạc do chính mình tạo ra.
Khi nhìn lại quá khứ, chúng ta cảm thấy bối rối khi thấy hầu hết các hoạt động truyền giáo lấy Châu Âu làm trung tâm, khi các hoạt động truyền giáo mang tính thực dân như thế nào, và La Mã cứng nhắc như thế nào trong thần học, phụng vụ và việc quản lý Giáo hội. Các ‘điểm truyền giáo’ có nghĩa là những thuộc địa xa xôi của Rôma, chứ không phải những nơi khác.
Không có gì ngạc nhiên khi một số quốc gia – đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ – đã tấn công các cộng đồng Kitô giáo địa phương, coi họ là tiền đồn của chủ nghĩa đế quốc ngoại bang và bắt bớ họ.
Việc những cáo buộc này phần lớn được thổi phồng lên không làm giảm bớt sự gay gắt hoặc mức độ nghiêm trọng của chúng.
Công đồng Vatican II (1962-1965) là một bước ngoặt trong tư duy truyền giáo. Tài liệu có ảnh hưởng sâu sắc của Công đồng, Hiến Chế Lumen Gentium (Về Giáo Hội) trình bày toàn thể Dân Chúa – không chỉ một số nhà truyền giáo – như được sai đi vào thế giới như “ánh sáng và sự cứu rỗi cho các dân tộc”.
Tài liệu của Công đồng về hoạt động truyền giáo (Ad Gentes) lặp lại chủ đề này bằng cách xác định hoạt động của Giáo hội trong bối cảnh lịch sử và địa lý cụ thể.
Tương tự như vậy, tuyên ngôn về các tôn giáo ngoài Kitô giáo (Nostra Aetate) chủ yếu hướng đến Do Thái giáo, đã sớm được mở rộng để bao gồm cả các tôn giáo trên thế giới.
Trước đây Giáo hội chưa bao giờ tôn trọng và đánh giá cao những niềm tin và thực hành “ngoài Kitô giáo”!
Sự tôn trọng dẫn đến đối thoại
Sự đánh giá cao này đối với các tôn giáo khác trên thực tế có nghĩa là giảm bớt sự nhấn mạnh vào việc cải đạo và thay vào đó khuyến khích việc thúc đẩy đối thoại. “Đối thoại là một cách thức mới để trở thành Giáo hội”, Đức Phaolô VI nói, khi ngài trình bày chi tiết về 4 phong cách đối thoại – sống, lao tác, học tập và cầu nguyện.
Việc thực hành đối thoại mang tính tương hỗ. Khi đối xử với “người khác”, hầu hết chúng ta đều tuân theo những khuôn mẫu – thường là tiêu cực và gây tổn thương. Cần rất nhiều sự kiên nhẫn và khiêm tốn để thay đổi.
Đức Phaolô VI, người đã nỗ lực rất nhiều nhằm khuyến khích việc đối thoại – hãy nhớ cuộc gặp gỡ của ngài với Đức Thượng Phụ Athenagoras tại Giêrusalem vào năm 1963, lần đầu tiên một vị Giáo hoàng hiện đại đi ra khỏi Châu Âu và chuyến viếng thăm đầu tiên của ngài tới một quốc gia “ngoài Kitô giáo”, Ấn Độ, để tham dự Đại hội Thánh Thể ở Bombay (năm 1964) – cũng đã cho chúng ta một trong những giáo huấn tuyệt vời nhất về việc loan báo Tin Mừng trong Tông Huấn Evangelii Nuntiandi năm 1967 của ngài.
Truyền giáo, Đức Phaolô VI nói, là căn tính sâu xa nhất của Giáo hội. Giáo Hội tồn tại để “truyền giáo”, nghĩa là loan báo “tin mừng về Chúa Giêsu”, trở thành kênh dẫn ân sủng của Người và hòa giải tội nhân với Thiên Chúa.
Việc loan báo Tin Mừng này đạt được bằng sự Hiện diện, Chứng tá, Loan báo và “Phát triển Con người Toàn diện”.
Phát triển Con người Toàn diện
Ngày nay, con đường cuối cùng này bao hàm sự hội nhập văn hóa, thúc đẩy nhân quyền, bảo vệ phụ nữ và trẻ em cũng như các dân tộc bị gạt ra bên lề xã hội trên thế giới.
Đây là một khía cạnh mới của hoạt động truyền giáo – không chỉ xây dựng các cộng đồng đức tin, không chỉ tăng thêm số lượng cho Giáo hội, mà còn cam kết các Giáo hội địa phương tạo ra một xã hội công bằng và bình đẳng.
Châu Mỹ Latinh đã có kinh nghiệm lâu dài với “thần học giải phóng” này, vốn sử dụng Kinh thánh một cách phê phán (khác với sùng đạo) để hiểu xã hội đương đại.
Các Giám mục Châu Mỹ Latinh thông qua các Hội đồng Giám mục khác nhau – Puebla (1979), Medellin (1968), và Aparecida (2007) – đã cam kết thực hiện “lựa chọn ưu tiên người nghèo” và hình thành các “cộng đồng cơ sở” Kitô giáo trong đó người nghèo sẽ sử dụng Kinh Thánh để giải thoát bản thân khỏi “bạo lực của nghèo đói”.
Cuộc đấu tranh cho công lý đã tạo ra một sự khác biệt to lớn đối với nhận thức của Giáo hội về sứ mạng truyền giáo của mình.
Đối thoại với thế giới tục hóa
Còn một cuộc đối thoại khác – không phải với các tôn giáo trên thế giới – đó là cuộc đối thoại với chủ nghĩa thế tục. Điều này đặc biệt đề cập đến Tây Âu và Châu Mỹ nơi Kitô giáo truyền thống đã mất đi giá trị trong xã hội.
Phần lớn là do sự thịnh vượng vật chất, các Kitô hữu đã không chống chọi được với chủ nghĩa bất khả tri và chủ nghĩa khoái lạc và ít có không gian dành cho Thiên Chúa. Một số người đã trải qua “cuộc khủng hoảng đức tin” và kết quả là đã sa ngã và trở nên bị tục hóa.
Chính Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II là người muốn có một trọng tâm mới vào việc “tái đề xuất” Tin Mừng cho những người như thế này, thực tế là một “việc truyền giáo mới”.
Để đạt được mục đích này, Đức Gioan Phaolô II khuyến khích các nhóm có tính chất sáng kiến kết hợp việc tiếp cận xã hội với một đức tin vững chắc, chẳng hạn như Focolare, San Egidio, v.v.
Truyền giáo và việc chăm sóc công trình sáng tạo
Cuối cùng, chúng ta có thể hỏi: đâu là địa điểm truyền giáo ngày nay trong một thế giới bị đe dọa bởi chiến tranh hạt nhân và biến đổi khí hậu?
Thử thách trước đó là hòa bình và công lý; thách thức hiện tại liên quan đến sự sống còn trên trái đất bị đe dọa bởi tình trạng biến đổi khí hậu thảm khốc.
Hội đồng các Giáo hội Thế giới đã diễn đạt một cách hết sức tuyệt vời: “Hòa bình, công lý và sự toàn vẹn của công trình sáng tạo”.
Trong những năm qua, chúng ta đã chứng kiến sự thay đổi của việc truyền giáo – từ các chiến lược nhằm tăng số lượng trong Giáo hội, đến việc nhấn mạnh vào ‘triều đại Nước Thiên Chúa’, dành ưu tiên cho việc đối thoại, cho đến cuộc đấu tranh cho công lý: và ngày nay là việc quản lý công trình sáng tạo.
Thông điệp Laudato Si’ (năm 2015) của Đức Thánh Cha Phanxicô tập trung vào sự cần thiết phải bảo vệ người nghèo và môi trường tự nhiên của họ.
Thượng Hội đồng gần đây về khu vực Amazon đã tóm tắt nhiều mối quan tâm của Đức Thánh Cha Phanxicô.
Kể từ tháng 3 năm 2015, Mạng lưới Giáo hội Pan-Amazon (REPAM) đã điều phối các công việc đa dạng của Giáo hội Công giáo ở khu vực Amazon để bảo vệ cả người dân bản địa của Amazon lẫn các nguồn tài nguyên thiên nhiên của khu vực khỏi bị khai thác bóc lột.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã yêu cầu các cộng đồng bản địa phải được công nhận là những đối tác thay vì là các nhóm thiểu số. Đức Thánh Cha muốn tạo ra một Giáo hội nơi người dân bản địa sẽ cảm thấy tự nhiên thoải mái. Ngài cảm thấy “tất cả những nỗ lực chúng ta thực hiện nhằm giành lại sự sống cho người dân Amazon sẽ luôn là quá ít”.
Trong Tin Mừng Thánh Gioan, Chúa Giêsu nói rằng Người đến để “mang lại sự sống dồi dào” (Ga 10). Giáo hội thực hiện mệnh lệnh này thông qua những nỗ lực đổi mới đối với công cuộc hòa giải, công lý và hòa bình, cũng như chăm sóc toàn bộ công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Điều này thực sự đã trở thành sứ mạng của Giáo Hội ngày nay.
Minh Tuệ (theo UCA News)