“Con lạc đà Formosa” lim dim nhai và nuốt, “ruột gan” nó đang vận hành nhịp nhàng, “chất thải” của nó đều đặn xả ra biển khơi và cả trên đất liền. Nó an tâm và mãn nguyện, ít ra vào thời điểm này, nó vẫn an toàn, nhai và nuốt, tiêu hoá và “xả thải”.
Đức Giêsu từng ví người giầu có khó vào Nước Trời, ngay cả con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn (x.Mt 19, 24).
Giầu có không phải là tội, nhưng làm giầu cách bất chính, bất chấp mọi hậu quả gây hại cho con người, cho môi trường sinh thái, bất chấp cả luật pháp, đạo lý, đức công bằng mới là tội.
Không sám hối về những tội lỗi đã phạm, từ sự kêu gọi thức tỉnh của cộng đồng, qua những cuộc biểu tình ôn hoà vì môi trường của người dân, qua những cuộc toạ kháng bất bạo động vì sự sống bình an của xã hội, vì tương lai của dân tộc, của giống nòi, mà còn làm ngơ (hay mượn tay) đàn áp những người yêu nước thương nòi, bắt bớ giam cầm, tù tội họ, đến việc không bồi thường thoả đáng, cấu kết với những thế lực bao che, tiếp tục những hành vi gây hại để vơ vét cho đầy lòng tham mới là trọng tội.
Những đồng tiền họ kiếm được, họ chia chác trên những nỗi thống khổ và cả cái chết của người dân, của đất nước, đấy mới là tội ác.
Khu công nghiệp Fomosa Vũng Áng ngày càng trở nên giống “con lạc đà” được nhà cầm quyền cộng sản cưng chiều, con lạc đà ấy ăn gì thì ăn, làm gì thì làm, thải gì thì thải, miễn là “tiết ra” được “chất sữa” béo bở cho họ là được. Họ chẳng chọn cá cũng chẳng chọn thép; họ không lo cho dân bốn tỉnh Miền Trung lẫn vùng biển, vốn là cái nôi nuôi sống mọi cư dân ở đấy, mà chỉ chọn “chất sữa”; “chất sữa” ấy có thể tiết ra từ bất kỳ “con quái vật” nào, cũng làm họ ngất ngây và thèm muốn.
Cả một thể chế chính trị vật vã với cơn say cuồng “chất sữa” này, đến độ họ có thể bất chấp công bằng và kỷ cương, luật lệ và đạo đức, lương tâm và liêm sỉ để “vắt” bất cứ cái gì, bất cứ ai, bất cứ hoàn cảnh nào, cho được “chất sữa” ấy. Thi thoảng có ít người chợt nhận ra mình không bằng loài thú, nên xấu hổ và thức tỉnh, nhưng con số chẳng bao nhiêu, lại còn bị coi là dao động tinh thần, chống đối, tiêu cực.
Tưởng rằng sau khi thất bại trong việc tung ra những “đòn ảo” của nhà cầm quyền về những nguyên nhân gây ra thảm hoạ Miền Trung, nhằm bao che và lấp liếm cho “con lạc đà Formosa” , thất bại trong việc làm người dân mờ mắt vì 500 triệu USD tiền bồi thường, thì nhà cầm quyền sẽ rút kinh nghiệm bằng cách kiện, chí ít là đóng cửa vĩnh viễn và trục xuất Formosa ra khỏi Việt Nam, nhưng không, đấy không phải là kế sách của bộ máy chính quyền đã ghiền “chất sữa” của con lạc đà Formosa, hoặc của bất kỳ con “quái vật” nào. Vì thế, mặc cho dân tình khốn khổ, oằn xéo trong khối chất độc trong một tương lai ảm đạm, mặc cho những người tha thiết với tổ quốc, dân tộc, nhà cầm quyền cộng sản công khai bảo vệ và binh vực cho khu công nghiệp Fomosa Vũng Áng trước sự nổi giận của người dân, và hơn thế nữa, còn làm mọi cách để “con lạc đà Formosa” tiến hành hoạt động như kế hoạch đã định. Và, như một “phép lạ” hiển nhiên làm chưng hửng không những người dân trong nước, mà cả dư luận quốc tế, trong đó có cả cố quốc của “con lạc đà Formosa” là Đài Loan, “con lạc đà Formosa” đủng đỉnh “chui qua lỗ kim” những phản kháng của dư luận, với nụ cười ngạo nghễ trên môi.
Vậy “con lạc đà Formosa” ấy đang làm gì?
Nó đang an bình nằm trong “tô giới” của nó, tâm thần thư thái, mắt lim dim nhìn thời cuộc đảo điên bởi “chất sữa” của nó, hơi thở phì phò của nó tạo ra những đám mây khói trên bầu trời Vũng Áng, “ruột gan” nó đang vận hành nhịp nhàng và đương nhiên, “chất thải” của nó đều đặn xả ra biển khơi và cả trên đất liền.
Nó thấy người dân khốn đốn vì biển chết, trệu trạo nhai những hạt cơm nấu từ thứ gạo mục mốc bồi thường, như buộc phải nhai lấy “số phận” hẩm hiu, đắng ngoét trong một tương lai ảm đạm, u ám, chết chóc như những chiếc khăn trắng phủ lên những con thuyền nằm trên bãi, mà mới đây, còn rộn ràng, tấp nập những buổi thuyền về với đầy tôm cá. Những ngư dân chân chất, mộc mạc, từng ăn trên đầu sóng, nói trên đầu gió, nay câm lặng trước những tiếng sóng vỗ về trong sự cam chịu đến nẫu người, cốt chỉ mong được kiếm miếng ăn trên vùng biển tổ quốc. Lòng dạ của những ngư dân ấy trăn trở với chỉ một suy nghĩ, bao giờ biển mới sạch và cá ăn được để ra khơi?. Vì đó là cuộc sống, là ấm no, là hạnh phúc, là tương lai của họ.
Nhưng đó không phải là chuyện của nó, “con lạc đà Formosa” nghĩ như vậy.
Nó an lòng khi thấy các quan chức trong thể chế chính trị “ghiền sữa” ra sức “tung hoả mù” người dân, đàn áp những cuộc phản kháng, bắt bớ những ai hô hào đòi minh bạch, với thoả thuận bồi thường ngang với việc hoàn thuế, nó an tâm. Nhưng điều làm nó ngạc nhiên đến không ngờ, là những quan chức ấy còn vui vẻ tắm mát trong vùng biển chứa đầy “chất thải” của nó, háo hức ăn tôm cá bắt được trong vùng biển hoà tan “chất thải” ấy, không phải một lần, mà đến hai lần, và khuyến dụ mọi người nên làm thế (!).
“Con lạc đà Formosa” cười khùng khục, thanh âm vang chát chúa như tiếng thép mới ra lò trước lời công bố của bộ trưởng tài nguyên môi trường Trần Hồng Hà ngày 22/8/2016 rằng, vùng biển ô nhiễm do các chất độc của công ty gang thép Formosa thải ra đã an toàn, vì nước biển Việt Nam có cơ chế “tự làm sạch”.
Chính “con lạc đà Formosa” cũng sửng sốt, ngây ngất trước những “kết quả khoa học” được các nhà khoa học “đầu ngành” Việt Nam cộng tác với các nhà khoa học “quốc tế” nghiên cứu trong … “văn phòng”, dưới sự chỉ đạo “sáng suốt” của đảng và nhà nước này, vì nó biết hàng ngày nó thải những chất gì ra biển, bao lâu những chất đó mới loãng ra, mất bao nhiêu tiền để làm sạch, bao thời gian mới có cá sống trở lại và an toàn làm thực phẩm.
Thật quả không hối tiếc khi chọn cho mình một môi trường đầu tư, dù là hàng tỷ USD, dù nổi tiếng là quán quân của những giải thưởng “hành tinh đen”, nhưng nó cảm thấy “tự hào” vì đã đóng góp đáng kể trong việc phát kiến ra “điều kỳ diệu” của môi trường biển Việt Nam, “biển tự làm sạch”, không nơi nào có trên thế giới, kể cả cường quốc Nhật Bản cũng mất hơn 50 năm, tiêu tốn nhiều tỷ tiền để làm sạch lớp trầm tích độc hại, chữa trị, nuôi dưỡng, đền bù cho bao nhiêu người không ra người vì nhiễm phải những chất thải độc hại và truyền lại cho những thế hệ sau, bao người đã chết tức tưởi vì thảm hoạ Minamata.
Ngay sau ngày ông bộ trường tài nguyên môi trường cùng các quan chức “vì nước quên thân” tắm biển, ăn hải sản lần hai, 22/8/2016, thì Cục an toàn thực phẩm, qua phân tích những mẫu cá do dân đánh bắt ở biển về đã công bố kết quả các chất độc như cyanua và phenol vẫn cao, chưa đạt chuẩn an toàn, vẫn nguy hại cho sức khoẻ. Ngày 24/8/2016, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, với sắc mặt “lạnh tanh” và giọng nói “cứng” như thép, đã tuyên bố “xanh dờn” về việc không thể vì lợi ích kinh tế trước mắt mà hy sinh môi trường và cuộc sống bình yên của người dân, và còn “doạ” đóng cửa những công ty, xí nghiệp nào còn gây ra ô nhiễm.
Thế nhưng cho đến bây giờ, vẫn chưa có một công ty, xí nghiệp nào bị điều tra, bị đóng cửa, dù trong bản báo cáo của ông bộ trưởng Trần Hồng Hà cùng ngày, làm rúng động toàn cõi Việt Nam rằng, “trên toàn quốc hiện có 283 khu công nghiệp với hơn 550.000m3 nước thải/ ngày đêm; 615 cụm công nghiệp trong đó chỉ khoảng hơn 5% có hệ thống xử lý nước thải tập trung; các cụm công nghiệp còn lại, hoặc các cơ sở sản xuất tự xử lý nước thải hoặc xả trực tiếp ra môi trường. Cùng với đó là hơn 500.000 cơ sở sản xuất trong đó có nhiều loại hình sản xuất ô nhiễm môi trường, công nghệ sản xuất lạc hậu” (theo báo Nghệ an số ra ngày 24/8/2016).
“Con lạc đà Formosa” đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi biết Bộ Công thương, dưới sự chỉ đạo của đảng cộng sản và chính phủ, bước đầu chấp thuận, cho tập đoàn Tôn Hoa Sen đầu tư khu liên hợp luyện cán thép tại Cà Ná, tỉnh Ninh Thuận với số vốn đầu tư hơn 10 tỷ USD với công suất khoảng 16 triệu tấn thép mỗi năm.
Vậy là nó sẽ có “đồng nghiệp” để chia sẻ việc xả “chất thải”, nhà cầm quyền cộng sản được thêm “chất sữa”, còn người dân thì vẫn phải chịu thảm hoạ, vì dù thảm hoạ có chất chồng thảm hoạ, cũng vẫn là thảm hoạ thôi, với lại dân Việt Nam quen sống với thảm hoạ, nên thảm hoạ, lâu ngày, sẽ không còn là “thảm hoạ” nữa.
“Con lạc đà Formosa” vì thế lim dim nhai và nuốt, “ruột gan” nó đang vận hành nhịp nhàng, “chất thải” của nó đều đặn xả ra biển khơi và cả trên đất liền. Nó ngẫm nghĩ việc đảng cộng sản và chính quyền Việt Nam đang nỗ lực khôi phục lòng tin của người dân đến “phát rồ”, như bộ trường Hà đã có phát ngôn cực sốc: “Chúng ta sẽ có cả cá lẫn thép”, còn thủ tướng Phúc cũng không kém: “Phải làm sao để cá bơi được trong nước thải”.
“Con lạc đà Formosa” suýt chết sặc… Ngay cả nó còn biết đó là chuyện hoang đường, huống chi người dân. Nhưng nó chả dại nhúng tay vào, vì đó là chuyện nội bộ Việt Nam. Nó chẳng cần biết ai tắm, ai ăn, ai nói, ai chịu hậu quả. Ngu dại thì chết, nó chẳng thương xót. Đây là lãnh vực kinh tế, không phải đạo đức, vì “truyền thống” của nó nổi tiếng là kinh tế phi đạo đức. Nó chỉ biết lợi nhuận, việc bảo kê, chống lưng an toàn khi nó cứ đều đặn tiết “chất sữa” là được.
Nó chẳng quan tâm việc người dân bốn tỉnh Miền Trung sống quanh nó luôn thao thức: Bao giờ cá mới an toàn, mới ăn được. Nó mỉm cười… “đểu” nghĩ rằng, cứ ăn, ai cấm, ăn để sớm chầu ông bà ông vải, có thêm hay bớt một người hay một triệu, mười triệu người, thậm chí cả dân tộc Việt Nam cũng không ảnh hưởng đến sản lượng của nó.
Nó tin tưởng vào “chất sữa” của nó, và những “kẻ nghiện ngập” chất sữa ấy sẽ tự động binh vực, che chở và chăm bẵm nó. Nó vẫn ngang nhiên tồn tại và liên tục phát triển vì biết nhà cầm quyền không bao giờ dám bạch hoá, dám công tâm, dám lãnh trách nhiệm, dám chống lại nó.
Sự tồn tại của nó thách thức sự phản biện của công luận, thách thức những ai chống đối nó, đòi đưa nó ra toà, đòi trục xuất nó.
Nó bất cần những hệ luỵ về “chất thải” của nó gây ra cho môi trường, gây ra những xáo trộn cho đời sống dân Việt với những nguy cơ bịnh tật và bần cùng hoá.
“Con lạc đà Formosa” lim dim nhai và nuốt, “ruột gan” nó đang vận hành nhịp nhàng, “chất thải” của nó đều đặn xả ra biển khơi và cả trên đất liền. Nó an tâm và mãn nguyện, ít ra vào thời điểm này, nó vẫn an toàn, nhai và nuốt, tiêu hoá và “xả thải”.
Jos. Ngô Văn Kha