Cách đây gần một tuần, trong một cuộc phỏng vấn, Đức Hồng Y Gerhard Müller, Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, đã đưa ra những ý kiến có thể gây tranh luận cả về Tông huấn Amoris Laetitia lẫn về vấn đề phụ nữ làm phó tế. Những gì xảy ra mấy ngày qua, sau khi bài trả lời phỏng vấn đó được đăng tải, đã khiến cho một số người cảm thấy được củng cố trong một cách nhìn quan trọng về Đức Giáo Hoàng Phanxicô: có vẻ mạng lưới các cố vấn không chính thức của ngài có vai trò quan trọng hơn các sơ đồ tổ chức.
Nếu một cái cây lớn ngã đổ trong rừng và không có ai ở đó để nghe thấy tiếng động khi cái cây ấy đổ ầm xuống, thì hỏi cái cây ấy có gây ra tiếng ồn không? Tương tự như vậy, người ta có thể hỏi nếu người đứng đầu một tòa nhà to lớn ở Vatican gây ra một sự khuấy động mà không ai phản ứng gì, thì liệu vị ấy có thực sự là một người “nặng ký” ở Vatican không?
Câu hỏi được đặt ra dưới ánh sáng của một cuộc phỏng vấn thú vị được tiến hành vào ngày 12 tháng 5 với Đức Hồng Y người Đức Gerhard Müller, Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, do Raymond Arroyo của EWTN thực hiện và được đăng tải vào thứ Năm tuần trước.
Có nhiều điểm thú vị trong cuộc đối thoại, nhưng có lẽ những tin tức có giá trị tức thời là những nhận xét của Đức Hồng Y Müller về Amoris Laetitia và về vấn đềnữ phó tế. Amoris Laetitia là một tông huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô về gia đình, liên quan đến văn kiện này, đã và đang có rất nhiều tranh luận về vấn đề cho những người ly dị rồi tái hôn dân sự Rước Lễ. Còn về việc phụ nữ làm phó tế, chính Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã quyết định thành lập một ủy ban để suy nghĩ về ý tưởng này.
Về Amoris Letitia, Đức Hồng Y Müller đã bày tỏ sự thất vọng về việc một số hội đồng giám mục và một số giám mục đã đưa ra các diễn giải mâu thuẫn nhau về các điều khoản liên quan đến vấn đề cho những người đã ly dị và tái hôn Rước Lễ.
“Thật không tốt khi các hội đồng giám mục đang đưa ra những lời giải thích chính thức về Đức Giáo Hoàng,” Đức Hồng Y Müller nói. “Đó không phải là Công Giáo. Chúng ta có văn kiện này của Đức Giáo Hoàng và nó phải được đọc trong bối cảnh của truyền thống Công Giáo toàn vẹn.”
Đức Hồng Y Müller nói: “Chúng ta không có hai huấn quyền, một của Đức Giáo Hoàng và một của các giám mục khác”. “Tôi nghĩ rằng đó là một sự hiểu lầm, một sự hiểu lầm xấu gây thiệt hại, có thể gây thiệt hại cho Giáo Hội Công Giáo.”
Nói chung, điểm nhấn trong lời bình luận của Đức Hồng Y Müller là gợi ý rằng khi được đọc trong ánh sáng của truyền thống, Amoris Laetitia thực sự không cho phép mở cánh cửa bí tích cho các tín hữu ly hôn và tái hôn dân sự.
Về vấn đề phụ nữ làm phó tế, Đức Hồng Y Müller đã không “đề nghị” bất cứ điều gì – ngài vẫn “kiên định” như có thể về phương diện con người.
“Không. Không thể nào. Điều đó sẽ không xảy ra” – ngài nói.
“Đức Giáo Hoàng Phanxicô bác bỏ khả năng có các nữ phó tế, nhưng ngài nói rằng chúng ta có thể nghiên cứu các tài liệu cũ vì đã có một chút cảm hứng, để thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong Giáo Hội ngày nay” – Hồng Y Müller nói.
“Những người bên ngoài Giáo Hội không hiểu nhiệm vụ của Giáo Hội. Họ nghĩ rằng Giáo Hội là một tổ chức như những tổ chức khác, và cách chung, chúng ta phải thúc đẩy, trong một ý nghĩa trừu tượng, sự giải phóng phụ nữ, nhưng điều này không liên quan gì đến chuyện nữ phó tế”, Đức Hồng Y Müller nói. “Mọi người trong và ngoài Giáo Hội đều phải ý thức rằng Giáo Hội không phải là một tổ chức chính trị hay một tổ chức do con người tạo ra, mà là Thân Thể của Chúa Kitô.”
Và đây là vấn đề: cuộc phỏng vấn này đã được lưu hành hơn bốn ngày, mà hầu như không có ai phản ứng gì về nó. Không ồn ào. Không gây sóng gió. Không có tiếng ầm ầm đụng độ của các giải thích và phân tích mâu thuẫn nhau. Đối với tất cả các bên khác nhau vốn theo đuổi những mục tiêu khác nhau, cứ như thể cuộc phỏng vấn kia đã không hề xảy ra.
Một số người cho rằng sở dĩ có sự thiếu ứng đáp đó, thì có thể là vì Đức Hồng Y Müller đã làm rõ lập trường của ngài ở nhiều nơi rồi. Một số người khác cho rằng đó đơn giản có thể là bởi vì mọi người đã mệt mỏi với những cuộc xung đột dường như không bao giờ kết thúc liên quan đến Amoris Laetitia.
Tuy nhiên, sư im lặng kia cũng có thể là một minh hoạ cho thấy có rất nhiều sự việc đã thay đổi trong thời đại của Đức Thánh Cha Phanxicô.
Đã có một thời, trái đất rung rinh mỗi khi vị Tổng Trưởng của Bộ Giáo Lý Đức Tin lên tiếng tuyên bố. Trong lịch sử, cơ quan này từng được gọi là la suprema, một bộ phận “tối thượng” của Vatican, vì nó có lời cuối cùng về các vấn đề có liên quan đến giáo lý – và vì có rất ít điều Giáo hội Công giáo thực hiện mà không liên quan đến giáo lý dưới hình thức nào đó, nên đó là một nhiệm vụ rộng lớn khủng khiếp.
Khi Đức Hồng Y Joseph Ratzinger điều hành Bộ Giáo Lý Đức Tin từ năm 1981 đến năm 2005 trước khi trở thành Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, tất cả mọi phát biểu của ngài đều được coi là mang trọng lượng to lớn. Những sự nghiệp thần học có thể tăng lên hoặc giảm đi dựa trên những gì Đức Ratzinger đề cập, và ý kiến phổ quát là khi ngài nói, thì có trọng lượng toàn bộ của Vatican và Đức Giáo Hoàng ở đằng sau lời nói của ngài.
Đó không phải là trường hợp xảy ra dưới triều đại Đức Phanxicô. Có lẽ Đức Phanxicô không đơn thuần “tách xa” Bộ Giáo lý Đức tin, nhưng chắc chắn ngài không dựa vào đó như là nền tảng quan trọng để đánh giá các hệ lụy đạo lý của các quyết định của ngài.
Khi Đức Phanxicô muốn có một đánh giá thần học về một điều gì đó, có vẻ ngài sẽ dựa nhiều vào các cố vấn không chính thức, như Đức Tổng Giám Mục Argentina Victor Fernandez, hơn là dựa vào Đức Hồng Y Müller; một phần trong chiến lược chung của Đức Giáo Hoàng là ngài muốn làm việc với những người không đồng bộ với chương trình nghị sự của mình, hơn là chính thức thay thế họ.
Kết quả là các nhà quan sát Vatican lâu năm không còn nghĩ rằng khi người đứng đầu Bộ Giáo lý Đức Tin tuyên bố, thì đó là một dấu hiệu của một chính sách của Đức Giáo Hoàng. Thay vào đó, Đức Hồng Y Müller đã trở thành một tiếng nói khác trong cuộc đối thoại, một người được tôn trọng vì vị trí cao cấp và uy tín về thần học, nhưng chắc chắn không phải là một đường nẻo dẫn tới những gì Đức Giáo Hoàng có thể đang nghĩ đến hoặc đang lên kế hoạch.
Dù điều đó là tốt hay xấu tùy theo các quan điểm khác nhau, nhưng trong bất kỳ trường hợp nào, Đức Hồng Y Müller và cuộc phỏng vấn gần đây nhất của ngài đã trở thành một “Phụ lục A” cho một cái nhìn sâu sắc về triều đại giáo hoàng thời Đức Phanxicô: Nhìn vào sơ đồ tổ chức của Vatican thì biết ai theo lý thuyết là người phụ trách của một thứ gì đó, giống như là với đồng tiền xu Euro, bạn có thể mua cho mình một ly cappuccino ở một quán bar của Roma, nhưng chắc chắn việc đó sẽ không cho bạn biết nhiều về người đang thực sự ra quyết định.
Trần Tài (theo Crux)