Hôm Chúa nhật ngày 9 tháng 4, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra Sứ điệp Phục sinh ‘Urbi et Orbi’ truyền thống. Trong Sứ điệp Phục sinh, Đức Thánh Cha nói rằng với Lễ Phục Sinh, Lễ Vượt Qua của Chúa Giêsu, “vận mệnh của thế giới đã thay đổi”. Vào thời điểm bị tổn thương bởi quá nhiều xung đột, “Chúng ta hãy nhanh chóng theo đuổi con đường hòa bình và tình huynh đệ”.
Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha để mang sự mới mẻ của Đấng Phục Sinh đến với người dân Ukraine đang chịu giày vò khốn khổ, bị tàn phá bởi chiến tranh hơn một năm qua, cũng gửi tới người dân Nga, đến Thánh địa một lần nữa đang phải vật lộn với bạo lực, đến những vùng đất đầy hỗn loạn của Myanmar, Tunisia, Haiti, Châu Phi và tất cả những nơi mà các Kitô hữu bị ngăn cản không được tự do tuyên xưng đức tin của mình.
Đức Phanxicô đã đọc Sứ điệp Phục sinh cùng với Đức Hồng y Ernest Simoni người Albania, 94 tuổi, người đã bị lao động khổ sai dưới chế độ cộng sản Enver Hoxha.
Trước khi tiến lên Hành lang Ban phép lành, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự Thánh lễ Phục sinh tại Quảng trường Thánh Phêrô, đông dảo các tín hữu tham dự dưới ánh mặt trời rực rỡ.
Một lời cầu nguyện bằng tiếng Trung Quốc đã được đọc để Giáo hội có thể “mạnh mẽ công bố sự Phục sinh và giữ vững niềm hy vọng thậm chí ngay cả trong sự đau khổ và chết chóc”.
Đây là tâm điểm của Sứ điệp ‘Urbi et Orbi’ của Đức Thánh Cha, “vì nơi Chúa Giêsu, nhân loại đã thực hiện một cuộc vượt qua mang tính quyết định: đi từ sự chết hướng đến sự sống, từ tội lỗi đến ân sủng, từ sự sợ hãi đến sự tin tưởng, từ sự cô đơn phiền muộn đến sự hiệp thông trong Người. Nơi Người, Chúa tể của thời gian và lịch sử, tôi muốn nói với tất cả mọi người, với niềm vui chân thành: Chúc mừng Lễ Phục sinh tới tất cả mọi người!”.
“Anh chị em thân mến, chớ gì lễ Phục sinh này đối với mỗi người trong anh chị em, đặc biệt là những người bệnh tật và những người nghèo khổ, những người cao niên và những người đang trải qua những giây phút thử thách và mệt mỏi, là một sự chuyển biến từ sự buồn phiền đau khổ sang sự an ủi”.
Lưu ý rằng ngày 9 tháng 4, theo một số học giả, rất có thể là ngày Phục sinh của Chúa Kitô, Đức Thánh Cha nhấn mạnh một đặc điểm mà các Tin mừng xác định nơi tất cả các nhân chứng vào dịp Lễ Phục sinh, đó là “vội vã” đi đến ngôi mộ và sau đó loan báo cho mọi người tất cả những gì họ đã chứng kiến.
“Vào Lễ Phục Sinh, cuộc hành trình tăng tốc và trở thành một cuộc đua, vì nhân loại giờ đây nhìn thấy mục tiêu của cuộc hành trình của mình, nhìn thấy ý nghĩa của định mệnh của mình, Chúa Giêsu Kitô, và được mời gọi mau mắn đến gặp gỡ Người, Đấng là niềm hy vọng của thế giới”.
Và vì thế “Xin cho chúng ta cũng nhanh chóng tiến bước trên hành trình của sự tin tưởng lẫn nhau: tin tưởng giữa các cá nhân, các dân tộc và các quốc gia”.
Việc công bố Tin Mừng Phục sinh cũng soi sáng “bóng tối và sự ảm đạm mà thế giới của chúng ta thường xuyên bị bao trùm trong đó”. Do đó, “Chúng ta hãy nhanh chóng vượt qua những xung đột và chia rẽ của chúng ta, và [. . .] hãy mở rộng trái tim của chúng ta với những người đang gặp khó khan cần được giúp đỡ nhất”.
“Chúng ta hãy nhanh chóng theo đuổi con đường hòa bình và tình huynh đệ. Chúng ta hãy vui mừng trước những dấu chỉ cụ thể của niềm hy vọng đến với chúng ta từ rất nhiều quốc gia, bắt đầu từ những quốc gia hỗ trợ và chào đón tất cả những người chạy trốn khỏi chiến tranh và nghèo đói”.
Sự hối hả của chúng ta để tìm đến với với Đấng Phục Sinh vẫn còn nhiều “chướng ngại vật” trên đường đi. Vaod dịp Lễ Phục sinh này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa lời khẩn cầu cho thế giới bị tổn thương, bắt đầu từ cuộc chiến ở trung tâm châu Âu.
“Xin hãy giúp đỡ những người dân Ukraine thân yêu trên hành trình hướng tới hòa bình của họ, và thắp lên ánh sáng của Lễ Phục sinh cho người dân Nga. Xin an ủi những người bị thương và tất cả những người mất người thân vì chiến tranh, và để các tù nhân có thể trở về bình an vô sự với gia đình của họ. Xin hãy mở rộng trái tim của toàn thể cộng đồng quốc tế nhằm nỗ lực chấm dứt cuộc chiến này cũng như mọi cuộc xung đột và đổ máu trên thế giới của chúng ta, bắt đầu từ Syria, nơi vẫn đang mong chờ hòa bình”.
Nói về Syria, quốc gia cùng với Thổ Nhĩ Kỳ đang giải quyết hậu quả của trận động đất xảy ra vào hồi tháng Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả những người đã mất gia đình và bạn bè, và cho những người vô gia cư. Xin cho họ nhận được sự an ủi của Thiên Chúa và sự giúp đỡ từ đại gia đình các quốc gia”.
Đức Thánh Cha bày tỏ sự bận tâm của mình đối với Giêrusalem, chứng nhân đầu tiên của sự Phục sinh. “Mong rằng có thể nối lại cuộc đối thoại, trong bầu không khí của sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau, giữa người dân Israel và người dân Palestine, để hòa bình có thể ngự trị tại Thành phố Linh thánh và trong toàn bộ khu vực”.
Đối với một quốc gia như Lebanon, vẫn đang tìm kiếm sự ổn định và thống nhất, Đức Thánh Cha bày tỏ hy vọng rằng sự chia rẽ sẽ “được khắc phục và mọi công dân sẽ cùng cộng tác vì công ích của đất nước”.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã phó thác cho Đấng Phục sinh “những người dân Tunisia yêu dấu, đặc biệt là giới trẻ và những người đang gặp khó khăn về kinh tế và xã hội, để họ không đánh mất niềm hy vọng và có thể cùng nhau nỗ lực làm việc nhằm xây dựng một tương lai hòa bình và tình huynh đệ”.
Về Haiti, quốc gia nghèo nhất ở Tây bán cầu, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi “ủng hộ cho nỗ lực của các chủ thể chính trị và cộng đồng quốc tế nhằm tìm kiếm một giải pháp dứt khoát cho nhiều vấn đề đang ảnh hưởng đến những người dân đang phải chịu thử thách nặng nề”.
Hướng đến châu Phi, Đức Thánh Cha kêu gọi tăng cường tiến trình hòa bình ở Ethiopia và Nam Sudan, chấm dứt bạo lực ở Cộng hòa Dân chủ Congo, đồng thời đề cập đến các nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố quốc tế ở Burkina Faso, Mali, Mozambique và Nigeria.
Đức Thánh Cha Phanxicô cầu xin Thiên Chúa nâng đỡ “các cộng đoàn Kitô hữu hôm nay cử hành lễ Phục sinh trong những hoàn cảnh đặc biệt, như ở Nicaragua và Eritrea, và đồng thời nhớ đến tất cả những ai bị ngăn cản không được tự do và công khai tuyên xưng đức tin của họ”.
Quay sang Myanmar, Đức Thánh Cha nói, nguyện xin Đấng Phục sinh giúp đất nước này “theo đuổi con đường hòa bình, và soi sáng trái tim của các nhà lãnh đạo, để những người Rohingya đau khổ sâu sắc có thể gặp được công lý”.
Tương tự như vậy, nguyện xin Đấng Phục sinh “An ủi những người tị nạn, những người bị trục xuất, các tù nhân chính trị và những người di cư, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất, cũng như các nạn nhân của nạn đói kém, tình trạng nghèo khổ và những hậu quả thảm khốc của việc buôn bán ma túy, của vấn nạn buôn người và tất cả các hình thức nô lệ khác.
“Lạy Chúa, xin truyền cảm hứng cho các nhà lãnh đạo của các quốc gia để đảm bảo rằng không một người đàn ông hay phụ nữ nào có thể gặp phải sự phân biệt đối xử và bị xúc phạm đến phẩm giá của họ; để trong sự tôn trọng đầy đủ các quyền con người và dân chủ, những vết thương xã hội này có thể được chữa lành; để thiện ích chung của công dân có thể luôn được theo đuổi; và để an ninh và các điều kiện cần thiết cho việc đối thoại và chung sống hòa bình có thể được đảm bảo”.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã trích lời của Thánh Isaac thành Nineveh, người đã viết rằng “tội nghiêm trọng nhất là không tin vào quyền năng của sự Phục sinh”.
Sau cùng, “Lạy Chúa Giêsu, chúng con tin tưởng phó thác nơi Ngài. Chúng con tin rằng, cùng với Ngài, niềm hy vọng được tái sinh và cuộc hành trình vẫn tiếp tục. Nguyện xin Thiên Chúa, Chúa tể của sự sống, nâng đỡ chúng con trên cuộc hành trình của chúng con và lặp lại với chúng con, như Chúa đã nói với các môn đệ vào chiều Phục Sinh: ‘Bình an cho anh em!’”.
Minh Tuệ (theo Asia News)