Sứ điệp Ngày thế giới Hòa bình 2024 của Đức Thánh Cha Phanxicô: A.I. phải được sử dụng cho việc 'phục vụ nhân loại'

Một robot được trang bị trí tuệ nhân tạo tại Trung tâm AI Xperience ở Brussels ngày 19 tháng 2 năm 2020 (Ảnh: OSV News/Yves Herman, Reuters)

Một robot được trang bị trí tuệ nhân tạo tại Trung tâm AI Xperience ở Brussels ngày 19 tháng 2 năm 2020 (Ảnh: OSV News/Yves Herman, Reuters)

Báo hiệu sự tham gia ngày càng tăng của Vatican trong nỗ lực đảm bảo sự phát triển có đạo đức của các công nghệ mới, Vatican đã thông báo rằng “Trí tuệ nhân tạo và Hòa bình” sẽ là chủ đề cho Ngày Thế giới Hòa bình tiếp theo, dự kiến vào ngày 1 tháng 1 năm 2024.

“Những tiến bộ đáng chú ý đạt được trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đang có tác động ngày càng gia tăng nhanh chóng đối với hoạt động của con người, đời sống cá nhân và xã hội, chính trị và kinh tế”, Thánh Bộ Cổ võ Phát triển Con người Toàn diện cho biết trong một tuyên bố đưa ra vào ngày 8 tháng 8.

“Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi một cuộc đối thoại cởi mở về ý nghĩa của những công nghệ mới này, với những khả năng đột phá và những tác động nước đôi”, tuyên bố cho biết.

Đức Thánh Cha, tuyên bố tiếp tục, nhắc lại sự cần thiết cần phải cảnh giác và nỗ lực làm việc để logic của bạo lực và sự phân biệt đối xử không bén rễ trong việc sản xuất và sử dụng các thiết bị như vậy, gây thiệt hại cho những người mong manh và bị loại trừ nhất; sự bất công và bất bình đẳng châm ngòi cho các cuộc xung đột và đối kháng”.

Ngày Thế giới Hòa bình được Thánh Phaolô VI khai mạc vào năm 1968 và được cử hành vào ngày 1 tháng Giêng hàng năm, Lễ Đức Trinh Nữ Maria Mẹ Thiên Chúa. Trong các Ngày Thế giới Hòa bình trong những năm gần đây, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tận dụng ngày thế giới này để kêu gọi những cách thức toàn diện để vượt qua đại dịch COVID-19, tạo ra cuộc đối thoại giữa các thế hệ, thúc đẩy văn hóa quan tâm chăm sóc và hoán cải môi sinh.

Vào tháng 3, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo ngành công nghệ, các nhà đạo đức học và thần học tại Vatican để xem xét sự phát triển đạo đức của AI, và vào tháng 1, ngài đã trò chuyện với các nhà lãnh đạo ngành từ các công ty như Microsoft và IBM cũng như các thành viên của cộng đồng Do Thái và Hồi giáo trong hội nghị của Vatican về đạo đức trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI.

Vào cuối hội nghị, các đại diện Công giáo, Do Thái và Hồi giáo đã ký một tuyên bố kêu gọi các nhà nghiên cứu AI tham gia với các nhà đạo đức học và các nhà lãnh đạo tôn giáo triển khai một khuôn khổ cho việc sử dụng AI một cách có đạo đức.

Tuyên bố vào ngày 8 tháng 8 của Vatican nhấn mạnh rằng “nhu cầu cấp thiết phải định hướng khái niệm và việc sử dụng trí tuệ nhân tạo một cách có trách nhiệm, để nó có thể phục vụ nhân loại và bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta, đòi hỏi phải mở rộng sự phản ánh về mặt đạo đức trong lĩnh vực giáo dục và pháp luật”.

Tuyên bố cũng cho biết thêm rằng phẩm giá con người và sự bận tâm đến tình huynh đệ là “những điều kiện không thể thiếu cho sự phát triển công nghệ nhằm góp phần thúc đẩy công lý và hòa bình trên thế giới”.

Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Vida Nueva của Tây Ban Nha được phát hành vào ngày 5 tháng 8, Đức Thánh Cha nói: “Tất cả những vấn đề về Trí tuệ Nhân tạo vượt quá tầm hiểu biết của tôi vì mức độ phức tạp mà chúng đang đạt tới” nhưng đồng thời cho biết ngài đang được “hướng dẫn” bởi các quan chức và chuyên gia làm việc với Bộ Văn hóa và Giáo dục.

Tuy nhiên, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng cho biết thêm rằng “các công nghệ mới có tiềm năng lớn; chúng là quà tặng của Thiên Chúa và có thể sinh hoa trái tốt, nhưng chúng cần có trái tim, chúng cần được nhân bản hóa”.

Minh Tuệ (theo America)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết