“Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người” (Rm 8, 19)
Anh chị em thân mến,
Hàng năm, qua Mẹ Giáo hội, Thiên Chúa “ban cho chúng ta mùa vui này khi chúng ta chuẩn bị kỷ niệm Mầu nhiệm Vượt qua với tâm hồn và quả tim được đổi mới…khi chúng ta tưởng niệm những sự kiện vĩ đại, là những sự kiện đem lại cho chúng ta sự sống mới nơi Chúa Kitô (Lời tựa, Mùa Chay I). Do đó, chúng ta có thể hành trình từ sự Phục Sinh hướng tới việc kiện toàn ơn cứu độ mà chúng ta đã lãnh nhận nhờ kết quả của Mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Kitô – “Quả thế, chúng ta đã được cứu độ, nhưng vẫn còn phải trông mong” (Rm 8:24). Mầu nhiệm Cứu độ này, đã hoạt động trong chúng ta trong suốt cuộc sống trần gian của chúng ta, là một quá trình năng động, cũng bao trùm lịch sử và tất cả mọi loài thọ tạo. Như Thánh Phaolô nói, “Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người” (Rm 8:19). Trong viễn cảnh này, tôi muốn đưa ra một vài suy tư để đồng hành cùng cuộc hành trình hoán cải Mùa Chay sắp tới của chúng ta.
- Ơn cứu độ đối với mọi loài thọ tạo
Việc cử hành Tam Nhật Vượt qua với cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô, đỉnh cao của năm phụng vụ, mời gọi chúng ta hàng năm thực hiện một hành trình chuẩn bị, với nhận thức rằng việc chúng ta được trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô (x. Rm 8:29) chính là một món quà vô giá của Lòng thương xót của Thiên Chúa.
Khi chúng ta sống như con cái của Thiên Chúa, được cứu độ, được dẫn dắt bởi Chúa Thánh Thần (x. Rm 8:14) và có khả năng nhận biết và tuân giữ giới luật của Thiên Chúa, bắt đầu với những giới luật được viết nơi tâm hồn chúng ta cũng như trong tự nhiên, chúng ta cũng làm lợi cho công trình sáng tạo bằng cách cộng tác trong ơn cứu chuộc nó. Đó là lý do tại sao Thánh Phaolô nói rằng mọi loài thọ tạo ngóng trông ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người; hay nói cách khác, rằng tất cả những ai được hưởng ân sủng của Mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Giêsu đều có thể trải nghiệm sự kiện toàn của nó quan ơn cứu độ đối với chính thân xác con người. Khi tình yêu của Chúa Kitô biến đổi đời sống của các vị Thánh về mặt tinh thần, thể xác và linh hồn, họ dâng lời ngợi khen Thiên Chúa. Thông qua việc cầu nguyện, chiêm niệm và nghệ thuật, họ cũng kể đến các loài thụ tạo khác trong lời tán tụng đó, như chúng ta thấy đã được thể hiện một cách đáng ngưỡng mộ trong “Bài Ca Thụ Tạo” của Thánh Phanxicô Assisi (x. Thông điệp Laudato Si, số 87). Tuy nhiên, trong thế giới này, sự hài hòa được tạo ra bởi ơn cứu độ liên tục bị đe dọa bởi sức mạnh tiêu cực của tội lỗi và sự chết.
- Sức mạnh hủy diệt của tội lỗi
Thật vậy, khi chúng ta không sống với tư cách là con cái Thiên Chúa, chúng ta thường cư xử theo cách thức tiêu cực đối với những người thân cận cũng như các thụ tạo khác – cũng như chính bản thân chúng ta – vì chúng ta bắt đầu ít nhiều suy nghĩ một cách có ý thức rằng chúng ta có thể sử dụng chúng theo ý muốn của chúng ta. Sau đó, sự vô độ dần dần chiếm ưu thế: chúng ta bắt đầu sống một cuộc sống vượt quá những giới hạn được đặt ra bởi chính điều kiện con người và bản chất của chúng ta. Chúng ta quy phục những mong muốn không bị gò bó mà Sách Khôn Ngoan đã coi như là điển hình của tội lỗi, những người hành động mà không nghĩ đến Thiên Chúa hoặc hy vọng về tương lai (x. Kn 2: 1-11). Trừ khi chúng ta có xu hướng liên tục hướng tới lễ Phục sinh, hướng về phía chân trời Phục sinh, nếu không, tâm lý được thể hiện trong các khẩu hiệu như: “Tôi muốn có tất cả và tôi muốn nó ngay bây giờ!”, hay “Bấy nhiêu vẫn chưa đủ”, sẽ giành thế thượng phong.
Căn nguyên của mọi sự ác, như chúng ta biết, chính là tội lỗi, mà ngay từ lần xuất hiện đầu tiên đã phá vỡ sự hiệp thông của chúng ta với Thiên Chúa, với những người khác và với chính các loài thụ tạo, mà qua đó chúng ta được liên kết theo một cách riêng biệt nhờ thân xác của chúng ta. Sự rạn nứt này đối với sự hiệp thông với Thiên Chúa cũng làm suy yếu mối tương quan hài hòa của chúng ta với môi trường mà qua đó chúng ta được mời gọi để sống, để rồi khu vườn trở thành một nơi gai góc hoang dã (x. St 3: 17-18). Tội lỗi khiến con người tự xem mình là đấng tạo hóa, tự xem mình là vị chúa tể tuyệt đối và tùy ý sử dụng nó, không theo như mục đích mà Đấng Tạo Hóa mong muốn mà vì lợi ích của chính bản thân mình, gây tổn hại đến các loài thụ tạo khác.
Một khi giới luật của Thiên Chúa, luật của yêu thương, bị khước từ, thì luật của kẻ mạnh hơn kẻ yếu sẽ chiếm ưu thế. Tội lỗi ẩn giấu nơi tâm hồn con người (x. Mc 7: 20-23) mang hình dáng của sự tham lam cũng như việc theo đuổi sự an nhàn một cách vô độ, thiếu quan tâm đến lợi ích của người khác và thậm chí của chính mình. Nó dẫn đến việc khai thác công trình sáng tạo, cả con người và môi trường, do sự thèm muốn vô độ đó, vốn coi mọi ham muốn như là một quyền và sớm hay muộn cũng sẽ phá hủy tất cả những thứ trong tầm tay của nó.
- Sức mạnh chữa lành của sự ăn năn hối cải và sự tha thứ
Muôn loài thụ tạo hết sức mong mỏi con cái Thiên Chúa thực sự trở nên “những thụ tạo mới”. Vì “Phàm ai ở trong Đức Kitô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi” (2 Cr 5:17). Thật vậy, nhờ vào việc được mặc khải, chính loài thụ tạo có thể của hành một Cuộc Vượt qua, tự mở ra một trời mới đất mới (x. Kh 21: 1). Hành trình hướng đến Lễ Phục Sinh đòi hỏi chúng ta cần phải đổi mới diện mạo và tâm hồn của mình với tư là những người Kitô hữu thông qua việc ăn năn, hoán cải và tha thứ, ngõ hầu có thể sống trọn vẹn ân sủng dồi dào của Mầu nhiệm Vượt qua.
“Khát khao mãnh liệt và háo hức” này, mong đợi của tất cả mọi loài thụ tạo này, sẽ được kiện toàn qua sự mặc khải vinh quang của con cái Thiên Chúa, nghĩa là, khi các Kitô hữu và tất cả mọi người dứt khoát bước vào “công việc đầy khó nhọc”, vốn đòi hỏi một sự hoán cải. Tất cả mọi loài thụ tạo được mời gọi, cùng với chúng ta, bước ra khỏi “tình trạng nô lệ và cảnh hư nát để được chung hưởng tự do và vinh quang của con cái Thiên Chúa” (Rm 8:21). Mùa Chay chính là một dấu chỉ mang tính Bí tích của sự chuyển đổi này. Nó mời gọi các Kitô hữu thể hiện Mầu nhiệm Vượt qua một cách mạnh mẽ và cụ thể hơn trong đời sống cá nhân, gia đình và xã hội của mình, trước hết qua việc ăn chay, cầu nguyện và bố thí.
Ăn chay, nghĩa là học cách thay đổi thái độ của chúng ta đối với người khác và tất cả mọi thụ tạo, tránh xa cám dỗ “nuốt chửng” tất cả mọi thứ hầu thỏa mãn thói tham lam của chúng ta, và sẵn sàng chịu hy sinh vì tình yêu, là điều có thể lấp đầy sự trống rỗng nơi tâm hồn mỗi người chúng ta. Cầu nguyện dạy chúng ta từ bỏ việc tôn thờ ngẫu tượng cũng như sự kiêu căng của bản ngã, và đồng thời thừa nhận nhu cầu của chúng ta đối với Thiên Chúa và Lòng thương xót của Ngài. Bố thí là việc mà nhờ đó chúng ta thoát khỏi sự điên rồ của việc chỉ lo tích trữ tất cả mọi thứ cho bản thân với niềm tin viển vông rằng chúng ta có thể đảm bảo một tương lai vốn chẳng hề thuộc về chúng ta. Và do đó, tái khám phá niềm vui kế hoạch sáng tạo của Thiên Chúa đối với công trình sáng tạo và đối với mỗi chúng ta, đó là yêu mến Ngài, yêu mến anh chị em của chúng ta, và toàn thể thế giới, và để khám phá ra nơi tình yêu này hạnh phúc đích thực của chúng ta.
Anh chị em thân mến, thời gian “bốn mươi ngày chay” mà Con Thiên Chúa trải qua trong hoang địa đã mang mục đích biến nó trở thành một khu vườn của sự hiệp thông với Thiên Chúa mà trước kia đã từng là như vậy trước tội nguyên tổ (x. Mc 1: 12-13; Is 51: 3). Chớ gì Mùa Chay năm nay của chúng ta trở thành một hành trình trên cùng con đường đó, mang niềm hy vọng của Chúa Kitô cho mọi thụ tạo, để tạo thành thụ “cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang” (Rm 8: 21). Chúng ta đừng để cho thời cơ ân sủng này trôi qua một cách vô ích! Chúng ta hãy nài xin Thiên Chúa giúp chúng ta đặt ra cho mình một con đường của sự hoán cải thực sự. Chúng ta hãy bỏ lại sau lưng thói ích kỷ và chỉ tự quan tâm đến bản thân mình, và hướng đến Cuộc Vượt qua của Chúa Giêsu. Chúng ta hãy sát cánh với những anh chị em của chúng ta đang cần được giúp đỡ, chia sẻ những của cải tinh thần và vật chất của chúng ta với họ. Có như vậy, bằng cách đón nhận một cách cụ thể chiến thắng của Chúa Kitô đối với tội lỗi và sự chết vào cuộc sống của chúng ta, chúng ta cũng sẽ chiếu tỏa sức mạnh có tính biến đổi của nó cho tất cả mọi loài tạo.
Từ Vatican, ngày 4 tháng 10 năm 2018
Lễ Thánh Phanxicô Assisi
Giáo Hoàng Phanxicô
Minh Tuệ chuyển ngữ