Sứ điệp Giáng sinh của các Giám mục Sri Lanka thúc giục cam kết hòa bình, công bằng, hòa giải

Đền thờ Thánh Anthony ở Colombo được nhắm mục tiêu trong vụ đánh bom tự sát vào Chủ nhật Phục sinh vào ngày 21 tháng 4 năm 2019. (ANSA)

Đền thờ Thánh Antôn tại Colombo bị nhắm mục tiêu trong vụ đánh bom tự sát hôm Chúa nhật Phục sinh ngày 21 tháng 4 năm 2019 (Ảnh: ANSA)

Giáng sinh tại Sri Lanka diễn ra sau hai sự kiện lớn ở nước này vào năm 2019. Những lo ngại về vấn đề an ninh quốc gia sau vụ khủng bố xảy ra hôm Chúa nhật Phục sinh nhắm vào các nhà thờ và khách sạn là một vấn đề ưu tiên vốn đã chi phối cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 16/11. Các Giám mục hướng đến một tương lai hy vọng cho quốc gia này.

Giáo hội Công giáo Sri Lanka đang kêu gọi quốc gia phát triển một nền văn hóa chính trị lành mạnh với công lý và hòa bình, đồng thời cho biết rằng vấn đề về tình trạng nghèo đói chỉ có thể được giảm bớt bằng cách tạo ra các cấu trúc kinh tế công bằng.

Văn hóa chính trị lành mạnh

“Sự phát triển thực sự của con người chỉ có thể xảy ra trong một xã hội nơi có sự tôn trọng lẫn nhau, công bằng và hòa bình”, Đức Cha Winston Fernando Địa phận Badulla, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Sri Lanka, phát biểu trong một thông điệp Giáng sinh.

Thay mặt cho các Giám mục Công giáo đất nước, Đức Cha Fernando nhấn mạnh rằng, “cam kết chân thành của tất cả mọi người là hết sức cần thiết trong việc tạo ra môi trường này ở đất nước của chúng ta”. “Đất nước này đã chứng kiến một cuộc bầu cử tự do và công bằng và người dân hy vọng sẽ nhìn thấy bình minh của một nền văn hóa chính trị lành mạnh không có tham nhũng và bất công”.

Các Giám mục Sri Lanka thúc giục sự phát triển kinh tế bền vững và đồng thời tôn trọng cuộc sống của người dân và tôn trọng môi trường.

Sự hòa giải

“Chúng ta hãy cam kết thay đổi tất cả những gì không phù hợp với Thánh ý của Thiên Chúa ở giữa chúng ta bằng cách trở thành những tác nhân của hòa bình, sự hòa hợp và hòa giải và bằng cách quên đi những khác biệt nhỏ nhặt vốn cản trở thiện ích chung”, Đức Cha Fernando cho biết thêm.

Năm 2019 được đánh dấu bởi hai vụ việc nghiêm trọng ở quốc đảo Ấn Độ Dương. Hôm Chúa nhật Phục sinh, cả nước và thế giới đã đột ngột bị đánh thức bởi những tin tức kinh hoàng về các vụ đánh bom tự sát khủng bố nhằm vào 3 nhà thờ và 3 khách sạn sang trọng làm thiệt mạng hơn 250 người.

Vụ thảm sát đã dẫn đến một làn sóng của sự liên đới và gần gũi chưa từng thấy từ các quốc gia và các cộng đồng tín ngưỡng trên toàn thế giới.

Các vụ tấn công vào ngày 21 tháng 4 đã làm cho vấn đề an ninh quốc gia trở thành một vấn đề ưu tiên trong cuộc bầu cử tổng thống Sri Lanka vào ngày 16 tháng 11.

Liên đới với các nạn nhân vụ tấn công hôm lễ Phục sinh

Trong một thông điệp Giáng sinh riêng biệt, Đức Hồng Y Malcolm Ranjith của Tổng Giáo phận Colombo đã kêu gọi các Kitô hữu đến thăm gia đình của các nạn nhân của vụ thảm kịch hôm Chúa nhật Phục sinh trong suốt dịp mừng lễ Chúa Giáng sinh và đồng thời  “kiềm chế những cuộc tụ tập ồn ào, các buổi tiệc tùng chè chén và lãng phí”, trong tinh thần liên đới với họ.

Hầu hết các vụ thương vong hôm Chúa nhật Lễ Phục sinh xảy ra tại Nhà thờ Công giáo Thánh Sebastian Negombo của Tổng giáo phận Colombo, nơi 113 người chết. Các nhà thờ khác bị tấn công là Đền thờ Thánh Antôn thuộc thành phố Colombo và Nhà thờ Tin lành Zion của Batticaloa ở bờ biển phía đông.

Đức Hồng Y Ranjith đã nói về “sự mất mát những người thân yêu của các gia đình, khoảng trống không thể vượt qua được tạo ra trong lòng họ bởi những sự mất mát này, nỗi đau đớn và sự giày vò của những người bị thương, một số người cuộc sống đã tan vỡ không thể hồi phục và những đứa trẻ côi cút mà cha mẹ chúng sẽ không bao giờ quay về nữa”.

Những câu hỏi không lời đáp

Đức Hồng Y Ranjith cũng lưu ý rằng nhiều người vẫn bị ám ảnh bởi nỗi đau và sự mất phương hướng đột ngột trong cuộc sống của họ.

Ngài than phiền rằng nhiều gia đình nạn nhân không biết lý do tại sao họ lại bị nhắm mục tiêu. “Những kẻ thủ phạm hành vi bạo lực này vẫn chưa được xác định. Do đó, sự đau khổ của những nạn nhân đó đã trở nên phức tạp bởi sự bất lực của chính quyền trong việc tìm kiếm những kẻ thủ phạm gây ra nỗi kinh hoàng này”, Đức Hồng Y Ranjith nói.

Một Giáng sinh không lòe loẹt

Đức Hồng Y Ranjith cho biết rằng, “với rất nhiều anh chị em của chúng ta hiện vẫn còn chìm ngập trong đau khổ, thật chẳng phù hợp chút nào khi chúng ta biến ngày sinh của Đấng Cứu Thế, Đấng đã rủ lòng thương để rồi được sinh ra giữa những người nghèo khổ nơi máng cỏ đầy khiêm hạ, trở thành một sự kiện với những lễ hội ồn ào”.

Đức Hồng Y Ranjith kêu gọi các Kitô hữu “mừng lễ Giáng sinh này với tinh thần liên đới với những người nghèo khổ, những người bị gạt ra bên lề xã hội và đặc biệt là trong tinh thần liên đới với tất cả những người phải hứng chịu hậu quả của thảm kịch xảy ra hôm Chúa nhật Phục sinh”.

Đức Hồng Y Ranjith cho biết thêm: “Thay vào đó, dịp lễ Giáng sinh này phải là một khoảnh khắc để chúng ta suy nghĩ và nhớ đến tình huống đau đớn này vốn đã gây đau khổ cho rất nhiều anh chị em của chúng ta, để rồi cầu nguyện cho họ và cho quê hương yêu dấu của chúng ta, cam kết nỗ lực làm việc vì hòa bình, sự hòa hợp và hòa giải giữa các cộng đồng khác nhau hiện đang sinh sống tại Sri Lanka”.

Thiên Ân (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết