“Mỗi người chúng ta được mời gọi để tuân theo tiếng gọi của Ngài để rồi bước ra khỏi vùng thoải mái riêng của mỗi người chúng ta để đến với ‘những vùng ngoại vi’ cần đến ánh sáng Tin Mừng”
Trong buổi tiếp kiến chung hôm Thứ Tư 19/10 vừa qua, Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng ‘Ngày Thế giới Truyền giáo’ năm nay sẽ được cử hành vào Chúa nhật 23/10 tới: “Anh chị em thân mến, Chúa nhật tới 23/10, Giáo Hội sẽ cử hành ‘Ngày Thế Giới Truyền Giáo’, đây một cơ hội quý giá để chúng ta cùng nhau suy ngẫm về sự cấp bách của việc dấn thân trong công cuộc truyền giáo của Giáo Hội cũng như mỗi người Kitô hữu chúng ta. Chúng ta cũng được mời gọi để loan báo Tin Mừng nơi môi trường mà chúng ta đang sống và làm việc”.
Dưới đây là Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân Khánh Nhật Truyền Giáo 2016:
Anh chị em thân mến,
Năm Thánh ngoại thường về Lòng Thương Xót mà Giáo Hội đang cử hành, đã lóe lên một tia sáng nhân Ngày Thế Giới Truyền giáo 2016: qua đó mời gọi mỗi người chúng ta hãy lưu tâm đến ‘missio ad gentes – Sứ vụ Đến với muôn dân’ như một công việc to lớn và vĩ đại của Lòng Thương Xót cả về phương diện tinh thần cũng như vật chất. Nhân Chúa Nhật Truyền Giáo năm nay, mỗi người chúng ta được mời gọi “bước ra bên ngoài” như những môn đệ truyền giáo, mỗi người chúng ta hãy quảng đại đem những tài năng, sự sáng tạo, trí tuệ và kinh nghiệm của mình để đem thông điệp về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa đến với toàn thể gia đình nhân loại. Với sự cuốn hút của mệnh lệnh truyền giáo, Giáo Hội quan tâm đến những ai chưa nhận biết Tin Mừng, vì Giáo Hội muốn hết thảy nhân loại được ơn cứu độ và cảm nghiệm tình yêu Thiên Chúa. Giáo Hội “được trao cho nhiệm vụ công bố Lòng Thương Xót của Thiên Chúa với một trái tim đang bồi hồi vì Tin Mừng” (Tông sắc ‘Misericordiae Vultus – Dung Mạo của Lòng Thương Xót’, số 12) và để công bố Lòng Thương Xót của Thiên Chúa tới mọi hang cùng ngõ hẻm của thế giới, và để đem Lòng Thương Xót ấy đến với hết thảy mọi người, bất kể là già hay trẻ.
Khi Lòng Thương Xót chạm đến một người, nó đem lại niềm vui mừng khôn tả nơi tâm hồn của Chúa Cha; bởi vì ngay từ lúc khởi đầu, Thiên Chúa Cha đã đoái thương nhìn đến những con người dễ bị tổn thương nhất, bởi vì sự vĩ đại và uy quyền của Ngài được tỏ lộ chính xác bằng việc đồng cảm với những người trẻ, những người chịu thiệt thòi cũng như những người bị áp bức (Đnl 4,31; Tv 86,15; Tv 103, 8; Tv 111, 4). Ngài là Đấng nhân lành, luôn luôn quan tâm chăm sóc và là một Thiên Chúa trung tín – Đấng luôn luôn gần gũi với những kẻ thiếu thốn, đặc biệt là những người nghèo khổ; Ngài đã cụ thể hóa tình yêu ấy nơi thực tế của con người cũng giống như một người cha người mẹ làm đối với con cái của mình (Gr 31, 20). Khi nói về dạ mẹ, Kinh Thánh sử dụng hạn từ này để muốn ám chỉ đến Lòng Thương Xót: do đó nó đề cập đến tình yêu của một người mẹ đối với những đứa con của mình – những đứa con mà bà luôn hết mực yêu thương – trong mọi hoàn cảnh và bất kể chuyện gì xảy ra, bởi vì chúng chính là những hoa trái do bà sinh thành. Đây cũng chính là một khía cạnh quan trọng của tình yêu mà Thiên Chúa đã dành cho tất cả con cái của Ngài – những đứa con mà Ngài đã tạo dựng và đã nâng chúng lên cao; bất kể những yếu đuối và sự bất trung của chúng, ‘Trái tim Ngài thổn thức, ruột gan Ngài bồi hồi’ (Hs, 11, 8). Thiên Chúa có Lòng Thương Xót dành cho hết thảy mọi người; tình yêu của Ngài dành cho hết thảy mọi người và trải dài cho tất cả mọi loài thụ tạo (Tv 144, 8-9).
Lòng Thương Xót được biểu hiện cách vĩ đại và trọn vẹn nhất qua Ngôi Lời Nhập Thể. Chúa Giêsu mặc khải diện mạo của Chúa Cha là Đấng giàu Lòng Thương Xót; Ngài “nói về Lòng Thương Xót và giải thích Lòng Thương Xót ấy qua việc sử dụng rất nhiều dụ ngôn, nhưng trên hết, chính Ngài đã trở nên Ngôi Lời Nhập Thể và mặc lấy xác phàm” (Thánh Gioan Phaolô II, Thông điệp ‘Dives in Misericordia – Thiên Chúa giàu Lòng thương xót’, số 2).
Khi chúng ta đón nhận và bước theo Chúa Giêsu qua những phương thế đó là Tin Mừng và các Bí tích, chúng ta có thể – với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần – trở thành những người có Lòng thương xót như Cha trên trời là Đấng giàu Lòng Thương Xót; chúng ta có thể học cách yêu thương như chính Ngài đã yêu thương chúng ta và biến đời sống chúng ta nên một quà tặng nhưng không, một dấu chỉ của sự tốt lành của Ngài (Tông sắc ‘Misericordiae Vultus – Dung Mạo của Lòng Thương Xót’, số 3). Giáo Hội – giữa lòng nhân loại – trước hết là cộng đồng sống nhờ Lòng Thương Xót của Chúa Kitô: Giáo Hội cảm nhận được ánh mắt của Ngài và chính Ngài đã chọn Giáo Hội với tình yêu xót thương của Ngài. Chính qua tình yêu này mà Giáo Hội có thể nhận ra nhiệm vụ của mình, sống tình yêu ấy và làm cho mọi dân tộc nhận biết tình yêu ấy thông qua việc đối thoại đầy tôn trọng với tất cả mọi nền văn hóa cũng như mọi tín ngưỡng tôn giáo.
Tình yêu đầy thương xót này – từ những ngày đầu của Giáo Hội – đã được làm chứng bởi rất nhiều các tín hữu nam nữ thuộc mọi thời đại cũng như mọi địa vị xã hội. Sự hiện diện cách đáng kể và ngày càng gia tăng của phụ nữ trong cánh đồng truyền giáo, cùng cộng tác với các nhà truyền giáo nam giới của họ, chính là một dấu chỉ quan trọng về tình mẫu tử của Thiên Chúa. Phụ nữ, kể cả giáo dân và tu sĩ, và thậm chí nhiều gia đình ngày nay, thi hành ơn gọi truyền giáo của mình với nhiều hình thức khác nhau: từ việc loan báo Tin Mừng cho tới các công tác từ thiện. Cùng với công cuộc rao giảng Tin Mừng và công việc mục vụ các bí tích của các nhà truyền giáo, phụ nữ thường hiểu đầy đủ hơn về những vấn đề của người dân và biết làm thế nào để có thể giải quyết chúng một cách phù hợp, đồng thời bằng những phương thế mới: bằng việc chăm lo cho đời sống, chú trọng vào vấn đề con người hơn là cấu trúc, và bằng cách phân bổ các nguồn nhân lực và tinh thần hướng tới việc xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp, hài hòa, hòa bình, đoàn kết, đối thoại, hợp tác và huynh đệ, không những giữa các cá nhân với nhau mà còn cả trong đời sống xã hội và văn hóa , đặc biệt qua việc chăm sóc những người nghèo khổ.
Ở nhiều nơi, việc rao giảng Tin Mừng bắt đầu bằng việc giáo dục, mà công việc truyền giáo đã dành nhiều thời gian và nỗ lực, giống như người trồng nho đầy Lòng thương xót trong Tin Mừng (Lc 13, 7-9; Ga 15: 1) đã kiên nhẫn chờ đợi chúng ra hoa kết trái sau nhiều năm vun trồng; bằng cách này họ sẽ giúp sản sinh ra một con người mới có thể cộng tác vào công cuộc rao giảng Tin Mừng. Họ sẽ đem Tin Mừng đến những nơi mà nhiều người vẫn chưa nhận biết Thiên Chúa. Giáo Hội cũng có thể được định nghĩa là “một người mẹ” đối với những ai một ngày nào đó sẽ tuyên xưng cùng một niềm tin vào Đức Giêsu Kitô. Chính vì thế, tôi hy vọng rằng dân thánh của Thiên Chúa sẽ tiếp tục thi hành sứ vụ của Lòng thương xót để giúp những ai chưa nhận biết Chúa có thể gặp gỡ và yêu mến Ngài. Đức tin là quà tặng từ Thiên Chúa và đó không phải là kết quả của việc một người nào đó cải đạo; hay nói đúng hơn, đức tin ấy phát triển nhờ vào đức tin và đức ái của các nhà truyền giáo đã dấn thân làm chứng cho Chúa Kitô. Khi họ đi qua khắp các ngả đường trên thế giới, các môn đệ Chúa Giêsu cần phải có một tình yêu không giới hạn như tình yêu mà chính Thiên Chúa đã dành cho hết thảy mọi người. Chúng ta loan báo những quà tặng đẹp nhất và vĩ đại nhất mà Thiên Chúa đã ban tặng cho chúng ta: chính mạng sống và tình yêu vô bờ bến của Ngài.
Mọi dân tộc và mọi nền văn hóa có quyền được nhận lãnh Tin Mừng ơn cứu độ – là quà tặng Thiên Chúa dành cho hết thảy mọi người. Đây chính là tất cả những điều cần thiết hơn hết khi chúng ta nhạn thấy có biết bao nhiêu bất công, chiến tranh và khủng hoảng nhân đạo vẫn đang cần được giải quyết. Các nhà truyền giáo nhận biết từ kinh nghiệm mà Tin Mừng của ơn tha thứ và Lòng thương xót có thể mang lại niềm vui và hòa giải, công lý và hòa bình. Nhiệm vụ của Tin Mừng để “đi khắp nơi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,19 -20) đã không bao giờ ngừng nghỉ; đúng hơn, lệnh truyền này cam kết tất cả chúng ta, trong bối cảnh hiện tại với tất cả những thách đố của nó, để lắng nghe lời mời gọi đối với một nhà truyền giáo “đầy nhiệt huyết” mới, như tôi đã nhắc đến trong Tông Huấn ‘Evangelii Gaudium’ của tôi: “Mỗi Kitô hữu cũng như mỗi cộng đồng phải nhận thức được con đường mà Thiên Chúa đã chỉ ra, nhưng mỗi người chúng ta được mời gọi để tuân theo tiếng gọi của Ngài để rồi bước ra khỏi vùng thoải mái riêng của mỗi người chúng ta để đến với ‘những vùng ngoại vi’ cần đến ánh sáng Tin Mừng”(20).
Năm Thánh Lòng Thương Xót này đánh dấu kỷ niệm 90 năm Ngày Thế Giới Truyền Giáo, lần đầu tiên được phê duyệt bởi Đức Giáo Hoàng Piô XI vào năm 1926 và được tổ chức bởi Thánh Bộ Truyền Bá Ðức Tin. Qủa là điều phù hợp để nhắc lại những chỉ dẫn khôn ngoan của các vị tiền nhiệm của tôi – người đã chỉ dẫn cho Thánh Bộ này phải dành riêng những quyên góp thu được tại mỗi giáo phận, giáo xứ, các cộng đồng tôn giáo, các hiệp hội và phong trào giáo hội trên toàn thế giới cho việc chăm sóc các cộng đồng Kitô hữu đang thiếu thốn cũng như cho việc hỗ trợ công cuộc loan báo Tin Mừng cho đến tận cùng trái đất. Ngày nay, chúng ta cũng tin vào dấu chỉ sự hiệp thông của một giáo hội truyền giáo. Chúng ta đừng đóng cửa tâm hồn mình trong mối quan tâm đặc biệt của riêng của chúng ta, nhưng chúng ta hãy mở rộng tâm hồn ra cho cả nhân loại.
Nguyện xin Đức Trinh Nữ Maria – biểu tượng cao cả của nhân loại được cứu chuộc, mẫu gương của các nhà truyền giáo của Giáo Hội – giúp cho mỗi người chúng ta biết nuôi dưỡng và bảo vệ sự sống và sự hiện diện huyền nhiệm của Chúa Kitô Phục Sinh ở khắp mọi nơi, Ngài là Đấng canh tân những mối tương quan giữa các cá nhân, mọi nền văn hóa cũng như mọi dân tộc, và Ngài cũng là Đấng làm tròn đầy mỗi người chúng ta bằng niềm hân hoan vì được thương xót.
Làm tại Vatican, ngày 15/5/2016, nhân dịp Đại Lễ Hiện Xuống
Giáo Hoàng Phanxicô
(Minh Tuệ)