Trung Quốc và Vatican đã cắt đứt quan hệ ngoại giao vào năm 1951, nhưng hiện nay đang tìm cách bình thường hóa quan hệ. Tuy nhiên, sự chia rẽ trong cộng đồng Công giáo ở Trung Quốc và việc thiếu một hàng giáo sĩ được đào tạo tốt khiến Roma phải bận tâm và cản trở sự nối lại quan hệ Trung Quốc – Vatican, theo một Bình luận viên người Ý tại Bắc Kinh.
Francesco Sisci, thành viên của Trung tâm Nghiên cứu Châu Âu tại Đại học Renmin – Trung Quốc, cho biết mối quan hệ phức tạp giữa hai bên đã thay đổi, nhưng rất khó để dự đoán nó sẽ ra sao trong tương lai.
Sisci nói: “Giờ đây Trung Quốc cởi mở hơn trong việc thiết lập quan hệ với Vatican vì nó đang trở thành một siêu cường và muốn có mối quan hệ với quyền lực mềm lớn nhất thế giới.
Không chỉ Trung Quốc thay đổi. Vatican và Đức Giáo Hoàng cũng đã bày tỏ ý chí mạnh mẽ hơn so với các vị tiền nhiệm trong các dự phóng làm cho Tòa Thánh đi vào thế giới trong các mối liên hệ gần gũi hơn với người Hồi giáo, với Chính thống giáo Hy Lạp, Nga và với những người Lutherans.
Tuy nhiên, có một số rào cản trong quá trình xích lại gần nhau giữa Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cả hai đều lên nắm quyền vào cùng một tuần trong năm 2013.
Các vấn đề bao gồm tình trạng hiện tại của hàng giáo sĩ Trung Quốc, trong đó có các linh mục đã kết hôn và có con, cũng như vấn đề chia rẽ cộng đồng như thường được ghi nhận.
“Ngay cả ở giáo phận Bắc Kinh, nơi được kiểm soát nhiều nhất, cũng có đến 3 phe phái; cần phải có một nỗ lực cực lớn mới có thể đoàn kết họ,” Sisci nói, và thêm rằng Roma “đang lo lắng về chất lượng của hàng giáo sĩ.”
Sisci bác bỏ tuyên bố trên các phương tiện truyền thông về sự tồn tại của một Giáo hội Công giáo bí mật ở Trung Quốc như là đối lập với một Giáo hội chính thức do Đảng Cộng sản dựng lên và điều khiển, nhưng thừa nhận rằng có sự khác biệt và thù hận giữa những người Công giáo không chấp nhận sự điều khiển của nhà nước và những người đi theo Giáo hội của chế độ.
Vị chuyên gia cũng nói rằng con đường bình thường hóa quan hệ giữa Trung Quốc và Vatican không chỉ có nghĩa là thiết lập quan hệ ngoại giao, và ông không nghĩ là sẽ có chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng tới Trung Quốc trong tương lai gần.
Ông nói: “Chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng sẽ là một sự kiện phi thường, Trung Quốc biết điều đó và mọi người đều rất thận trọng.”
Sisci cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc họp của Đức Thánh Cha vào ngày 24 tháng 5 tại Roma với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, trong đó lần đầu tiên Hoa Kỳ và Vatican sẽ thảo luận về Trung Quốc trong chương trình nghị sự.
Ông nói thêm rằng Đức Thánh Cha cũng thận trọng về lập trường của mình đối với Bắc Kinh, vì sự liên kết gần gũi với Trung Quốc có thể “trở thành một nam châm thu hút sự chỉ trích” ngay bên trong một số bộ phận nhất định của Toà Thánh.
Ngọc Huỳnh (theo Latin American Herald Tribune)