Sống đời sống trong Thánh Thần là một đặc ân mà chúng ta có thể trải nghiệm ngay từ bây giờ.
Suy nghĩ về Chúa Thánh Thần có thể rất mơ hồ đối với chúng ta khi chúng ta đối diện với những thử thách trong cuộc đời. Liệu có thể nhận biết Chúa Thánh Thần một cách thực tế và hoán cải đời sống? Chúng ta có thể thực sự hy vọng rằng Thánh Thần sẽ là “Đấng an ủi” của chúng ta, giống như đã từng là Đấng an ủi của các môn đệ đầu tiên (Ga14: 16-18)?
Câu trả lời là có! Thánh Thần có thể hoạt động trong đời sống của chúng ta một cách thiết thực nhất, biến đổi những suy nghĩ và thói quen tội lỗi thành một đời sống đạo đức và thánh thiện. Thánh Thần có thể làm những lời cầu nguyện sống động để bạn có thể chạm đến ngai vàng của Thiên Chúa và có thể cho bạn “chia sẻ đời sống sâu thẳm của Thiên Chúa” (Thánh Gioan Phaolô II, Tông thư Tertio Millennio Adveniente, số 8). Nhân dịp Lễ Ngũ tuần này, nguyện xin Thánh Thần của Thiên Chúa tuôn đổ sự sống mới trong đời sống bạn, trong gia đình bạn và trong giáo xứ của bạn.
Theo Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, mục tiêu lớn nhất trong đời sống – ơn gọi cao trọng nhất của chúng ta – là kinh nghiệm “Đời sống trong Thánh Thần (GLGHCG, số 1699). Nghe có vẻ cao siêu, nhưng sự sống trong Thánh Thần là khả thi đối với mỗi người chúng ta bởi vì nhờ Đức Kitô, chúng ta có thể “thông phần vào ánh sáng và sức mạnh của Thần Khí Thiên Chúa” (GLGHCG, số 1704). Chúa Giêsu, người là “hình ảnh Thiên Chúa vô hình” (Cl 1:15), luôn sống trong Thánh Thần (Lc 4:18). Giờ đây, qua cái chết và sự phục sinh của Người, Người đã ban cho chúng ta Thánh Thần để chúng ta cũng có thể sống như Người đã sống (Rm 8: 15-16). Đây là điều kỳ diệu của Tin Mừng: Nhờ đức tin vào Đức Giêsu Kitô, chúng ta có thể dự phần vào đời sống của Thiên Chúa. Chúng ta có thể sống một đời sống mới!
Đời sống trong Thánh Thần là gì?
Đời sống trong Thánh Thần là khả năng mà Thiên Chúa ban cho chúng ta để noi gương Chúa Giêsu (GLGHCG, 1709). Gương Chúa Giêsu là gì? Mỗi ngày trong đời, Ngài tìm kiếm sức mạnh của Chúa Thánh Thần để làm theo ý Chúa Cha. Tất cả những gì Chúa Giêsu nói và làm đều đến từ sự hiệp nhất của Ngài với Thiên Chúa, một sự hiệp nhất mà chỉ có Thánh Thần mới có thể duy trì.
Chúng ta có thể cho phép Thánh Thần điều khiển suy nghĩ và hành động của chúng ta như Chúa Giêsu đã từng làm. Chúng ta gọi đây là “đời sống trong Thánh Thần” vì chúng ta không thể tự mình duy trì một đời sống như vậy. Tất cả chúng ta đều là tội nhân. Tất cả chúng ta đều khao khát Chúa. Tin vui là Chúa mời gọi tất cả chúng ta kinh nghiệm đời sống trong Thánh Thần. Tất cả những gì Ngài yêu cầu là chúng ta hãy cầu nguyện, tuân theo lệnh Ngài và kiểm tra tâm tính của chúng ta trong suốt một ngày. Đổi lại, Ngài hứa sẽ hằng ngày tuôn đổ Thánh Thần xuống trên chúng ta.
Phần quan trọng trong những nỗ lực của chúng ta với đời sống trong Thánh Thần là sự hiểu biết bằng kinh nghiệm rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta, rằng Chúa Giêsu đã cứu chúng ta và Chúa Thánh Thần sống trong chúng ta. Chúa Thánh Thần trong chúng ta muốn đưa chúng ta đến sống mỗi ngày dưới ảnh hưởng của Ngài, và cách duy nhất chúng ta theo Ngài là nếu chúng ta biết tình yêu của Thiên Chúa vượt qua mọi nỗi sợ hãi và lo lắng (Rm 8: 37-39).
Đón nhận Thánh Thần trong cầu nguyện
Cầu nguyện – nói chuyện với Thiên Chúa – là ưu tiên hàng đầu của việc sống trong Thánh Thần. Chúng ta đều biết rằng cần có thời gian và cam kết để xây dựng tình bạn chân chính và lâu dài. Theo cùng một cách, chúng ta càng gần Chúa khi chúng ta dành thời gian để cầu nguyện mở lòng với Ngài và lắng nghe lời Ngài. Càng cam kết cầu nguyện, chúng ta càng hiểu sự sống trong Chúa Cha là gì. Tại sao? Bởi vì cầu nguyện làm cho chúng ta nhạy bén với Chúa Thánh Thần.
Trong các bức thư của mình, Thánh Phaolô khuyến khích các tín hữu hãy cầu nguyện cách liên lỉ (1Tx 5:17; Cl 3:16; Ep 5: 18-20; Pl 4: 4-7). Cầu nguyện liên lỉ không chỉ có nghĩa cầu nguyện mỗi ngày, mà còn là dành một vài khoảnh khắc tại các thời điểm khác nhau trong ngày để hướng lòng về Thiên Chúa. Nhờ cầu nguyện liên lỉ, chúng ta để Chúa Thánh Thần tự do hoạt động trong chúng ta. Chúng ta đến để biết những gì Ngài thích và những gì Ngài không thích. Chúng ta học cách phân biệt giọng Ngài cũng như cách để làm vui lòng Ngài.
Cầu nguyện liên lỉ cũng làm cho chúng ta nhạy bén với lời Chúa và với bí tích Thánh Thể. Cầu nguyện với Thánh Kinh mở tâm trí chúng ta ra với Thiên Chúa và làm cho trái tim chúng ta bùng cháy với tình yêu dành cho Người (Lc 24:32). Tất cả chúng ta đều đã nghe câu nói: “Bạn là những gì bạn ăn”. Về mặt tinh thần, chúng ta càng ăn bánh của Chúa với trái tim cầu nguyện, chúng ta sẽ càng suy nghĩ và hành động như Chúa Giêsu. Cầu nguyện liên lỉ khi ở nhà hoặc trong Thánh Lễ hoặc khi đọc Kinh Thánh hay lái xe đi làm… là bí mật của chúng ta để thân mật với Chúa. Cầu nguyện với trái tim thanh sạch, là cách tốt nhất chúng ta có thể học để được hướng dẫn bởi Thánh Thần.
Thánh Thần làm dịu trái tim chúng ta
Khi chúng ta học cách cầu nguyện liên lỉ, chúng ta sẽ bắt đầu khám phá những thay đổi trong khuynh hướng nội tâm của mình. Chúng ta sẽ trở nên kiên nhẫn hơn. Thánh Thần có thể chỉ cho chúng ta những vùng tội lỗi và dẫn dắt chúng ta xưng tội với Chúa và ăn năn sám hối. Có lẽ chúng ta sẽ trở nên ít lo lắng hơn hoặc ít bị giận dữ và oán giận hơn. Tất cả những điều này xảy ra bởi vì Chúa Thánh Thần đang lấp đầy chúng ta với ân sủng của Thiên Chúa và sưởi ấm trái tim chúng ta bằng tình yêu của Người. Một sự đổ đầy như vậy thúc đẩy chúng ta yêu Chúa trở lại và vâng lời Ngài. Điều đó cho chúng ta một sự tự tin lớn hơn mà chúng ta có thể chia sẻ trong đời sống của Ngài.
Một phần thiết yếu khác của việc sống trong Thánh Thần là cho phép những suy nghĩ, quyết định và cảm xúc của chúng ta tuôn trào từ trải nghiệm của chúng ta về Thiên Chúa. Như Thánh Phaolô đã mô tả sự sống trong Thánh Thần, Thánh nhân đã đối chiếu nó với đời sống “trong xác thịt”, một đời sống đến từ sự ham muốn tội lỗi nằm trong bản chất sa ngã của chúng ta (Rm 8: 8). Thánh Phaolô viết, “Những ai sống theo tính xác thịt, thì hướng về những gì thuộc tính xác thịt; còn những ai sống theo Thần Khí, thì hướng về những gì thuộc Thần Khí” (Rm 8: 5). Trong một bức thư khác, Thánh Phaolô phân biệt hoa trái của Thánh thần – bác ái, hoan lạc, bình an với những hoạt động của xác thịt – đố kị, ganh đua, ham muốn và ích kỷ (Gl 5: 19-23). Thánh Phaolô gọi sự sống trong xác thịt là sự phản nghịch Thiên Chúa, và sự sống trong Thánh Thần là sự cởi mở và vâng phục Chúa Thánh Thần (Rm 8: 6-7).
Thánh Phaolô đã dạy một bài học đơn giản: Thái độ ứng xử bên ngoài cho thấy tâm tính bên trong. Khi chúng ta học cách lắng nghe Chúa Thánh Thần, chúng ta sẽ thấy mình hành động hòa hợp với Ngài trong suốt ngày dài. Một số điều này sẽ xảy ra một cách tự nhiên khi trái tim của chúng ta được Thánh Thần làm dịu. Tuy nhiên, phần lớn sự thay đổi này xảy ra khi chúng ta đưa ra quyết định trong suốt cả ngày để tuân theo các mệnh lệnh của Chúa và nghe theo sự thúc giục của Thánh Thần.
Đây là lý do tại sao điều quan trọng là chúng ta vẫn gần với Chúa và thường xuyên khẩn cầu Thánh Thần suốt ngày dài. Chúng ta càng cho đi nhiều cơ hội để Chúa uốn nắn và định hình chúng ta theo hình ảnh của Ngài, thì chúng ta càng phản ánh tình yêu và sức mạnh của Ngài với những người xung quanh chúng ta.
Lớn lên trong sự biện phân
Chúng ta đều biết rằng chúng ta không hoàn hảo. Tất cả chúng ta đều phạm tội. Có lẽ cách tốt nhất để chúng ta tìm hiểu liệu chúng ta có hành động theo Thánh Thần hay không là bằng cách kiểm tra trái tim và hành động của chúng ta. Trong hoàn cảnh khắc nghiệt, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra trạng thái của mình. Chúng ta có thể ở trong một tâm trạng nhơ nhuốc cả ngày hoặc thấy mình bị cuốn vào dục vọng hoặc đố kị. Có lẽ chúng ta chỉ trích một người bạn hoặc người bạn đời thông qua tin đồn. Đây là những dấu hiệu chắc chắn rằng chúng ta đang xa cách Chúa và cần phải quay lại với Ngài.
Tương tự như vậy, có những lúc chúng ta có thể dễ dàng nói rằng chúng ta ở trong Thánh Thần. Có lẽ, sau khi lãnh nhận Bí tích Thánh Thể, chúng ta tràn đầy tình yêu. Chúng ta có thể khát khao phục vụ Thiên Chúa qua các công việc mục vụ giáo xứ. Có lẽ chúng ta cảm thấy lòng trắc ẩn sâu sắc đối với người nghèo hoặc người bệnh, hoặc chúng ta thấy dễ dàng tha thứ cho những người đã làm tổn thương chúng ta.
Tuy nhiên, chúng ta cũng quen thuộc với vô số suy nghĩ, hành động và cung cách ứng xử nằm đâu đó ở giữa hai thái cực này. Trong những trường hợp như thế, có thể rất khó để xác định liệu chúng có thuộc về Thánh Thần hay không. Những “khu vực màu xám” đòi hỏi tài biện phân – một món quà của Thánh Thần để giúp chúng ta nhận thức rõ hơn những gì đang thúc đẩy chúng ta. Sự biện phân là một món quà tuyệt vời mà chúng ta có thể phát triển khi chúng ta thực hành theo Thánh Thần mỗi ngày.
Thánh Thần nói: “hãy đến!”
Bất kể chúng ta là ai – giàu hay nghèo, trí thức hay bình dân, Thiên Chúa mời bạn sống gần với trái tim của Ngài. Đây là một đặc ân xuất hiện khi chúng ta dâng sự sống của mình cho Thánh Thần. Sống trong Thánh Thần đòi hỏi chúng ta phải cho phép sự định đoạt bên trong của mình được hình thành bởi Thánh Thần để chúng ta đến để phản ánh tình yêu và lòng trắc ẩn của Cha trên trời.
Năm cách thiết thực để hướng về Thánh Thần
- Mỗi sáng thức dậy, hãy cầu nguyện để được “tràn đầy” sự tươi mới từ Chúa Thánh Thần, và được nhạy bén với sự hiện diện của Ngài, cùng với sức mạnh từ Ngài..
- Dành thời gian để nhớ lại và viết ra những khoảnh khắc trong đời sống của bạn khi bạn trải nghiệm Thánh Thần an ủi hoặc dạy bạn.
- Chia sẻ niềm tin của bạn với người khác. Hãy xin Thánh Thần ban cho sự khôn ngoan, can đảm và tình yêu.
- “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em” (Lc 6:20). Hãy để Thánh Thần – Cha của người nghèo – ban cho bạn một tình yêu sâu sắc và rộng lượng, để bạn có thể giúp đỡ những người đang cần trợ giúp.
- Cầu nguyện cho sự hiệp nhất giữa các tín hữu, bởi vì Thánh Thần ban những ơn lành và đặc sủng cho toàn bộ thân thể Chúa Kitô.
Chuyển ngữ: Giới trẻ thừa sai Chúa Cứu Thế Miền Nam