Sống bất an vì nhà không số, phố không tên

Đó là cảnh mà chục năm nay, 120 hộ dân tại Q.Thủ Đức phải khốn đốn vì sống trong những ngôi nhà không có địa chỉ cụ thể.

“Dở khóc, dở cười” vì nhà không số

Ảnh 1Các hộ dân tại tổ 9 và 10 của khu phố 2 (P.Trường Thọ, Q.Thủ Đức, TP. HCM) đều lắc đầu ngao ngán vì cảnh sống ở nơi nhà không số, phố không tên. Cuộc sống của họ trở nên vất vả hơn khi những hoạt động thường ngày liên tục bị đảo lộn chỉ vì “cái địa chỉ”. “Không số nhà thì khác nào đi sống chui vô gia cư đâu chứ”, một người dân chia sẻ.

Tại tổ 9 và 10 (khu phố 2) có khoảng trên 200 hộ dân, nhưng có tới 120 hộ dân hàng chục năm nay không có số nhà, không giấy tờ nhà, không sổ hộ khẩu, thậm chí một số hộ vẫn chưa có được nguồn nước sạch. Chính vì vậy, những câu chuyện “dở khóc, dở cười” cũng xuất hiện một cách nhiều hơn.

Hộ ông Nguyễn Văn Hiền (tổ 9, KP. 2) sống ở đây hơn 15 năm nhưng đến nay vẫn không có hộ khẩu, không có số nhà, phải dùng nước giếng không đảm bảo vệ sinh để sinh hoạt, ảnh hưởng to lớn đến sức khỏe của gia đình ông.

“Dù sống giữa thành phố nhưng điều kiện sinh hoạt hết sức khó khăn, nước máy thì không có, đi mua nước sạch thì giá trên trời, không sao chi trả nổi. Nhiều lúc nhà có tiệc tùng, liên hoan đều nơm nớp lo sợ. Riêng việc chỉ đường để bạn bè tới là cả một vấn đề chứ chưa nói gì đến những khó khăn mà “nhà không số” gây ra. Mọi việc đổi gas, mua nước, thức ăn nhanh đều phải đến tận cửa hàng vì nhà không địa chỉ thì sao nhân viên biết mà giao hàng”, ông Hiền lắc đầu ngán ngẩm.

Mặc dù có một số nhà ở gần mặt tiền nhưng mỗi khi lắp đặt internet, gọi nước uống hay muốn lắp đặt truyền hình cáp đều rất khó khăn. “Không có hộ khẩu KT3, không số nhà thì làm sao ai dám lắp đặt. Còn số nhà không có, sao gọi nước uống, nên phải tự đi tận nơi lấy nước sạch về uống. Nói về nước, từ khi tôi chuyển về đây phải dùng nước giếng chứ chưa được có nước máy”, những hàng xóm của ông Hiền cho biết.

Sống trong cảnh “ba không” khiến cuộc sống của người dân nơi đây hết sức khó khăn. Hàng ngày họ phải bươn chải cho cuộc sống mưu sinh, gánh nặng “cơm, áo, gạo, tiền” nay lại càng đè nặng lên đôi vai của họ vì những ngôi nhà không số, phố không tên.

Chuyện sinh hoạt đã gặp nhiều cảnh cười ra nước mắt, còn chuyện học hành của con cái của 120 hộ dân ở tổ 9 và 10 (KP. 2) cũng bị “hành” đến “lên bờ xuống ruộng” vì những vướng mắc hộ khẩu, nơi thường trú không có. Theo các hộ dân, để con cái họ được đi học ở đây họ phải nhờ người thân đăng kí hộ khẩu hộ ở nơi khác có đủ giấy tờ.

Một người dân chia sẻ: “Do không có số nhà nên không thể nhập khẩu cũng khiến 9 người con của tôi từ sau năm 1976 đến nay gặp nhiều khó khăn trong việc đi học và mưu sinh”.

Mệt mỏi chờ đợi chính quyền

Đã hơn 10 năm, cuộc sống khốn khổ của người dân vẫn chưa tìm được lối thoát bởi những vướng mắc trong việc giải quyết pháp lý, đất đai khiến sổ hổ khẩu, giấy tờ nhà đất vẫn chưa được chính quyền cấp.

Người dân cho biết, UBND phường Trường Thọ đã họp bàn với 120 hộ ở tổ 9 và 10 của khu phố 2 để giải quyết cấp số nhà, sau đó mới được cấp nước máy từ Công ty cổ phần cấp nước Thủ Đức. Thế nhưng đến nay mới chỉ có 65 trường hợp được cấp nước sạch từ nhà máy, còn việc cấp số nhà vẫn chưa hộ nào có.

Mòn mỏi chờ đợi là những gì người dân tại đây có thể làm lúc này. Chạy ngược rồi lại chạy xuôi, dù làm đủ mọi cách nhưng đến nay “giấy tờ nhà” vẫn là một giấc mơ xa vời với người dân.

Ông Lý Minh Hải (tổ trưởng tổ 9) cho hay, sau năm 1975 đến nay chỉ có 10 hộ có số nhà nhưng là số cũ đã tháo bỏ, để chờ thay số mới nhưng vẫn chưa có. “Như vậy hiện cả tổ 9 vẫn chưa có số nhà và vẫn đang phải chờ đợi. Tôi cũng kiến nghị nhiều lần nhưng chưa đâu đến đâu vì còn những vướng mắc”, ông Hải nói.

Ảnh 2Cũng theo ông Hải, đã gần 30 năm qua kể từ ngày ông được cấp phép xây dựng nhưng vẫn… chờ khi ông vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận nhà đất.

Bà Phạm Thị Kim Lan (49 tuổi ở tổ 10) khó hiểu khi gia đình mình là một trong những hộ có đầy đủ giấy tờ nhà từ sau năm 1975 nhưng vẫn chưa được cấp số nhà. Bà Lan phân trần: “Gia đình tôi đã có những giấy biên nhận đất từ chính quyền địa phương sau 1975, nhưng vẫn chưa được cấp lại số nhà mới. Nếu tôi lắp số nhà lên thì cũng không biết ghi sao, đồng thời cũng khiến cho tổ 9 và 10 rối loạn vì cả 119 hộ dân không có còn 1 hộ thì có. Chỉ mong chính quyền nhanh giải quyết để chúng tôi ổn định cuộc sống, lo mà làm ăn”.

Đối với 120 hộ dân lúc này, việc giải quyết giấy tờ nhà đất đã trở thành yêu cầu cấp thiết. Những việc làm tích cực của chính quyền trong việc giải quyết mọi thắc mắc, khó khăn cũng như giúp người dân ổn định cuộc sống của chính mình là niềm mơ ước của tất cả mọi người. Chớ gì đó đừng mãi chỉ là ước mơ…

 Châu Việt Vương

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết