
Các tín hữu cầu nguyện trong Thánh lễ kính Thánh Cajetan, Quan Thầy của người lao động và thợ làm bánh mì, vào ngày 7 tháng 8 năm 2018, bên ngoài Nhà thờ Thánh Cayetano ở Buenos Aires, Argentina (Ảnh: CNS / Marcos Brindicci, Reuters)
Một cuộc khảo sát quốc gia gần đây báo cáo rằng số lượng các tín hữu Công giáo ở Argentina đang có chiều hướng suy giảm trong khi tỷ lệ những người không theo tôn giáo đang tăng lên, nhưng các nhà phân tích cho rằng tỷ lệ người tin vào Thiên Chúa vẫn ở mức cao – 82% – là một dấu hiệu cho thấy Giáo hội vẫn còn cơ hội để ngăn chặn những tổn thất thêm nữa tại quốc gia Nam Mỹ này.
Nghiên cứu thứ hai được thực hiện bởi Hội đồng nghiên cứu khoa học và kỹ thuật quốc gia Argentina (Conicet, bằng tiếng Tây Ban Nha) liên quan đến các tín ngưỡng và thái độ tôn giáo, đã được công bố vào tháng 11 năm 2019, và lần đầu tiên cho phép so sánh với dữ liệu lịch sử về các chủ đề đó. Trước khi cuộc khảo sát đầu tiên kết thúc vào năm 2008, không có thông tin nhân khẩu học đáng tin cậy về tôn giáo. Điều tra dân số chính thức của Argentina đã ngừng đưa ra các câu hỏi về nó vào năm 1960.
Trong số các chỉ số được trình bày trong cuộc khảo sát, sự sụt giảm đáng kể về số lượng người Công giáo ở Argentina đã khẳng định xu hướng chung của Mỹ Latinh: Giữa năm 2008 và 2019, tỷ lệ người Công giáo ở Argentina đã giảm từ 77% xuống còn 63%. Năm 2014, một cuộc khảo sát từ Trung tâm nghiên cứu Pew đã báo cáo rằng 69% công chúng Mỹ Latinh được xác định là người Công giáo; trong những năm 1960, ít nhất 90% của lục địa công giáo tuyên xưng đức tin Công giáo.
Juan Cruz Esquivel là một Giáo sư tại Đại học Buenos Aires và là nhà nghiên cứu của Conicet. Ông là một thành viên của nhóm thực hiện nghiên cứu. “Cuộc điều tra dân số năm 1960 cho thấy rằng các tín hữu Công giáo chiếm 90% dân số ở Argentina”, ông Esquivel nói, đồng thời ghi nhận con số giảm gần 14 điểm phần trăm vào năm 2008, “trong một khoảng thời gian 48 năm”, và trải qua một sự sụt giảm 14 điểm nữa vào năm 2019, lần này trong khoảng thời gian chỉ 11 năm.
Sự sụt giảm số lượng các tín hữu Công giáo ở Argentina có thể được quy cho sự gia tăng của các Giáo hội Tin lành. Các tín hữu Tin lành đã tăng từ 9% dân số vào năm 2008 lên 15% vào năm 2019. Họ đã giành được chỗ đứng đặc biệt trong giới trẻ và những người nghèo. Tỷ lệ cao nhất các tín hữu Tin lành là trong số những người có độ tuổi từ 18 đến 29 tuổi (20%) và trong số những người không được học hành chính thức (26%).
Emilce Cuda, Giáo sư tại Đại học Giáo hoàng của Công giáo ở Buenos Aires và là chuyên viên cố vấn của Hội đồng Giám mục Mỹ Latinh, tin rằng các nhà lãnh đạo Giáo hội Tin lành đã tìm thấy một thông điệp mạnh mẽ để chia sẻ trong thời gian Argentina gặp rắc rối về kinh tế, thông qua sự nhấn mạnh của họ về cái gọi là “prosperity gospel” (phúc âm thịnh vượng). “Tình hình chính trị xã hội ở Argentina đã trở nên xấu đi đáng kể trong bốn năm qua [trong suốt thời gian cầm quyền của Tổng thống Mauricio Macri]”, bà Emilce Cuda nói, và “người nghèo đã phải trả giá”.
Họ đã thiết lập cách tiếp cận cơ sở tại các khu ổ chuột của Argentina, bà Cuda nói, thúc đẩy “một hệ tư tưởng xã hội toàn bộ biện minh cho ý tưởng về sự giàu có như một phẩm hạnh”, không có sự phân tích xã hội mang tính phê bình, và nhấn mạnh mối liên hệ giữa sự thành công và bằng chứng về ân sủng của Thiên Chúa.
Đối với bà Cuda, Giáo hội Công giáo gặp bất lợi trong phương thức tiếp cận người nghèo này, bắt buộc phải nỗ lực đấu tranh chống lại dòng tư tưởng của chủ nghĩa cá nhân cực đoan đang trở nên phổ biến tại Argentina đương đại. “Giáo hội Công giáo đã tồn tại suốt 2.000 năm qua và nhận thức được rằng các vấn đề xã hội không được giải quyết bằng cách cầu nguyện, nhưng là với những sự thay đổi về mặt cấu trúc” bà Cuda nói.
Nhưng sự phát triển của các Giáo hội Tin lành và các giáo phái Tin lành khác trong các phân khúc của những người Công giáo có thu nhập thấp chỉ là một phần của những thay đổi về mặt nhân khẩu học ở Argentina. Nghiên cứu của Conicet cũng đã theo dõi sự tăng trưởng đáng kể về mặt số lượng của những người không theo tôn giáo nào, mà người Mỹ thường mô tả là “không tôn giáo”. Phân khúc dân số này tăng từ 11% vào năm 2008 lên 19% vào năm 2019.
Linh mục Gustavo Morello, S.J., một nhà xã hội học tại Đại học Boston, đặt sự gia tăng các mối liên hệ không mặn mà với tôn giáo vào một cuộc khủng hoảng rộng lớn hơn của việc đánh mất niềm tin vào các tổ chức truyền thống trong xã hội, bao gồm cả các đảng chính trị. “Tôn giáo không bị cô lập”, Linh mục Gustavo Morello nói. “Một số tổ chức xã hội được sử dụng để xác định căn cước của người ta, nhưng điều này giờ đây hiện đang thay đổi”.
Ông Esquivel cho biết rằng sự suy yếu vai trò xã hội của các tổ chức mang tính lịch sử như Giáo hội Công giáo đang đặc biệt trở nên rõ ràng trong giới trẻ. Tỷ lệ những người không theo bất kỳ tôn giáo nào hiện nay đã lên tới 25% những người có độ tuổi từ 18 đến 29 ở Argentina.
Giới trẻ đương đại trên toàn thế giới đang ở vào thời đại của một môi trường tăng tốc nguyên tử hóa, theo ông Esquivel. Họ hình thành “các mối liên hệ phân mảnh và đa dạng” trên nhiều nguồn, “bao gồm cả mạng xã hội”, ông Esquivel nói, đồng thời cũng cho biết thêm rằng “Giáo hội Công giáo là một tổ chức truyền thống và quan liêu, và Giáo hội gặp khó khăn với những người trẻ tuổi”.
Nhưng, một cách nghiêm ngặt, không thể giải thích xu hướng gia tăng con số những người không theo tôn giáo nào như là một sự đầu hàng đối với trào lưu tục hóa, Cha Morello nói. “Thực tế, khi những người đó tuyên bố họ không theo tôn giáo nào, thì không có nghĩa là họ không có đức tin”, ông Esquivel nói.
Thật vậy, trong số những người tưn nhận không theo tôn giáo nào, 72% nói rằng họ tin vào “một năng lượng” siêu việt mơ hồ; 34% tin vào cuộc sống sau khi chết; 30% tin vào Chúa Giêsu Kitô; và 29% cho biết họ tin vào Thiên Chúa.
“Nói chung, ở Châu Mỹ Latinh, 90% người dân tin vào Thiên Chúa, mặc dù Giáo hội Công giáo đang suy giảm ở một số quốc gia”, Cha Morello nói. “Vì vậy, đây không phải là chuyện tục hóa, mà là sự chuyển đổi tôn giáo”.
Những thay đổi xã hội tiệm tiến, liên quan đến cấu hình của các gia đình, vai trò xã hội của phụ nữ và sự đa dạng giới tính, cũng có tác động mạnh mẽ đến tín ngưỡng.
Cha Morello lập luận rằng các tổ chức tôn giáo ở Argentina vẫn chủ yếu chạy theo lý tưởng về các gia đình kiểu truyền thống. “Nhưng giờ đây, mô hình này chỉ bao gồm một phần nhỏ số lượng các gia đình so với cách đây nhiều thập kỷ”, linh mục Morello nói.
Cha Morello lưu ý, ví dụ, hơn 30% hộ gia đình Argentina hiện đang do phụ nữ làm chủ. Nhưng “chúng tôi không có các chiến lược để đồng hành cùng với các bà mẹ đơn thân”, Cha Morello nói.
Các vấn đề của phụ nữ có thể là yếu tố quan trọng giúp hiểu được cuộc khủng hoảng của Giáo hội. Khi quan điểm nữ quyền và sự phê bình về địa vị xã hội của phụ nữ tập hợp sức mạnh ở Argentina, thì đối với nhiều người, Công giáo đã xuất hiện như một thể chế lỗi thời, phân biệt giới tính.
“Ở một mức độ lớn hơn, Giáo hội không biết nói gì về các chủ đề như vai trò xã hội mới của phụ nữ và sự đa dạng về giới”, Cha Morello nói. “Tôi không đánh giá những hiện tượng đó là tốt hay xấu; Tôi chỉ nói rằng chúng ta không biết cách đối phó với những vấn đề như vậy”.
Thật vậy, một cuộc đối thoại khó khăn giữa Giáo hội và một số thành phần của xã hội Argentina đương đại dường như đang thúc đẩy sự mất thiện cảm của nhiều người Công giáo. Eduardo Rodríguez là một giáo viên triết học và là cha của ba đứa trẻ. Trong 30 năm, ông Rodríguez là một thành viên tích cực của các nhóm mục vụ khác nhau tại giáo xứ của ông và tại ngôi trường Công giáo nơi con cái ông theo học.
“Nhưng rồi tôi đã ly dị vợ”, ông Rodríguez nói. “Bỗng dưng tôi trở thành người bị đánh giá và phê bình. Tôi thấy mình cô đơn”, ông Rodríguez phát biểu.
Kinh nghiệm đã khiến ông nhìn Giáo hội một cách phê phán nhiều hơn. “Giờ đây tôi coi mình là một người tâm linh, nhưng tôi tuyên bố mình là người theo thuyết bất khả tri. Giáo hội không biết cách giải quyết các nhu cầu xã hội mới”, và tiếp tục giữ một cơ cấu phẩm trật không linh hoạt, “vốn rất khó duy trì hiện nay”, ông nói.
Tại một quốc gia theo chủ nghĩa tự do truyền thống, bà Cuda cho biết, nơi mà một sự tách biệt rõ ràng giữa Giáo hội và nhà nước được ủng hộ, nhiều người đã cho rằng sự can thiệp của các giáo sĩ Công giáo – bao gồm cả vị Giáo hoàng sinh ra ở Argentina – trong cuộc tranh luận về luật phá thai năm 2018, là không phù hợp. Năm đó, một chiến dịch đại diện cho nhiều bộ phận của xã hội Argentina đã thống nhất ủng hộ cái gọi là quyền phá thai (hiện chỉ được phép trong các trường hợp hãm hiếp hoặc nếu như sự sống của người mẹ gặp nguy hiểm) đã chấm dứt trong sự thất bại tại Thượng viện. Truyền thông cho rằng Đức Giáo hoàng Phanxiô đã ảnh hưởng đến quá trình này. Vào ngày 1 tháng 3, ông Fernández cho biết rằng ông dự định sẽ đưa một dự luật mới ra trước Quốc hội Argentina để hợp pháp hóa việc phá thai.
Sự kiện Giáo hoàng đương kim là một người con bản địa đã không làm gia tăng đáng kể số lượng thành viên Giáo hội ở Argentina, theo khảo sát của Conicet. “Có một sự thờ ơ nói chung của người dân Argentina liên quan đến quốc tịch của Đức Giáo hoàng đương nhiệm”, ông Esquivel nói.
Theo Cha Morello, người đã thực hiện các nghiên cứu trong quá khứ về ấn tượng của người dân Argentina đối với Đức Giáo hoàng Phanxicô, người dân Argentina nói chung tán thành sự chỉ trích của Ngài đối với trật tự kinh tế toàn cầu và việc bảo vệ người nghèo, nhưng phản đối mạnh mẽ bất kỳ sự can thiệp nào vào lĩnh vực chính trị tại Argentina. Theo báo cáo của Conicet, chỉ có 8% người dân Argentina cho biết rằng lòng mộ đạo của họ gia tăng kể từ khi Đức Phanxicô trở thành Giáo hoàng; 82% cho biết việc Đức Phanxicô trở thành Giáo hoàng đã không tạo ra sự khác biệt nào.
Những nhận thức mâu thuẫn đó có thể là nguyên nhân gốc rễ của những kết quả kỳ dị ở Argentina, như sự hiện diện đông đảo của những người phụ nữ đeo những chiếc khăn quàng cổ màu xanh lá cây – biểu tượng dễ nhận thấy nhất của chiến dịch ủng hộ nữ quyền, ủng hộ việc phá thai năm 2018 – trong một Thánh lễ được tổ chức tại Luján, gần Buenos Aires, hai ngày trước cuộc chuyển giao quyền lực từ ông Macri sang tân Tổng thống Alberto Fernández.
“Đây là một tín hiệu cho thấy việc ủng hộ phá thai hoặc hôn nhân đồng giới không nhất thiết đại diện cho một sự bất hòa đối với Giáo hội”, bà Cuda nói.
Sự suy giảm của Giáo hội Công giáo ở Argentina không nên được xem xét trong “những giới hạn hành chính”, bà Cuda lập luận. “Chúng tôi, những người Công giáo bảo vệ phẩm giá con người và những thay đổi về cấu trúc, có thể bảo đảm điều đó. Ngày nay, nhiều người Công giáo nắm giữ những vị trí quan trọng trong xã hội và chia sẻ những giá trị như vậy”.
“Các công đoàn lao động của Argentina tiếp tục mang đậm bản sắc Công giáo. Đây là những dấu hiệu cho thấy sự hiện diện thiết yếu của Giáo hội trong xã hội”, bà Cuda nói.
Trong số các kết quả khác được báo cáo ghi nhận: 46% hiện nay cho biết rằng giáo dục tôn giáo không nên được giảng dạy trong các trường công, so với con số 27% vào năm 2008. Trên thực tế, người dân Argentina ngày càng ít ủng hộ sự tài trợ toàn bộ của nhà nước đối với các tổ chức tôn giáo. Năm 2008, 51% cho rằng nhà nước Argentina nên tài trợ cho tất cả các giáo phái tôn giáo, nhưng đến năm 2019, mức độ ủng hộ đó giảm xuống chỉ còn 28%.
Minh Tuệ (theo America)