Đức Tổng Giám mục Lubango tại Angola và Chủ tịch SECAM, Đức Cha Gabriel Mbilingi, cho biết rằng Hội nghị chuyên đề của các Hội đồng Giám mục Châu Phi và Madagascar (SECAM) chính là một phương tiện thiết yếu đối với các Giám mục châu Phi trong việc nuôi dưỡng tinh thần hợp tác, liên đới và tình huynh đệ giữa họ với nhau cũng như với các Giám mục khác trong Giáo hội hoàn vũ.
Chân Phước Giáo Hoàng Phaolô VI đã khởi xướng SECAM
Phát biểu bên lề cuộc họp chung vừa mới bế mạc của các Giám mục châu Phi và các Giám mục Đức, Đức Tổng Giám mục Mbilingi đã mô tả cuộc gặp gỡ ở Antananarivo là một cuộc gặp gỡ đầy hoa trái và đồng thời là một cuộc gặp gỡ vốn nhằm củng cố sứ mạng chung của Giáo hội trong việc phục vụ sự phát triển con người toàn diện.
Đức Tổng Giám mục Mbilinyi giải thích rằng SECAM là một tổ chức Giáo hội quy tụ tất cả các Giám mục của Châu Phi tại Hội nghị Giám mục lần thứ 37 của lục địa này.
SECAM được nảy sinh từ ý muốn của các Giám mục trẻ châu Phi tại Công đồng Vatican II từ năm 1962 đến năm 1965. Giám mục châu Phi muốn có chung một tiếng nói. Do đó, việc thành lập SECAM là một mong muốn của các Giám mục để xây dựng một cấu trúc lục địa vốn có thể đưa ra một cách thức để châu Phi trở thành Giáo hội trong bối cảnh của Giáo hội hoàn vũ.
SECAM đã chính thức được khởi xướng, tại Uganda, bởi Chân Phước Giáo Hoàng Phaolô VI nhân chuyến viếng thăm đầu tiên của Ngài đến Châu Phi.
Giáo hội tại Châu Phi như một gia đình của Thiên Chúa
“Tầm nhìn của SECAM đối với Giáo Hội ở Châu Phi đó là hướng về một ‘Gia Đình của Thiên Chúa’”, Đức Tổng Giám mục Mbilingi nói.
Đức Tổng Giám Mục Mbilingi nhấn mạnh rằng trong suốt Thượng Hội Đồng Thứ Hai về Châu Phi, năm 2009, nguyên Giáo Hoàng Benedict XVI đã rất mong muốn về đặc tính này của Giáo Hội Châu Phi, như là một gia đình của Thiên Chúa, để thực hiện sứ mạng: Trở thành một Giáo Hội phục vụ tinh thần hòa giải, công lý và hòa bình .
Vị giám chức người Angola cũng nói về châu Phi như là một lục địa của hy vọng, bởi vì nó chủ yếu bao gồm dân số trẻ. Những người trẻ tuổi trong Giáo Hội Châu Phi chính là hy vọng cho Giáo Hội và toàn thể nhân loại. Theo Đức Tổng Giám mục Mbilingi, niềm hy vọng này đã được nguyên Giáo Hoàng Benedict XVI nêu rõ khi Ngài gọi châu Phi như là “một lá phổi tinh thần to lớn” cho toàn thể nhân loại.
Minh Tuệ chuyển ngữ