Đức Hồng y Tổng Giám mục Vienna giới thiệu Tông huấn “Amoris Laetitia” tại Vatican: Đây là môt bản văn Tô-mít, sáng tạo, tiếp nối giáo huấn của Đức Gioan Phaolô II và đặt người nghèo vào vị trí trung tâm.
Tông huấn “Amoris Laetitia” của Đức Phanxicô đã vượt xa sự chia cắt giả tạo, hời hợt và rạch ròi giữa “hợp luật” với “không hợp luật”, và đặt tất cả dưới nhãn quan chung của Tin Mừng – Đức Hồng y Christoph Schönborn, Tổng Giám mục Vienna, đã nói như vậy khi giới thiệu Tông huấn tại Vatican. Ngài nhấn mạnh rằng so với “Familiaris Consortio” của Đức Gioan Phaolô II, Tông huấn này có sự đổi mới và sự tiếp nối, và xác định rằng “kinh nghiệm của người nghèo” chính là yếu tố quan trọng, chìa khóa, để giải thích bản văn này. Bởi lẽ trong các gia đình nghèo, chúng ta đang trải nghiệm rằng “những bước nhỏ trên con đường đức hạnh có thể còn lớn lao hơn những thành quả đạo đức của những con người sống trong một hoàn cảnh thoải mái”.
“Xin cho phép tôi kể một kinh nghiệm của Thượng Hội đồng hồi tháng Mười vừa qua – lời của Đức Hồng y Schönborn, một trong những khuôn mặt nổi bật trong hai Thượng Hội đồng ngoại thường và thông thường về gia đình, diễn ra tại Vatican năm 2014 và năm 2015. Theo chỗ tôi biết, 2 trong số 13 “circuli minores” (các nhóm nhỏ làm việc chia theo ngôn ngữ – TG) đã bắt đầu công việc của họ bằng cách mỗi thành viên kể về hoàn cảnh gia đình riêng của mình. Thật nhanh chóng, người ta nhận ra rằng hầu như tất cả các giám mục cũng như những thành viên khác của circulus minor đều phải đối diện, ngay trong gia đình mình, với những chủ đề, những mối bận tâm, những trường hợp “không hợp luật” mà chúng tôi thảo luận trong Thượng Hội đồng theo một cách lối “khá trừu tượng”. Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi chúng tôi nói về các gia đình của chúng ta “như chúng đang là”.
“Trong các cuộc thảo luận của Giáo hội về hôn nhân và gia đình – Đức Hồng y Schönborn nói, thường có xu hướng – có lẽ là từ tiềm thức – dẫn dắt các cuộc thảo luận về hai thực tại của cuộc sống, đi vào một lộ trình 2 mặt. Một bên là những cuộc hôn nhân và những gia đình được coi là “không có vấn đề”, hợp luật, nơi đó tất cả đều “xuôi thuận” và “có trật tự”; rồi bên kia là những tình cảnh “không hợp luật”, gây vấn đề. Chính hạn từ “không hợp luật” cho thấy sự phân biệt như thế là có thể. Vì thế, những người ở bên “không hợp luật” phải sống chung với thực tế rằng những người “hợp luật” thì thuộc về phía bên kia. Tôi hiểu khó khăn thế nào đối với những người đến từ các gia đình “rổ rá cạp lại”, vì gia đình tôi đã phải đối mặt với tình trạng tương tự” – Đức Hồng y nói (như mọi người đều biết, cha mẹ ngài đã ly dị). “Ở đây, diễn ngôn của Hội thánh có thể gây tổn thương, tạo cảm giác loại trừ”. “Đối với tôi – Đức Hồng y nói thêm – “Amoris Laetitia” trước hết và trên hết là môt “sự kiện ngôn ngữ”, giống như Evangelii Gaudium trước đây. Có một sự thay đổi trong ngôn ngữ của Hội thánh.” Các hạn từ chìa khóa của Tông huấn, “phân định và đồng hành”, không chỉ áp dụng cho “cái gọi là những tình huống không hợp luật” (Đức Thánh Cha nhấn mạnh “cái gọi là” này!) – Đức Hồng y Tổng Giám mục Vienna khẳng định – mà còn cho mọi người, cho mọi cuộc hôn nhân, cho mọi gia đình. Trong thưc tế, tất cả đều đang bước đi trong hành trình, tất cả đều cần sự “phân định” và sự “đồng hành”. “Vì thế, điều làm cho tôi thấy rất vui – Đức Hồng y nói – là Tông huấn đã vượt quá được sự chia cắt giả tạo, hời hợt và rạch ròi giữa “hợp luật” với “không hợp luật”, và đặt tất cả dưới nhãn quan chung của Tin Mừng, như lời Thánh Phaolô: “Thiên Chúa đã giam hãm mọi người trong tội không vâng phục, để thương xót mọi người”.
Trong buổi họp báo, có sự tham dự của Tổng Thư ký của Thượng Hội đồng, Đức Hồng y Lorenzo Baldisseri và cặp vợ chồng Franco Miano và Giuseppina De Simone, Đức Hồng y Schönborn đã trả lời một số phản đối có thể được nêu lên đối với Tông huấn: “Nguyên tắc “bao gồm” tất nhiên có thể gây quan ngại cho một số người. Đó phải chăng là một lối nói ủng hộ chủ nghĩa tương đối? Liệu sự liên tục nhấn mạnh khái niệm lòng thương xót có dẫn đến một kiểu dung túng chủ nghĩa? Há không còn sự rõ ràng liên quan đến các giới hạn mà người ta không được vượt quá, các tình cảnh khách quan là không hợp luật, là tội lỗi? Tông huấn này không phải là một dạng ủng hộ chủ nghĩa buông thả dễ dãi, hay một thứ thái độ “thế nào cũng được” sao? Lòng thương xót của Chúa Giêsu, trái lại, thường không phải là một lòng thương xót nghiêmm túc và đòi hỏi sao?
Đức Hồng y Schönborn nhấn mạnh rằng chương 4 và chương 5 nói về tình yêu gia đình, chính là các chương “trung tâm”, trong khi chương 8, vốn chứa đựng chủ đề gây tranh luận là việc rước lễ của những anh chị em ly dị tái hôn, khi đề cập đến các “vết thương đau” của “sự đổ vỡ tình yêu”, sẽ trở thành, đối với nhiều người, một bài “test” xem Hội thánh có thực sự là nơi chỗ người ta có thể trải nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa hay không”. Về các chủ đề tranh luận như việc cho những người ly dị tái hôn rước lễ, nếu người ta chờ đợi một điều luật, thì chắc chắn người ta sẽ phải thất vọng. Trong cuộc họp báo, một số người đã hỏi về ghi chú 351, trong đó Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “Thánh Thể không phải là một phần thưởng cho sự hoàn hảo, nhưng là quyền năng chữa lành và bổ dưỡng cho những người yếu đuối”. Đức Hồng y trả lời bằng cách nói: “Tôi ngạc nhiên là có người đã đọc chú thích này! Nhưng Đức Giáo hoàng Phanxicô muốn trình bày một bức tranh tổng thể, không tập trung vào điểm duy nhất đó bất luận tiêu chí tổng quát và sự phân định chung … làm như thể nó từ trời rơi xuống mà không cần bất kỳ kết nối nào với thực tế”.
Liên quan đến Tông huấn của Đức Gioan Phaolô II về gia đình – “Familiaris Consortio”- vốn, trong số 84, đã công nhận rằng có thể cho những người ly dị tái hôn được rước lễ nếu họ chấp nhận sống như “anh trai với em gái”, thì không có gì thay đổi, nhưng có tiến triển. Bởi lẽ, trong số 84 đó, khả thể rước lễ là điều “ngầm ẩn”, còn bây giờ, Đức Thánh Cha Phanxicô đưa vào như một sự đổi mới trong liên tục, như chính Đức Karol Wojtyla đã thực hiện đối với các vị tiền nhiệm của Ngài. Về vấn đề tội trọng, Đức Phanxicô trích sách Giáo Lý để soi sáng cho câu hỏi về sự quy trách, một trong những điều kiện để biết liệu có là tội trọng hay không. Đức Hồng y Schönborn cũng đã trả lời câu hỏi của nhà báo về khả năng cho phép một giám mục hay linh mục phân biệt một cách chính xác phải làm gì trong trường hợp cụ thể. “Bạn không thể đùa với các bí tích, đó là sự thật,” Đức Hồng y người Áo cho biết, có vẻ như có ý nói đến một cuốn sách gần đây của Đức Cha Nicola Buz, “nhưng không thể đùa với lương tâm cũng như với Thiên Chúa”. Đức hồng y Schönborn nói: “Một chìa khóa để giải thích Tông huấn này là kinh nghiệm của người nghèo, bởi vì kinh nghiệm của các gia đình nghèo cho thấy: bước nhỏ dọc theo con đường nhân đức có thể còn lớn hơn sự thành công của những người sống một cuộc sống thoải mái.
Iacopo Scaramuzz (Vaticaninsider)
Ngọc Huỳnh lược dịch