Điều không thể tin được là sự trìu mến mà ngài dành cho những bệnh nhân. Ngài không ngại vất vả khi nâng đỡ những con người đau khổ cả về thể xác lẫn tâm hồn
Nói đến Gennaro Maria Sarnelli vào nửa đầu thế kỷ 18 thì không ít người thán phục ngài, bởi ngài là người cao thượng, phán đoán chắc chắn, diễn tả trong sáng, hoàn toàn trung thực, luôn ghê tởm bất cứ cuộc cãi cọ nào và luôn để tâm đưa vụ kiện tới một kết thúc có hậu. Ngài đối xử với mọi người thật nhân từ. Chính vì thế, ngài đã nhanh chóng chiếm được sự quí mến của tất cả mọi người.
Nhà nghiên cứu lịch sử Giovine đã cung cấp một danh mục những bản án được toà án ở Napoli công bố giữa những năm 1722 – 1728 để chứng minh “cái kết cục hạnh phúc của những vụ kiện do Sarnelli xử”, nhưng đồng thời phía sau sự thành công của Gennaro Maria chính là cha ngài, người luôn có mặt bên cạnh con trai mình trong những tháng ngày đầu tiên trong nghề. Còn đối với Gennaro Maria, đây là cơ may để gặp một người bạn như thánh Anphongsô Maria de Ligôri.
Một luật sư hơi đặc biệt
Qua thánh Anphongsô, chúng ta biết Sarnelli chăm chỉ tham dự thánh lễ và nguyện gẫm mỗi ngày. Hơn nữa, những lúc rảnh rỗi, ngài lại chạy đến nhà thờ thánh Francesco Saverio bên cạnh để cầu nguyện. Và nếu một người khách nào hỏi về ngài, thì những người giúp việc cứ trả lời mà không sợ nhầm lẫn: “Hãy đến nhà thờ thánh Francesco Saverio, chắc chắn ông sẽ thấy ngài ở đó”.
Theo một truyền thống chung của các luật sư Napoli, Gennaro Maria đã ghi tên vào Hiệp hội các hiệp sĩ áo dài và Hiệp hội các tiến sĩ do các cha Dòng Những người thợ đạo đức lập ở S. Nicola alla Crità. Ở đây, ngài đã gặp một tiến sĩ luật trẻ tuổi xuất thân từ vùng Pouilles, Don Cesare Spotelli (1701-1750), người cũng đang bước những bước đầu tiên vào luật sư đoàn. Don Cesare cũng sẽ là một trong nhóm người của thánh Anphongsô Maria de Ligôri mà từ đây Hội Dòng Chúa Cứu Thế khai sinh.
“Tôi đau yếu và các bạn đã đến viếng thăm tôi”
Vào thế kỷ XVIII, Napoli chủ trương một thuyết liên hợp dựa trên việc thực hành bác ái. Đó là một sự bổ sung, một toan tính lấp đầy một trong những lỗ hổng đáng sợ nhất của xã hội dân sự theo chế độ xưa, một xã hội không ý thức đủ về trách nhiệm phải quan tâm đến những người nghèo, những người bệnh tật và tù đầy. Nếu lý thuyết ấy đã không phát triển rộng khắp, cũng như không thực sự ảnh hưởng trên xã hội, thì chắc chắn không phải là do người ta thiếu lòng quảng đại. Khi việc trợ giúp những người bên lề xã hội không còn được hiểu đơn thuần như là sự thực hành việc hoàn thiện cá nhân, thì việc trợ giúp đúng lúc của nhiều “hội đoàn” đã phải chịu sự thiếu thốn một dự án thích đáng.
Bởi thời này, nói đến bệnh viện là nói đến giai đoạn cuối của cuộc đời. Tại đây, những đau khổ thể chất và tinh thần trong xã hội được tích tụ lại: những người bệnh nghèo không thể trả tiền bác sĩ (những người giàu thì được chăm sóc tại nhà), những đứa trẻ bị bỏ rơi, những người mắc bệnh tâm thần, những kẻ vô gia cư và những cô gái điếm bị đẩy đến đường cùng, những người mắc bệnh vô phương chữa trị đang thất vọng mà gia đình lại cố ý tống họ đi.
Cho nên khi nói đến bệnh viện Santa Maria del Popolo là người ta nhắc đến một cái tên ghê sợ: Những Con Bệnh Vô Phương Trị. Bệnh viện được thành lập năm 1519 do bà Maria Loreza Longo, người Tây Ban Nha. Thánh Gaétan thành Thienne đã thuyết phục người dân Napoli biến nó thành một trong những bệnh viện được trang bị tốt nhất thế giới. Vào thế kỷ XVIII, bệnh viện đã rộng như ngày nay và trở thành một trong những bệnh viện lớn nhất Châu Âu với hơn hai ngàn giường, và cũng chính từ đây những người ở Napoli coi việc giúp đỡ những người bệnh vô phương chữa trị là một vinh dự đối với họ
chăm sóc những bệnh nhân vô phương chữa trị
Nhờ sự cộng tác của cha Giovani Mazzini và có thể cả của cha Cesare Sportelli, thánh Anphongsô đã để lại cho chúng ta một trong những trang ý nghĩa nhất về hoạt động của Sarnelli tại bệnh viện những người vô phương chữa trị:
“Điều không thể tin được là sự trìu mến mà ngài dành cho những bệnh nhân. Ngài không ngại vất vả khi nâng đỡ những con người đau khổ cả về thể xác lẫn tâm hồn. Khi còn ở ngoài đời, ngài đã xin lương thực của cha mẹ bao nhiêu có thể. Sau đó, ngài đặt tất cả vào trong những cái rổ, gửi đến bệnh viện. Khi đã là linh mục, mỗi lần đến bệnh viện, bên trong áo khoác, ngài mang đến cho những người bệnh khốn khổ ấy, một ít đồ giải khát, bánh ngọt, trái cây, hay thứ gì khác mà rõ ràng ngài đã mua, đôi khi là suất cơm của riêng ngài. Và người ta cũng biết rằng, để mang được lương thực cho bệnh nhân, ngài đã nhờ làm những cái lọ dài bằng đất sét và cho thức ăn đã nấu vào đó. Ngài cột chúng vào thắt lưng và mang đến cho những bệnh nhân. Ngài còn chế cho họ những hộp thuốc lá nhỏ. Ngài đóng giường, rửa chân cho họ và không xao lãng bất cứ sự phục vụ bác ái nào có thể mang lại cho họ sự nâng đỡ cần thiết”.
Thánh Anphongsô giúp cho chúng ta thêm những chi tiết quý cha về lòng yêu mến của Gennaro Maria là người bạn keo sơn của thánh Anphongsô:
“Ngài luôn đến đó và ở lại lâu giờ. Nếu đến vào buổi sáng, ngài ở lại đó đến chiều; nếu đến sau bữa trưa, ngài sẽ ở lại đến một hoặc hai giờ đêm và khi rời khỏi đó, ngài còn luyến tiếc vì không thể ở lại lâu hơn. Chúng ta biết rằng ngài đã xin đến ở hẳn tại bệnh viện “Những người bệnh vô phương chữa trị” để có thể giúp đỡ những người nghèo khổ này cách nhanh chóng hơn, đặc biệt trong giờ lâm chung. Ngài đã có ý tìm một căn phòng, nhưng điều này không thành vì có một sự khó khăn xảy đến”.
N.T.M
Biên soạn dựa trên tác phẩm
“Gennaro Maria Sarnelli – Tông đồ gái điếm thành Napoli”