Sao có nhiều dòng tu quá!

Thưa cha, hiện nay con thấy có rất nhiều Dòng Tu rồi lại có các tu hội đời, Dòng Ba … Có khi có áo dòng có khi không. Con thật sự bối rối, hoang mang chẳng còn biết làm thế nào phân biệt. Có người đặt câu hỏi với con về các Dòng Tu mà con chẳng biết phải trả lời ra sao nữa. Xin cha giúp con.

Giải đáp

Bạn thân mến, có lẽ không phải chỉ có mình bạn bị lúng túng mà nhiều người Công Giáo khác cũng rơi vào tình trạng như bạn.

Để có thể có được những hiểu biết đầy đủ về các Dòng Tu đòi hỏi khá nhiều thời gian và công sức nhưng đơn giản hơn bạn có thể tìm đọc cuốn Niên Giám của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam chắc bạn sẽ có được những thông tin hữu ích. Trong phạm vi của mục tìm hiểu và đối thoại tôi sẽ cố gắng trình bầy giúp bạn hiểu rõ hơn về Dòng Tu, Tu Hội Đời và Tu Đoàn Tông Đồ. Đó là những hình thức quen thuộc của đời sống thánh hiến đã được Giáo Hội công nhận.

•  Dòng Tu theo định nghĩa trong Giáo luật

Điều 607

(2) Dòng tu là một hội xã trong đó các phần tử tuyên giữ các lời khấn công khai trọn đời hay tạm thời, nhưng lập lại khi mãn hạn tuỳ theo luật riêng, và sống chung đời huynh đệ

(3) Việc các tu sĩ làm chứng công khai cho Đức Kitô và cho Giáo Hội bao hàm sự xa cách thế tục, theo một hình thức riêng thích hợp với đặc tính và mục tiêu của mỗi dòng.

Như thế bạn có thể hiểu một cách đơn giản là Dòng Tu gồm những người có lời khấn dòng sống các lời khuyên của Phúc Âm khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục, sống chung với nhau thành cộng đoàn và có một sự cách biệt nào đó với đời sống thế tục, cụ thể là sống trong một tu viện.

•  Tu Hội Đời thường ít đuợc hiểu một cách đầy đủ vì nhiều người thắc mắc không thấy các thành viên tu hội đời mang tu phục. Điều 710 của Giáo Luật đã cho một định nghĩa khá rõ ràng:

Điều 710

Tu hội đời là một Hội Dòng Tận Hiến, trong đó các tín hữu sống giữa đời nhắm tới sự trọn lành của đức ái và dấn thân mưu cầu sự thánh hoá đời ngay ở giữa đời.

Những thành viên của tu hội đời qua việc tuyên giữ những lời khuyên Phúc Âm họ thuộc về một hội dòng tận hiến nhưng không có tu viện và không có đời sống cộng đoàn như các dòng tu vì họ sống giữa đời để thánh hoá môi trường ngay từ bên trong.

•  Các Tu Đoàn Tông Đồ được nói đến trong điều 731 của Bộ Giáo Luật mới

Điều 731

(1) Các Tu Đoàn Tông Đồ đuợc coi như tương đương với Hội Dòng Tận Hiến. Các phần tử của Tu Đoàn Tông Đồ tuy không có lời khấn dòng, nhưng theo đuổi mục tiêu tông đồ riêng của tu đoàn, và nhắm tới sự trọn lành của đức ái do việc sống chung theo một nếp sống đặc thù, và do việc tuân giữ hiến pháp.

(2) Trong số những tu đoàn ấy, có những đoàn trong đó các phần tử chấp nhận các lời khuyên Phúc Âm với một dây ràng buộc do hiến pháp xác định.

Các Tu Đoàn Tông Đồ, như vậy, sẽ không buộc phải có lời khấn dòng nhưng lại có đời sống cộng đoàn. Tuỳ theo hiến pháp mà họ có thể chấp nhận tuân giữ những lời khuyên Phúc Âm.

Tóm lại, nếu là thành viên của dòng tu thì có 3 lời khấn, có đời sống chung trong các tu viện. Thí dụ các Dòng Biển Đức, Dòng Đaminh, Dòng Phanxicô, Dòng Tên, Dòng Chúa Cứu Thế, Dòng Don Bosco, Dòng Thánh Thể, Dòng Mến Thánh Giá, Dòng Đức Bà Truyền giáo, Dòng Thánh Phaolô thành Chartres…

Thành viên của tu hội đời thì có 3 lời khấn nhưng không sống thành cộng đoàn. Thí dụ Tu Hội Hiện Diện và Sống, Tu Hội Nô Tỳ Thiên Chúa, Tu Hội Lao Động Thừa Sai, Tu Hội Dâng Truyền…

Thành viên của Tu Đoàn Tông Đồ thì không buộc có lời khấn tuy có một số Tu Đoàn cũng có lời khấn, nhưng phải có đời sống chung. Thí dụ Tu Đoàn Nữ Tử Bác Ái, Tu Đoàn Đắc Lộ, Tu Đoàn Nhà Cha, Tu Đoàn Nhà Chúa…

•  Về Dòng Ba thì Giáo Luật đã giải thích như sau :

Điều 303

Được gọi là Dòng Ba hay dưới tên nào khác tương tự các Hiệp Hội gồm các thành viên sống giữa đời, nhưng dự phần vào tinh thần thiêng với một Dòng tu, làm việc tông đồ và tiến tới sự hoàn thiện dưới sự điều hành tối cao của Dòng tu đó

Như vậy Dòng Ba không phải là Hội Dòng Tận Hiến hay Tu Đoàn Tông Đồ mà là một Hiệp Hội được Giáo Hội giới thiệu.

Mong rằng những giải thích trên giúp bạn hiểu biết thêm và trả lời cho những thắc mắc của bạn.

Lm Giuse Nguyễn Ngọc Bích CSsR

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết