
Tác giả: Olivier Hanne là một nhà nghiên cứu Hồi giáo và Giảng viên tại Đại học Aix-Marseille.
Cuộc phỏng vấn của Tổ chức Viện trợ các Giáo hội Đau khổ với tác giả.
Vào năm 2015, Olivier Hanne, một nhà nghiên cứu Hồi giáo và Giảng viên tại Đại học Aix-Marseille, đã mô tả điều mà ông coi như là “viễn cảnh có thể xảy ra nhất vào năm 2020 tại Sahel”. Trong cuốn sách ‘Jihad in the Sahel’ đồng tác giả với cán sự huấn luyện Guillaume Larabi, ông đã nhìn thấy trước sự bành trướng của các nhóm khủng bố vũ trang ở Sahel gây tổn hại cho chính quyền quốc gia. Dự đoán của họ đã được xác nhận bởi thực tế.
Cuộc phỏng vấn dưới đây được thực hiện bởi Thomas Oswald thuộc Tổ chức Viện trợ các Giáo hội Đau khổ, Pháp.
ACN: Thay vì ngưng cuộc chiến tại Sahel, Pháp vừa tuyên bố gửi thêm quân tiếp viện bao gồm 600 quân cho Chiến dịch Barkhane (chiến dịch chống nổi dậy đang diễn ra của Pháp ở Sahel). Ông có thể thấy bất kỳ cách thức nào thoát khỏi cuộc khủng hoảng ở Sahel?
Các nhóm khủng bố vũ trang được thiết lập để hoạt động về lâu về dài. Họ nắm quyền cai trị nhiều khu vực rộng lớn của Sahel. Họ có được doanh thu thường xuyên, nhờ vào việc tống tiền người dân địa phương, cũng như từ việc buôn bán bất hợp pháp. Họ kiểm soát các tuyến đường quá cảnh dành cho những người di cư, những con mồi dễ dàng cho hoạt động buôn bán người của họ. Và họ cũng thu được lợi nhuận từ việc buôn bán ma túy, phần lớn trong số đó băng qua cảng Lagos ở Nigeria và được bí mật đưa vào châu Âu. Cocaine, có nguồn gốc từ Nam Mỹ, đi qua sa mạc Sahara, thường được giấu bên trong những lốp xe được bơm căng.
ACN: Nhưng có phải nó không mâu thuẫn với các nhóm tự xưng là tôn giáo tham gia vào việc buôn bán ma túy?
Một điều khá đúng là những người Hồi giáo đứng sau các nhóm khủng bố thích đánh bóng hình ảnh của họ như là những tín đồ Hồi giáo tốt lành, và thường xuyên hơn là họ không tự làm vấy bẩn tay mình bằng việc buôn bán ma túy. Thay vào đó, họ để việc này cho các nhóm tội phạm và bắt họ nộp thuế. Việc thực hành “zakât”, thuế thập phân Hồi giáo đối với hàng nhập lậu, được đánh giá là phù hợp với các quy định của thánh chiến từ năm 2001 trở đi bởi chủ nghĩa thánh chiến Salafi Al-Tartusî của Ai Cập. Tất nhiên, đó là thói đạo đức giả trắng trợn. Nhiều người trong số các chiến binh thánh chiến xuất phát từ thế giới tội phạm. Và nói chung, thực sự không có bất kỳ sự hiểu biết mạch lạc nào giữa các nhóm khủng bố vũ trang khác nhau ở Sahel, những người tự mô tả mình là người Hồi giáo, ngay cả khi họ đề cập đến đế chế hồi giáo “caliphate”, hay nói cách khác là “Daesh”. Ví dụ như, quân đội Nigeria ủng hộ rằng các tù nhân mà họ đã có được từ các nhóm vũ trang này không thực hành Hồi giáo và không được đọc kinh nguyện hàng ngày của họ.
ACN: Ông giải thích thế nào về lý do tại sao các nhóm này có thể nhận được sự hỗ trợ của một bộ phận dân cư trong các khu vực mà họ kiểm soát?
Các khu vực đáng nghi hoàn toàn bị xao lãng và bị bỏ rơi bởi chính phủ của họ. Thậm chí ngay cả trước chủ nghĩa thực dân, họ là những khu vực nơi mà nền kinh tế dựa vào hoạt động buôn bán bất hợp pháp. Chính phủ được coi là xa cách, bất hợp pháp, tham nhũng. Những người trẻ Peul hay Tuareg trẻ hoàn toàn ý thức được việc họ đang sống trong một tình huống vô vọng, không có triển vọng tương lai. Họ sống trong các xã hội có tôn ti trật tự thứ bậc, dưới sự thống trị của các nhà lãnh đạo tôn giáo và những người chủ gia đình. Đối với họ, thánh chiến là một phương tiện của sự giải phóng. Điều hoàn toàn nổi bật là những người mà họ hướng đến ban đầu là những người đứng đầu thôn làng, những người lớn tuổi, trong các khu vực nằm dưới sự kiểm soát của họ. Tôi tin rằng sự thành công của các nhóm khủng bố vũ trang này được giải thích trong một phạm vi rộng lớn bởi sự gia tăng quyền lực của những thanh niên này, khao khát hành động, muốn thể hiện sức mạnh của mình. Đây là lý do tại sao, đặc biệt, Nhà nước Hồi giáo ở Greater Sahara đã gặt hái được rất nhiều thành công kể từ khi nó được thành lập vào năm 2015. Nó hoạt động mạnh mẽ và trở nên hung hăng hơn các nhóm khác như Al Qaeda ở Maghreb thuộc Hồi giáo, chẳng hạn.
ACN: Làm thế nào để những nhóm khủng bố vũ trang này, những người không có các nguồn lực dồi dào, đạt được thành công như vậy khi đối mặt với quân đội chính quy?
Họ rất cơ động và không cần các nguồn lực lớn. Họ tấn công và sau đó phân tán một cách dễ dàng. Và trên hết, họ lợi dụng tình hình của các lực lượng đối mặt với họ! Ở Mali, họ đã có thể tấn công một đồn quân sự mà chẳng hề hấn gì bởi vì các binh lính thậm chí không cảnh giác. Tuy nhiên, đó chính là trình độ huấn luyện quân sự nói chung và khi người ta nhìn thấykiểu hành vi này sau 60 năm hợp tác quân sự giữa Pháp và Mali, người ta trở nên bi quan về tương lai. Không có sự tin tưởng giữa các binh lính và hệ thống phân cấp quân sự của họ, vốn đã dẫn đến kết quả thảm hại. Tại Burkina Faso, chính phủ đang bắt đầu trang bị vũ trang cho dân thường, đây là một sự tiến triển rất đáng lo ngại. Kinh nghiệm đã chỉ ra rằng đây chính là cách khả thi nhất có thể để gieo hạt giống của cuộc nội chiến.
ACN: Tình hình có thể tiến triển như thế nào kể từ bây giờ?
Tôi sợ rằng trong 5 năm tới, việc mở rộng lãnh thổ của các nhóm khủng bố vũ trang sẽ tiếp tục. Việc buôn người sẽ trở nên có tổ chức hơn và sẽ gia tăng hơn nữa. Sau khi mở rộng sự kìm kẹp của họ đối với Sahara thuộc Hồi giáo, mục tiêu tiếp theo sẽ là các địa điểm nơi mà các Kitô hữu và các tín đồ Hồi giáo sinh sống bên cạnh nhau. Tại Burkina Faso và Nigeria, trạng thái cân bằng đã tồn tại cho đến nay đang bị đe dọa. Và trong 5 năm tới, các quốc gia châu Phi này sẽ tiếp tục cần sự hỗ trợ của phương Tây nếu họ muốn tránh thảm họa. Nếu không phải là Chiến dịch Barkhane, Mali đã bị chia cắt làm hai. Và cuộc đảo chính thảm hại ở Chad năm 2013 có thể đã thành công. Tất cả điều này ảnh hưởng đến sự tuyên truyền của các chiến binh thánh chiến, những người muốn tiếp tục trong sự phẫn nộ chống Pháp, nhưng không có cách nào khác để ngăn chặn tình hình khỏi sự thoái hóa vốn vẫn tiếp tục nghiêm trọng hơn.
Minh Tuệ (theo Zenit)