“MỘT THÂN MÌNH”
Dẫn nhập
Một trong những châm ngôn nổi tiếng nhất của Thánh Clêmentê Maria Hofbauer là: “Tin Mừng phải luôn được rao giảng theo cách thức mới.” Toàn thể gia đình Dòng Chúa Cứu Thế cần luôn luôn chú tâm đặc biệt đến những lời này. Emanuel Veith, một trong những cộng sự của thánh nhân ở Vienna và là một nhà giảng thuyết lừng danh, làm chứng rằng Thánh Clêmentê thường lặp lại những lời này nhiều lần và nói “một cách long trọng và dứt khoát” (Monumenta Hofbaueriana XII, 245-246). Rõ ràng, rao giảng một Tin Mừng luôn luôn mới mẻ là một mối bận tâm của thánh Clêmentê.
Đối với các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế, đây thực sự là một châm ngôn rất có giá trị. Nó chỉ ra bản chất của lệnh truyền ra đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo (Hiến Pháp số 1). Đồng thời, nó đòi hỏi chúng ta cần quan tâm đặc biệt đến những chất vấn và niềm hy vọng của con người trong thời đại chúng ta. Vì Tin Mừng đòi hỏi những đôi tai và con tim rộng mở, người rao giảng cần gần gũi với giáo dân để biết và hiểu những hoàn cảnh của họ trong cuộc sống. Là các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế, sứ vụ của chúng ta là phải gần gũi với con người theo cách cụ thể như thế và tham gia vào cuộc đối thoại với thời đại của chúng ta.
Thánh Clêmentê – đối thoại như thế nào với thời đại của ngài?
Khi chúng ta bàn về một “cuộc đối thoại với thời đại” của Thánh Clêmentê, thực sự khó mà tưởng tượng ra nổi. Chúng ta biết rằng Thánh Clêmentê (giống như tất cả những anh em trong Dòng và các cộng sự viên mà ngài quy tụ xung quanh mình) ở một chừng mực nào đó có thể ví giống như một món đồ chơi trong tay những kẻ có quyền ở thời đại ngài. Những gì thánh nhân đã gầy dựng ở Warsaw trong suốt bao năm ngay lập tức bị phá hủy bởi một quyết định độc đoán của Napoléon. Những nỗ lực của ngài để thành lập một cộng đoàn ở miền Nam nước Đức và Thụy Sĩ đã không thể thực hiện được bởi các chính phủ ở đó gây sức ép. Thánh Clêmentê phải trải qua nhiều thất bại nghiêm trọng khác, và phải đến tận sau khi ngài qua đời một thời gian ngắn, hoàng đế Franz II mới cho phép thành lập một cộng đoàn Dòng Chúa Cứu Thế đầu tiên ở đó. Thánh Clêmentê là một nạn nhân của thế quyền trong thời đại của ngài. Đó không phải là một cuộc đối thoại; đó là một cuộc giao tranh (trong đó Thánh Clêmentê gần như bị đánh bại).
Trên đây là những rắc rối liên quan đến chính trị trong cuộc đời của Thánh Clêmentê. Tuy nhiên, bất chấp những hoàn cảnh chính trị bất lợi, các hoạt vụ tông đồ của ngài rất đa dạng và hiệu quả. Điều này đặc biệt đúng với “Đại phúc liên tục” ở Warsaw với nhiều nghi lễ, bài giảng và việc dạy giáo lý, và dấn thân xã hội dành cho trẻ mồ côi và học sinh (theo đó Clêmentê cũng vận động cho việc giáo dục trẻ em nữ). Thánh Clêmentê cũng rất thành công trong vai trò là một mục tử trong các nhóm ở Vienna, nơi đó những thành viên có nguồn gốc và thuộc mọi tầng lớp xã hội khác nhau. Thánh Clêmentê rõ ràng rất gần gũi với những người đương thời với ngài. Thánh nhân biết cách lắng nghe thao thức của họ và đưa ra định hướng cho những gì họ đang tìm kiếm. Ngài biết cách giới thiệu họ với Chúa Giêsu Kitô để họ có thể triển nở trong đức tin tinh tuyền.
Trong thời đại của chúng ta
Ngày nay, chúng ta đang sống trong một thời đại khác với Thánh Clêmentê, sau 200 năm ngày thánh nhân qua đời. Có những vấn nạn và tranh luận khác mà chúng ta đang phải đối mặt. Không có quá nhiều chính quyền gây khó khăn cho sứ vụ của chúng ta, những Tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế – mặc dù ở một vài nơi trong thế giới, tình trạng ấy vẫn còn xảy ra. Thay vào đó, chúng ta phải đối mặt với thách thức mới, nơi con người thời đại chúng ta bị ảnh hưởng bởi xu hướng thế tục hóa và sống xa rời Đức tin. Những vấn đề chúng ta phải đối mặt khác xa với với những vấn đề mà Thánh Clêmentê phải giải quyết trong thời của ngài. Nhưng chúng ta có thể lấy cảm hứng từ thánh nhân để tìm kiếm và tiếp tục cuộc đối thoại với những người của thời đại chúng ta.
Để một cuộc đối thoại như vậy thành công và có kết quả, điều quan trọng kiên quyết là sự sẵn lòng lắng nghe. Điều này áp dụng cho kinh nghiệm mục vụ rất cụ thể của chúng ta trong việc gặp gỡ và lắng nghe mọi người; nó cũng rất hữu dụng cho khi chúng ta làm việc dựa trên kế hoạch và các ưu tiên trong sứ mạng của chúng ta và chuẩn bị đưa ra các quyết định. Chúng ta mở một không gian để lắng nghe người khác. Chúng ta sẵn sàng để người khác kể cho chúng ta biết về cuộc sống và hoàn cảnh của họ. Điểm xuất phát điểm không phải là quan điểm của chúng ta mà là kinh nghiệm và những chất vấn của tha nhân. Theo một cách đặc biệt, đó là việc chúng ta nhận thức được những nhu cầu và ưu tư của cũng như những hy vọng của họ và nhờ đó, chúng ta mới có thể đạt được sự tín nhiệm nơi họ.
Tôi rất ấn tượng khi một anh em trong Dòng từ Philippines nói với tôi về công việc của họ. Khi những thảm họa thiên tai nghiêm trọng ập đến bất kì nơi đâu của của đất nước, họ lên đường giúp đỡ người dân ở đó. Họ mang thức ăn và nước sạch, chăn màn và rất nhiều vật dụng thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày. Nhưng họ cũng lắng nghe những người muốn giãi bày tâm sự: những câu chuyện về sự khó khăn, sợ hãi, lo lắng và đau khổ của người dân. Và dần dần, từng câu chuyện mới về niềm hy vọng bắt đầu được nhen nhóm.
Là một phần trong việc xây dựng Kế hoạch Tông đồ của Dòng Chúa Cứu Thế Vùng Châu Âu, chúng ta đã tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ giữa các anh em và cộng sự viên của Dòng trên khắp Châu Âu trong suốt hai năm qua, cũng như đã có rất nhiều cuộc thảo luận riêng lẻ. Rất nhiều lần, chúng ta đã thảo luận về những ưu tiên mục vụ của Dòng Chúa Cứu Thế và trong những trao đổi ấy, điều đáng chú ý là chúng ta đề cập đến tính thường xuyên và tầm quan trọng của việc lắng nghe.
Để cuộc đối thoại sinh hoa kết quả và tạo ra động lực cho đời sống sứ vụ tương lai, một yếu tố khác cũng quan trọng không kém: khả năng biện phân. Nếu chỉ quan tâm đến những kinh nghiệm, nhu cầu và hy vọng mà thôi thì chúng ta chẳng thể đi xa hơn. Riêng về điểm này, Hiến Pháp số 23 và 24 nói về khả năng biện phân:
“Vì các thành viên được kêu gọi để tiếp tục sự hiện diện của Đấng Kitô và sứ mạng cứu độ của Ngài trong thế giới, họ chọn Đức Kitô làm trung tâm đời sống của họ… Để thực sự thông dự vào tình yêu của Chúa Con đối với Chúa Cha và đối với con người, họ nuôi dưỡng tinh thần chiêm niệm mà nhờ đó đức tin của họ trở nên sâu sắc và được củng cố. Họ có thể nhận thấy Chúa trong con người và trong các biến cố của hàng ngày. Họ sẽ nghiệm ra kế hoạch cứu rỗi của Người trong ánh sáng chân thật và có thể phân biệt giữa đâu là thực và đâu là hư ảo.”
Chỉ khi có cái nhìn rõ ràng về thực tế cuộc sống của một người (và thời đại của chúng ta), kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa và lời hứa của Người đối với thế giới, chúng ta mới có được bức tranh toàn cảnh. Điều đó xảy ra khi một đối tác thứ ba tham gia vào cuộc trò chuyện: “Vì vậy, chính Chúa Cứu Thế và Thần Khí tình yêu của Ngài ở trung tâm của cộng đoàn, để hình thành và duy trì cộng đoàn” (Hiến pháp số 23). Chỉ khi điều này xảy ra mới xuất hiện sự năng động mới đủ sức dẫn chúng ta đi xa hơn và làm cho chúng ta triển nở.
Như tôi đã nói ở trên rằng động lực này đã phát triển một sức mạnh đặc biệt trong cuộc đời của Thánh Clêmentê. Chỉ có một điều cần bổ sung: Thánh Clêmentê đã phát triển một động lực không chỉ ảnh hưởng đến chính cuộc sống mình, mà còn là cuộc sống của những người bạn tâm giao của ngài và những người đã tiếp xúc với ngài. Họ đã nhận được sự thôi thúc, theo một cách khác, đã buộc họ tiếp tục. Đây cũng là kết quả của hoa trái đối thoại: nhiều người khác nhau góp sức để giữ cho nó tiếp tục.
Câu hỏi cho đối thoại:
– Những kinh nghiệm nào mà chúng ta có trong cộng đoàn của mình với “mục vụ lắng nghe”? Chúng ta có hiểu gì từ những người chúng ta gặp?
– Tôi trải qua những gì /chúng ta trải qua những gì trong cộng đoàn của mình như những thách thức đặc biệt đối với đức tin của chúng ta và sứ mạng của chúng ta hôm nay?
– Lời Tin Mừng nào mà tôi / chúng ta nghe được hôm nay như một thách đố hay một sự khích lệ cho đời sống và đức tin của chúng ta?
LỜI CẦU NGUYỆN
Lạy Cha đầy lòng thương xót, trong cuộc đời của Thánh Clêmentê, Cha đã mặc khải cho chúng con sự tươi mới ban đầu của Tin Mừng.
Xin tuôn đổ Thánh Thần của Cha để chúng con có thể phục vụ với sự trung thành sáng tạo trong sứ mạng của Giáo Hội và Hội Dòng.
Xin giúp chúng con sẵn sàng lắng nghe mọi người và ban chúng con có thể đáp ứng các chất vấn và nhu cầu của họ, để hiểu được hy vọng và khao khát của họ. Xin ban cho chúng con đôi mắt rộng mở và trái tim rộng mở để chúng con có thể học hỏi để nhận biết Cha nơi con người và trong các biến cố của cuộc sống hàng ngày.
Xin dạy chúng con lớn lên và tin tưởng vào những lời hứa mà Cha đã trao cho chúng con.
Và khi chúng con đạt đến giới hạn của những gì chúng con có thể đạt được, xin cho chúng con phó thác và sự tin tưởng vào sự hiện diện của Cha, điều vượt xa mọi thứ chúng con có thể đạt được.
Xin khơi dậy trong chúng con sự năng động thừa sai để Giáo Hội của Cha có thể hân hoan công bố niềm vui trọn vẹn của Đấng Cứu Độ, Con của Cha – Đức Giêsu Kitô.
Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Cha.
Amen.
Nguồn: https://www.cssr.news/wp-content/uploads/2020/04/02-EN-In-dialogue-with-our-time.pdf
Người dịch: Tâm An