Khi nhìn vào hàng nghìn người, đủ mọi miền đất nước, mọi lứa tuồi, mọi giới, mọi thành phần, tôn giáo… trong trật tự và ôn hòa, thể hiện tình liên đới với đồng bào bốn tỉnh Miền Trung trong thảm họa môi trường ở Vũng Áng, gây ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài đến kinh tế, nguồn sống, sức khỏe của dân tộc, để đòi Nhà Nước phải minh bạch nguyên nhân thảm họa, chúng ta thấy như khúc dạo đầu của bản trường ca “Bất khuất”.
Trong phạm vi đức tin Công giáo, chúng ta nhìn sự kiện đó dưới một góc độ khác, góc độ của Phúc âm hóa, như được “minh họa” lời của Đức Giáo Hoàng Phanxicô Tông Huấn Evangelii Gaudium. Đức Phanxicô khao khát muốn làm một cuộc Phúc âm hóa bởi những người với lòng nhiệt thành tông đồ đi ra khỏi chính mình
“Giáo Hội được mời gọi đi ra khỏi chính mình và đến với những vùng ngoại biên, không chỉ theo nghĩa địa lý mà còn theo nghĩa hiện sinh: những vùng liên hệ tới mầu nhiệm tội lỗi, đau khổ, bất công, ngu dốt, của những hành động không có tính tôn giáo, của tư tưởng và của mọi cảnh khốn cực” (Hồng Y Ortega, Những ghi chú từ Bài Phát biểu của Đức Hồng Y Bergoglio tại cuộc họp Tiền Mật Viện – Nguồn: Zenit 26/3/2013).
Những người tham gia cuộc tuần hành đối kháng trong trật tự, ôn hòa và đúng với những gì Hiến pháp đã quy định đó, ắt có những người Công giáo là nạn nhân trực tiếp hoặc gián tiếp, có những người vì tình thương liên đới và sự đồng cảm sâu sắc, đã đi ra khỏi nỗi sợ của chính mình, nỗi sợ của sự kỳ thị, của những áp bức, bất công, của việc hành xử bạo lực và lạm quyền của nhà cầm quyền, để đến với đồng loại khốn cực ở vùng ngoại biên.
Vùng ngoại biên ấy được phân ranh bằng những hàng rào thép gai lạnh lùng, vô cảm và tàn nhẫn, như thể những vùng miền, thành phố, và cả những con người, hôm qua còn là đồng bào, là hàng xóm, thì hôm nay bị chia cắt thật sự bởi hai chiến tuyến, bên này và bên kia: bên đàn áp và bên bị đàn áp. Những hàng rào giây thép gai ấy là chứng nhân trực tiếp sự ghê rợn của mầu nhiệm tội lỗi. Những hàng rào giây thép gai ấy vô tội, nhưng trở nên như “tối hậu thư”, như công cụ vây lấy những con người phản kháng kia vào trong sự“đau khổ, bất công, ngu dốt, của những hành động không có tính tôn giáo, của tư tưởng và của mọi cảnh khốn cực”
Nhiều người, trong đó có những bạn trẻ, đã nghe được tiếng thúc giục trong tâm hồn, trong lương tâm mình: “Hãy đi, Ta sai ngươi!” (Xh 3,10); “Ta sai ngươi đi đâu, ngươi cứ đi” (Gr 1,7). Dù không xác tín như Phaolô, “Tôi đến thành nào, thì Thánh Thần cũng khuyến cáo tôi rằng, xiềng xích và gian truân đang chờ đợi tôi (Cv 20,23), thì cũng na ná như vậy. Đó không phải là hành trình vô vọng, bế tắc và không có chủ đích. Thánh Phaolô nói tiếp: “Nhưng mạng sống tôi, tôi coi thật chẳng đáng giá gì, miễn sao tôi chạy hết chặng đường, chu toàn chức vụ tôi đã nhận từ Chúa Giêsu, là long trọng làm chứng cho Tin mừng về ân sủng của Thiên Chúa”. (c.24).
Hôm nay, nhiều người đã đi ra ngoài khu vực an toàn của mình để “đến vùng ngoại biên” và đã bị giam giữ trong “vòng kẽm” của bất công, của bất minh, bất chính. Nhưng chính trong “vòng kẽm” ấy mà họ cần có để thắp sáng lên ánh sáng của Tin Mừng, của lẽ phải và công lý cho những người “còn ngồi trong bóng tối sự chết” (Lc 1,70).
Chúa Kitô đã phục sinh từ cõi chết, đã lên trời vinh hiển và đã ban Chúa Thánh Thần để Người đổi mới mặt đất này; mặt đất đã bị sự dữ và sự tội làm tổn thương, nhưng nó vẫn được Chúa yêu thương, vẫn được sự chăm sóc ân cần của Chúa và sự quan tâm, nhập cuộc của những người thiện tâm quả cảm. Chính họ đã tạo ra những yếu tố cần thiết, đã hình thành nên những chuyển động, những lực đẩy cho xác quyết đến từ niềm xác tín rằng, chân lý cuối cùng sẽ chiến thắng. Cần có thêm nhiều người có đức tin can đảm và những chứng tá sống động để đương đầu với những thách đố trong giai đoạn quan trọng và cũng rất tăm tối này, vì đâu đó thấp thoáng có “các quyền lực tối tăm, các thần dữ” đang thao túng lịch sử (Êph 6, 12).
Jos. Ngô Văn Kha, C.Ss.R.